Quân đội của Alexander Đại đế

Một phần của tài liệu Vai trò của alexander đại đế đối với quá trình giao lưu văn hóa đông tây (Trang 43 - 46)

7. Cấu trúc của đề tài

2.2.1. Quân đội của Alexander Đại đế

Cuộc Đông chinh là con đường mở ra những khoảng không gian rộng cho quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây, đi cùng với người dũng tướng tài năng là một đội quân hùng hậu với sức mạnh to lớn. Quân đội Macedonia được cải tiến và thành lập từ thời vua Philip, đến khi Alexander cầm quyền tiếp tục được củng cố và tôi rèn chuẩn bị cho công cuộc chinh phục vĩ đại. Đội quân hùng hậu này đã tạo ra một lực lượng lớn cho quá trình giao lưu văn hóa, mỗi một bước chân đặt lên mội vùng đất phương Đông. Họ gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc với các tập tục địa phương và chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc tráng lệ. Đó chính là lí do quân đội Macedonia là lực lượng đóng vai trò thực thể tiếp nhận và lan truyền văn hóa Đông - Tây. Trong đó, Alexander và cuộc tiến quân của mình đã hiện thực hóa vai trò của lực lượng này, cộng hưởng cùng với các chính sách khác theo nhiều chiều hướng khác nhau thúc đẩy và khuyến khích họ tích cực tiếp nhận và hòa hợp văn hóa, làm nền tảng mở ra một thời kì giao thoa văn hóa, con người hiểu biết và học hỏi lẫn nhau, văn hóa được kết hợp và trở nên phong phú.

Về số lượng quân đội Macedonia, khởi hành từ năm 334 TCN với quân số dao động trong khoảng từ 30.000 đến 43.000 bộ binh và từ 4.000 đến 5.500 kỵ binh [1, tr.55], nếu đòi hỏi một con số chính xác hơn có thể tham khảo từ nguồn cứ liệu của Diodorus và Arian với con số ước tính là 32.000 bộ binh và 5.100 kỵ binh [1, tr.55].

43

Trong đó cốt lõi của đội quân này chính là đội hình phalanx được tổ chức linh hoạt tùy thuộc vào những trận chiến ở từng khu vực địa hình. Số lượng quân lính có sự biến thiên theo thời gian, đến năm 331 TCN tại Gaugamela, con số quân đội tăng thêm đáng kể bắt nguồn từ viện trợ quân lính và tuyển mộ thêm lính đánh thuê, con số tăng lên 40.000 bộ binh, tăng thêm 8.000 quân sau 3 năm, và 7.000 kỵ binh [1, tr.58], tăng thêm 1,900 sau 3 năm. Đến khoảng thời gian sau trận Gaugamela, Alexander nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của quân đội Macedonia, không ít hơn 6.000 lính bộ binh và 500 kỵ binh, điều này cho phép ông lập thêm tiểu đoàn thứ 17 cho bộ binh. Cho đến những năm tiếp theo số lượng quân lính tăng thêm từ các nguồn chi viện và tuyển thêm quân lính địa phương từ những vùng đất đi qua.

Về thành phần binh lính trong quân đội Macedonia, họ là tập hợp của một quân đội đa dạng về tộc người, xuất phát từ nhiều địa phương khác nhau, ban đầu chỉ có quân đội Macedonia, liên minh Corith đóng góp 7.000 bộ binh hạng nặng, trong đó có 5.000 lính đánh thuê Hy Lạp, ngoài ra còn có 7.000 quân Thracia và Illyria, quân Agrianes [1, tr.56]. Về sau để đối phó với các địa phương và linh hoạt chuyển đổi đội hình, Alexander còn cho phép người Ba Tư tham gia vào kỵ binh. Vào đầu năm 330 TCN, chúng ta được biết về đơn vị kỵ binh phóng lao người Ba Tư hay vào năm 326 TCN, ông đã sử dụng quân đội của Daae, những cung thủ cưỡi ngựa, cũng như những kỵ binh từ Bactria, Sogdiana, Scythia, Arachotia và vùng Parapamisus [1, tr.60-61]. Vào năm 324 TCN, khoảng 30.000 người Ba Tư trẻ tuổi [1]. Không chỉ ở Ba Tư, tại Massanga Ấn Độ, người ta thuật lại rằng Alexander đã cố gắng tuyển mộ binh lính Ấn Độ cho quân đội của mình và đội quân Ấn Độ duy nhất được ghi nhận hiện diện trong quân đội Macedonia đó chính là đội quân do các vương gia Taxiles, Porus và thành phố Nysa với tổng số 11.000 người [1, tr.61]. Tuy nhiên, quân lính ở Ấn Độ chỉ trong quân đội và chiến đấu với tư cách là một lực lượng tạm thời họ không được ghi nhận là đã trở về Ấn Độ cùng với Alexander Đại đế.

