về bảo mật và chứng nhận. Trong luật cơ bản về TMĐT, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra các quy định cụ thể trong việc trao đổi tài liệu điện tử trong TMĐT. Chữ ký điện tử được chấp nhận chính thức kể từ tháng 2/1999, nó được công nhận như một phương tiện đảm bảo tính xác thực tài liệu điện tử. Cả hai hoạt động TMĐT và chữ ký điện tử đều được đi vào chính thức hoạt động từ ngày 1/7/1999.
Theo Bộ Thông tin và Viễn thông, đến ngày 14/5/2002 đã có 3.031.000 người được cấp chứng nhận chữ ký điện tử. Con số đã tăng 26 % so v ới số lượng 2,409,065 người sử dụng ở quý đầu tiên. Số lượng người dùng được cấp chứng chỉ ngày càng tăng chứng tỏ việc sử dụng chữ ký điện tử ngày càng trở nên quan trọng.
Trung tâm cấp chứng nhận Hàn Quốc (Korea Certification Authority Central - http://www.rootca.or.kr) là nơi chỉ đạo việc quản lý chứng chỉ chữ ký điện tử trong việc sử dụng.
2.3.3. Kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển thương mạiđiện tử điện tử
Tại Mỹ, Chính phủ Mỹ đã có một nhóm công tác về TMĐT. Nhóm này bao gồm đại diện của Chính phủ và các cơ quan liên bang chủ chốt có liên quan đến TMĐT, bao gồm Bộ thương mại, Bộ tài chính, Bộ ngoại giao, Bộ tư pháp, Bộ nông nghiệp, Bộ y tế và nhân đạo, Cơ quan quản lý về thương mại của Mỹ, Uỷ ban viễn thông liên bang và Uỷ ban thương mại liên bang. Dưới sự lãnh đạo của cựu phó tổng thống Mỹ, nhóm làm việc đã cố gắng thực hiện mục tiêu của chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT và cho phép những lợi ích về kinh tế và xã hội đến được với tất cả mọi người. Nhóm công tác được chỉ đạo theo các nguyên tắc sau đây:[38,39]
Khu vực tư nhân phải đi đầu trong ứng dụng và triển khai TMĐT. Chính phủ nên tránh những hạn chế không thích hợp đối với TMĐT. Nếu sự tham gia của Chính phủ là cần thiết thì mục đích tham gia chỉ nên là hỗ trợ và đưa ra một môi trường pháp lý đơn giản, nhất quán và có thể tiên liệu được.
Chính phủ phải nhận thức được tính chất độc đáo của mạng Internet và TMĐT trên mạng phải được hỗ trợ trên cơ sở toàn cầu.
Theo sự chỉ đạo của Tổng thống, nhóm công tác tiến hành những công việc sau đây:
Tạo ra sự tiếp cận Internet với tốc độ cao; Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT;
Thúc đẩy sự phát triển của TMĐT đối với các nước đang phát triển; Nâng cao sự hiểu biết về tác động của TMĐT;
Phát triển các chiến lược để giúp các DN nhỏ vượt qua những hạn chế về sử dụng Internet;
Đảm bảo sự tự do lưu chuyển về TMĐT trên toàn cầu; Bảo vệ những phát minh sáng chế;
Đảm bảo rằng không có thuế mới đối với các giao dịch điện tử;
Xây dựng một khuôn khổ pháp lý thương mại thống nhất nhằm thừa nhận, hỗ trợ và tăng cường các giao dịch thương mại điện tử trên toàn cầu;
Chống lại nỗ lực của các chính phủ nước ngoài áp đặt hoặc sở dụng các hàng rào thương mại phi thuế quan đối với TMĐT;
Theo dõi, kiểm tra các thử nghiệm mới về hệ thống thanh toán điện tử; Đảm bảo hệ thống viễn thông an toàn và đáng tin cậy.
