Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quản lý nhà nước về thương mại điện tử (Trang 150 - 154)

4.4.1.1. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan QLNN, đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử và xã hội điện tử.

Phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có của các DN viễn thông, kết nối tới cấp đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác trong hệ thống chính trị, tới cấp xã, phường trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Tích hợp các hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan Đảng ở Trung ương, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Phát triển Trung tâm thông tin dữ liệu điện tử Chính phủ; phát triển hệ thống xác thực quốc gia. Xây dựng, triển khai hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Xây dựng Trung tâm kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương, hướng tới bảo đảm liên thông giữa các hệ thống thông tin của cơ quan, cung cấp dịch vụ công hiệu quả, linh hoạt cho người dân và DN.

Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, bao gồm: máy tính, mạng máy tính, các giải pháp an toàn, an ninh thông tin ...

Trang bị hạ tầng bảo đảm truy cập thuận tiện tới các dịch vụ công qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử; trung tâm chăm sóc khách hàng; điện thoại cố định; điện thoại di động; bộ phận một cửa và các hình thức khác.

Phát triển các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm các hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia tích hợp với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương; các cơ sở dữ liệu về:thủ tục hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; kinh tế công nghiệp và thương mại; tài nguyên và môi trường; các dự án đầu tư; DN v.v... Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, bao gồm: nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành của các cấp; xây dựng mới, nâng cấp và hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu công tác tại mỗi cơ quan.

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông theo hướng: bảo đảm khả năng kết nối giữa các hệ thống thông tin tại bộ phận một cửa với cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN qua mạng Internet; bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục; bảo đảm tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính.

Xây dựng các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN tại các địa phương, đặc biệt là các hệ thống thông tin về dân cư, tài nguyên và môi trường. Căn cứ nhu cầu quản lý thực tế, xây dựng các hệ thống thông tin quy mô quốc gia trên cơ sở kết nối, tổng hợp thông tin từ địa phương các cấp.

4.4.1.2. Đảm bảo an toàn thông tin cho hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia

Để thực hiện biện pháp này, trong thời gian tới các cơ quan QLNN cần: (i). Hoàn thiện các cơ chế và chính sách nhà nước về an toàn thông tin

Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế và chính sách của Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi để đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập toàn diện kinh tế quốc tế, thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật tội phạm trên mạng máy tính. Tăng cường các khung hình phạt xử lý mạnh và kiên quyết khi có vi phạm về an toàn thông tin.

(ii). Xây dựng các thiết chế và tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin

Tiếp tục hoàn thiện bộ máy QLNN về an toàn thông tin từ Trung ương đến địa phương trong đó chú trọng nâng cao năng lực các cơ quan quản lý chuyên trách về an toàn thông tin. Tăng cường các hoạt động dự báo, kiểm soát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và khắc phục sự cố khi có các cuộc tấn công. Tổ chức đánh giá định kỳ và công bố các báo cáo hàng năm về năng lực đảm bảo an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin của Chính phủ, hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.

(iii). Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về an toàn thông tin

Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về an ninh thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hội nghị, hội thảo về an toàn thông tin cho các cơ quan nhà nước, DN và người dân.

(iv). Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về an toàn thông tin

Tăng cường hợp tác phòng chống tấn công mạng thông qua việc chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin, phối hợp trao đổi, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý an toàn thông tin.

Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức trong nước trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, thiết lập mạng lưới theo dõi và cảnh báo sớm, điều phối ngăn chặn các tấn công;

Phối hợp giữa các đơn vị tư vấn, chuyên gia an toàn thông tin sẵn sàng ứng phó với những sự cố liên quan tới mất an toàn thông tin.

4.4.1.3. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT quốc gia

Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng và mở rộng mạng băng rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.

Phát triển các điểm truy cập công cộng tại các địa điểm thích hợp với từng địa phương, cơ sở như: các trường học, nhà văn hóa xã, đồn biên phòng, điểm bưu điện - văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng,… để lắp đặt thiết bị nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet.

Thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Tiếp tục mở rộng băng thông Internet trong nước và quốc tế thỏa mãn nhu cầu của xã hội: triển khai mạng thông tin di động 3G và các thế hệ tiếp theo, phóng thêm các vệ tinh Vinasat mới, đầu tư nâng cấp và xây dựng các tuyến cáp quang mặt đất và cáp quang biển mới…

4.4.1.4. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử ở cấp Trung ương và địa phương

Ở cấp Trung ương, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý thuộc các Cục CNTT của các Bộ như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông v.v... để đội ngũ này ngày càng đáp ứng các yêu cầu cao hơn trong công tác QLNN về TMĐT.

Ở cấp địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường QLNN về TMĐT; chủ động tạo môi trường thuận lợi cho các DN tại địa phương ứng dụngTMĐT; tăng cường hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT vào hoạt động quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, tham gia giao dịch trực tuyến, đổi mới phương thức kinh doanh, cải tiến quy trình quản lý.

Xây dựng lực lượng cán bộ có chuyên môn đáp ứng được công tác QLNN về TMĐT ở Trung ương và địa phương. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách TMĐT cấp Sở; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến về TMĐT , liên kết hợp tác trong các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan QLNN về TMĐT. Đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thuộc các ngành công an, tòa án, kiểm sát để xử lý đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT.

Đảm bảo tính đồng bộ và liên thông thông tin giữa các Bộ, ngành trong các hoạt động QLNN liên quan đến DN, tiến tới hình thành các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung cho các lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý DN, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tài chính tín dụng, thống kê. Chia sẻ thông tin về tài nguyên Internet giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Công thương nhằm tăng cường công tác QLNN đối với các website TMĐT.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quản lý nhà nước về thương mại điện tử (Trang 150 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)