Nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng yếu tố cơ hội

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 33 - 42)

Nghiên cứu của Skousen và cộng sự (2009) cho rằng các nhân tốt thuộc cơ hội có thể dẫn đến gian lận BCTC là: những yếu tố về đặc điểm ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, thiếu hiệu quả từ việc giám sát của ban quản trị, cấu trúc tổ chức phức tạp hoặc bất ổn định hoặc là kiểm toán nội bộ không hiệu quả. Trong bài nghiên cứu, tác giả sẽ phân tích ảnh hưởng của yếu tố cơ hội dựa trên ba nhóm nhân tố chính. Thứ nhất là do đặc điểm ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, yếu tố thứ hai đến từ việc kiểm soát từ bên trong doanh nghiệp không hiệu quả và yếu tố thứ ba đến từ việc kiểm toán độc lập bên ngoài.

2.3.2.1. Đặc điểm ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp

Nghiên cứu của Skousen và cộng sự (2009) cho rằng số dư cuối kỳ của một số tài khoản trên BCTC được tính toán phần lớn dựa trên các ước tính và xét đoán chủ quan. Summers và cộng sự (1998) cũng rằng các ước tính về các khoản nợ phải thu khó đòi cũng như hàng tồn kho quá hạn thường được xác định một cách chủ quan. Theo quy định của Thông tư số 48/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính, vào thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC) năm, nếu các khoản nợ phải thu được xác định khó đòi, DN phải dự kiến mức tổn thất có thể xảy ra hoặc tuổi nợ quá hạn của các khoản nợ và tiến hành lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, kèm theo các chứng cứ chứng minh các khoản nợ khó đòi đã nêu. Đối với hàng tồn kho, cần lập dự phòng cho những HTK có giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được. Những khoản mục này yêu

cầu định giá và xét đoán chủ quan từ người quản lý, vì vậy sẽ dễ có khả năng các nhà quản lý sẽ lợi dụng những khoản mục này để thao túng báo cáo tài chính bằng cách che giấu các khoản dự phòng để làm đẹp lợi nhuận hoặc ghi tăng dự phòng cho những năm hoạt động tốt, để dành lợi nhuận cho những năm tiếp theo. Ngoài ra, nghiên cứu của Loebbecke và cộng sự (1989) cho kết quả rằng có gian lận trong mẫu của họ liên quan đến các khoản phải thu và hàng tồn kho. Nghiên cứu của Sihombing và cộng sự (2014) cũng chỉ ra rằng khoản mục phải thu làm tăng khả năng gian lận BCTC.

Tuy nhiên cũng có nghiên cứu của Ardiyani và cộng sự (2015) đã chỉ ra rằng biến số bản chất của ngành có ủy quyền hàng tồn kho không ảnh hưởng đến gian lận báo cáo tài chính. Nghiên cứu của Sukirman và cộng sự (2013) cho thấy tài chính yếu tố bản chất của ngành thông qua chênh lệch số dư khoản mục phải thu không ảnh hưởng đến gian lận BCTC.

2.3.2.2. Kiểm soát từ bên trong doanh nghiệp không hiệu quả:

Quy mô Hội đồng quản trị

Theo lý thuyết đại diện “HĐQT được xác lập nhằm thực hiện giám sát và theo dõi hoạt động của người quản lý nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông”. Có hai quan điểm khác nhau liên quan đến quy mô HĐQT. Quan điểm đầu tiên cho rằng số lượng thành viên trong HĐQT càng lớn thì mức độ cảnh giác với các vấn đề doanh nghiệp càng nhiều vì khi đó HĐQT có nhiều thành viên có kinh nghiệm để theo dõi và kiểm tra các hoạt động của nhà quản lý (Kiel và cộng sự, 2003). Bên cạnh đó, quy mô lớn cho phép HĐQT công ty tiếp cận với nhiều thông tin liên quan và nâng cao chất lượng của HĐQT trong việc giám sát (Klein, 2002; Pfeffer, 1972). Tuy nhiên, hiệu quả của hội đồng quản trị bị giảm khi quy mô hội đồng quản trị lớn vì khó đạt được thỏa thuận liên quan đến các quyết định của hội đồng quản trị. Theo Jensen (1993), quy mô lớn so với quy mô nhỏ tương đối kém hiệu quả hơn trong việc đưa ra những nghị quyết cho doanh nghiệp.

Trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu đều chỉ ra quy mô hội đồng quản trị lớn hơn nâng cao sự minh bạch của các báo cáo kế toán, (Peasnell và cộng sự, 2000; Chtourou và cộng sự, 2001; Yu, 2008) và tăng cường chất lượng thông tin kế toán của doanh nghiệp (Yermack, 1996; Alonso và cộng sự, 2000; Nguyen và cộng sự, 2007),

cũng có những nghiên cứu với quan điểm trái ngược rằng các hội đồng quản trị với quy mô lớn hơn có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ quan liêu và mâu thuẫn trong quyền lợi và quan điểm làm ảnh hưởng đến sự minh bạch của BCTC (Sow và cộng sự, 2019).

Tính độc lập của Hội đồng quản trị

Nghiên cứu trước đây ghi nhận rằng tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập cao hơn làm tăng chất lượng của BCTC (Beasley, 1996; Dechow và cộng sự, 1996; Klein, 2002; Vafeas, 2005). Các thành viên HĐQT kiêm nhiệm Ban quản lý là những người có thể cung cấp kiến thức có giá trị liên quan đến hoạt động của công ty, nhưng họ có động cơ che giấu kết quả hoạt động kém để đảm bảo công việc và các khoản lương thưởng liên quan được duy trì. Kiến thức nội bộ và tình trạng toàn thời gian của họ có thể dễ dàng biến hội đồng quản trị thành một công cụ quản lý và làm ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông (Williamson, 1984). Mặt khác, các thành viên HĐQT độc lập có động cơ mạnh mẽ thực hiện các nhiệm vụ giám sát của họ một cách tích cực để bảo vệ danh tiếng của họ trên thị trường giám đốc bên ngoài (Vafeas, 2005; Maggina & Tsaklanganos, 2012). Do đó, theo Beasley & cộng sự (2001), Kaplan & cộng sự (1990), các giám đốc này sẽ tích cực hơn trong việc hạn chế các hành vi làm giảm chất lượng báo cáo tài chính hoặc vi phạm luật chứng khoán.

Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu cho kết quả khác biệt như nghiên cứu của Park và cộng sự (2004) đã không tìm thấy mối liên hệ giữa điều chỉnh lợi nhuận và sự độc lập của hội đồng quản trị cho mẫu các doanh nghiệp tại Canada. Bùi Văn Dương và Ngô Hoàng Điệp (2017) cũng cho kết luận giữa số lượng thành viên hội đồng quản trị không điều hành và điều chỉnh lợi nhuận không có mối quan hệ với nhau.

Chuyên môn của Hội đồng quản trị

Theo lý thuyết nhà quản lý cấp cao (Upper Echelon Theory), trình độ học vấn của nhà quản lý cấp cao có thể ảnh hưởng đến các quyết định trong việc lựa chọn chiến lược phù hợp cho công ty và do đó ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Các giám đốc phải có kiến thức tài chính kế toán để giám sát quá trình lập báo cáo tài chính, kiểm soát sự thao túng và đảm bảo thông tin tài chính được cung cấp minh bạch. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy chuyên môn tài chính là một yếu tố quyết định chất

lượng báo cáo tài chính. Barton (2004) đề xuất rằng hội đồng quản trị phải có khả năng chủ động xây dựng chiến lược công ty, giám sát quản lý rủi ro, đóng góp vào kế hoạch kế nhiệm CEO và đảm bảo rằng công ty đáp ứng các mục tiêu tài chính đã đặt ra. Điều này chỉ có thể đạt được nếu các thành viên hội đồng quản trị bao gồm các giám đốc có chuyên môn về tài chính kế toán. Nghiên cứu của Nguyễn Tiến Hùng và cộng sự (2018) chỉ ra rằng “trình độ học vấn của hội đồng quản trị tác động ngược chiều với hành vi gian lận BCTC, điều này là phù hợp với thực tế, vì những người có trình độ học vấn càng cao sẽ phát hiện ra được những bất ổn trên BCTC và từ đó họ sẽ đưa ra những biện pháp khắc phục phù hợp trong việc ngăn chặn gian lận BCTC.”

Mặt khác, Hashim (2009), Iskanadr và cộng sự (2004) và Rahman và cộng sự (2006) không tìm ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa chuyên môn tài chính của HĐQT với việc gian lận BCTC thông qua điều chỉnh lợi nhuận ở các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Malaysia.

