Những biến đổi các quan hệ gia đình trong gia đình Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Giáo trình Gia đình và giáo dục gia đình (Trang 26 - 27)

III. NHỮNG BIẾN ĐỔI GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY 1.1 Những yếu tố cơ bản tác động đến gia đình Việt Nam hiện nay

1.3. Những biến đổi các quan hệ gia đình trong gia đình Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, gia đình là nơi các thành viên gắn bó, quan tâm đến nhau một cách khuôn phép và chữ hiếu luôn luôn đựơc coi trọng. Các mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ - con cái, anh em, ông bà – cháu chắt... luôn đặt sự hoà thuận, thuỷ chung, nhường nhịn, và tình nghĩa lên hàng đầu. Trong đó quan hệ vợ chồng là mối quan hệ chủ chốt và quan tọng nhất. Đây là mối quan hệ chi phối toàn bộ đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của các thành viên khác. Trên con đường đổi mới, gia đình Việt Nam cũng như các mối quan hệ của nó đang có những biến đổi để thích nghi với thực tế cuộc sống. Tuy những cái mới và cái cũ vẫn còn đan xen với nhau như người vợ vẫn giữ vai trò chính trong công việc nội trợ và chăm sóc gia đình, còn người chồng vẫn mong muốn giữ vai trò trụ cột về kinh tế, nhưng so với gia đình truyền thống thì mối quan hệ vợ chồng trong các gia đình hiện nay đã dân chủ hơn, bình đẳng hơn. Nếp sống “chồng chúa, vợ tôi” theo chế độ gia trưởng, độc đoán, gần như biến mất khỏi các gia đình. Người vợ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng mà đã tham gia vào vịêc quyết định các công việc hệ trọng và phân công lao động trong gia đình. Trong nhiều gia đình sự chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc con cái giữa vợ và chồng đã diễn ra ở mức độ khác nhau.

Bên cạnh sự chia sẻ công việc gia đình từ phía người chồng và sự tham gia của người vợ vào các quyết định quan trọng của gia đình, các giá trị tinh thần của cuộc sống vợ chồng như tôn trọng, bình đẳng, hoà hợp tình dục, nhu cầu sống độc lập... ngày càng được coi trọng trong các gia đình, nhất là những gia đình có trình độ học vấn cao hoặc các gia đình trí thức trẻ.

Sự đóng góp quan trọng của người vợ trong kinh tế gia đình không chỉ diễn ra ở thành phố mà còn diễn ra ở nông thôn và miền núi. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi mối quan hệ vợ chồng truyền thống và tạo nên sự dân chủ bình đẳng trong cuộc sống gia đình .

Nhiều người chồng đã vui vẻ chấp nhận vai trò kinh tế của người vợ, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số không chấp nhận thực tế này, họ không muốn mất đi vai trò gia trưởng, muốn người vợ mãi phụ thuộc vào họ ngay cả khi người vợ đang giữ vai trò trụ cột kinh tế. Những người đàn ông này vẫn đề cao tư tưởng "Tam tòng" của đạo Khổng và sẵn sàng sử dụng bạo lực kể cả bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần với vợ, bất chấp sự phản đối của con cái và xóm giềng.

26

Cơ chế kinh tế thị trường một mặt tạo ra sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và khơi đậy tính độc lập, khát vọng làm giàu của các thành viên trong gia đình. Mặt khác, nó cũng làm thay đổi các quan hệ gia đình trong đó có quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự thay đổi này là không đồng nhất giữa các loại hình gia đình. Ví dụ, trong những gia đình kinh doanh phi nông nghiệp, nhất là những gia đình cả vợ lẫn chồng làm cán bộ quản lý, mối quan tâm của cha mẹ với con cái có phần giảm sút so với trước. Con cái nhiều khi “thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình” vì ngoài giờ học ở trường, các em chỉ tiếp xúc với người giúp việc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự "nổi loạn" của trẻ vị thành niên và làm gia tăng số trẻ phạm pháp trong thời gian qua. Về phía con cái, sự phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hoá ... một mặt tạo cho chúng nhiều cơ hội giao tiếp và thành đạt, mặt khác kích thích chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ và làm suy yếu các chuẩn mực đạo đức gia đình. Sự xung đột về quan niệm sống, lối sống, cách thụ hưởng giữa các thế hệ trong gia đình, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu cũng có rất nhiều thay đổi. Công việc nội trợ trong một số gia đình có mẹ chồng, nàng dâu, hoặc là do người giúp việc đảm nhận, hoặc phần lớn do mẹ chồng làm vì các cô con dâu ngoài giờ làm việc ở công ty còn phải đi học thêm, đi làm thêm .

Với những gia đình thuần nông, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có vẻ gắn kết hơn, truyền thống hơn, con cái vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ về đất ở và vốn sản xuất. Tuy nhiên quan hệ áp đặt một chiều, bạo lực, đòi hỏi con cái phải tuân thủ, vâng lời theo sự sắp đặt của cha mẹ gần như không còn tồn tại trong các gia đình Việt Nam.

Các quan hệ khác trong gia đình Việt Nam hiện nay về cơ bản không có gì thay đổi. Tuy nhiên, do các thành viên trong gia đình là những cá nhân rất khác nhau về tuổi tác, trình độ học vấn, cách sống, cách suy nghĩ, nên trước những cám dỗ của xã hội tiêu thụ hiện nay, họ thường ứng xử với mọi người trong gia đình từ góc độ thoả mãn lợi ích cá nhân. Vì vậy sự va chạm, xung đột giữa những quan điểm khác nhau thường xẩy ra. Có nhiều cặp vợ chồng ly dị, ly thân và điều này, nhiều đứa trẻ lang thang, lêu lổng cũng là những đứa trẻ bất hoà với gia đình. Trong nhiều gia đình có hiện tượng con cái hoặc cha mẹ mải mê kiếm tiền, coi trọng vật chất, coi nhẹ hạnh phúc gia đình, quên mất vị trí làm chồng, làm cha, làm con của mình ... Tất cả những điều đó làm ảnh hưởng tới tình cảm gia đình, đời sống gia đình và làm cho các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, dễ đổ vỡ.

Một phần của tài liệu Giáo trình Gia đình và giáo dục gia đình (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)