Lãnh đạo cuộc Đông chinh

Một phần của tài liệu Vai trò của alexander đại đế đối với quá trình giao lưu văn hóa đông tây (Trang 38 - 41)

7. Cấu trúc của đề tài

2.1.1. Lãnh đạo cuộc Đông chinh

Khác với thế giới hiện đại khi con người nhờ vào sự hỗ trợ của kĩ thuật tiên tiến và phương tiện tối ưu mà có thể trao đổi và hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa ở các quốc gia khác nhau, sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây vào thời kì cổ đại chỉ có thể đạt được mức độ lan tỏa cao khi có những tác nhân tạo ra một không gian đủ rộng bao trùm và hội tụ các thành tố mang bản sắc văn hóa khu vực. Trong đó có thể là khoảng không gian giao lưu buôn bán ở những phố cảng, hoặc có thể là sự

38

gặp gỡ của những cộng đồng người sau một cuộc chiến tranh liên lục địa. Alexander Đại đế nằm vào trường hợp thứ hai, ông là người có vai trò rất lớn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự gặp gỡ văn hóa giữa những tộc người khác nhau.

Thay vì lựa chọn phương Tây, Alexander Đại đế hướng về phía Đông để tiến hành và thực hiện hóa tham vọng của mình. Công cuộc chinh phục vĩ đại diễn ra trong thế giới cổ đại mà những học giả thường gọi là cuộc Đông chinh vĩ đại. Sỡ dĩ ông thân chinh về phương Đông là vì nhiều lí do khác nhau. Một vị vua trong thời gian trị vì của mình đều mong muốn mở rộng quyền lực khẳng định uy thế và thanh danh, không chỉ trong nước mà còn đối với các quốc gia khác trên toàn thế giới. Một trong những cách được các vị vua sử dụng nhiều nhất trong lịch sử đó là chinh phục và xâm chiếm các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, Alexander cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Ba Tư là một đế quốc rộng lớn và vô cùng hùng mạnh, nổi tiếng vì sự giàu có và xa hoa, thống trị 44% dân số thế giới lúc bấy giờ với chiều rộng lãnh thổ kết nối nhiều khu vực nhiều khu vực: trung đông, bắc phi, trung á, Ấn Độ, châu Âu và vùng Địa Trung Hải [33]. Vì vậy chinh phục được Ba Tư chính là đồng nghĩa với việc tăng cường quyền lực to lớn, củng cố ngôi vương và thỏa mãn tham vọng của một con người nắm trong tay thống trị một vương quốc. Và con đường để đánh bại Ba Tư đó chính là đi về phía Đông.

Phương Đông cũng nổi tiếng là nơi giàu có về tài nguyên thiên nhiên, những sản vật quý hiếm và đặc biệt, điều này có mãnh lực cực lớn đối với những vị vua. Sự hấp dẫn và hứng thú muốn tìm hiểu, trải nghiệm và chiếm đoạt, nguồn lợi lớn sẽ xóa nhòa đi những e ngại về khoảng cách và khó khăn dọc đường, cổ vũ cho Alexander và quân đội của ông hành quân tiến về phía Đông.

Tiếp tục đứng trên cương vị của một vị vua, Alexander nhận thấy rằng Ba Tư là kẻ thù nguy hiểm đối với các thành Hy Lạp và Macedonia cũng không thoát khỏi mối nguy đó. Lịch sử Hy Lạp cổ đại gắn liền với một chuỗi các cuộc xung đột và mâu thuẫn giữa các thành bang, song họ đều có chung một kẻ thù đó chính là Ba Tư. Vì vậy, chinh phục Ba Tư sẽ vừa trút bớt gánh nặng từ việc quấy nhiễu từ các thành bang Hy Lạp khi đi xa vì sự đồng điệu của những người cùng kẻ thù, mà hơn thế nữa là kéo họ về chung một liên minh, bổ sung một số lượng lớn binh lính trong công cuộc Đông chinh sắp diễn ra. Loại bỏ được Ba Tư là trút bỏ được nỗi lo từ một đế quốc mạnh và luôn ấp ủ âm mưu tiến về phía Tây. Thêm vào đó, trên con đường hành quân nhiều dân

39

tộc bị đè nén dưới sự cai trị của Ba Tư cũng sẽ tiếp đón Alexander giống như một vị cứu tinh mà họ đã mong chờ từ lâu. Có thể sẽ có người cho rằng Macedonia từng có những mối liên hệ thậm chí là chư hầu đối với Ba Tư song đây chỉ là giải pháp quân sự tạm thời, về lâu dài có thể bị nuốt gọn trong tham vọng của Ba Tư, suy yếu và mất đi quyền tự do, do đó tốt hơn hết là tìm thời cơ để vươn lên và nắm trong tay sự tự chủ cần thiết trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Và cùng vì là đồng minh, trong một số trường hợp, Macedonia biết được khi nào Ba Tư lục đục nội bộ, mâu thuẫn bên trong nảy sinh, mầm mống suy yếu báo hiệu cho sự suy tàn không thể tránh khỏi, lựa chọn thời cơ vàng tấn công và chinh phục đế quốc hùng mạnh.

