2030 là phải khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp trong nước, như: bã, men bia, bã dứa, bã sắn, tiết và phụ phẩm lò mổ, vỏ đầu tôm, đầu xương và mỡ cá tra (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2020).
2.4. SỬ DỤNG THỨC ĂN LÊN MEN TRONG CHĂN NUÔI
2.4.1. Đặc tính và vai trò của các vi sinh vật sử dụng trong lên men thức ănchăn nuôi chăn nuôi
Thức ăn chăn nuôi lên men đã được nghiên cứu rộng rãi để thay thế việc sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trọng trong nhiều năm gần đây và để giám giá thành của thức ăn chăn nuôi bằng việc sử dụng các phụ phẩm công - nông nghiệp (Wang & cs., 2018). Thức ăn lên men mang lại nhiều lợi ích cho vật nuôi do sự có mặt của các vi sinh vật có lợi với các đặc tính probiotic, kháng khuẩn, chống oxy hóa, sản sinh các peptit…Chúng có khả năng biến đổi thành phần hóa học của nguyên liệu thức ăn trong suốt quá trình lên men làm tăng cường giá trị dinh dưỡng, cải thiện chất lượng cảm quan, an toàn thực phẩm và có hiệu quả trong bảo quản thức ăn. Bên cạnh đó, các vi sinh vật còn có khả năng phân hủy các thành phần độc hại, các chất kháng dinh dưỡng có trong thức ăn, sinh ra các chất kháng khuẩn, chống oxy hóa, kích thích đặc tính probiotic và các hợp chất tăng cường sức khỏe cho vật chủ (Tamang & cs., 2016; Wang & cs., 2018). Việc sử dụng thức ăn lên men đã được chứng minh giúp cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa, duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, ngăn ngừa bệnh tiêu chảy, cải thiện năng suất và sức khỏe của động vật (Mukherjee & cs., 2016; Wang & cs., 2018).
Đặc tính chức năng của các vi sinh vật trong thức ăn lên men gồm: đặc tính probiotic, đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, sinh peptit, phá hủy các thành phần kháng dinh dưỡng…
Probiotic là các vi sinh vật sống khi được bổ sung với số lượng thích hợp sẽảnh hưởng có lợi đối với sức khỏe của vật chủ (Hill & cs., 2014). Các vi sinh vật probiotic được sử dụng trong thức ăn phải kháng được axít dịch vị dạ dày và dịch vị mật để đến ruột non, sống và phát triển được trong ruột để hỗ trợ thực hiện các chức năng tiêu hóa và miễn dịch, phải được chứng minh là an toàn khi sử dụng, không
sinh độc tính và không có tác dụng phụ. Các vi sinh vật probiotic phổ biến nhất là vi khuẩn Lactobacillus, Enterococcus và chi Bifidobacterium. Trong những năm gần đây, nấm men và một số nhóm vi khuẩn khác cũng được nghiên cứu là các vi sinh vật probiotic tiềm năng (Hill & cs., 2014). Các vi sinh vật được sử dụng như probiotic gồm: Lactobacillus acidophilus, L.plantarum, L. Casei, L. casei subsp. Rhamnosus, L. delbreuckii subsp. Bulgaricus, L. Fermentum, L.reuteri, Lactococcus lactis subsp. Lactis, L. lactis subsp. Cremoris, Bifidobacterium bifidum, B. Infantis, B.adolescentis, B. Longum, B. Breve, Streptococcus salivarius subsp. Thermophilus, Enterococcus faecalis, E. Faecium, Saccharomyces boulardii (Hill & cs., 2014).