Thông qua những đặc điểm về số lượng, thành phần và nguồn gốc của quân đội Macedonia qua suốt cuộc hành trình Đông chinh có thể rút ra một số đánh giá nhìn từ góc độ tác động tích cực đến quá trình giao lưu văn hóa như sau:

44

Thứ nhất, quân số khá đông và ngày càng tăng dần. Lực lượng đông là nhân tố

có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giao lưu văn hóa, ở một chừng mực nào đó nó tỉ lệ thuận với mức độ lan tỏa và giao lưu văn hóa với nhau.

Thứ hai, thành phần quân đội Macedonia được tuyển chọn từ nhiều nguồn khác

nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Việc chung sống và cùng nhau chiến đấu trong một khoảng thời gian dài là cơ sở cho việc phát sinh mối liên kết văn hóa và sợi dây kết nối, họ gần gũi và dần học hỏi văn hóa lẫn nhau.

Thứ ba, lực lượng quân đội đi qua rất nhiều vùng đất và tiếp xúc với các nền

văn hóa khác nhau, sau đó quay về định cư ở Macedonia, thứ họ mang về không chỉ là của cải và những chiến lợi phẩm từ phương Đông mà còn là những giá trị văn hóa độc đáo biểu thị qua con người họ. Ngoài ra, một bộ phận khác được bố trí tại những đơn vị đồn trú tại các khu vực châu Á và Bắc Phi hoặc chấp thuận xây đắp một cuộc sống mới ở nơi đây, họ sinh sống và hòa hợp với lối sống của cư dân bản địa, hình thành nên những cộng đồng dân cư, mang văn hóa Hy Lạp lan truyền khắp chốn và tiếp nhận những giá trị độc đáo từ văn hóa Đông phương.

Để tạo thêm chất xúc tác mạnh mẽ nhằm giúp các lực lượng trong quân đội tạo ra bước tiến xa hơn trong quá trình giao lưu văn hóa, Alexander Đại đế đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách hợp lí. Vì cuộc Đông chinh tiến hành qua nhiều năm, sự cản trở và ngăn cách về mặt địa lí, sự hạn chế của các phương tiện đi lại thời cổ đại sẽ bào mòn sức khỏe và khả năng chiến đấu của đoàn quân, vì vậy quân đội luôn được tuyển dụng bổ sung và thay mới. Những người trẻ đủ sức khỏe được tuyển thêm lính nước ngoài và lính đánh thuê cũng được bổ sung và trở thành lực lượng tham gia chiến đấu. Sự gần gũi nhau trong quân đội ở những mức độ khác nhau sẽ giúp con người tiến đến các ranh giới tiệm cận đến quá trình nhìn thấy những nét đặc biệt từ văn hóa, dần dần hiểu biết và tiếp nhận. Ngoài ra, lính đánh thuê Hy Lạp sử dụng ngày càng nhiều, và những đơn vị đồn trú tại nhiều thành phố được Alexander lập ra những tiểu bang miền Đông gồm những lính đánh thuê này cùng với cư dân bản địa và một vài người Macedonia không đủ sức khỏe [1, tr.60], tại thị trấn Side, Alexander để lại một nhóm binh lính chiếm đóng thị trấn này [1, tr.135], tại vùng đất Scythia, Alexander Đại đế để Coenus ở lại địa phận này với một lực lượng bao gồm đội quân riêng cộng với quân Chiến hữu, toàn bộ lính đánh giáo và những đội quân khác từ Bactria và Sogdiana đã cùng đi với Amytass [1, tr.315]. Xa hơn tại Ấn Độ, Alexander Đại đế đãđể lại một lực

45

lượng lớn người Hy Lạp gọi là Yavana, tạo nên một khu định cư ở Ấn Độ của họ [47]. Những người lính không còn khả năng đi tiếp có thể lựa chọn phương án quay trở về quê hương Macedonia hay định cư tại những vùng đất ở phương Đông. Nhưng dù lựa chọn giải pháp nào thì những giá trị văn hóa mà họ mang trong mình hay tiếp nhận được trên đường đi sẽ có điều kiện được lan truyền, mở ra những hiểu biết về văn hóa phương Đông hay phương Tây.

Alexander với cương vị là một người chỉ huy tối cao trong quân đội, ông luôn hướng đến việc tăng cường số lượng và chất lượng để đội quân đủ sức chiến đấu nhằm đảm bảo thắng lợi trong các trận chiến khác nhau. Song người lính đâu chỉ chiến đấu họ còn sống cuộc đời của họ, những thực thể xã hội. Lực lượng này đã thể hiện vai trò của mình trong việc lan truyền văn hóa, họ định cư tại những vùng đất khác nhau và sống với nền văn hóa của họ, họ quay trở về nơi mình được sinh ra và kể lại những trải nghiệm thú vị từ các quốc gia phương Đông xa xôi. Và cùng với những chính sách thiết thực Alexander Đại đế đã làm họ trở thành những thần dân của một đế chế rộng lớn, tiếp xúc và trao đổi văn hóa với nhau, đây chính là lực lượng chính yếu nhất có thể mở ra một triển vọng lớn cho quá trình giao lưu văn hóa Đông - Tây.

Một phần của tài liệu Vai trò của alexander đại đế đối với quá trình giao lưu văn hóa đông tây (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)