Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 82 - 87)

7. Bố cục của khóa luận

3.2.2. Ngôn ngữ nhân vật

Ở mã ngôn ngữ nhân vật, chúng tôi sẽ xem xét các đặc trưng như ngôn ngữ sinh hoạt đời thường, ngôn ngữ của vô thức thông qua các hình thức đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm.

Ngôn ngữ sinh hoạt đời thường

Các nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương chủ yếu là những con người sống ở làng quê, không được chú trọng về mặt tri thức nên đời sống diễn ra tự nhiên, ngôn ngữ cũng vậy. Đặc biệt hơn, để khắc hoạ sự biến dạng trong tính cách con người, ngôn ngữ nhân vật được đẩy xuống thấp, dung tục và suồng sã hơn. Điều này dễ nhận thấy thông qua các cuộc đối thoại của nhân vật.

Trong Thoạt kỳ thuỷ, Nguyễn Bình Phương tận dụng lớp từ ngữ thông tục đời thường với mục đích đưa tất cả về trạng thái nguyên thuỷ của nó. Các nhân vật giao tiếp với nhau bằng những lời lẽ khinh miêt, chê bai, chế giễu, khích bác nhau. Ông Thuỵ chửi Tính: “Cha mày” [38, tr.38], Vinh nói với ông Phước: “Phét lác”, Vinh chửi em gái: “Con đĩ!”, ông Phước nói với ông Khoa: “Đói bỏ mẹ đây này” [38, tr.71]; chửi ông Hùng: “Mày là chó!” [38, tr.70]. Ngôn ngữ kiểu này xoá bỏ vai vế xã hội. Nguyễn Bình Phương chủ đích lượt bỏ chủ ngữ, thể hiện sự yếu kém về mặt nhận thức của các nhân vật. Con người nơi đây sinh hoạt bằng bản năng, giao tiếp cũng bằng bản năng. Cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong suy nghĩ và lời nói của Tính là “Chọc tiết được không?”. Lớp ngôn ngữ sinh hoạt này ở

Vào cõi có những nét khác biệt. Đầu tiên, nhân vật trong Vào cõi không phải người điên

nên thường xuất hiện các phó từ, hư từ đi kèm và đầy đủ cấu trúc chủ - vị. Mối quan tâm duy nhất họ muốn là thoát ra khỏi một cõi sống tù túng, chật hẹp nhưng quen thuộc. Lấy cảm hứng là cuộc sống ở vùng Thái Nguyên, ngôn ngữ sinh hoạt của nhân vật cũng có những từ ngữ mang tính vùng miền.

“- Đi đâu? – Ông bố gằn giọng

- Dạ, con sang nhà cái Lài, bảo nó chuyện này!

- Làm gì mà bu cứ gắt ầm lên thế, con phải đến nhà kho để tập văn nghệ. Tối nay họp Đoàn bu ạ!

- Họp với chả hiếc, ra quách cho né nhẹ cái thân. Lúc nào tao cũng thấy mày đi. - Này con ranh, bà đã bảo rồi, cứ đâm đầu vào thằng ấy, có ngày bỏ cha mày! - Ở nhà sàng nốt cho tao chỗ gạo. Lại còn khóc à, đĩ non” [39, tr.108].

Trong lời của nhân vật Tuấn luôn chêm thêm các cụm từ chửi mang tính cảm thán như:

“Tôi hết mẹ nó tiền rồi, nếu có, ông cho tôi cốc cà phê, thế thôi. Mẹ kiếp!” [39, tr.94]. “Ông bà già định từ tôi mấy lần những không được.” [39, tr.95].

“Chẳng nên buồn làm gì. Mẹ kiếp! (…) Đời là cái tuyệt vọng phía trước. Kệ mẹ nó.” [38, tr.95].

“Ông lù đù bỏ mẹ!” [39, tr.61].

Đa phần các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đều lựa chọn hiện thực gần gũi với những con người đời thường, bình dị, có khi lập dị. Sự lựa chọn này nhằm mục đích phản ánh hiện thực như nó vốn có, chạm đến những mảnh đời nhỏ bé ở vùng núi hay ngôi làng xa xôi nào đó. Chính Nguyễn Bình Phương từng nói ông viết cốt để diễn tả cái mà ông thấy, cho dù người khác không thấy thế: “Tôi thấy đời người là u buồn dù cho đến giờ phút này chúng ta ngập chìm trong những thú vui, ngập chìm trong cảm giác về sự chúa tể của mình với một trái đất nhỏ xíu trong lòng tay”. Nhờ lớp ngôn ngữ này mà con người trong tiểu thuyết của ông gần gũi đến bất ngờ, là con người hiện đại với đầy rẫy những vết sẹo trong tâm hồn.

