Cho đến nay, có rất nhiều quan điểm về TNXHDN. Có những quan điểm cho rằng TNXHDN là tốn kém vì chịu trách nhiệm về mặt xã hội sẽ phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp (Rodrigo và cộng sự, 2016). Ví dụ như các hành động trách nhiệm xã hội bao gồm đầu tư công nghệ vào việc giảm thiểu ô nhiễm, gói phúc lợi cho nhân viên, quyên góp và tài trợ cho cộng đồng… Các hoạt động này sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp và dẫn tới bất lợi trong cạnh tranh cho doanh nghiệp. Từ đó các doanh nghiệp sẽ chỉ chú trọng đến các hoạt động có khả năng sinh lời và từ chối các hoạt động không gia tăng trực tiếp doanh thu, giảm chi phí, và điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp này sẽ không thực hiện TNXHDN như làm từ thiện cho cộng đồng, gia tăng phúc lợi cho người lao động, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó tồn tại quan điểm ngược chiều như lý thuyết các bên lên quan của Freeman, 1984 đã được đề cập ở trên. Sự không hài lòng của bất kỳ nhóm bên liên quan nào cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị kinh tế và thậm trí ảnh hưởng đến tương
lai của doanh nghiệp. Do đó, TNXHDN là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi nhuận. Nếu được quản lý đúng cách, TNXHDN sẽ không chỉ cải thiện hài lòng của các bên liên quan mà còn dẫn tới cải thiện lợi nhuận và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Ví dụ như khi nhân viên hài lòng sẽ có động lực cao hơn để làm việc một cách hiệu quả, hoặc khi khách hàng hài lòng sẽ sẵn sàng mua hàng nhiều hơn một lần và giới thiệu sản phẩm cho người khác, hoặc nhà cung cấp hài lòng sẽ sẵn sàng giảm giá…
Về mặt lý thuyết cho thấy rằng cả mối quan hệ tiêu cực hoặc tích cực có thể xảy ra giữa TNXHDN và khả năng sinh lời. Do đó, câu hỏi đặt ra là hiệu ứng nào chiếm ưu thế. Để hiểu rõ hơn các vấn đề này, việc tham vấn các tài liệu nghiên cứu trước đó là cần thiết nhằm thiết lập mối tư duy logic và lập luận phù hợp với trọng tâm của đề tài nghiên cứu.
Hillman và Keim (2001) cho rằng một cách tiếp cận chi tiết hơn để nghiên cứu mối quan hệ giữa TNXHDN và khả năng sinh lời là cần thiết và tập trung vào mối quan hệ giữa quản lý các bên liên quan và khả năng sinh lời. Việc đánh giá tác động tài chính của các mối quan hệ đã được cải thiện với các bên liên quan sẽ dẫn tới cải thiện khả năng sinh lời. Berman và Wicks (1999) lập luận rằng việc quản lý các bên liên quan nâng cao khả năng sinh lời được đo lường bằng tỷ lệ hoàn vốn trên tài sản (ROA) của một doanh nghiệp.
Khi phản ánh kết quả hỗn hợp của các nghiên cứu đánh giá mối quan hệ TNXHDN và khả năng sinh lời, Carroll (1991) lập luận rằng lợi ích TNXHDN có thể bị chôn vùi sâu trong nhiều mối quan hệ tổ chức khác nhau đến mức thật ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta có thể loại bỏ một phần hoặc cô lập một mối quan hệ có thể để chứng minh được với khả năng sinh lời.
Peterson (2004) và Carroll (2000) cho rằng đã không còn đo lường mối tương quan giữa thước đo TNXHDN và thước đo khả năng sinh lời, và một phương án hiệu quả hơn là xem xét tác động của TNXHDN đối với từng bên liên quan. Tương tự, Fombrun và cộng sự (2000) cho rằng mối tương quan đơn giản giữa TNXHDN và khả năng sinh lời là không thể bởi vì TNXHDN tác động đến lợi nhuận thông
qua các tuyến trung gian. Các tuyến trung gian này bao gồm các “lợi ích kinh doanh” như: nâng cao hình ảnh và danh tiếng; tăng doanh số bán hàng và lòng trung thành của khách hàng; tăng khả năng thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân viên; tiết kiệm chi phí; và tăng khả năng tiếp cận vốn. Cùng quan điểm này, nghiên cứu của Châu Thị Lệ Duyên và cộng sự (2014) cũng đề cập đến mối quan hệ trung gian của lợi ích kinh doanh (gồm các yếu tố: Tiếp cận vốn, Thu hút và giữ chân nhân viên, Danh tiếng, Thu hút và giữ chân khách hàng) giữa TNXHDN và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Có thể xem xét cụ thể như sau: