Mã thể loại tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 33 - 37)

7. Bố cục của khóa luận

1.2.2. Mã thể loại tiểu thuyết

Quan niệm về thể loại tiểu thuyết được chấp nhận nhiều nhất là: “Tiểu thuyết có khả năng mô tả một cách quy mô, toàn diện thế giới khách quan rộng lớn, có thể tái hiện những xung đột căng thẳng đầy kịch tính trong hành động và ngôn ngữ của con người; mặt khác, lại có thể đi sâu vào khám phá những biểu hiện rất nhỏ, rất tinh tế của đời sống tâm lý bên trong. Tính chất kịch và tính chất trữ tình không làm giảm mất tính chất khách quan và qui mô rộng lớn, sử thi, nó là cái nền chủ yếu của tiểu thuyết”. Đối với tiểu thuyết, bộ mã của nó vẫn tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của một văn bản thuộc loại thể tự sự. Lâu nay tiểu thuyết vẫn được hiểu là “tác phẩm tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian. Tiểu thuyết có thể phản ánh số phận của nhiều cuộc

đời, những bức tranh phong tục, đạo đức xã hội, miêu tả các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng” [18, tr.328]. Tuy nhiên, tiểu thuyết là thể loại có sự biến động mạnh mẽ nhất trong dòng chảy của văn học. Nhà văn Tô Hoài cho rằng tiểu thuyết có khả năng tung hoành không giới hạn và vì thế không thể kiếm tìm cho nó một định nghĩa cố định. Ở đây, chúng tôi chấp nhận cách hiểu về tiểu thuyết như một tác phẩm tự sự cỡ lớn với những đặc thù riêng so với truyện ngắn.

Về cơ bản, tiểu thuyết là sự mở rộng, phóng chiếu của cấu trúc truyện ngắn. Các nhà lí luận văn học chia đặc điểm nhận diện tiểu thuyết trên hai phương diện: nội dung và hình thức nghệ thuật. Nếu xem xét dưới góc độ kí hiệu, bộ mã thể loại hiện lên rõ nhất qua các yếu tố của hình thức nghệ thuật. Ở điểm này, tuy có cùng tên gọi mã/bộ mã với truyện ngắn nhưng về cách thức cấu tạo, mã tiểu thuyết vẫn có những đặc trưng riêng. Trước nhất, chúng tôi sẽ phân tích tính kí hiệu hoá như một yêu cầu tất yếu của việc tạo mã thể loại. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề cập đến đặc điểm của tiểu thuyết mang hơi hướng hậu hiện đại, khi mà các bộ mã nêu trên có sự biến đổi so với cấu trúc tiểu thuyết truyền thống. Tính kí hiệu hoá hình thành nên mã thể loại tiểu thuyết có thể được nhìn nhận ở các phương diện như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, thế giới nhân vật, ngôn ngữ - giọng điệu, kết cấu.

Ngoài các bộ mã nêu trên, chúng tôi cho rằng cần nhắc đến mã nhan đề như một loại mã đặc biệt, là kí hiệu thẩm mĩ quan trọng chứa các mã nhỏ hơn trong cấu trúc tác phẩm. Không những vậy, nhan đề còn được xem là kí hiệu trung gian mang tính kết nối với nhiều mã thẩm mĩ khác tạo nên chỉnh thể văn bản. Điểm đặc biệt của quá trình mã hoá nhan đề tiểu thuyết chính là lấy cái nhỏ để liên tưởng đến cái lớn hơn, lấy cái trừu tượng định hình nội dung cụ thể. Như vậy là nhan đề đã quyết định đến sự hình thành kiểu nhân vật, chuỗi hành động truyện (chi tiết), … Đôi khi, nhan đề cũng trở thành một dạng thức biểu tượng văn hoá. Đặc điểm này xuất hiện nhiều ở các tác phẩm mang hơi hướng hậu hiện đại. Hồ Anh Thái là một cây bút chuyên kí mã nhan đề theo lối này. Với vai trò là một nhà ngoại giao, tiếp xúc với rất nhiều nền văn hoá khác nhau và mỗi tác phẩm của ông lại chứa đựng những kí hiệu, biểu tượng đặc thù ấy. Nhìn lại các sáng tác của Hồ Anh Thái, ta có thể thấy

một số nhan đề chứa đựng yếu tố văn hoá, tôn giáo như Cõi người rung chuông tận thế,

