7. Bố cục của khóa luận
2.1. Mã nhân vật trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy và Vào cõi
Đối với các tác phẩm văn xuôi, nhân vật là một trong những hình tượng cơ bản hình thành nên thế giới nghệ thuật. Cho dù văn học ngày càng phát triển và triệt tiêu nhiều yếu tố khác trong cấu trúc văn bản thì nhân vật vẫn tồn tại kể cả khi không giữ được cách xây dựng truyền thống. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì nhân vật (character) được định
nghĩa là:
“Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng, cũng có thể không có tên riêng… Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống… Nhân vật văn học còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm” [18. tr.235].
Chính từ khái niệm này có thể thấy rằng nhân vật về bản chất là sự quy ước một cá nhân hoặc tập thể, có khi là kiểu người, dạng người dưới góc nhìn của nhà văn. Mã nhân vật từ đó không chỉ chịu sự tác động của đặc trưng thể loại mà còn chịu sự định hình của tư tưởng người cầm bút. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại thường xuất hiện kiểu nhân vật có đời sống nội tâm phức tạp, phong phú, thế giới tâm linh bí ẩn. Họ được miêu tả với trạng thái cô đơn, đổ vỡ về niềm tin trong cuộc sống và chạy trốn vào thế giới kì ảo, tâm linh. Ngoài ra còn xuất hiện những con người sống theo bản năng, hành động được thúc đẩy với dục vọng và các xung năng mang tính nguyên thuỷ. Ở các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương hướng đến con người mang tâm thức hậu hiện đại. Để phục vụ quan niệm về hiện thực và con người như thế, Nguyễn Bình Phương tập trung mã hoá hình tượng nhân vật dưới các hình thức nhân vật biến dạng, nhân vật chấn thương và nhân vật truy tìm bản thể.