Mã thể loại

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 31 - 33)

7. Bố cục của khóa luận

1.2.1. Mã thể loại

Trong lịch sử văn học, yếu tố thể loại được xem là thành tố có sự biến đổi chậm nhất. M. Bakhtin nhận định: “Mỗi thể loại, nhất là thể loại lớn, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách nhìn nhận, cảm thụ, giải minh thế giới và con người” [3]. Nói cách khác, những đặc trưng thể loại được hình thành và mang tính cố định, nhận diện. Nói cách khác, mỗi thể loại chứa đựng những bộ mã và quy tắc kí mã khác nhau. Tác phẩm văn học được xem là một khối thống nhất của các yếu tố như đề tài, chủ đề, nhân vật, kết cấu nhưng cuối cùng vẫn đặt dưới những quy luật nhất định mà khái niệm thể loại. Khi nói đến tác phẩm văn học bao giờ cũng gắn với loại thể của chúng. Đó là một bài thơ, một truyện ngắn, một vỡ kịch hay một bút kí. Thường đi liền với tên tác phẩm là tên thể loại của tác phẩm đó. Nói đến thể loại văn học là nói đến quy luật loại hình của tác phẩm tức là một sự hệ thống hóa có tính chất ước lệ những tác phẩm có phương thức tổ chức, phương thức tái hiện đời sống gần gũi nhau. Chẳng hạn, phải có cách tổ chức phương thức tái hiện đời sống phải có cách tổ chức phương thức tái hiện đời sống như thế nào đó là mới gọi là thơ, là truyện, là tiểu thuyết hay kịch, … Và đến lượt mình, tên gọi thể loại lại có chức năng phân định loại hình của tác phẩm, hình thức tồn tại của nó, kiểu giao tiếp, kiểu tái hiện nghệ thuật của tác phẩm. Thể loại tác phẩm văn học là khái niệm chỉ quy luật loại hình của tác phẩm, trong đó ứng với một loại nội dung nhất định có một loại hình thức nhất định, tạo cho tác phẩm một hình thức tồn tại chỉnh thể. Ở đây chúng tôi không cho rằng sự tương tác thể loại (gene interaction) có thể xoá nhoà đi những bộ mã tương thích của nó. Chẳng hạn

như những truyện ngắn của Nam Cao có thể gọi là truyện ngắn mang dáng dấp tiểu thuyết nhưng không thể gọi là tiểu thuyết. Điều này càng khẳng định khi bước vào quá trình sáng tạo, người cầm bút luôn ý thức được bản thân đang đứng ở giới hạn của thể loại nào và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đó. Nhà văn khi xây dựng văn bản dựa trên nguyên tắc thể loại còn thể hiện được phương thức chiếm lĩnh đời sống và quan niệm thẩm mĩ về hiện thực khác nhau.

Có thể thấy, cho dù sự pha trộn các yếu tố thể loại là điều tất yếu ở không gian hậu hiện đại nhưng dưới cái nhìn chỉnh thể, mỗi tác phẩm vẫn đảm bảo nguyên tắc thuộc về một thể loại làm nòng cốt. Nếu như nói kí hiệu học là phương tiện tri nhận các hình thức giao tiếp bậc cao của văn học thì nền tảng của các yếu tố giao tiếp đó nằm ở đặc điểm thể loại. Giao tiếp thơ khác với giao tiếp và tất nhiên cũng không giống giao tiếp trong văn xuôi. Đối với văn bản thơ; bộ mã cơ bản nhất sẽ xoay quanh các yếu tố trữ như mã nhan đề, giọng điệu trữ tình, nhân vật trữ tình, ngôn ngữ trữ tình. Tương ứng với mỗi bộ mã ấy sẽ có cơ chế kí mã đi kèm. Đối với kịch văn học, tính kí hiệu hoá hiện diện ở các mã như nhân vật, xung đột/mâu thuẫn kịch, hành động kịch, bối cảnh (không gian - thời gian) mà quan trọng nhất chính là xung đột kịch và ngôn ngữ. Đối với các văn bản văn xuôi tự sự, tên gọi các mã thẩm mĩ tương đối giống nhau. Truyện ngắn hay tiểu thuyết đều được xây dựng trên hệ thống các mã kí hiệu như nhân vật, không gian, thời gian, kết cấu, ngôn ngữ, biểu tượng, … Thế nhưng cần phải làm rõ rằng tất cả những gì giống nhau chỉ dừng lại ở mặt tên gọi, còn về cơ chế tạo mã, quy ước mã thì giữa hai thể loại này cũng có sự khác biệt. Điều này dẫn đến việc khi một văn bản/tác phẩm văn học được xuất bản thì trang bìa thường ghi thẳng tên thể loại đi kèm như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, … Về bản chất, nói đến thể loại là nói đến cách thức tổ chức tác phẩm, hình thức tái hiện đời sống và giao tiếp nghệ thuật. Nói cách khác, mã thể loại có tính chất định thể đối với toàn bộ hệ thống tác phẩm. Chẳng hạn đối với thơ trung đại, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận định: “Thơ nói chí thì phải trang trọng, thơ viếng cảnh cổ người xưa thì phải cảm khái, thơ đưa tặng thì phải dịu dàng …”. Ngay trong một thể loại là thơ đã có những yêu cầu khác nhau như vậy thì các quy luật lớn hơn giữa nhiều thể loại là điều mà người cầm bút cần ý thức được trong quá trình sáng tác. Điều đi kèm với nó là bạn đọc khi tiếp cận một văn bản cũng

cần nhìn nhận được mình đang thưởng thức văn bản thuộc thể loại nào để có những công cụ, phương tiện giải mã phù hợp. Giải mã nhân vật thơ khác so với giải mã nhân vật truyện ngắn, cũng khác so với giải mã nhân vật kịch.

Chúng tôi nhận thấy rằng, với tư cách là một trong những yếu tố tác động đến toàn bộ hệ thống kí hiệu trong tác phẩm văn học bên cạnh mã văn hoá và phong cách nghệ thuật thì mã thể loại thể hiện một giới hạn tiếp xúc với đời sống, một quan niệm nhân sinh và hơn hết là một nguyên tắc xây dựng thế giới nghệ thuật. Cho dù nhà văn có tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc ấy hay không thì tác phẩm vẫn được đánh giá và tiếp nhận trên cơ sở của một thể loại nhất định. Bên cạnh đó, mã thể loại cũng mang đến sự tiếp biến trong quá trình xây dựng văn bản nghệ thuật. Việc xác định cụ thể bộ mã tương thích của từng thể loại cho phép nhà văn tận dụng các mã thẩm mĩ đặc biệt mang lại hiệu quả truyền đạt. Đây chính là cánh cửa mở ra khoảng trống cho sự thâm nhập, đan xen các thể loại.

Tóm lại, dưới sự tác động của thi pháp học với lí thuyết kí hiệu học, mã thể loại luôn mang tính đặc thù mà mỗi nhà văn phải tuân thủ trong quá trình xây dựng tác phẩm của mình. Có thể hình dung rằng, mỗi một văn bản đều chịu sự chi phối của nhiều quy ước kí mã khác nhau, từ phong cách nghệ thuật, nguyên tắc xây dựng thể loại cho đến phông nền văn hoá thời đại. Đó là cơ sở để nhà văn lựa chọn cho mình những mã thẩm mĩ quan trọng cần được tái cấu trúc và là hướng đi căn cơ cho việc tiếp nhận văn bản văn học từ phía bạn đọc.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 31 - 33)