Dấu về gió xoá hay Đức Phật – nàng Savitri và tôi, …

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật. Phân tích yếu tố không gian không những thấy được cấu trúc nội tại của tác phẩm mà còn soi xét được bóng dáng của hiện thực, của bối cảnh thời đại. Thế nhưng truyện kể không thể mang cái chiều kích sống động ngoài kia vào trong văn bản như một cách sao chép máy móc. Nó buộc phải được mã hoá, phải thông qua tiêu cự của nhà văn. Như vậy, thực chất không gian nghệ thuật mang tính quy ước cho không gian hiện thực. Không gian trong tiểu thuyết là một không gian rộng lớn, không gian của đời người. Nó không dừng lại ở ngôi nhà, cái làng, thành phố mà nó mang tính phổ quát hơn cho phông nền văn hoá. Đôi khi sẽ xuất hiện những cái tên cụ thể, nhưng cũng có khi không chỉ đích xác nơi chốn nào. Thế nhưng người đọc vẫn cảm nhận được lí do cho sự tồn tại của không gian ấy, nơi xảy ra những đợt sóng ngầm của truyện kể, nơi dung chứa cho mã nhân vật phát huy quyền năng của nó. Với tư cách là một mã thẩm mĩ trong toàn bộ tác phẩm, không gian tiểu thuyết không mang tính cố định, tĩnh tại. Cùng với ý nghĩ hiện thực đổ vỡ, hỗn loạn, không gian trong tiểu thuyết hậu hiện đại xuất hiện nhiều cách thức tổ chức kí mã mới lạ như bẻ gẫy bức tranh hiện thực, tạo lập nhiều chiều kích không gian khác nhau (không gian hiện tại, không gian cõi vô thức, …).

Song hành cùng không gian trong mô hình hệ thống kí hiệu phông nền một tiểu thuyết là thời gian nghệ thuật. Đối với văn bản tự sự, thời gian nghệ thuật trở thành một kí hiệu tiềm năng bởi cách tổ chức mạch trần thuật truyện kể. Nếu như không gian tiểu thuyết là một không gian rộng lớn, không gian đời người thì thời gian tiểu thuyết cũng là thời gian trải dài, thời gian đời người. Đây là đặc trưng mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng truyện ngắn Nam Cao rất gần tiểu thuyết khi tác giả kết hợp khéo léo hai yếu tố thời gian theo quan niệm về truyện kể của Genette. Dưới lí thuyết của tự sự học, thời gian nghệ thuật không đơn thuần là một mạch tịnh tiến mà có thể tách ghép, đảo chiều liên tục. Nhờ đó loại mã này trở thành một kí hiệu đặc biệt tác động đến kết cấu tiểu thuyết. Đối với thể loại tiểu thuyết, sự vênh lệch giữa hai yếu tố thời gian càng hỗ trợ đắc lực cho quá trình nhà văn cắt ghép mạch diễn biến truyện kể. Một điểm nữa cần phải nhắc đến là khi tiểu thuyết kéo dần

về khuynh hướng hậu hiện đại thì mã thời gian có sự kết nối chặt chẽ với mã không gian. Mã không gian nào sẽ có mã thời gian đó hay nói cách khác, với mỗi chiều không gian được tạo ra thì sẽ có một dòng chảy thời gian tương thích.

