Mã ngôn ngữ, mã biểu tượng trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy và Vào cõi

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 77 - 82)

7. Bố cục của khóa luận

3.2. Mã ngôn ngữ, mã biểu tượng trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy và Vào cõi

Cùng với cách tân về mã kết cấu, ngôn ngữ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được xem là phát hiện mới mẻ của nhà văn trong cách thức tái mã hoá kí hiệu ngôn ngữ này. Ngôn ngữ một mặt là phương thức biểu hiện của các mã thẩm mĩ khác, mặt khác bản thân nó được nhà văn cung cấp quyền lực diễn ngôn riêng. Chính vì thế dưới lí thuyết của kí hiệu học thì ngôn ngữ là mã thẩm mĩ cực kì quan trọng, có sự tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống các bộ mã khác trong chỉnh thể văn bản. Chúng tôi chọn xem xét mã ngôn ngữ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương dưới hai hình thức ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Đầu tiên vì tác giả không chủ đích xây dựng mã kết cấu truyền thống dẫn đến sự đứt gãy về cốt truyện, mạch văn bản chia tách, xoắn kép nhiều yếu tố nên vai trò người kể chuyện có sự thay đổi so với tiểu thuyết truyền thống. Bên cạnh đó, mã nhân vật người điên được xem là phát hiện mạnh mẽ của Nguyễn Bình Phương trong việc khai thác đời sống vô thức con người nên ngôn ngữ nhân vật trở thành phương thức nhận diện đặc trưng của mã nhân vật. Đối với mã biểu tượng, chúng tôi nhận thấy trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có sự xuất hiện lặp đi lặp lại một số mẫu hình ảnh như hình ảnh của cái chết (con dao, máu); hình ảnh của điềm báo (con cú, cánh bướm, diều hâu, …); hình ảnh của cõi vô thức (trăng, giấc mơ); … Như vậy, những hình tượng nghệ thuật này mang tính tiêu biểu và đại diện cho một quan niệm nhân sinh đặc biệt của nhà văn. Khi tồn tại với tư cách là một hình tượng điển hình trong tác phẩm văn học thì rõ ràng chúng trở thành những kí mã biểu tượng mang theo yếu tố văn hoá cộng đồng. Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương tập trung cơ cấu các biểu tượng gắn với tri thức dân gian, tâm

linh; đặc biệt là hệ thống biểu tượng kì ảo gắn với sự tiên tri và các mã biểu tượng liên quan đến đời sống vô thức.

3.2.1. Ngôn ngữ người kể chuyện.

Việc phá vỡ kết cấu truyện kể thường thấy khiến cho việc tạo dựng hình tượng người kể chuyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có sự thay đổi rõ nét so với tiểu thuyết truyền thống. Trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thuỷ là tác phẩm duy nhất mà người kể chuyện chủ yếu sử dụng một giọng điệu duy nhất là khách quan, trung tính, sắc lạnh, tẩy trắng. Ở đây, người kể chuyện không chủ đích chêm xen cảm xúc vào mạch truyện, vì thế không tác động đến sự phát triển chuỗi hành động. Ngôn ngữ người kể chuyện vì thế phần lớn là ngôn ngữ bán trực tiếp (thay thế, đan xen liên tục các cuộc đối thoại, lời nói vô thức của nhân vật). Với những đoạn người kể chuyện trực tiếp trình bày sự kiện thì chủ yếu là những câu văn trần thuật đơn. Điều này khiến cho ngôn ngữ người kể chuyện trở nên trung tính. Như đoạn Hiền và Tính nói chuyện về con dao của ông Điện (bố Hiền) được thuật lại với một giọng điệu lạnh lùng:

“Lựa lúc vắng người Hiền níu Tính nói chuyện. Tính ngồi gục đầu, toàn hỏi con dao ở đâu. Hiền hỏi dao nào, Tính bảo dao chọc tiết lợn. Hiền sực nhớ, lôi con dao dưới giường ra, con dao bị nung trong lần cháy nhà nên vàng xỉn. Hiền mài lại, thấy giữa thân dao có khắc chìm tên bố mình. Hiền định cất đi nhưng Tính giằng lấy. Tính mân mê con dao, thỉnh thoảng lại vỗ vỗ vào chuôi. Hiền hỏi sao lại đòi giữ. Tính nói thích. Hiền ôm đầu Tính dúi vào ngực mình. Tính vùng ra mắt hoảng loạn. Hiền ngượng ngùng, mắt rơm rớm” [38, tr.61].

Ở các đoạn khác, giọng kể khách quan vẫn được duy trì; hiện thực trình lên một cách trung thực, chỉ có sự kiện diễn ra liên tiếp:

“Ông Phùng im. Bà Liên đi lại, ông Phùng chào, không đáp. Hiền vén tóc mai, lấy tích nước. Ông Phùng về. Mặt bà Liên nặng trịch. Nhìn ông Phùng lọ khọ đi, bà Liên bấu vai Hiền: “Mẹ sợ lắm!”. Hiền đỡ lưng bà Liên: “Nước đây, mẹ uống đi!”. Bà Liên uống bốn ca liền, mặt nhẹ dần” [38, tr.54].

