Kiểm soát từ bên trong doanh nghiệp không hiệu quả:

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 42 - 46)

Quy mô Hội đồng quản trị

Cấu trúc số lượng thành viên trong HĐQT cũng là một yếu tố cần cân nhắc trong việc giám sát các hoạt động của Ban quản lý. Số lượng nhiều hơn thành viên HĐQT có thể đưa ra nhiều ý kiến và quyết định đa chiều, đúng đắn hơn cho doanh nghiệp. Các nghiên cứu của Peasnell và cộng sự (2000), Chtourou và cộng sự (2001), Xie và cộng sự (2003) chỉ ra rằng quy mô hội đồng quản trị lớn hơn nâng cao sự minh bạch của các báo cáo kế toán, đồng thời nghiên cứu của Yermack (1996), Alonso và cộng sự (2000), Nguyen và cộng sự (2007), cho thấy sự tăng tăng cường chất lượng thông tin kế toán của doanh nghiệp khi có nhiều thành viên HĐQT. Nghiên cứu của Nakashima (2018) cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể về giá trị trung bình cũng như độ lệch chuẩn của số lượng thành viên HĐQT giữa công ty gian lận và không gian lận. Từ đó tác giả đề xuất giả thuyết:

H3: Doanh nghiệp có tỷ lệ quy mô HĐQT càng thấp thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Tính độc lập của Hội đồng quản trị

Nghiên cứu của Fama và Jensen (1983) cho thấy rằng tỷ lệ cao hơn các thành viên HĐQT độc lập sẽ làm tăng hiệu quả của hội đồng quản trị với tư cách là người giám sát quản lý. Beasley và cộng sự. (2000), Beasley (1996), Dechow và cộng sự. (1996) và Dunn (2004) quan sát thấy rằng các công ty gian lận luôn có ít thành viên bên ngoài hơn trong ban giám đốc của họ so với các công ty không gian lận. Từ đó tác giả đề xuất giả thuyết:

H4: Doanh nghiệp có tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT càng thấp thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Chuyên môn Hội đồng quản trị

Hơn nữa, mức độ chuyên môn của ủy ban kiểm toán trong các vấn đề tài chính cũng có thể làm giảm cơ hội gian lận báo cáo tài chính. Tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát có thể do chất lượng của hội đồng thành viên và ủy ban kiểm toán có thể được đo lường thông qua nền tảng và chuyên môn tài chính. Sự kém hiệu quả của kiểm soát nội bộ do thiếu chuyên môn của ủy ban kiểm toán cho thấy mối quan hệ tích cực (Prayatna và cộng sự, 2014). Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy chuyên môn tài chính là một yếu tố quyết định chất lượng báo cáo tài chính. (Barton, 2004) đề xuất rằng hội đồng quản trị phải có khả năng chủ động xây dựng chiến lược công ty, giám sát quản lý rủi ro, đóng góp vào kế hoạch kế nhiệm CEO và đảm bảo rằng công ty đáp ứng các mục tiêu tài chính đã đặt ra. Từ đó tác giả đưa ra giả thuyết:

H5: Doanh nghiệp có tỷ lệ thành viên trong HĐQT có chuyên môn về tài chính càng thấp thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Số lượng buổi họp của Hội đồng quản trị

Ronen và Yaari (2008) cho rằng “một HĐQT năng động, tổ chức nhiều cuộc họp sẽ có nhiều khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình phù hợp với lợi ích của cổ đông, đồng thời nỗ lực hơn trong việc giám sát việc công bố BCTC”. Xie và cộng sự (2003) đã nghiên cứu dựa trên thống kê 282 doanh nghiệp ở thị trường Mỹ đã chỉ ra rằng nếu HĐQT có tần suất họp thường xuyên thì sẽ có cơ hội để giám sát các vấn đề, từ đó có thể phát hiện kịp thời những sai phạm hay gian lận trên BCTC. Ronen và Yaari (2008)

cho rằng việc xây dựng một HĐQT tích cực, có tần suất họp liên tục sẽ giúp hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn, phù hợp với lợi ích của các cổ đông trong doanh nghiệp hơn. Từ đó tác giả đề xuất giả thuyết:

H6: Số lượng các cuộc họp HĐQT càng thấp thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Sự kiêm nhiệm giữa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành

Loebbecke & cộng sự (1989), Beasley (1996), Abbott & cộng sự (2000) và Dunn (2004) đã kết luận khi giám đốc điều hành đồng thời nắm giữ các chức vụ quan trọng khác trong công ty thì sẽ có khả năng ảnh hưởng đến mọi quyết định của doanh nghiệp. Như vậy, việc kiểm soát quá trình ra quyết định tạo ra cơ hội để họ tham gia vào các hành vi gian lận. Tương tự Skousen (2009), cùng với Lou (2011) đều cho rằng “việc kiêm nhiệm chức danh giám đốc điều hành (CEO) và chủ tịch hội đồng quản trị là dấu hiệu của gian lận.” Bên cạnh đó Jensen (1993) cũng cho rằng có một HĐQT hiệu quả thì điều quan trọng là phải tách biệt vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành.

H7: Doanh nghiệp có chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm giám đốc điều hành thì khả năng gian lận báo cáo tài chính cao

Quy mô Ban kiểm soát

Harrast và cộng sự (2007) chỉ ra rằng các ủy ban kiểm toán giúp ngăn chặn gian lận trong quản lý và nâng cao tính trung thực của báo cáo tài chính. “Lin và cộng sự (2006) nghiên cứu 106 công ty ở Mỹ về mối quan hệ giữa hành vi quản trị lợi nhuận với các nhân tố liên quan đến ủy ban kiểm toán công ty như tính độc lập, quy mô, chuyên môn về tài chính và cơ cấu sở hữu vốn. Kết quả của nhóm tác giả cho thấy số lượng thành viên trong ủy ban này có quan hệ ngược chiều với mức độ quản trị lợi nhuận.”

Ngoài ra, các nghiên cứu của Omar & Yusof (2018), Rengganis et al. (2019) và Nindito (2018) cho rằng tồn tại ủy ban kiểm toán độc lập, số lượng ủy viên độc lập tỷ lệ nghịch với khả năng gian lận. Trong cấu trúc quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam có bộ phận Ban kiểm soát có nhiệm vụ giống như các cơ quan tư pháp trong mô hình tam quyền phân lập nhằm giúp các cổ đông kiểm soát hoạt động quản trị và quản lý điều hành công ty.

Vì vậy, số lượng thành viên Ban kiểm soát có thể ảnh hưởng đến gian lận báo cáo tài chính. Từ đó, tác giả đề xuất giả thuyết:

H8: Doanh nghiệp có số lượng các thành viên Ban kiểm soát càng thấp thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Tỷ lệ thành viên nữ trong Hội đồng quản trị

Gavious, Segev và Yosef (2012) đã thực hiện nghiên cứu và cho rằng các quyết định điều chỉnh kế toán được giảm thiểu tương ứng với số lượng phụ nữ trong BGĐ và ủy ban kiểm toán. Srinidhi, Gul và Tsui (2011) đã chỉ ra rằng sự tham gia của HĐQT nữ làm cho báo cáo công bố có chất lượng hơn. Adams và Ferreira (2009) nhận thấy rằng các nữ giám đốc có tác động tích cực đáng kể đến hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị thông qua hồ sơ tham dự tốt hơn và có nhiều khả năng tham gia các ủy ban giám sát với trách nhiệm báo cáo minh bạch. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sự có mặt của các thành viên HĐQT là nữ có thể giúp nâng cao hiệu quả của HĐQT và đồng thời là cải thiện hiệu suất của công ty (Huse & Solberg, 2006; Kim, Roden & Cox, 2013). Mặt khác, một số nhà nghiên cứu khác lại không tìm được sự khác biệt về giới trong các đánh giá đạo đức giữa những người hành nghề kinh doanh (Shafer, Morris, & Ketchand, 2001; Abdolmohammadi, Read & Scarbrough, 2003).

H9: Doanh nghiệp có tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT càng thấp khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Tỷ lệ sở hữu của Hội đồng quản trị

Theo nghiên cứu của Nakashima và cộng sự (2017), thành viên nội bộ của doanh nghiệp có lợi ích tài chính gắn liền với doanh nghiệp (nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp, những phần thưởng có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh hoặc trên BCTC,...) thì sẽ có khả năng thực hiện những gian lận. Nghiên cứu của Beneish (1999) và Skousen và cộng sự (2008) cũng đã nghiên cứu về yếu tố này.

Khi HĐQT nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu cao có thể làm giảm chất lượng BCTC. Từ đó gia tăng hành vi quản trị lợi nhuận (Sarkar và cộng sự, 2008) và giảm chất lượng thông tin BCTC. Các thành viên hội đồng có thể lợi dụng quyền hạn của mình làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của các thông tin được công bố (Firth, Fung và Rui, 2007).

H10: Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của thành viên HĐQT càng lớn thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Tỷ lệ sở hữu của Ban giám đốc

Nghiên cứu được thực hiện bởi Omoye & công sự (2014) cho thấy “quyền sở hữu của người quản lý ảnh hưởng tiêu cực đến báo cáo tài chính gian lận. Mức độ sở hữu cổ phần của người quản lý càng lớn thì khả năng gian lận càng nhỏ. Nghiên cứu khác được thực hiện cũng ủng hộ rằng quyền sở hữu của người quản lý có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến các báo cáo tài chính gian lận” (Owen-Jackson và cộng sự, 2009; Kent và cộng sự, 2010; Siahaan, 2013).

H11: Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của thành viên Ban giám đốc càng lớn thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Tỷ lệ sở hữu của Ban kiểm soát

Theo Lavelle (2002), các thành viên uỷ ban kiểm toán độc lập nắm giữ tỷ lệ cổ phần cao có thể tạo ra nghi ngờ, do khi họ nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn thì có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của họ. Tương tự, Carcello & Neal (2003) cho rằng trong trường hợp uỷ ban kiểm toán nắm giữ cổ phần cao trong công ty, họ có thể tạo ra những tác động trên BCTC để bảo vệ lợi ích của mình.

H12: Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của thành viên Ban kiểm soát càng lớn thì khả năng gian lận báo cáo tài chính càng cao.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)