8. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Biện pháp 3: Chỉ đạo sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hộ
trong công tác giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ tại các trường mẫu giáo
*Mục tiêu:
- Trong quá trình phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ mẫu giáo không thể thiếu sự phối kết hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Mục tiêu của biện pháp này là phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhà trường – gia đình – xã
hội, cộng đồng trách nhiệm chăm lo giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em và phát huy những tiềm năng phong phú của toàn xã hội (về vật chất cũng như tinh thần), tham gia vào công tác giáo dục thế hệ trẻ; Tạo ra sự thống nhất thực hiện mục tiêu giáo dục và xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
* Nội dung:
- Việc phối kết hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình – xã hội đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ là một nguyên tắc cơ bản nếu muốn có sự thành công. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục nói trên, trước là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cũng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp; đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của trẻ; tránh sự tách rời mâu thuẫn, bài xích lẫn nhau gây cho phụ huynh tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách. Sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ thành những công dân hữu ích cho đất nước.
*Cách thức tiến hành:
- Đối với Phụ huynh học sinh:
+ Thiết lập và duy trì mối liên hệ với giáo viên qua gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại, thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, các kênh online hay các kỳ họp phụ huynh học sinh;
+ Thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con ở trường, lớp, đồng thời cung cấp thông tin của con cho giáo viên;
+ Tham gia đầy đủ các cuộc họp phụ huynh học sinh, các hoạt động khác theo đề nghị của trường, lớp;
+ Nắm bắt thông tin và luôn giữ liên lạc với các phụ huynh khác, với giáo viên và nhà trường.
- Đối với Nhà trường:
+ Thông tin kịp thời cho phụ huynh biết về các hoạt động giáo dục của nhà trường;
+ Giám sát, theo dõi giáo viên và trẻ trong hoạt động dạy và học; cử giáo viên hỗ trợ trẻ trong những trường hợp khó khăn;
+ Định hướng nội dung các kỳ họp phụ huynh học sinh, cần có nhiều nội dung trao đổi khác như: phương pháp giáo dục con, cách thức giao tiếp với con...;
+ Tổ chức truyền thông đến phụ huynh học sinh về nội dung giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em.
- Đối với chính quyền địa phương và các tổ chức ngoài nhà trường:
+ Nhà trường cần chủ động phối hợp và liên hệ chặt chẽ với các ban ngành chức năng như công an, y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể khác đóng trên địa bàn để hỗ trợ cho trẻ; Cùng với nhà trường thực hiện các chuyên đề giáo dục như: giáo dục pháp luật, an toàn giao thông, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục, thông tin về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục môi trường, giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử địa phương...;
+ Xây dựng cam kết phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào môi trường học đường, xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, cam kết phối hợp giải quyết các sự vụ gây mất an ninh nhà trường.
* Điều kiện thực hiện:
- Để thiết lập, duy trì và tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội được tốt thì gia đình là vô cùng quan trọng. Giáo viên và các bậc cha mẹ cần chủ động xây dựng mối liên hệ và thường xuyên duy trì các mối liên lạc thì việc hỗ trợ con học tập và rèn luyện mới đạt hiệu quả;
- Cha mẹ thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện ở trường, lớp của trẻ; trên cơ sở đó trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ kịp thời trẻ phát huy các điểm tốt và ngăn chặn, điều chỉnh, sửa chữa các điểm hạn chế trong các hoạt động ở nhà trường;
- Cô giáo cần hiểu biết về trẻ, nhất là những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, toàn diện và có định hướng đúng để quan tâm giúp đỡ được nhiều hơn đối với từng em trong từng hoàn cảnh khác nhau;
- Cộng đồng xã hội tích cực hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nhà trường, gia đình, giúp đỡ trẻ học tập và rèn luyện.