Kiểm tra, thanh tra thương mại điện tử

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quản lý nhà nước về thương mại điện tử (Trang 102 - 105)

3.2.4.1. Công cụ kiểm tra, thanh tra

Thanh tra thông tin điện tử nói chung, thanh tra về TMĐT nói riêng ở Việt Nam thời gian qua là hoạt động khá mới mẻ. Để thực hiện hoạt động này, các cơ quan QLNN đã bước đầu xây dựng các căn cứ pháp lý để làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động này.

Ngày 05/03/1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/1997/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam, lúc này, quan điểm chủ đạo vẫn là quản lý đến đâu thì phát triển đến đó.

Chỉ thị số 58/CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2001 – 2005 đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, tạo cơ hội để Internet phát triển, và quan trọng hơn, là sự thay đổi tư duy quản lý, năng lực quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển.

Trên tinh thần Chỉ thị số 58/CT/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, quan điểm phát huy mọi nguồn lực xã hội đã thu hút nhiều thành phần DN tham gia cung cấp dịch vụ Internet. Nghị định số 55/2001/NĐ-CP là nghị định “khung” trong đó có giao trách nhiệm cho nhiều cơ quan khác nhau: Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) có chức năng điều hoà, phối hợp công tác QLNN về Internet của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và làm đầu mối trong các hoạt động quốc tế về Internet, Bộ Khoa học, Công nghệ và Mội trường, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trên cơ sở Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, các bộ ngành đã ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành để quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành Thông tư số 04/2001/TCBĐ ngày 22/11/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, Thông tư số 05/2004/TT-BBCVT ngày 16/12/2004 hướng dẫn thực hiện một số điều về xử phạt vi phạm hành chính và khiếu nại, tố cáo quy định tại chương IV, Nghị định số 55/2001/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều bộ ngành ban hành văn bản chưa kịp thời, cụ thể: Tháng 10/2002, Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành quyết định số 27/QĐ- BVHTT ban hành Quy chế quản lý và cấp giấy phép cung cấp thông tin, thiết lập trang tin điện tử trên Internet. Tháng 1/2004 Bộ Công an ban hành Quyết định số 71/QĐ-BCA về bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet tại Việt Nam. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng để xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, song trên thực tế vẫn thiếu và không đồng bộ, ngay đối với ngành Văn hóa - Thông tin khi đó cũng tồn tại bất cập thể hiện cụ thể ở các quy định giữa Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002, Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 và Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001. Trong khi đó, dịch vụ Internet phát triển rất nhanh, diễn biến phức tạp, Chính phủ triệu tập họp định kỳ hàng tháng nghe các bộ ngành báo cáo tình hình quản lý. Thông tư liên bộ 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2005 giữa Bộ Bưu chính - Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về quản lý đại lý Internet là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, nó điều chỉnh hoạt động kinh doanh đại lý Internet tại Việt Nam, đối

tượng là DN cung cấp dịch vụ truy nhập, DN cung cấp dịch vụ ứng dụng, đại lý Internet và người sử dụng dịch vụ Internet tại đại lý. Các quy định trong thông tư rất chặt chẽ nhưng chưa thật sự phù hợp và khó triển khai trong cuộc sống. Thứ nhất, khái niệm “đại lý Internet” trong thông tư hầu như không sát với thực tiễn, các điểm Internet công cộng là các hộ các thể, DN mua đứt sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ truy nhập, tự kinh doanh và chịu lỗ lãi, không phải hưởng hoa hồng. Thứ hai, trẻ em dưới 14 tuổi vào đại lý Internet phải có người bảo lãnh và giám sát trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ tại đại lý. Thứ ba, quy định phải đăng ký thông tin cá nhân của khách hàng.

Ngày 28/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thay thế nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001. Các quy định về thông tin điện tử trong nghị định mới so với Nghị định cũ rất thông thoáng, mở ra cơ hội lớn cho các tổ chức, DN tham gia vào hoạt động này. Theo quy định mới, chỉ trang thông tin điện tử tổng hợp phải xin phép hoạt động.

Bên cạnh đó, để có cơ sở thực hiện các hoạt động thanh tra TMĐT, Bộ công thương đã ban hành thông tư 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 hướng dẫn cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website TMĐ.

3.2.4.2. Hoạt động kiểm tra, thanh tra thương mại điện tử

Do hoạt động TMĐT được thực hiện trên môi trường điện tử nên giám sát việc thực thi các văn quản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này là một thách thức lớn đối với các cơ quan QLNN. Các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc thanh tra việc cung cấp các nội dung thông tin trên các trang thông tin điện tử và kiểm tra về mức độ tuân thủ Thông tư số 09/2008/TT-BCT của một số Website TMĐT điển hình.

Trong hai năm 2008- 2009, Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương đã triển khai một loạt hoạt động nhằm phổ biến và đôn đốc việc chấp hành Thông tư 09 trong các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu triển khai, cách thức được chọn là tập trung vào các biện pháp tuyên truyền, đào tạo và nâng cao nhận thức cho một nhóm website thương mại điện tử điển hình, từ đó rút kinh nghiệm để mở rộng diện đối tượng và tăng cường hơn nữa hoạt động thực thi ở giai đoạn sau.

Tháng 11/2008, Cục tiến hành khảo sát 50 website TMĐT về mức độ tuân thủ Thông tư số 09/2008/TT-BCT và gửi công văn số 395/TMĐT-PC nhắc nhở chủ các website thực hiện đúng quy định của Thông tư.

Tháng 2/2009, kết quả rà soát lại 50 website này cho thấy có 8 website đã sửa đổi theo những khuyến nghị nêu tại công văn, 37 website không có tiến triển gì, và 5 website tạm ngừng hoạt động. Dựa vào kết quả này, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Quản lý thị trường tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội (tháng 3/2009) và thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5/2009) nhằm nhắc nhở các website chưa tuân thủ và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Tháng 7/2009, Cục tiến hành rà soát lại lần thứ ba những website nói trên và và gặp mặt từng doanh nghiệp chủ website ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm trao đổi, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Kết quả những nỗ lực này là đến cuối năm 2009, 50% số website đã tuân thủ đầy đủ quy định của Thông tư, những website còn lại cũng có tiến bộ trong việc sửa đổi các nội dung được nhắc nhở.

Như vậy có thể thấy hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra TMĐT còn rất mờ nhạt, tần suất các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thấp, hiệu quả chưa cao, chưa có cơ chế giám sát trực tuyến các hoạt động trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, nhiều quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT còn thấp, chưa đủ mạnh để răn đe, tạo ra sự tuân thủ tốt trong xã hội. Đây sẽ là những vấn đề cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới để tăng cường hiệu lực của hệ thống pháp luật, tạo môi trường thật sự lành mạnh và an toàn cho TMĐT phát triển.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quản lý nhà nước về thương mại điện tử (Trang 102 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)