Ngoài ra, phía Đông đối với Alexander Đại đế còn mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Khi còn nhỏ ông được học về những bài học địa lí từ người thầy lỗi lạc Aristotle [15, tr.29], bộc lộ thiên phú cùng với khát vọng được chinh phục nhiều nơi. Vua Philip đã nói rằng: “My boy, you must find a kingdom big enough for your

ambitions. Macedon is too small for you." [48] (tạm dịch là “Con trai của ta, con phải

tìm lấy một vương quốc rộng lớn xứng với hoài bão của con, Macedonia quá nhỏ bé với con rồi”). Đặc biệt hơn nữa, cuốn sách mà ông yêu thích chính là tác phẩm của Homer trong đó viết về những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng đi trước, về Hercules, về cuộc chiến thành Troy. Alexander say mê với những câu chuyện trong đó và mơ ước vượt biển để xem thành Troy, nơi Achilles đã chiến đấu và sau đó là Ba Tư của vua Xerxes, người đã cố chinh phục Hy Lạp cách đây một trăm năm [2, tr.75]. Đó cũng có thể được xem là lí do Alexander chọn địa điểm bắt đầu cho cuộc Đông chinh của mình tại thành cổ Troy, điều tương tự là Achilles đã làm khi đặt chân xuống bờ biển. Alexander còn có mong muốn trở thành vua của những vị vua, thừa kế ngôi vị vua châu Á từ Darius, nhưng để làm được điều này thì trước hết cần phải chinh phục được phần lãnh thổ với các thủ lĩnh sừng sỏ ở phía Đông, đó là con đường duy nhất.

Alexander đi về phương Đông cũng là vì kế tục di sản mà vua cha Philip để lại, tiếp tục thực hiện kế hoạch chinh phục Ba Tư còn đang dang dở. Vua Philip đã thành công trong việc xây dựng một quân đội quá dũng mãnh và tuyệt vời, khiến bất cứ kẻ thù nào cũng phải khiếp sợ. Sau khi sử dụng quân đội trên thực tế để xâm chiếm và khống chế các khu vực lân cận, khuất phục các thành bang Hy Lạp tham gia vào liên minh Corinth, ông còn có kế hoạch tiến quân về phía Đông, song cuộc ám sát đã đặt dấu chấm hết cho ông, song lại mở ra một thời kì vĩ đại do Alexander - con trai Philip

40

nắm quyền, một đế chế được dựng lên đằng sau tiếng chân và vó ngựa của đoàn quân Alexander Đại đế.

Như vậy có thể thấy rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả về khách quan lẫn chủ quan, cả về mặt vật chất và tinh thần mà con đường hành quân chinh phục về phương Đông trở thành sự lựa chọn ưu tiên và không thể khác được. Cộng hưởng các nguyên nhân khác nhau cũng tương đồng với sự toan tính của Alexander Đại đế trên cương vị một vị vua vừa lên ngôi.

Với cương vị gánh vác trên vai trách nhiệm dẫn dắt quân đội trên bước đường chiến đấu và chinh phục phương Đông, Alexander đóng vai trò tối quan trọng trong việc tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ, bày binh bố trận trên cơ sở những kiến thức tìm hiểu được về địa phương để kịp thời đề xuất các phương án phù hợp, từng bước nắm lấy ưu thế trong mỗi trận đấu, tiến gần và giành lấy thắng lợi, đảm bảo hạn chế tối thiểu những trường hợp thương vong trên chiến trường. Người lãnh đạo tốt và đủ sức hướng đoàn quân đến chiến thắng khi ngoài tài năng họ còn có một trái tim thực sự quan tâm đến binh lính, quan tâm đến nguyện vọng, nhu cầu, động viên và tạo được trong họ động lực, tinh thần hắng hái để đối mặt với muôn vàn gian truân phía trước. Alexander là một người dẫn đầu như vậy. Vốn dĩ sau khi Darius chết đi, vinh quang thắng lợi trước Ba Tư làm nứt lòng các chiến hữu nhưng nó cũng khởi đầu cho mong muốn của những binh lính mong muốn được trở về quê hương cùng với vị vua mà họ kính trọng thụ hưởng những thành quả ngọt ngào, song bằng tài năng thuyết phục của mình Alexander đã kéo quân lính đứng lên và tiếp tục tiến đến Ấn Độ [15, tr.114].

Với ý tưởng tiến sang phía Đông và tài năng quân sự đáng ngưỡng mộ, Alexander đã thành công trong việc góp phần tạo ra một thời kì mới trong văn hóa nhân loại. Chỉ có phương Đông mới là nơi đem đến những sự trao đổi văn hóa thú vị và cũng chỉ có một cuộc Đông chinh đủ lâu và đủ rộng mới có thể tạo ra phạm vi ảnh hưởng rộng lớn sản sinh và thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa trong thế giới cổ đại. Bởi vì những vùng đất mà ông đi qua là những khu vực xa xôi mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa truyền thống của phương Đông. Không gian giao lưu được tạo ra và liên tục mở rộng từ Đông sang Tây bao trùm lên những con người phương Tây đang tiếp xúc và gặp gỡ với các giá trị văn hóa phương Đông.

Một phần của tài liệu Vai trò của alexander đại đế đối với quá trình giao lưu văn hóa đông tây (Trang 38 - 41)