1.4.2.1 Sự phát triển về hệ thống giáo dục đào tạo
Để có nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cần phải phát triển một hệ thống đào tạo có khả năng cung cấp cho xã hội một đội ngũ nhân lực đông đảo, có trình độ cần thiết theo một cơ cấu thích hợp, có khả năng thích ứng nhanh với mọi biến đổi của môi trường có trình độ toàn cầu hóa ngày càng cao. Đồng thời, có khả năng thường xuyên cập nhật các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho đội ngũ lao động của đất nước. Vì vậy lâu nay, Đảng và Nhà nước luôn xác định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và chi phí cho giáo dục và đào tạo ngày một tăng, các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề ngày càng được mở rộng.
Nâng cao chất lượng nhân lực của một doanh nghiệp phụ thuộc vào môi trường giáo dục quốc gia, môi trường giáo dục tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng nhân lực và ngược lại sẽ gây ra sự bất cập về hệ thống giáo dục như: Chương trình cũng như nội dung kiến thức, phương pháp đào tạo sẽ là yếu tố hạn chế, gây khó khăn khi doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng nhân lực.
1.4.2.2 Thị trường lao động
Thị trường lao động có tác động rất lớn đến hoạt động nâng cao chất lượng nhân lực nói chung và hoạt động tuyển dụng nói riêng. Bởi một lẽ, thị trường lao động là sự cung và cầu lao động. Khi cầu lớn hơn cung thì việc tuyển dụng sẽ gặp khó khăn vì sự cạnh tranh tuyển mộ người tài giữa các
doanh nghiệp và ngược lại. Đồng thời chất lượng nguồn nhân lực cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Nhân lực Việt Nam nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn về ngoại ngữ, tính tự giác và tính tự chịu trách nhiệm trong công việc chưa thật sự cao. Sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng cũng tạo ra các rào cản lớn cho công tác nâng cao chất lượng nhân lực.