Số lượng các buổi họp của Hội đồng quản trị

Theo một số các nghiên cứu, số buổi họp của HĐQT cũng sẽ ảnh hưởng đến hành vi gian lận BCTC. Theo thông thường thì các công ty niêm yết phải công bố BCTC theo mỗi quý nên mỗi năm cần phải có ít nhất là 4 buổi họp để thông qua BCTC trước khi phát hành. Ngoài ra, để HĐQT có thể nắm bắt kịp thời các công việc và thông tin của doanh nghiệp, cũng như thống nhất các nội dung quan trọng trong việc kinh doanh và đầu tư, số lượng cuộc họp HĐQT tại các công ty có thể tăng lên để phù hợp với tình hình các công ty. Xie và cộng sự (2003) nghiên cứu 282 doanh nghiệp trên thị trường Mỹ đã chỉ ra rằng nếu HĐQT tổ chức họp một cách thường xuyên thì sẽ có nhiều vấn đề được quan tâm và giải quyết, từ đó có thể phát hiện kịp thời những sai phạm hay gian lận trên BCTC. Bên cạnh đó, một HĐQT năng động, tổ chức một số lượng nhiều hơn các buổi họp sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn trong việc giám sát và đưa ra các quyết định đúng với lợi ích của cổ đông, đồng thời nỗ lực hơn trong việc giám sát việc công bố BCTC, theo Ronen và Yaari (2008).

Ở một số quốc gia Luật QTDN không chấp nhận Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh Giám đốc điều hành. Có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Lý thuyết đại diện cho rằng việc kiêm nhiệm này không tốt cho hoạt động của doanh nghiệp do làm mất đi tính giám sát và kiểm soát Giám đốc điều hành (Rechner và Dalton, 1991). Ban giám đốc có thể cản trở hoạt động giám sát của giám đốc độc lập bằng cách tận dụng kiến thức bên trong cũng như ảnh hưởng của giám đốc điều hành khi giám đốc điều hành kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị (Beasley & cộng sự, 2001). Jensen (1993) cho rằng điều quan trọng là phải tách biệt vị trí chủ tịch và CEO để có một hội đồng quản trị hiệu quả. Một nghiên cứu dựa trên 627 công ty Canada của Beasley & cộng sự (2001) cho thấy những công ty tách biệt vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành có chất lượng BCTC được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, lý thuyết quản lý thì cho rằng ngược lại, việc kiêm nhiệm có thể tạo ra cơ hội tốt hơn cho doanh nghiệp bởi vì sự đồng thuận, thống nhất trong mọi quyết định, từ đó quyết định đưa ra sẽ tốt hơn và nhanh hơn khi tách rời hai vị trí này Donaldson và Davis, 1991). Nghiên cứu của Ghosh và cộng sự (2010) không tìm thấy mối quan hệ nào giữa quản trị lợi nhuận và sự tách biệt giữa các vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành.

Quy mô Ban kiểm soát

Theo quy chế QTDN đại chúng, quy mô của ban kiểm soát của các doanh nghiệp nên là từ 3 đến 5 thành viên. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường và môi trường kinh doanh, tính đa dạng của kế toán ngày càng tăng lên, số lượng thành viên BKS phải phù hợp nhằm đảm bảo giám sát tối ưu các vấn đề tài chính, kinh doanh mà công ty phải đối diện. Mức độ hiệu quả của BKS chịu ảnh hưởng bởi số lượng thành viên và sự phối hợp giữa các thành viên. Nguồn lực quá ít sẽ không đủ để thực hiện hết nhiệm vụ nhưng số lượng quá nhiều, thiếu chuyên môn và phối hợp không đồng bộ có thể dẫn đến hiệu quả công việc thấp. Harrast và cộng sự (2007) chỉ ra rằng các ủy ban kiểm toán giúp ngăn chặn gian lận trong quản lý và nâng cao tính trung thực của báo cáo tài chính. Lin & cộng sự (2006) cho rằng các quy mô uỷ ban kiểm toán lớn hơn sẽ giám sát tính minh bạch báo cáo tài chính một cách tốt hơn. Quy mô của các ủy ban kiểm toán giúp giảm

thiểu mức độ gian lận và giả mạo trong báo cáo tài chính, theo Huang & cộng sự (2005), Hamdan & cộng sự (2011) và Felo và cộng sự (2003).

