7. Bố cục đề tài
2.1.1. Sự ra đời và quá trình hình thành
Các ứng dụng của năng lượng điện với nhiều hình thức như điện tín, điện thắp sáng từ máy phát cục bộ… được du nhập vào Việt Nam từ nửa cuối của thế kỷ XIX theo công cuộc Khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Đến năm 1894, cách đây 120 năm, điện được sản xuất, chuyển tải và tiêu thụ như một hàng hóa kinh doanh đặc thù tại Hải Phòng theo hợp đồng thiết kế và cung cấp điện, đây là mốc xác định ngành điện xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương. Cho đến hết nửa đầu thế kỷ XX, đã có nhiều công ty, hiệp hội, các tổ chức ra đời quản lý việc vận hành, kinh doanh ngành Điện tại Việt Nam.
Cùng với việc xuất hiện các nhà máy điện và các tổ chức này, các thế hệ đầu tiên của những người làm nghề điện Việt Nam được hình thành và mau chóng trưởng thành cùng phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc đã ghi tên nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú xuất thân từ những người thợ điện như: Tôn Đức Thắng (thợ máy Nhà đèn Chợ Quán), Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái (nhà máy điện Vinh), Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện (nhà máy điện Hải Phòng và Yên Phụ)… và nhiều tấm gương kiên trung khác.
Kỹ nghệ điện xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, bắt đầu từ một số xưởng phát điện hoạt động độc lập, cung cấp dòng điện một chiều. Khi đó, điện một chiều được ưu tiên trước điện động lực.
Từ năm 1954, sau ngày tiếp quản, điện được sử dụng rộng rãi hơn và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nhà nước. Giai đoạn 1961 -
1965 ở miền Bắc công suất điện tăng bình quân 20% hằng năm. Giai đoạn 1975 - 1994, hệ thống điện được phát triển mạnh với việc đưa vào vận hành một số nhà máy lớn với công nghệ tiên tiến như Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An và đặc biệt là Thủy điện Hòa Bình... và đồng bộ với các nguồn phát điện, hệ thống lưới điện được phát triển rộng khắp cả nước. Năm 1994, việc đưa vào vận hành Hệ thống truyền tải 500 kV đã đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử phát triển của hệ thống điện Việt Nam. Từ đây, Việt Nam đã có một Hệ thống điện thống nhất trong toàn quốc, làm tiền đề cho một loạt các công trình mới với công nghệ hiện đại được vận hành sau này.
Theo tiến trình phát triển của đất nước và xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo đất nước bắt tay vào một thời kỳ đổi mới toàn diện về nhận thức và định hướng phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được hành lập theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị thuộc Bộ Năng lượng; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định số 14/CP ngày 27/1/1995 của Chính phủ.
Kể từ khi thành lập, Tổng công ty đã thể hiện được vị trí quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tổng công ty đã thực hiện nhiều dự án quan trọng để xây dựng nguồn điện và mạng lưới cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho người dân. Đến năm 2005, Tổng công ty có 56 đơn vị thành viên, phục vụ điện lực trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 22/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 147/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Quyết định 148/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đề án Thí điểm hình thành Tập đoàn kinh tế. Với mục đích đa dạng hóa sở hữu, EVN hình thành và hoạt động theo mô hình chủ đạo công ty mẹ - công ty con là các pháp nhân
độc lập được sắp xếp lại từ Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên. Tính đến cuối năm 2009, EVN là một trong số các Tập đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất Việt Nam về tài sản, vốn và nguồn nhân lực.
Đến ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg về việc chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước.
Ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành (thay thế cho Nghị định số 205/2013/NĐ-CP ngày 6/12/2013).