2.3.4. Các bài học kinh nghiệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu thực tiễn QLNN về TMĐT của một số quốc gia trên thế giới có thể rút ra một số nhận xét chủ yếu sau:
Thứ nhất, đối với việc xây dựng chiến lược phát triển TMĐT. Ở những quốc gia có nền TMĐT phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, để hỗ trợ sự phát triển của TMĐT quốc gia, Chính phủ các nước luôn trú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển TMĐT quốc gia với các mục tiêu mang tính định hướng lâu dài cho sự phát triển của TMĐT. Chiến lược phát triển TMĐT quốc gia được xây dựng độc lập với các chiến lược phát triển kinh tế xã hội khác của đất nước.
Thứ hai, về việc xây dựng chính sách và ban hành pháp luật về TMĐT
Về xây dựng khung pháp lý cho sự phát triển của TMĐT
Chính phủ các nước đặc biệt chú trọng việc xây dựng và tạo lập một môi trường pháp lý thuận lợi cho TMĐT. Để thúc đẩy TMĐT, các quốc gia đều phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý cụ thể. Khung pháp luật này sẽ được áp dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại nói chung và giao dịch TMĐT nói riêng, không phân biệt mục đích tiêu dùng hay kinh doanh. Chính phủ các nước đều thiết lập khuôn khổ pháp lý đối với các vấn đề được coi là trở ngại và khó khăn về pháp lý cho sự phát triển của TMĐT như:
Thừa nhận tính pháp lý của giao dịch TMĐT và xác định cơ sở pháp lý để có thể giải quyết những vấn đề phát sinh trong giao dịch TMĐT.
Thừa nhận tính pháp lý của chữ ký điện tử và chữ ký số hóa. Đồng thời, cần có các thiết chế pháp lý, các cơ quan pháp lý thích hợp cho việc xác thực chữ ký điện tử và chữ ký số hóa.
Trú trọng bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT, đặc biệt là bảo vệ các thông tin cá nhân của khách hàng khi họ thực hiện các giao dịch TMĐT.
Xây dựng cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp, trách nhiệm của bên thứ ba trong giao dịch (nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ kết nối, dịch vụ chứng thực, xác nhận...). Các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực (bên thứ ba) đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của một giao dịch TMĐT vì họ chính là người chuyển đi hoặc lưu giữ các thông tin, các tệp dữ liệu, đồng thời họ có thể cấp các chứng thực xác nhận độ tin cậy và chính xác của người gửi cũng như của dữ liệu. Vì vậy, trách nhiệm và quyền hạn đối với các thông tin chuyển đi và lưu giữ của các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải được quy định trong khuôn khổ pháp lý của TMĐT.
Bảo vệ pháp lý các thanh toán điện tử (bao gồm cả việc pháp chế hoá các cơ quan phát hành các thẻ thanh toán).
Quy định pháp lý đối với các dữ liệu có xuất xứ từ Nhà nước, nhằm vừa có thể đảm bảo tính công khai hóa, vừa đảm bảo bảo mật. Quy định nghĩa vụ của các bên tham gia trong giao dịch TMĐT đối với các thông tin của mỗi chủ thể.
Bảo vệ pháp lý đối với sở hữu trí tuệ (bao gồm cả bản quyền tác giả) liên quan đến mọi hình thức giao dịch điện tử. Càng ngày, giá trị sản phẩm càng cao ở khía cạnh "chất xám" của nó mà không phải là bản thân nó. Vì lẽ đó, nổi lên vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ và bản quyền của các thông tin trên Web (các hình thức quảng cáo, các nhãn hiệu thương mại, các cơ sở dữ liệu, các dung liệu truyền gửi qua mạng v.v.) và hệ thống pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ về sở hữu trí tuệ sẽ phải được điều chỉnh.