Tuy nhiên, Qaraqish (2009) không tìm thấy mối quan hệ giữa quy mô ủy ban kiểm toán và việc thao túng lợi nhuận. Davidson và cộng sự (2005) cũng đã đưa ra kết luận tương tự. Trong nghiên cứu của họ về 434 công ty niêm yết của Úc, họ không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa mức tuỳ ý của chi phí dồn tích với quy mô của các ủy ban kiểm toán. Nghiên cứu của Baxter và Cotter (2009) trên dữ liệu niêm yết của Malaysia năm 2001; nghiên cứu của Nekhili và cộng sự (2016) sử dụng dữ liệu các công ty ở Pháp không tìm ra mối quan hệ giữa quy mô của ủy ban kiểm toán với hành vi quản trị lợi nhuận.

Tỷ lệ thành viên nữ trong Hội đồng quản trị

Có nhiều nghiên cứu tập trung vào vai trò của các nữ giám đốc đối với hiệu quả của HĐQT. Gavious và cộng sự (2012) đã tìm thấy mối quan hệ tiêu cực giữa sự hiện diện của các giám đốc nữ và việc quản trị lợi nhuận trên BCTC. Họ lập luận rằng các hành vi gian lận được giảm thiểu tương ứng với số lượng phụ nữ trong ban giám đốc và ủy ban kiểm toán. Srinidhi và cộng sự (2011) cho thấy rằng sự tham gia của nữ hội đồng quản trị có làm cho BCTC có chất lượng cao hơn. Adams và Ferreira (2009) nhận thấy rằng các nữ giám đốc có tác động tích cực đáng kể đến hiệu quả hoạt động của HĐQT. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sự hiện diện của phụ nữ cải thiện cả hiệu quả của hội đồng quản trị và hiệu suất của công ty (Huse & Solberg, 2006; Campbell & Minguez- Vera, 2008). Các thành viên nữ thường đưa ra các quan điểm khác nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định có đầy đủ thông tin, từ đó tăng tính hiệu quả của việc giám sát (Rose 2007; Srinidhi và cộng sự, 2011). Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ có xu hướng không thích rủi ro và ít tham gia các hành vi gian lận khi có cơ hội hơn nam giới (Ambrose & cộng sự, 1999; Thorne và cộng sự, 2003; Krishnan và cộng sự, 2008). Cox và Radtke (2000) nhận thấy rằng khi những người khai thuế là phụ nữ cảm thấy có trách nhiệm giải trình trong việc tuân thủ luật thuế hơn nam giới. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng phụ nữ thận trọng hơn và các phán đoán kinh doanh của họ có đạo đức hơn (Vermeir và cộng sự, 2007).

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về giới trong các phán đoán đạo đức giữa những người hành nghề kinh doanh (Sun và cộng sự, 2011; Shafer và cộng sự 2001; Razzaque & cộng sự, 2002; Abdolmohammadi và cộng sự, 2003)

Tỷ lệ sở hữu của Hội đồng quản trị

Khi HĐQT nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu cao có thể làm giảm chất lượng BCTC do sự tập trung quyền sở hữu làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn xung quanh vấn đề về người đại diện và giữa cổ đông đa số và cổ đông thiểu số. Sự tập trung quyền sở hữu này làm tăng hành vi quản trị lợi nhuận (Sarkar và cộng sự, 2008) và do đó làm giảm chất lượng thông tin BCTC. Các thành viên hội đồng có thể lợi dụng quyền hạn của mình làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của các thông tin được công bố (Firth, Fung và Rui, 2007). Ngược lại với quan điểm trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu HĐQT nắm giữ cổ phiếu của công ty, họ đồng thời là chủ sở hữu và do đó sẽ hành động vì lợi ích của cổ đông. Đây cũng là lý do mà nhiều công ty sử dụng chế độ thưởng cổ phần cho thành viên hội đồng nếu kết quả hoạt động của công ty khả quan. Nghiên cứu Vu và cộng sự (2017) kết luận rằng sự tập trung quyền sở hữu của HĐQT có tác động tích cực đến hiệu quả sử dụng tài sản của công ty. Tương tự, tỷ lệ sở hữu của HĐQT có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với hành vi quản trị lợi nhuận (Bozec, 2008) và với phí kiểm toán (phí kiểm toán được cho rằng có mối liên hệ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro về sai phạm của các BCTC) (Gul và Goodwin, 2010).

Tỷ lệ sở hữu của Ban giám đốc

Quyền sở hữu của người quản lý cho rằng sẽ làm giảm vấn đề về đại lý và người đại diện. Quyền sở hữu của người quản lý có nghĩa là người quản lý có vai trò như một

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA YẾU TỐ CƠ HỘI TỚI KHẢ NĂNG GIAN LẬN BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM (Trang 33 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)