Ngôn ngữ gián đoạn, chắp nối

Ngôn ngữ của các nhân vật trong Thoạt kỳ thủy đa phần là tiếng nói của vô thức, không rõ nghĩa hoặc vô nghĩa của Tính, của Hưng và của lũ người điên. Cấu trúc ngữ pháp văn bản bị bẻ gãy. Có những đoạn cảm tưởng như là sự chắp nối giữa nhiều cuộc giao tiếp lại với nhau, không đầu, không cuối, kết thúc một cách bất ngờ. Sự lệch pha trong giao tiếp diễn ra thường xuyên giữa tiếng nói của ý thức và tiếng nói của vô thức:

“- Anh Tính biết không, ngày bé bao nhiêu lần anh làm em sợ hết hồn - Cắn công cống thích lắm

- Bố anh còn gặm chén không? - Mắt chó vàng như trăng” [38, tr.32].

Ngôn ngữ của Tính là hệ thống ngôn ngữ điên loạn, có sự lặp lại liên tục của cụm “mắt chó vàng như trăng”. Phát ngôn trực tiếp của Tính rất ít, chính vì thế những đoạn in nghiêng (suy nghĩ vô thức) phản ánh chính xác khả năng ngôn ngữ của hắn. Đó là một hệ ngôn ngữ mất trật tự, rời rạc, lạc lõng: “bố cũng gặm chộn, không ai hiểu được. Hiền cầm rau vừng tung cho lợn. Lợn cười thành trăng. Lạnh lắm mẹ ạ. Công cống cũng sắp hết rồi. Phải chờ anh Hưng nó mới ra. Khoặp! Đi đứt cả lũ. Lạnh lắm mẹ ạ…” [38, tr.25]. Có những đoạn vô thức dài mà bạn đọc chẳng thể tìm thấy điểm logic về nội dung hay ngữ pháp nào cả: “Hôm nay không có máu, đá không chảy. Đập đập đập đập đập cho nó vỡ ra, cho kêu rên quằn quại. Hiền đừng bỏ đi. Trăng đen, trăng đen không thấy đến. Cũng chẳng rõ nữa. Bao nhiêu là yết hầu. Họ phơi ra nhiều quá, bố ạ. Cần gì phải gặm chén. Cho lão Khoa một nhát thì kêu. Anh Hưng răng cứ ngời ngợi sáng. Tha hồ mà ăn chuối. Chuối mọc từ cổ lợn. Nó rống lên, lồng vào đá mang hết cả nhiễu của máy bay. Thích thật” [38, tr.77]. Cứ hết chuyện này đến chuyện khác nối tiếp nhau một cách cơ học, không rõ tính liên kết. Những đoạn vô thức như thế của Tính rất nhiều. Ngôn ngữ gián đoạn, chắp nối phản ánh sự đổ vỡ trong nhận thức của những con người có mặt ở xóm Soi, bãi Nghiền Sàng này. Trong rất nhiều giấc mơ, thứ tồn tại duy nhất là những ám ảnh, lo sợ xen lẫn thích thú. Ngôn ngữ bình thường không thể diễn tả được cái dòng tư duy của lớp người điên. Những người như Tính giao tiếp nhiều hơn qua ánh mắt, qua con dao, qua máu, qua nỗi sợ. Ngôn ngữ là thứ yếu, không cần thiết. Con người sơ khai đều vậy, Tính cũng vậy. Đó mới là xã hội mà Nguyễn Bình Phương muốn xây dựng trong tiểu thuyết của mình.

Về cơ bản, chúng ta khó cảm thấy tính liên kết khi câu văn bị ngắt nhỏ liên túc. Thế nhưng dưới mạch ngầm của ngôn ngữ, bạn đọc vẫn nhận thấy một sợi dây liên kết vô hình nào đó, đủ để cho ta giải mã được chuỗi ngôn ngữ gián đoạn, chắp nối này.

Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm

Công cụ hữu hiệu để đi sâu vào giải mã thế giới nội tâm con người chính là hệ thống ngôn ngữ đối thoại, độc thoại. Với mong muốn khai thác mạch chảy vô thức của nhân vật, độc thoại nội tâm (suy nghĩ vô thức) cũng được Nguyễn Bình Phương nỗ lực mã hoá bằng

cách kết hợp đan cài ngôn ngữ độc thoại và đối thoại. Đối với tiểu thuyết hiện đại, nhân vật hạn chế đối thoại mà chuyển sang độc thoại nhiều hơn. Điều này xuất phát từ cảm thức cô đơn của nhân vật, một phần do sự đổ vỡ về khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó, lối viết cùng kĩ thuật dòng ý thức cũng xoay chuyển khả năng phản ánh đặc điểm nhân vật sang độc thoại, đặc biệt là độc thoại nội tâm, hồi tưởng hơn là đối thoại trực tiếp. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng không phải là ngoại lệ.

Với tiểu thuyết đầu tay Vào cõi, hệ thống đối thoại, độc thoại của các nhân vật về cơ bản vẫn phát huy được vai trò của nó. Khi Lương vẩu nói Tuấn về cuộc sống ở phố, về chuyện của Thơm vẫn được đáp lại. Hay như khi Tuấn hỏi chuyện về Hắn, Vọng vẫn trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, vẫn mang tính duy trì, phát triển nội dung giao tiếp.

“Hắn lẩn đi, người trở lại trạng thái mệt mỏi và u uất. - Ông quen thằng vừa rồi hử?

Tuấn xuất hiện, đột ngột sau lưng Vọng, mặt tái mét. - Tay này làm bảo vệ chỗ em ngày trước.

- Quen thân không? Nó hẹn đến đây chơi không? Tuấn hỏi dồn, nắm vai Vọng xoay về phía mình.

- Cũng sơ sơ thôi! Mà anh sao thế?” [39, tr.143]

Hình thức độc thoại được giữ nguyên, không bị đẩy vào trạng thái vô thức. Vang khi ngồi trước mộ đứa con mà cô vừa nhẫn tâm hại chết đã suy nghĩ về Vọng, về người bố đã khuất, về Loạng và về cả tương lai của Vang sau này. Vang vẫn giữ được sự tỉnh táo nhất định, ngôn ngữ vì thế cũng có phần sáng rõ, không chồng xếp lên nhau.

“Mẹ kể về cậu Vọng, cậu ruột con. Cậu còn làm việc ở xa lắm chưa kịp về để biết mặt con được đâu. Mẹ kể rằng: (…)” [39, tr.157]

“Mẹ kể cho con nghe về ông, mẹ kể rằng (…) [39, tr.157]

“Bố con, bố con thì … Mà thôi, nói làm gì hả con, sắp tới nó đi lấy vợ rồi” [39, tr.158] Những lời thoại trong Thoạt kỳ thuỷ gần như không nhằm mục đích thiết lập cuộc

giao tiếp. Người hỏi không mong nhận được câu trả lời và người trả lời cũng đáp lại bằng một chuyện chẳng khớp nối với nhau. Các phát ngôn cứ thế rời rạc, phi lý. Chẳng hạn cuộc hội thoại giữa Tính và Hiền trước khi lấy nhau diễn ra như sau:

“- Cắn công cống thích lắm! - Bố anh còn gặm chén không? - Mắt chó vàng như trăng! - Em về đây!

Tính nuốt nước bọt:

- Dạo ấy nhà em cháy to nhỉ?” [38, tr.32] Hay như cuộc nói chuyện của Tính và Hưng:

“- Anh Hưng đấy à. Sao lại ở đấy? - Chả biết nữa.

- Ăn sáng chưa? - Đêm.

- Ừ. Đêm dài quá đi mất. Em đói? - Rán trăng lên mà ăn.

- Ừ, rán trăng, rán trăng!” [38, tr.34]

Xu hướng đối thoại một chiều xảy ra thường xuyên. Cũng có đôi khi đối thoại ăn khớp nhưng không nhiều (Bà Liên và Hiền nói chuyện ở bờ sông, các cuộc đối thoại nhỏ lẻ giữa Hiền và ông Phùng, Hiền và ông Khoa, …). Trong Thoạt kỳ thuỷ, đối thoại đóng vai trò như độc thoại, còn độc thoại nội tâm được nâng lên thành chuỗi phát ngôn trong vô thức, mộng mị. Nhân vật Tính, trong giấc mơ luôn không kiểm soát được sự xuất hiện của chuỗi hình ảnh: “Mắt chó vàng như trăng. Bom nổ lách tách từ mồm bố ghé vào miệng chén. Ông Tường chết văng, ông Thụy chạy bở hơi tai, mẹ thì ngủ. Máu lênh láng thành nắng. Cây chết run, chết run, chết run” [38; tr.79]; “Biết nó là trăng, trăng xanh đen, rỗ chi chit. Mặt trăng nằm trên cỏ, hơi vòng ở giữa làm các ngọn cỏ run lên. Run lên run lên. Mắt chó vàng như trăng. Anh Hưng bảo đói thì rán trăng lên mà ăn” [38, tr.38].

Với ngôn ngữ đối thoại, độc thoại hay độc thoại nội tâm, Nguyễn Bình Phương đã khai thác triệt để cái đời sống bí ẩn bên trong con người hiện đại. Sự đổ vỡ về khả năng giao tiếp là có, đổ vỡ về tính logic đúng sai cũng là có. Xây dựng kiểu đối thoại một chiều cũng góp phần thể hiện quan niệm của tác giả về cuộc sống của con người hiện nay: nếu không có giao tiếp, không có tri thức, không có tư duy thì con người chẳng khác gì những

con vật, hành động theo quán tính, bản năng và chết dần chết mòn trong không gian của chính mình.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 82 - 87)