Đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu Ứng dụng của mô hình Z-Score trong quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàng Mai (Trang 107 - 110)

3.3.1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh Ngân hàng

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, tạo môi trường pháp lý cho hoạt động của các NHTM; tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Để khắc phục tình trạng này cần phải ban hành bổ sung, sửa đổi một số nội dung sau:

Một là, nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về bảo đảm tiền vay, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có đủ cơ sở khi cấp tín dụng. Cụ thể:

- Nhà nước cần bổ sung hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn để có cơ chế đồng bộ cho việc thực hiện Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.

- Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Luật đất đai theo hướng được phép tự do trao đổi, chuyển nhượng trên thị trường.

- Nhà nước cần ban hành văn bản quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác nhận sở hữu nhà đất, bất động sản và các tài sản khác; quản lý các hoạt động mua bán, thế chấp, cầm cố tài sản; xử lý các hành vi sai trái, hành vi vi phạm pháp luật.

- Nhà nước cần quy định cụ thể việc xử lý, phát mại tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh để làm căn cứ thực hiện. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính, pháp lý không cần thiết trong quá trình xử lý.

Hai là, tăng cường các biện pháp quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp. - Thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp sao cho phù hợp với năng lực thực tế của doanh nghiệp đó. Qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động tín dụng ngân hàng một số năm gần đây cho thấy một khó khăn, cản trở lớn cho hoạt động cho vay của ngân hàng là sự không phù hợp giữa năng lực trình độ thực tế của doanh nghiệp với chức năng, phạm vi kinh doanh được Nhà nước cho phép. Nhiều doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh được Nhà nước cấp giấy phép thành lập và cho đăng ký kinh doanh với chức năng, nhiệm vụ vượt quá khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật và trình độ sản xuất kinh doanh. Có thể kể đến những công ty trách nhiệm hữu hạn, những công ty cổ phần đang thành lập ngày càng nhiều hiện nay. Thậm chí cả những doanh nghiệp nhà nước, vốn thường rất ít, tài sản cố định chủ yếu là máy móc thiết bị lạc hậu. Trong khi đó, chức năng nhiệm vụ trong giấy phép kinh doanh rất nhiều, thậm chí còn có thể là tất cả các ngành nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm. Điều đó sẽ làm giảm bớt hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp này. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với Nhà nước, các cơ quan chức năng là phải có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách trên cơ sở nghiên cứu những tồn tại thực tế khách quan nhằm giúp đỡ ngân hàng có giải pháp khả thi trong quản lý tín dụng, đáp ứng yêu cầu tăng cường phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng, hiệu quả an toàn vốn vay.

- Cần quy định thống nhất chỉ một cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, giấy phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Cơ quan cấp giấy phép đó phải chịu trách nhiệm về tư cách pháp nhân, vốn tự có thực tế, năng lực và trình độ của doanh nghiệp. Số lượng ngành nghề kinh doanh và quy mô hoạt động phải phù hợp với số vốn sở hữu và năng lực, trình độ quản lý thực tế của doanh nghiệp.

- Đưa ra những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải chấp hành đúng pháp lệnh kế toán thống kê và chế độ kiểm toán bắt buộc. Thông tin đầy đủ, kịp thời là cơ sở quan trọng giúp ngân hàng đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc cấp tín dụng để nhằm bảo toàn vốn vay cho ngân hàng. Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay, một trở ngại rất lớn cho ngân hàng khi thu thập thông tin về khách hàng để có một quyết định đúng đắn đối với khoản vay là tình trạng các doanh nghiệp không phản ảnh chính xác thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như thực trạng tình hình tài chính của mình. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nợ quá hạn, rủi ro tín dụng hiện nay. Việc không chấp hành đúng chế độ báo cáo thống kê đang khá phổ biến hiện nay một phần là do pháp lệnh về chế độ kế toán thống kê chưa đủ hiệu lực bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện và một phần là do điều kiện hạch toán thống kê ở nước ta chưa phát triển hoạt động kiểm soát và chưa thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Mặt khác, các biện pháp xử lý các vi phạm về kinh tế và hành chính chưa nghiêm khắc. Chính vì vậy, Nhà nước cần có ngay các biện pháp cứng rắn, bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành đúng pháp lệnh kế toán thống kê, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc hàng năm đối với tất cả các doanh nghiệp.

3.3.1.2. Xây dựng các biện pháp bảo đảm môi trường kinh tế ổn định góp phần bảo đảm hiệu quả vốn tín dụng mà ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế.

Được hoạt động trong một môi trường kinh tế ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ngân hàng, tạo khả năng trả nợ đầy đủ cho ngân hàng. Ngược lại, môi trường kinh tế không ổn định sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của họ, kết quả là làm ăn thua lỗ và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thanh toán nợ vay của ngân hàng.

Chính sách và cơ chế quản lý vĩ mô của Nhà nước đang trong quá trình điều chỉnh, đổi mới và hoàn thiện. Sản xuất kinh doanh trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập và hàng nhập lậu. Các doanh nghiệp chuyển hướng và điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh không theo kịp với sự thay đổi của cơ chế và chính sách vĩ mô của nhà nước. Vì vậy, một số doanh nghiệp và ngành sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, tồn kho ứ đọng hàng hoá, vật tư, thua lỗ, mất khả năng

thanh toán, từ đó phát sinh nợ quá hạn, khó đòi (chỉ tính riêng biểu thuế suất đối với hàng hoá nhập mỗi năm một vài lần thay đổi đã làm cho không ít các doanh nghiệp gặp khó khăn). Vì vậy, Nhà nước cần có những biện pháp nhằm bảo đảm một môi trường kinh tế ổn định cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả hoạt động của các doanh nghiệp và hoạt động của ngân hàng. Nhà nước nên có những bước đệm hoặc những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn gây ra khi có sự chuyển đổi, điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.

Mặt khác, Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, cần điều chỉnh và tăng cường hiệu lực pháp lý của các chính sách thuế, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, chính sách ngăn chặn hàng nhập lậu… để bảo đảm tính tích cực của các chính sách này.

Một phần của tài liệu Ứng dụng của mô hình Z-Score trong quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàng Mai (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(117 trang)
w