Bảo vệ pháp lý đối với mạng thông tin, chống tội phạm xâm nhập với các mục đích bất hợp pháp như thu thập tin tức mật, thay đổi thông tin trên các trang Web, thâm nhập vào các dữ liệu, sao chép trộm các phần mềm, truyền virus phá hoại v.v...
Để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, Chính phủ các nước tạm thời chưa thu thuế đối với các sản phẩm thực hiện qua các giao dịch TMĐT. Chưa đánh thuế các dung liệu tức là các hàng hoá "phi vật thể" (như âm nhạc, chương trình truyền hình, chương trình phần mềm v.v... giao trực tiếp giữa các đối tác thông qua mạng).
Về xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của TMĐT
Chính phủ các quốc gia đóng một vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng cho sự phát triển TMĐT, Chính phủ các nước đặc biệt chú trọng đến hạ tầng CNTT, hạ tầng thanh toán, hạ tầng nguồn nhân lực cho phát triển TMĐT.
i) Hạ tầng về CNTT
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để TMĐT phát triển thì Chính phủ phải mở rộng, hiện đại hoá mạng lưới viễn thông - Internet; xây dựng phát triển nhiều dịch vụ và ứng dụng trên Internet; tạo điều kiện truy cập Internet được dễ dàng với chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Đồng thời khai thác sử dụng tối đa năng lực và dịch vụ của các thể chế hiện có liên quan đến thu thập và phổ biến thông tin và dữ liệu và các chương trình mục tiêu để tăng cường sử dụng các CNTT và truyền thông. Ví dụ như các nghiên cứu đánh giá sự tham gia nhiều hơn của các DN có quy mô quốc gia và địa phương vào các chương trình phát triển đầu tư và thương mại.
Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng công nghệ bao gồm việc hình thành hệ chuẩn hoá công nghiệp và TMĐT trên cơ sở những nguyên tắc pháp lý được công nhận tiến tới hình thành bộ mã chuẩn quốc gia phù hợp với giao dịch TMĐT trong phạm vi quốc tế và hoà mạng quốc tế, và các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn trên đường truyền mạng, ngăn ngừa việc truy cập trái phép.
ii) Hạ tầng nguồn nhân lực
Trong thời gian đầu triển khai TMĐT, các nước đều coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các lợi ích của TMĐT cho toàn bộ xã hội. Tập trung giáo dục những kiến thức cơ bản về sử dụng máy tính và Internet giúp người dân hiểu biết về các lợi ích Internet trong học tập, nghiên cứu, kinh doanh, từ đó tham gia tích cực vào việc ứng dụng và phát triển TMĐT. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên điều khiển mạng lưới kỹ thuật đồng thời còn phải phổ cập kiến thức và kỹ năng thực hành cho cộng đồng dân cư để truy cập mạng. Việc tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về TMĐT phổ cập kiến thức và năng lực thực hành cần thiết cho nhà quản lý, các DN, cá nhân người mua, người bán cũng cần được triển khai nhanh chóng.
Để làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực các quốc gia có kế hoạch nghiên cứu thị trường, chiến lược đào tạo dài hạn và đặc biệt phải có kế hoạch đầu tư cụ thể và lâu dài từ đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật đến thị trường.
Chính phủ các nước có những cơ chế, chính sách khuyến khích các DN tích cực triển khai TMĐT, trên cơ sở đó học hỏi thêm kinh nghiệm, hệ thống pháp lý của các quốc gia khác trên thế giới.
iii) Hạ tầng thanh toán
Thanh toán trực tuyến là một trong những vấn đề cốt yếu của TMĐT. Thiếu hạ tầng thành toán, chưa thể có TMĐT theo đúng nghĩa của nó. Do đó để đẩy mạnh TMĐT, các quốc gia đều trú trọng đến việc phát triển đa dạng các loại hình thanh toán trực tuyến như: thanh toán qua thẻ, sử dụng ví điện tử, tiền mặt điện tử.