Từ góc nhìn kí hiệu học, nhân vật trong tác phẩm văn học là kí hiệu trung tâm của văn bản văn học. C.S. Pierce từng đặt ra vấn đề con người như một thực thể kí hiệu đặc biệt và Umberto Eco là người tiếp nối quan điểm trên. Chính vì thế, hình tượng nhân vật là công cụ kí thác quan niệm của nhà văn về con người. Hệ thống nhân vật của tiểu thuyết không đơn thuần là những kí mã tách rời. Nếu như ở truyện ngắn, nhân vật thường được phân tích với tính chất điển hình của nó thì ở tiểu thuyết, nhân vật được đặt trong chỉnh thể xã hội mà nó tồn tại. Nói cách khác, khi viết truyện ngắn, nhà văn làm việc độc lập với từng khuôn mặt người thì sáng tạo tiểu thuyết là quá trình mã hoá lược đồ nhân vật. Mỗi nhân vật tượng trưng cho một mã, vì vậy thế giới con người trong tiểu thuyết mang tính kết nối hay là một chuỗi kí hiệu. Quá trình mã hoá/kí hiệu hoá hình tượng nhân vật xét về bản chất là đặt nhiều mã phụ xếp chồng lên nhau. Tiểu thuyết hậu hiện đại đặc biệt quan tâm đến tổ chức mã nghệ thuật này. Đời sống con người hậu hiện đại trở nên phức tạp, ở đó không chỉ có mối quan hệ giữa con người – văn hoá, con người – con người mà còn là cuộc đối thoại không ngừng giữa con người và chính nó. Khác với các tác phẩm cổ điển khi nhân vật mang tính cố định về vai trò (chính diện - phản diện) kéo theo sự đóng băng trong tính cách; nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại là con người của thời đại, “con người nếm trải”. M. Bakhtin gọi con người trong tiểu thuyết là con người không đồng nhất với chính nó. Tính kí hiệu hoá đối với mã nhân vật biểu hiện ở cách thức định danh tên gọi, tạo dựng kiểu người, xây dựng tính cách, lời nói, giọng điệu.

Tương tự như truyện ngắn, mã ngôn ngữ trong tiểu thuyết thường được xem xét ở khía cạnh người kể chuyện và nhân vật. Sự mở rộng điểm nhìn khiến cho ngôn ngữ người kể chuyện chủ yếu mang hình thức gợi dẫn hơn là can thiệp trực tiếp vào câu chuyện, cho dù người đó có xưng “tôi” ở ngôi thứ nhất. Bên cạnh đó, tiểu thuyết cũng đặt ra yêu cầu về tính đa thanh, phức điệu. Tính chất này có được khi các nhân vật được trao quyền lực nhiều hơn, tác động mạnh mẽ hơn đến mạch trần thuật. Như đã nói, tiểu thuyết là một câu chuyện dài, nơi mà mỗi nhân vật được quan tâm đến sự phát triển, thay đổi trong tính cách, hành

động. Yếu tố đa thanh - phức điệu có được khi cùng một lúc có sự tham gia phát ngôn của nhiều nhân vật. Ngoài ra, yếu tố phức điệu còn hiện diện khi có sự mơ hồ trong phát ngôn của cả người kể chuyện lẫn nhân vật. Chính vì không xác định được chủ thể nên có thể quy về nhiều chủ thể, tương ứng với nhiều điểm nhìn khác nhau, từ đó mà biểu hiện giọng điệu cũng khác nhau.

Bình diện kết cấu là phạm trù trung tâm cho những nghiên cứu mang tính nội tại của tác phẩm văn học. Xây dựng kết cấu là khâu quan trọng trong chiến lược tự sự, vì vậy nó cũng tác động trực tiếp đến diễn ngôn truyện kể. Khai thác mã kết cấu không chỉ tri nhận được văn bản dưới góc nhìn cấu trúc chặt chẽ mà còn thấy được điểm nhìn trần thuật của nhà văn, ý đồ, tư duy nghệ thuật. Đối với tiểu thuyết, kết cấu là trục xương sống của tác phẩm. Kết cấu nhìn từ bản chất là mã kí hiệu liên quan đến hệ thống ngôn ngữ. Như đã nói, việc chọn lựa kết cấu tiểu thuyết chính là công đoạn nhà văn đi đến xác quyết quyền lực diễn ngôn. So với các thể loại văn học khác, cốt truyện của tiểu thuyết tương đối phức tạp. Nói đến kết cấu không chỉ xem xét ở góc độ cốt truyện, với tiểu thuyết lại càng không dừng lại ở cốt truyện. Kết cấu tiểu thuyết chủ yếu là cách thức tổ chức, sắp xếp toàn bộ hệ thống kí hiệu thẩm mĩ khác trong tác phẩm bao gồm điểm nhìn, trật tự sự kiện, không gian, thời gian, … Điểm nhìn của tiểu thuyết hiện đại tương đối linh hoạt, vai trò người kể chuyện vì thế cũng không còn là người kể chuyện toàn tri. Sự linh hoạt ấy tạo ra khoảng trống giữa các ngôn từ, là cơ hội cho bạn đọc bước vào thế giới truyện kể, điều mà Barthes gọi là “cái chết của tác giả”.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 33 - 37)