Kết cấu phân mảnh

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 71 - 74)

7. Bố cục của khóa luận

3.1.2. Kết cấu phân mảnh

Phân mảnh (fragmentation) là một đặc tính vô cùng quan trọng của cảm quan hậu hiện đại trong các tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986. Kết cấu phân mảnh là kiểu kết cấu mà các mảng văn bản trần thuật bị tách nhỏ “thành những mảnh vụn rời rạc, xô lệch, không theo một trật tự nhân quả rõ rệt nào và tương ứng với mỗi mảnh vụn ấy là mỗi mảnh của hiện thực đời sống được biểu hiện”. Với kiểu kết cấu này, truyện kể không phụ thuộc vào mạch phát triển của sự kiện, biến cố theo dòng thời gian tuyến tính. Dưới sự ảnh hưởng của lối viết hiện thực huyền ảo và tư duy hậu hiện đại, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương hướng đến một hiện thực không toàn vẹn, một hiện thực rời rạc, đổ vỡ, rạn nứt. Ở đó, hiện thực không phải là một khối thống nhất mang tính đại tự sự như kết cấu truyền thống mà xuất hiện vô số mảnh vỡ. Loại mã này có sự liên kết bền chặt với kĩ thuật dòng ý thức và kết cấu đồng hiện khai thác những giấc mơ gián đoạn, những dòng hồi ức đan xen nhưng triền miên của thế giới bên trong nhân vật. Với họ, cuộc sống không chỉ là một thứ hiện thực trôi nổi trên bề mặt; cuộc sống còn là những gì khác nữa khuất lấp sau những tổn thương con người bên trong. Có rất nhiều các đoạn truyện được xếp liền kề nhau song hầu như rất ít có sự liên kết cả về mạch truyện, lẫn về ngữ pháp. Những yếu tố cơ bản như cao trào, thắt nút, mở nút của tình huống truyện bị phá vỡ, nhấn chìm trong chuỗi lắp ghép miên man của các văn bản tự sự.

Kết cấu phân mảnh trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy trước hết nằm ở việc Nguyễn Bình Phương không chia cấu trúc truyện kể theo chương thông thương mà cắt thành 3 phần giống với kết cấu của văn bản kịch: Tiểu sử, Chuyện và Phụ chú (tác phẩm Và cỏ của nhân

vật Phùng và các giấc mơ của Tính và Hiền). Ngoài phần tiểu sử giới thiệu về đặc điểm ngoại hình, lai lịch các nhân vật thì phần phụ chú lại tạo sự hoang mang cho bạn đọc trong việc phán đoán nội dung tác phẩm. Khi tiếp cận tiểu thuyết, bạn đọc khó nhận biết truyện

Và Cỏ của ông Phùng có mối quan hệ gì với câu chuyện về làng của Tính hay nội dung

những giấc mơ của Tính và Hiền (phần phụ chú) xuất hiện ở đâu trong mạch truyện kể. Ngoài ra, trong phần Chuyện, tác giả chêm xen nhiều đoạn chữ nghiêng miêu tả trạng thái vô thức của các nhân vật làm cho tác phẩm bị ngắt nhỏ và các đoạn dường như không kết nối với nhau về mặt nội dung. Như vậy, Thoạt kỳ thuỷ tựa những mảnh vỡ vô thức ghép nối lại mà luôn có sự vênh lệch, thiếu logic. Những phiến đoạn của vô thức của nhân vật Tính trong tiểu thuyết được biểu hiện qua những đoạn văn bản in nghiêng xen lẫn một cách đột ngột trong tác phẩm khiến cho văn bản bị xẻ nhỏ, phân mảnh (tổng cộng có 7 đoạn miêu tả vô thức của Tính). Những đoạn này nếu đi đến cùng bạn đọc cũng không tìm thấy điểm kết nối thực sự bền chắc với các sự kiện trong văn bản, chỉ biết rằng lúc nào cũng là máu me, chết chóc và dục vọng nổi lên dưới ánh trăng vàng lạnh người.

Nếu không tính hình ảnh con cú thì phần tiểu sử tác giả điểm qua 16 con người, tương ứng với 16 câu chuyện riêng rẽ, rời rạc. Trong số đó nhà văn chú trọng đến một số mảnh vỡ lớn hơn như Tính với thế giới vô thức điên loạn, bạo lực đẫm máu, Hiền với khát khao dục vọng bên cạnh người chồng điên là Tính. Bên cạnh đó là một bà Liên cả đời trăn trở với cuộc sống của những người xung quanh: một đứa con điên loạn (Tính), một người con dâu ngờ nghệch (Hiền) và một người chồng nghiện rượu nặng (Phước); một người nghệ sĩ bị lãng quên tên Phùng; thương binh chống Mỹ với những hành động kì quái mang tên Hưng. Tất cả đều được xây dựng một cách chỉn chu về câu chuyện của bản thân, về sự xuất hiện của họ ở vùng Linh Sơn ma quái này; về những căn bệnh, ám ảnh trong đời sống vô thức và có cả những giấc mơ, điềm báo. Ngoài ra, sự phân bố mảng truyện kể cũng có tính phân mảnh lớn. Nếu phần đầu tiểu thuyết chủ yếu xoay quanh gia đình bà Liên (bà Liên, Tính, Hiền, ông Phước) thì phần sau Thoạt kỳ thuỷ là sự xuất hiện dồn dập của ông Sung, Hưng và Vinh. Nếu tập trung phát triển từng cốt truyện riêng (nhân vật Tính - kẻ điên xóm Sói và Hưng – kẻ mang chấn thương hậu chiến) thì tác giả có thể hình thành hai tác phẩm cơ bản hoàn chỉnh riêng biệt. Kết cấu này kéo theo khả năng tiếp nhận tác phẩm là vô hạn.

Phá vỡ cốt truyện/phân rã cốt truyện làm giảm khả năng phán đoán của độc giả nhưng lại tăng khoảng trắng ngôn ngữ cho quá trình đồng sáng tạo. Tác giả đóng vai là người giới thiệu hiện thực, hơn thế nữa còn là một hiện thực ngổn ngang, chồng chéo. Bạn đọc giờ đây không thể chỉ tiếp cận với những công cụ sẵn có của lí luận truyền thống hay thi pháp thể loại.

Kết cấu này thậm chí còn nổi bật ở Vào cõi. Nguyễn Bình Phương lồng ghép đến ba câu chuyện trong tiểu thuyết này: câu chuyện chị em Vang – Vọng; câu chuyện về nhân vật hắn và câu chuyện về nhân vật xưng tôi phân bố đều khắp tác phẩm được chia thành 27 đoạn nhỏ (đánh số thứ tự từ 1 đến 27). Các đoạn này được phân chia không tương ứng với nhau về mặt dung lượng. Trong tổng số 27 đoạn có 6 đoạn trên 10 trang; 19 đoạn từ 4 đến 9 trang và có những đoạn chỉ vỏn vẹn 1, 2 trang. Cả Thoạt kỳ thuỷ và Vào cõi đều được xây dựng dưới hình thức tiểu thuyết chêm xen hình thức hồi kí, nhật kí. Với Thoạt kỳ thuỷ, hồi kí hiện lên dưới hình thức ghi chép cuộc đời của con cú mở đầu với các mốc thời gian cố định. Trong tiểu thuyết Vào cõi, hình thức này rõ hơn với sự hiện diện của cuốn sổ. Các đoạn 1, 8, 18, 23, 25 nói về cuộc đời nhân vật tôi (trong cuốn sổ) được lồng vào mạch kể câu chuyện của Tuấn với chị em Vang và Vọng. Thực chất giữa Tuấn và chị em Vang - Vọng không có bất kì một mối quan hệ trực tiếp nào như Tính và Hưng (Thoạt kỳ thuỷ). Nhân vật kết nối hai tuyến truyện trên là Thơm - em gái của hắn, kẻ đã sát hại bố của Vang và Vọng. Không những thế, bản thân mạch truyện được ghi chép trong cuốn sổ cũng được chẻ nhỏ liên tục bởi các đoạn thơ trong hồi ức của nhân vật tôi. Điều này làm cho tiểu thuyết Vào cõi mặc dù dễ đọc hơn so với Thoạt kỳ thuỷ nhưng những câu chuyện lại khá rời rạc với nhau, đặc biệt là sự xuất hiện của Đông điên. Nhân vật này được nhắc đến ở phần đầu của tác phẩm gắn với sự kì bí của núi Rùng; sau đó một đoạn dài không được nhắc đến. Về cuối, mụ lại có mặt trong câu chuyện thêu dệt về cái thai của Vang với Diêm Vương, sau đó là lúc nhân vật Tuấn chết.

Có thể thấy, sự bẻ gãy trục kết cấu truyền thống làm cho giới hạn tiểu thuyết được mở rộng. Đó không còn là câu chuyện của một người mà là câu chuyện của nhiều người. Đó không còn là câu chuyện của một thế giới mà còn là câu chuyện của nhiều thế giới. Nhờ đó, nhà văn khai thác được nhiều hơn suy nghĩ, quan niệm nhân sinh của mình. Kết

cấu phân mảnh như đã nói cũng tạo tiền đề cho sự thâm nhập của bạn đọc vào mạch văn bản. Đối với tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nói chung; phân rã cốt truyên là một quy tắc cơ bản đáp ứng cảm quan đổ vỡ và nghi hoặc của văn chương hậu hiện đại.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)