Nhân vật chấn thương

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 46 - 50)

7. Bố cục của khóa luận

2.1.2. Nhân vật chấn thương

Có thể nói, tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 khai thác nhiều về đời sống tinh thần con người, đặc biệt là con người hậu chiến. Những cái tên như Bảo Ninh, Chu Lai, Dương Hướng, … đều lựa chọn xây dựng kiểu nhân vật với những ám ảnh, chấn thương nhằm phơi bày ra sự đối lập giữa hào quang khát vọng và thực tế phũ phàng. Đối với ngòi bút của Nguyễn Bình Phương, chấn thương là khoảnh khắc buộc nhân vật phải tìm kiếm con đường giải thoát hoặc thoả hiệp sống với những đổ vỡ trong đời sống tâm lí. Có rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mang trong mình những tổn tương từ quá khứ. Những loại ám anh này để lại hai khuynh hướng hành động chủ yếu của nhân vật: một là ám ảnh cái chết trong quá khứ để mãi rơi vào vòng xoáy của nó; hai là ám ảnh khát khao dục vọng để mãi đi tìm kiếm nó. Trong Thoạt kì thuỷ và Vào cõi; nhân vật nam thường được khai thác dưới ám ảnh cái chết và nhân vật nữ thì được khai thác dưới ám ảnh dục vọng.

Kiểu mã nhân vật chấn thương do ám ảnh từ cái chết trong quá khứ nổi bật ở Thoạt

kì thủy là Tính và Hưng. Thường sau những tác động đó, nhân vật tiến gần đến kiểu dạng

người điên. Đây được xem cách thức khai phá nhân vật mới mẻ của Nguyễn Bình Phương. Nó trở thành bộ mã đặc biệt kết nối nhiều mã khác: người điên sống trong một không gian điên và sở hữu ngôn ngữ giao tiếp phi logic. Nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê từng nhận xét về

Thoạt kỳ thuỷ là một “hành trình của một cộng đồng, dù đã nửa phần điên loạn, vẫn không

biết mình đang đi dần đến toàn phần điên loạn” [55]. Ở không gian Linh Sơn kì quái tồn tại những người điên do tác động của chiến tranh như Hưng, mất trí bởi sử dụng rượu liên tục như ông Phước hay chỉ đơn thuần như Tính - một kẻ điên bẩm sinh. Nhân vật Tính sinh ra và lớn lên trong bầu không khí ám đầy mùi chết chóc, máu tươi và những tiếng rên rỉ. Nhờ thế mà Tính sống với cái suy nghĩ hiếu sát đầy ghê rợn. Ban đầu chỉ là thói quen thích giết công cống sau chuyển sang đốt nhà, đỉnh điểm là giết người. “Năm lên hai tuổi, Tính không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác. Tính thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm” [38, tr.15]. Tính đâm chết ông Khoa và tự đâm mình trong trạng thái vô thức. Có thể thấy, từ nhỏ Tính đã được chứng kiến cảnh chọc tiết heo nên hình ảnh máu, con dao luôn trở đi trở lại trong tâm thức của Tính và sự giết chóc lại là

điều có thể ủi an tâm hồn “méo mó” của hắn. Chính vì tiếp xúc quá nhiều với công việc mổ lợn cùng ông Điện mà Tính sinh ra một chấn thương về sự huỷ diệt. Hắn là một người thiếu đi bản năng sinh tồn (truyền giống) khi không thích gần gũi vợ mình nhưng lại thừa bản năng huỷ diệt. Ngay cả cái nghề đập đá cũng trở thành cơ hội thoả mãn cơn “khát máu” của hắn: “Đá này, sống lại này. Đá này, sống lại này” [38, tr.45], “Đêm... Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời” [38, tr.25]. Không chỉ riêng Tính, Hưng cũng có dấu hiệu bất thường về tâm lí sau khi trở về từ cuộc chiến. Hưng luôn tự nhận mình là thương binh nhưng không khiến người trong làng tin vào hắn. Hưng háo hức với những câu chuyện chiến đấu. Không những thế, Hưng có một nỗi ám ảnh đặc biệt với cánh bướm gắn với hình ảnh người mẹ. Nếu như chấn thương về cái chết ở Tính xuất phát từ việc hắn tiếp xúc với máu, với tiếng rên, với con dao hằng ngày thông qua việc chọc tiết lợn thì ở Hưng, cái chết của mẹ sau khi trở về là điều ám ảnh hắn: “Nếu mày là bướm thì đến đây. Nếu mày là mẹ tao thì bay đi” [38, tr.64]. Khi trò chuyện với Tính, Hưng vẫn say sưa tưởng rằng được trò chuyện cùng mẹ: “Mẹ tao về đấy…mẹ này, còn cà không…” [38, tr.96]. Đối với Hưng, thực tại trở nên vô nghĩa khi bóng dáng người phụ nữ kia chỉ xuất hiện trong vô thức của hắn: “Hưng không nghe thấy gì. Trước mặt, một con bướm trắng bay lảo đảo…Hưng nhìn theo con bướm, lẩm bẩm “Mẹ, mẹ” rồi cắp súng lao lên” [38, tr.128]. Tương tự như Tính, đời sống bên trong của Hưng đầy rẫy sự phức tạp. Nếu như Tính cứ đêm về sẽ cầm dao đi đến từng chuồng lợn trong làng chọc tiết chúng thì Hưng cũng đã bắn chết một con trâu và kết liễu Phùng ở bãi Nghiền sàng khi nhìn thấy hình ảnh cánh bướm. Cuối cùng, Hưng chết trong đau đớn và tức tưởi. Nhiều nhân vật khác trong Thoạt kỳ thủy cũng không kiểm soát được những hành động bản năng, vô thức, đôi khi bệnh hoạn: hành động gặm đít chén và nhai cả chai thuỷ tinh (ông Phước), trồng phong lan đặt tên Hiền (ông Phùng), Hưng và bà Liên đều từng nhìn trộm Hiền khỏa thân; trong khi đó Hiền nhiều lúc tự ngắm mình khoả thân dưới bàn thờ của bố mẹ, … Thế giới nhân vật trong Thoạt kỳ thuỷ được xem là tập hợp của những con người điên loạn, sống bản năng và huỷ diệt tri thức cộng đồng. Không chỉ biến dạng về ngoại hình, đó còn là những con người đổ vỡ về tâm hồn bởi những tác động từ quá khứ. Có những chấn thương do cuộc sống tạo ra (người mẹ đã mất đối với Hưng, cảnh giết chóc đối với Tính) nhưng cũng có không ít những hệ quả do chính con

người để lại (thói nghiện rượu của ông Phước, ẩn ức tính dục của những người đàn bà như Hiền, bà Liên). Trong tác phẩm Và cỏ (nhà văn Phùng) cũng xuất hiện người đàn bà điên như sự xếp chồng, tiếp nối của Thoạt kỳ thuỷ, báo hiệu thế giới người điên kia sẽ không

thể dừng lại.

Ở tiểu thuyết Vào cõi, ảnh hưởng nặng nề về cái chết có thể kể đến là chị em Vang Vọng và Hắn. Cả hai chị em từng phải chứng kiến cảnh bố bị giết ngay trước mặt. Với Vọng, sau cái chết của bố, Vọng chật vật tìm đường giải thoát cái kiếp nghèo khổ của mình. Nhưng ngay cả khi đi làm bảo vệ, anh vẫn phải chứng kiến khung cảnh cái ngày mà bố bị đánh chết hiện lên. Khung cảnh đó quen thuộc đến đau đớn. “Lần nào đến chỗ cổng bách hoá, nơi đối diện với ki ốt bán bánh kẹo, Vọng cũng tái người” [39, tr.98], có đôi lúc trong Vọng xuất hiện lòng hận thù đến cùng cực, “hận thù từ ký ức” [39, tr.98]. Tuy nhiên, trong các nhân vật bị ám ảnh về cái chết ; Vọng là người ít bị chấn động nhất. Về sau, cuộc đời của Vọng nghiêng về những thoả mãn thể xác với Hiên nhiều hơn là nghĩ về cái chết của bố. Ngay cả khi gặp lại Hắn – kẻ đã tạo nên ám ảnh khi xưa thì bản thân Vọng cũng không nhận ra được.

Sau cái chết của bố Vọng, nhân vật Hắn lại là người ám ảnh nhất, đặc biệt là nỗi lo sợ bị trả thù bởi chính Vọng. Trước ngày Vọng xin vào làm bảo vệ, Hắn đã vô tình nghĩ đến cái chết. Vì lo sợ nên Hắn đâm ra nghi kị mọi thứ, suy nghĩ thận trọng hơn trước. Ngay cái ngày Hắn giết chết bố Vọng, hắn đã nghĩ đến cảnh ngồi tù, đến mẹ và em Hắn. Trong những giấc mơ, Hắn toàn mơ thấy một thằng bé (có thể là Vọng) và mọi thứ xung quanh cứ xám dần đi. Chi tiết máu cũng xuất hiện trong những giấc mơ, những dòng suy nghĩ vô định của Hắn: “Nâng chén trà lên, nghĩ thế nào, hắn lại tò mò soi mặt vào đó và bỗng sững người, mắt trợn tròn như mắt chó luộc. Mặt hắn méo mó nằm trong đáy chén máu. Rồi cái mặt ấy nhoè đi, tan vỡ hàng trăm mảnh loả toả, sóng sánh. Chén máu rung bần bật, sánh ra quần và đọng thành một mảnh thẫm nơi đầu gối.” [39, tr.71]. Cái hay của Nguyễn Bình Phương là trong hệ thống nhân vật chấn thương của ông có người thì cảm thấy thoải mái khi được chìm đắm vào nó (Tính với say mê giết chóc, Hưng hạnh phúc mỗi khi gặp lại mẹ trong vô thức) nhưng cũng có nhân vật sợ hãi mỗi khi phải đối diện với dư chấn từ quá khứ như Vang, Vọng và Hắn. Đối với người khác, Hắn trở nên nhạy cảm hơn, nhất là

những ai khơi lại chấn thương từ quá khứ. Khi đồng nghiệp trêu đùa “Này, mày như thằng giết người đang trốn không bằng” liền bị Hắn một giáng vào giữa mặt. Hắn tỏ ra lo sợ trước Vọng: “Hắn nhìn kĩ khuôn mặt Vọng. Kẻ ấy lì lợm, còn thằng oắt con này lại ngơ ngác non dại, không có nét gì giống nhau cả.” [39, tr.82]. Có đôi lần Hắn nhìn thấy kẻ mình giết trong hình dáng của Vọng và nảy sinh những xung năng tiêu cực: “Bất lực. Căm thù. Sợ hãi. Ngần ấy thứ gieo vào hắn ngày một nặng nề. Mắt hắn dại đi, một cục đỏ đọng lại giữa lòng trắng, phía bên trái” [39, tr.83]. Hắn, một kẻ có thể vung tay đấm chết một người, từng rất hãnh diện vì thành tựu kia: “Hắn thoát ra đầu tiên khi nhận thấy niềm kinh hoàng và nỗi kiêu hãnh xảy ra. Cú đánh của hắn không ngờ lại đạt hiệu quả cao đến vậy” [39, tr.17] bên trong lại luôn có nỗi lo sợ bị trả thù bởi một đứa bé, luôn lo sợ ngồi tù và cái chết cứ thôi không bám riết lấy hắn. Có thể thấy, bất cứ một con người nào đều có những tổn thương tận sâu bên trong, cho dù làm việc tốt hay xấu, bình thường hay không bình thường, sâu thẳm bên trong họ đều là những mảnh vỡ. Chính vì thế, con người hiện đại mới hoài nghi tất cả, về đúng sai được mất, về cuộc sống hiện đại. Càng chối bỏ những tổn thương, con người càng phải đối mặt với nó. Như Hắn, Hắn không muốn ai nhắc đến câu chuyện xưa cũ, nhưng trong cõi vô thức, Hắn ngày ngày phải đối diện với một Vọng khát khao trả thù và máu rơi vãi khắp mọi nơi.

Sự nghèo khổ đã từng khiến bố Vang Vọng bị đánh chết khi ông móc túi người khác cứ bám riết lấy suy nghĩ của Vang. “Đêm ở làng, bao nhiêu lần cô phải vùng dậy vặn hết cỡ ngọn đèn dầu vì hoảng sợ. Giấc ngủ của cô luôn chập chờn những hình thù quái dị, tương phản nhau đến nghiệt ngã. Những lùm cây, những căn nhà vây chặt lấy chị em Vang như muốn nghiền nát ra. Chúng lừ lừ tiến lại và siết chặt đến tức ngực, ú ớ” [39, tr.58-59]. Đối với Vang, cái chết của bố không ám ảnh bằng sự tủi nhục của gia đình. Đã có những lúc cô mong muốn có bóng dáng một người đàn ông trong nhà, để ủi an tâm hồn lạnh lẽo của cô, cũng chữa lành những tổn thương trong lòng Vọng. Trong tâm trí Vang, hình ảnh gia đình tan vỡ là thứ ám ảnh cô mãi về sau. Lần thứ hai cái chết ám vào đời Vang là khi chính tay cô tước đi mạng sống đứa con với Loạng. Bố cô đã làm ô nhục gia đình, vạ lây đến Vọng, giờ đây “nếu sinh con, Vang sẽ mất cậu em quý giá ấy vĩnh viễn” [39, tr.160]. Với nhân vật Vang, chấn thương xuất phát từ gia đình và nó phá vỡ đi những ước muốn

hạnh phúc giản đơn của cô. Những tổn thương đó khiến con người không thể chống chọi lại với cuộc sống ngoài kia. Chấn thương trong Vang là tổng hợp của rất nhiều nỗi sợ: mất đi người thân, không được thoả mãn hạnh phúc cá nhân và trở thành nỗi tủi nhục của gia đình.

Kiểu nhân vật chấn thương cho phép Nguyễn Bình Phương đi sâu vào thế giới bên trong con người, phơi bày những sự thật trần trụi, giải ảo giải thiêng chiến tranh, cho dù là chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa đều để lại những dư chấn khó có thể thay đổi được. Không những vậy, con người luôn là sự đấu tranh không ngừng giữa bản năng và đạo đức xã hội, giữa lí tưởng cao đẹp và dục vọng đời thường. Ngoài ra, xây dựng nhân vật chấn thương còn cho thấy người càng hiện đại càng ý thức được bản thân không bao giờ chối bỏ được những chấn thương, buộc lòng phải chấp nhận và sống cùng những đổ vỡ đó.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 46 - 50)