“Thương lẻn nhanh vào rồi đóng cửa lại. Hưng cẩn thận lấy ghế chèn thêm. Thương đực mặt chờ. Hưng cười như mếu, sán lại. Hai người ngã ra nền nhà. Tóc Thương vướng

vào mồm Hưng, mắt dim lại, cặp môi dày hé ra. Hưng dụi mặt từ cổ đến đùi Thương sau đó chồm lên sóng đôi. Khi Hưng đi vào, Thương nấc lên” [38, tr.81].

Ngoài ra, những đoạn vốn dĩ phải được đẩy lên cao trào như các cuộc đối thoại thì người kể chuyện dường như biến mất hay chỉ xuất hiện nhằm mục đích giới thiệu lượt lời: “Tảng sáng, ông Phước đến chỗ ông Phùng. Ông Phùng choàng dậy. Ông Phước chửi vỗ mặt:

- Mày là chó!

Ông Phùng gật đầu, lùi dần vào trong góc. Ông Phước đạp mạnh vào đầu ông Phùng: - Mày cho nó uống rượu.

Ông Phùng chối. Ông Phước nói rin rít:

- Tao tha mạng cho mày đấy. Tịch thu hết rượu.” [38, tr.70].

Cách thức xây dựng ngôn ngữ người kể chuyện trong Thoạt kỳ thuỷ mang một màu sắc lạnh thể hiện hai yếu tố. Thứ nhất, nhân vật tự chuyển biến, tự tha hoá dưới sự thúc đẩy của các yếu tổ bản năng và vô thức chứ không được người kể chuyện tác động. Thứ hai, tính khách quan trong ngôn ngữ người kể chuyện làm cho bạn đọc tin rằng hiện thực đang được tái hiện trong tác phẩm là một hiện thực trần trụi nhất, không có sự hư cấu. Tẩy trắng giọng điệu khiến tính chất định hướng cảm xúc, nội dung bị biến mất; thay vào đó bạn đọc phải tăng cường năng lực giải mã và liên kết mã để đi đến xác quyết một vấn đề tư tưởng nào đó. Đối với Vào cõi, ngôn ngữ người kể chuyện có màu sắc hơn, đặc biệt là ở câu

chuyện nhân vật xưng tôi kể lại. Ngoài ra, do tồn tại hai mạch truyện tách nhau chạy song song nên xuất hiện hai hình thức người kể chuyện: người kể chuyện xưng tôi (câu chuyện trong cuốn sổ) và người kể chuyện ngôi thứ ba (kể về chị em Vang Vọng), vì thế ngôn ngữ có sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn. Ở đây, ngôn ngữ chuyển dần từ bán trực tiếp không có yếu tố cảm xúc sang bán trực tiếp chêm xen yếu tố cảm xúc. Đối với các phân đoạn miêu tả nội tâm nhân vật, ngôn ngữ đã bám sát hơn vào suy nghĩ của nhân vật: “Và hắn thấy mình mặc một bộ quần áo kẻ sọc màu xám, ngồi thu lu trong góc tường đá cũng màu xám. Hắn sẽ ngồi đến mủn người ra và biến thành thứ bùn xám đắp dày lên mặt nền nhầy nhụa, khai mù. Ngoài kia, mẹ và em gái hắn nhìn hắn chòng chọc. Hắn lồng lộn thoát ra

với mẹ, hoặc chạy trốn khỏi mẹ, nhưng những thanh sắt dọc, chắc lạnh chắn hắn lại” [39, tr.18].

Đặc điểm thứ hai của mã ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là sự xuất hiện đan xen nhiều hình thức diễn ngôn trong lời tự sự hướng tới việc tạo ra tính phức âm, đa âm, đa giọng điệu và xa hơn tính đa thanh - một đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Những đoạn lời người kể chuyện xuất hiện các lời thoại của nhân vật (giữ nguyên đại từ nhân xưng hoặc xoá trắng toàn bộ, giữ nguyên sắc thái giọng điệu của nhân vật xuất hiện mà không được phân biệt bằng các dấu hiệu trích dẫn diễn ngôn trực tiếp. Trong Thoạt kỳ thuỷ, đoạn chú Mười kể chuyện cho Tính nghe thì lời của nhân vật được lồng vào lời người kể: “Chú Mười lân la mò sang. Tính không ngẩng lên. Chú Mười kê

hòn đá, ngồi kể đủ thứ chuyện. Tính nghe câu được câu mất. Nó lao xẻng, tao tránh. Đá thốc lên. A-lê hấp. Ngã bổ chửng. Mẹ, tức cười. Dây vào tao, chỉ có dại. Tây đen tao còn giã cho ra tóp nữa là hạng nó” [38, tr.46]. Ở đoạn người kể chuyện thuật lại cuộc đối

thoại của Hưng và ông Khoa cũng được xây dựng với hình thức đan xen kiểu này: “Ba ngày sau Hưng được thả về, mặt mũi thâm tím. Hưng không chào ai, đóng cửa suốt ngày.

Hôm ấy, ông Khoa sang thăm Hưng. Hưng hỏi, ngày xưa bố tôi có gửi bác cái gì phải không? Ông Khoa bảo, bố cậu chỉ gửi lời thôi. Có muốn nghe không? Hưng đáp, lời thì tôi chả cần.” [38, tr.65].

Không chỉ có thế, Nguyễn Bình Phương chuộng dùng những câu văn ngắn. Kiểu câu đơn xuất hiện nhiều; câu ghép thì được chẻ ra thành nhiều vế ngắn, rời rạc, đứt đoạn; loại bỏ các từ quan hệ, từ đó cũng không có sự lập luận, giải thích.

“Bất lực. Căm thù. Sợ hãi. Ngần ấy thứ gieo vào hắn ngày một nặng nề.” [39, tr.83].

“Hình như có sự va chạm nào đó dữ dội và khao khát. Và cô thấy:

Hai con đom đóm lao vút vào nhau. Hai ngôi sao va vào nhau.

Hai con thú quấn lấy nhau. Hai cơn gió tàn phá nhau.

“Hưng trề môi. Vắt lên nhung nhúc. Ông Phùng rứt không xuể, kêu Hưng giúp. Hưng nhìn máu, bưng mặt quay đi. Mưa tạnh. Rừng sạch sẽ. Trời quang, cong thăm thẳm.” [38, tr.86].

Một đặc điểm nữa ở ngôn ngữ người kể chuyện chính là trong các lời dẫn/ miêu tả thiên nhiên, người kể chuyện sử dụng rất nhiều từ ngữ mang xung năng tính dục. Điều này phản ánh một sự bức bối bên trong đời sống nội tâm của các nhân vật. Nó được nén lại, cất giấu sâu trong cõi vô thức, có khi cũng bộc phát ra thành mong muốn, nhuốm màu lên cảnh vật xung quanh. Hệ thống ngôn ngữ này kết hợp cùng với khả năng khai thác các suy nghĩ vô thức, giấc mơ và những hành động thoả mãn xác thịt của các nhân vật trong tiểu thuyết phản ánh một thực trạng thiếu hụt bên trong của con người hiện đại. Họ bị chối bỏ khi những xung năng mang tính tiêu cực bộc phát: “Bên rặng bạch đàn rì rầm đen, những đám sương loé sáng. Từng luồng trắng vươn đến, ưỡn cong, va chạm rồi ngả ra, sáp lại, quăng quại, rạp xuống, xoắn bệnh thành một mớ hỗn độn” [38, tr.33] hay “Hiền cắn môi, mắt nhắm lại. Ở bãi đá, có hai con chó dính vào nhau, bà Liên giật tay áo Hiền, rồi quay đi. Hiền ngượng ngùng cấu tay Tính. Tính nhìn hai con chó, cười ngô nghê” [38, tr.63]. Trong tiểu thuyết Vào cõi cũng có những đoạn như thế:

“Hôm nay nắng to

Bầu trời nhuốm trong sắc đỏ hừng hực như ngọn lửa dục tình của kẻ dậy thì. Những ngọn cây bị trùm lên một lưới màu nóng nực” [38, tr.71].

“Mùa

Tiếng ngựa hí ran từ nông trường cạnh làng, rùng rùng len lỏi qua các nóc nhà, kẽ lá rồi thoát ra đồng thành những đợt sóng âm âm man dại. Sự man dại đầy sinh lực dục tình. Lũ chó chạy lông nhông ngoài đường, vọt qua các bờ rào, giao cấu và cắn nhau ăng ẳng trước mặt người. Trẻ con lên lẹo mắt hàng loạt” [38, tr.106].

Nhìn chung, ngôn ngữ người kể chuyện trong các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương được xây dựng theo các đặc trưng của thể loại tiểu thuyết như đa thanh, phức điệu, thậm chí là tẩy trắng giọng kể với đích đến xoá bỏ khả năng toàn tri, biết tuốt của người kể chuyện. Chính vì thế, quyền năng của bạn đọc cũng được tăng lên, quá trình mã hoá và giải mã cũng trở nên quyết liệt, tinh tế hơn. Bạn đọc buộc phải đi hết tất cả các bộ mã khác của

thế giới nghệ thuật, liên kết thành chuỗi mã mang tính hệ thống để đọc ra tư tưởng của nhà văn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 77 - 82)