Thực trạng chung về gian lận báo cáo tài chính tại Việt Nam theo năm:

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 54 - 57)

Theo số liệu đã thống kê, số công ty có gian lận BCTC được thống kê ở bảng sau.

Bảng 4.1. Thống kê số công ty có hiện tượng gian lận BCTC theo năm

Năm 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 Tỷ lệ

gian lận 33% 33% 22% 24% 28% 22% 17% 20% 17%

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

Kết quả cho thấy rằng hiện tượng gian lận BCTC có xu hướng giảm qua các năm. Điều này có thể cho thấy rằng các doanh nghiệp đã kiểm soát hiện tượng gian lận một cách hiệu quả hơn, hạn chế cơ hội cho gian lận xuất hiện. Năm 2012-2013 là giai đoạn hiện tượng gian lận xảy ra nhiều nhất với tỷ lệ 33% số công ty có thực hiện gian lận. Sau khi phát hiện số lượng lớn gian lận, hiện tượng này có xu hướng giảm rõ rệt vào năm 2014 và năm 2015, sau đó lại tăng lên trong năm 2016. Tuy nhiên những năm gần đây từ 2017-2020, hiện tượng gian lận đã ít hơn rất nhiều, giao động trong khoảng 20%.

Xu hướng giảm tỷ lệ gian lận trong những năm gần đây có thể chỉ ra rằng các doanh nghiệp đã kiểm soát tính minh bạch của BCTC hiệu quả hơn. Điều này có thể được thực hiện một phần đến từ việc giảm yếu tố cơ hội xuất hiện trong doanh nghiệp, cụ thể như nâng cao trách nhiệm giám sát của HĐQT thông qua việc hạn chế kiêm nhiệm giữa Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành, tăng tính độc lập của HĐQT, cũng như gia tăng thành viên HĐQT, thành viên BKS, đảm bảo BCTC được lập bởi Ban giám đốc sẽ thể hiện một cách minh bạch nhất tình hình tài chính của công ty.

Cụ thể, công ty Gỗ Trường Thành (TTF) đã có hiện tượng gian lận BCTC ở cả những năm 2013 và 2016. Doanh nghiệp gỗ Trường Thành từng là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gỗ tại Việt Nam. Trước năm 2010, TTF vay nợ rất nhiều để kinh doanh gỗ TEAK - một loại gỗ cao cấp. Tuy

nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, xu hướng tiêu dùng chuyển sang phân khúc trung bình làm cho công ty sa lầy trong các khoản nợ và hàng tồn kho. Năm 2011-2012, các khoản nợ phải trả gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, cuộc tái cơ cấu cuối năm 2013 đem lại hi vọng cho TTF với một loạt các biện pháp được đưa ra như phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, bán nợ xấu, được ngân hàng xóa lãi vay, cùng với việc một công ty con của Vingroup mua lại 49,9% cổ phần và 1200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Từ mức giá 5000đ/cổ phiếu năm 2013, đến 18/7/2016, cổ phiếu TTF đạt mức kỷ lục 43.600đ/cổ phiếu. Nhưng vào ngày 19/7, cổ đông của TTF nhận được thông báo Vingroup tạm dừng chuyển đổi khoản vay trị giá 1202 tỷ đồng do phát hiện một số “sai lệch nghiêm trọng” giữa thông tin, số liệu thực tế với thông tin, số liệu được công bố. Ngày 02/8, Gỗ Trường Thành lại khiến nhà đầu tư bị sốc khi công bố: Lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong quý 2, nguyên nhân là do gần 1000 tỷ đồng giá trị HTK bị “bốc hơi” so với số liệu trên sổ sách.

“Ngày 31/8/2016, công ty kiểm toán E&Y đã công bố báo cáo soát xét báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Ý kiến của Kiểm toán đưa ra cho thấy tình hình tài chính của TTF thực sự không tốt. Hàng loạt dữ liệu đã được điều chỉnh hồi tố cho báo cáo tài chính năm 2015 và các dữ liệu kiểm toán 6 tháng đầu năm 2016. Theo E&Y các điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Nhóm Công ty.”

Một số khoản mục phải điều chỉnh hồi tố đáng chú ý như: Chi phí lãi vay điều chỉnh tăng 23,9 tỷ đồng, dự phòng phải thu khó đòi của năm 2014 và 2015 tăng lần lượt 132,7 và 224,7 tỷ đồng – tương ứng tăng chi phí quản lý năm 2015 thêm 92 tỷ đồng; phân loại lại 598,7 tỷ đồng từ “Vay chuyển đổi dài hạn” sang “Vay chuyển đổi ngắn hạn”, loại trừ lãi chưa thực hiện từ việc thanh lý khoản đầu tư có giá trị 36 tỷ đồng,…

Theo kết quả kiểm toán từ E&Y: “Ban giám đốc TTF đã ghi nhận khoản chênh lệch thiếu khi thực hiện kiểm kê hàng tồn kho với giá trị 1.051,92 tỷ đồng, do vậy giảm giá trị hàng tồn kho với số tiền tương ứng. E&Y không thể xác định được thời điểm phát sinh khoản chênh lệch thiếu này là trong các kỳ báo cáo trước hay trong kỳ báo cáo hiện

hành. Do đó, E&Y không thể xác định được liệu có cần điều chỉnh đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ và báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất giữa niên độ hay không.” Trong bản BCTC này, với việc ghi nhận hao hụt và mất mát hàng tồn kho xấp xỉ 1.052 tỷ đồng, giá vốn hàng bán của TTF đã tăng vọt lên 1.763 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Gỗ Trường Thành âm tới 1.085,5 tỷ đồng.

Cùng với hàng tồn kho, một số giao dịch kinh doanh cũng bị E&Y nghi ngờ là "ảo". Báo cáo soát xét cho biết TTF đã ghi nhận doanh thu từ các nghiệp vụ bán hàng cho một nhóm khách hàng với tổng số tiền là 520 tỷ đồng, chiếm gần 60% doanh thu. EY nhận định rằng: “Dựa trên các thông tin được cung cấp, E&Y không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định tính hiện hữu của các nghiệp vụ bán hàng này. Do đó, E&Y không thể xác định liệu có cần điều chỉnh đối với doanh thu và giá vốn hàng bán đã ghi nhận từ các nghiệp vụ bán hàng này cho kỳ kế toán sáu tháng kết thúc ngày 30 tháng 6 năm 2016.” Lớn nhất trong các giao dịch này là giao dịch với Thương mại và Xây dựng DLC (150,6 tỷ đồng). Đây là một đối tác hợp tác kinh doanh hàng ngoại thất xuất nhập khẩu với TTF. Dù không phải tổ chức có liên quan tới TTF nhưng được biết, năm 2015, TTF đã bảo lãnh tất cả các khoản vay của DLC tại VietABank với giá trị tối đa 420 tỷ đồng. Ngân hàng đã yêu cầu TTF đưa ra phương án xử lý khi hiện DLC đang nợ quá hạn cả gốc lẫn lãi 90 tỷ đồng. So với kết quả của BCTC mà công ty đã trình bày, khoản lỗ 6 tháng đầu năm tăng thêm 13 tỷ đồng, từ lỗ 1.072 tỷ đồng lên 1.083 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến 30/6/2016 tăng thêm 130 tỷ đồng so với số liệu do công ty tự lập đã công bố trước đây (từ 1.082 tỷ đồng lên 1.211 tỷ đồng). Nguyên nhân còn do lỗ lũy kế chưa phân phối kỳ trước đã có sự thay đổi, tăng từ lỗ 9,35 tỷ đồng (báo cáo tự lập) lên lỗ 130 tỷ đồng (báo cáo soát xét).

E&Y cũng nhấn mạnh tính hình tài chính hiện hiện nay của TTF với khoản lỗ riêng trong 6 tháng đầu năm 1.085 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới ngày 30/6 đã lên tới 1.211,4 tỷ đồng. Vào ngày 30/6/2016, nợ phải trả ngắn hạn của TTF đã vượt hơn tài sản ngắn hạn với số tiền là 425 tỷ đồng. “Các điều kiện này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không

chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Nhóm Công ty.”

Việc phải điều chỉnh giảm tới 218 tỷ đồng khoản phải thu số liệu đã được DFK kiểm toán "chốt" cùng TTF vào cuối năm 2015 vì phát hiện thiếu khi kiểm kê hàng tồn kho 6 tháng sau đó đã thể hiện một mối liên hệ với nhau giữa các số liệu này. Nghi vấn mà nhiều nhà đầu tư đưa ra là 218 tỷ đồng phải thu này nhiều khả năng là không "có thật", và liệu có tồn tại việc "bắt tay" nào giữa DFK và TTF hay không.

Không nói đến những nội dung E&Y không thể đưa ra kết luận, ngay những khoản phải điều chỉnh hồi tố cũng đã cho thấy báo cáo tài chính của TTF có nhiều vấn đề như ghi thiếu công nợ và chi phí, ghi khống doanh thu, đánh giá sai tài sản (trích lập thiếu dự phòng), phân loại không đúng kỳ đối với khoản vay lên tới gần 600 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho bị mất quá lớn khiến người ta không thể nghĩ đến trường hợp biển thủ, ăn cắp tài sản mà buộc phải cho rằng có sự liên kết giữa TTF và công ty kiểm toán trong việc kê khống số tài sản khổng lồ cả về giá trị lẫn khối lượng này.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)