Bên cạnh đó, để bảo vệ người tiêu dùng khi thanh toán trong các giao dịch TMĐT, các nước đặc biệt chú ý tới vấn đề an toàn của người tiêu dùng trong các giao dịch. Bằng cách xây dựng và ban hành các quy định về chữ kí điện tử, hoạt động của các trung tâm chứng thực quốc gia, các tiêu chuẩn trong trao đổi dữ liệu điện tử v.v... các quốc gia đã tạo ra được niềm tin rất lớn cho người tiêu dùng trong các hoạt động TMĐT.
Thứ ba, về tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển TMĐT
Trong quá trình triển khai TMĐT, Chính phủ các quốc gia thường xây dựng các trung tâm hỗ trợ DN triển khai TMĐT. Nhiệm vụ của các Trung tâm này là phải tìm ra được những mô hình TMĐT tiên tiến và phù hợp nhất để có thể áp dụng và triển khai trong các DN của nước mình. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai TMĐT, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo lập và hoàn thiện môi trường cho sự phát triển của TMĐT. Vai trò của của chính phủ là xúc tiến và tạo thuận lợi cho sự hình thành và sự tiếp nhận TMĐT bằng cách: i) Tạo ra một môi trường thuận lợi, bao gồm cả các khía cạnh pháp lý và điều tiết, có tính khả kiến, rõ ràng và nhất quán; ii) Tạo ra một môi trường có tác dụng xúc tiến niềm tin giữa những người tham gia TMĐT; iii) Xúc tiến sự vận hành có hiệu quả của TMĐT trên bình diện quốc tế bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn trong TMĐT quốc gia tương thích với các chuẩn mực và thực tiễn quốc tế đang diễn tiến; iiii) Trở thành người sử dụng tiên phong nhằm mục đích tạo ra các động lực để khuyến khích các phương tiện điện tử được sử dụng rộng rãi hơn nữa.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương này, luận án đề cập đến ba nội dung chính, các nội dung đó bao gồm:
Thứ nhất, các lý luận cơ bản về TMĐT. Nội dung phần này đã đề cập đến các khái niệm cơ bản về TMĐT, các đặc trưng của TMĐT, các mô hình TMĐT, lợi ích và những tác động của TMĐT. Qua nghiên cứu các khái niệm về TMĐT, luận án coi TMĐT vẫn mang bản chất của các hoạt động thương mại truyền thống nhưng được tiến hành thông qua các phương tiện điện tử.
Thứ hai, những vấn đề cơ bản về QLNN đối với TMĐT. Nội dung phần này đã đề cập đến khái niệm và mục tiêu QLNN về TMĐT; nội dung QLNN về TMĐT và bộ máy QLNN về TMĐT. Đối với khái niệm QLNN về TMĐT, QLNN về TMĐT được hiểu là quá trình nhà nước sử dụng các công cụ quản lý của mình để tác động lên hoạt động thương mại trong môi trường điện tử nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thương mại điện tử đã đặt ra
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, luận án tập trung nghiên cứu 4 nội dung của QLNN về TMĐT, đó là: (i) Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT; (ii) Xây dựng chính sách và ban hành pháp luật về TMĐT; (iii) Tổ chức thực hiện chính sách và kế hoạch phát triển TMĐT; (iv) Kiểm soát TMĐT. Các lý luận cơ bản này đã tạo nên khung lý thuyết nghiên cứu xuyên suốt trong đề tài luận án.
Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm triển khai TMĐT cũng như kinh nghiệm QLNN về TMĐT của các quốc gia có nền TMĐT phát triển trong khu vực và trên thế giới, luận án đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm chủ yếu trong xây dựng chiến lược phát triển TMĐT quốc gia, trong xây dựng và ban hành pháp luật, chính sách về TMĐT và kinh nghiệm của các quốc gia về tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT. Các bài học kinh nghiệm này sẽ giúp Việt Nam có được những bước đi đúng trong quá trình phát triển TMĐT của quốc gia.
CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM