Nhân vật “biến dạng”

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 42 - 46)

7. Bố cục của khóa luận

2.1.1. Nhân vật “biến dạng”

Nhân vật biến dạng hay nhân vật khiếm khuyết được xem như bộ mã thẩm mĩ đặc biệt trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Kiểu nhân vật này thường được xây dựng

không mang tính toàn vẹn, cả về ngoại hình, nhân dạng lẫn tính cách, tâm lí. Chính Nguyễn Bình Phương quan niệm những nhân vật của ông “gọi là méo mó, thì đó là cái méo mó tự thân”, “nửa người nửa ngợm”; thậm chí là quay về với nhân dạng nguyên thuỷ. Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương luôn chủ đích tạo nên những khuôn diện con người khiếm khuyết, biến dạng. Mã thẩm mĩ này mang đến nhiều một khuôn diện nhân vật phi truyền thống, từ đó nhà văn hướng đến khai thác các yếu tố thuộc về bên trong nhiều hơn. Đây được xem như sự chuyển biến về cách thức mã hoá nhân vật của Nguyễn Bình Phương khi vấn đề con người được mang ra mổ xẻ ở góc độ vô thức, bản năng nhiều hơn là ngoại hình, tính cách. Có khi ông để nhân vật biến thành cái cây như lão Hạng (Những

đứa trẻ chết già), có khi lại mọc đầy lông lá như lão Biền (Những đứa trẻ chết già). Cũng

tồn tại những nhân vật mà qua một thời gian ngắn thay đổi diện mạo đến chóng mặt. Bà Quỳnh trong tiểu thuyết Ngồi khi về chịu tang bỗng nhiên biến chuyển hệt như hình dạng người đã mất: “mặt bà Quỳnh già đi hàng vài chục tuổi, ngay cả cái dáng cũng khác, nó xiêu vẹo y hệt dáng bà cụ trước khi mất. […] Bà Quỳnh rên rỉ, mắt đùng đục như có một cuộc lột xác cực kỳ gian nan”. Có thể thấy, cách thức xây dựng mã nhân vật biến dạng của Nguyễn Bình Phương rất gần với các cây bút hiện thực huyền ảo như Kafka, Marquez. Đối với mã thẩm mĩ này, đích đến của nó là phá bỏ những nhận thức cơ bản về hình tượng con người hoàn chỉnh. Con người tồn tại như một chỉnh thể thống nhất mà các yếu tố nội tại có sự liên kế bền chặt với nhau. Mã nhân vật biến dạng mang đến khả năng tri nhận nhân vật ở các góc độ khác nhau; khi chính con người bị phân thành nhiều mảnh thông qua cơ chế loại bỏ (làm biến dạng) một đặc điểm cơ hữu như ngoại hình, lai lịch, ngôn ngữ, hành động.

Trong Thoạt kỳ thuỷ, nhân vật biến dạng được tổ chức dưới hình thức trở về với nhân dáng nguyên thuỷ của giống loài. Nguyễn Bình Phương không kết hợp miêu tả ngoại hình nhân vật trong mạch kể câu chuyện mà tập hợp thành một phần của văn bản. Toàn bộ diện mạo, lai lịch của các nhân vật đều được ghi chép trong phần tiểu sử; có đến 14/18 nhân vật được miêu tả ngoại hình. Nhân vật trong truyện hiện lên ma quái, rùng rợn, gợi cảm giác choáng ngợp cho người đối diện. Mỗi con người trên mảnh đất Linh Sơn đều ít nhiều kỳ quái bởi cái lốt nửa người nửa thú, bởi những đặc điểm khác thường. Nó hằn sâu trong ánh mắt, dáng hình, hành động của họ. Nhân vật Tính được miêu tả như sau: “cao 1 mét 68,

nặng 56 ki-lô-gam; tay dài; lưng dài; chân ngắn; lông tay đỏ hồng; ngón không phân đốt; lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt; tai nhỏ; mồm rộng, răng cải mả; tiếng nói đục; đi như vượn, ngồi như gấu” [38, tr.8]. Nhìn vào Tính, bạn đọc dễ dàng tưởng tượng ra chân dung của một loài vượn cổ đại hơn là con người hiện đại. Tất cả những đặc điểm ở Tính đều gợi nhắc về hình dáng một con vật. Tính ngày càng trượt vào bản năng thú tính do cái vô thức điều khiển: “Bà Liên đi sau lẩm nhẩm: Nó thành thú mất” [38, tr.77]; “bóng Tính lờ mờ, gù gù như bóng đười ươi”. Các nhân vật khác trong Thoạt kỳ thuỷ mặc dù không được xây dựng biến dạng toàn phần như Tính nhưng vẫn có một vài bộ phận kì quái, lập dị. Nhân vật Chú Mười thì “to khoẻ, da đồng hun, mũi sư tử, rang hô, dáng ngũ đoản” [38, tr.7]. Nhân vật Hiền lại là người có “tóc đen, dày, vai tròn, hông nở, trán mịn, đuôi mắt vuốt dài, hơi nheo ở cuối, trong mắt đen pha nâu” [38, tr.7]. Những đặc trưng ngoại hình đều được Nguyễn Bình Phương miêu tả mang dáng dấp của phần “con” đang chế ngự và xâm chiếm phần “người” trong mỗi nhân vật. Nếu bỏ qua phần Tiểu sử, bạn đọc vẫn cảm nhận được sự thay đổi của nhân vật từ hình dáng con người hướng về loài vật thông qua chuỗi hành động. Hành động bản năng xuất hiện ngày một nhiều hơn và với tần suất dày đặc hơn. Tính khi sinh ra vẫn còn có thể nhìn ở một góc độ nào đó giống với con người nhưng dần dần bản thân rơi vào trạng thái không thể kiểm soát nhân dạng của mình. Thời điểm những mạch vô thức của Tính xuất hiện ngày một nhiều chính là lúc nhân vật đã không còn chế ngự được phần “con” của mình.

Ở tiểu thuyết Vào cõi, nhân vật biến dạng không được mã hoá giống với Thoạt kì thuỷ. Nguyễn Bình Phương chủ đích hướng đến khai thác sự xảy lặp của ám ảnh quá khứ lên các nhân vật như Vang, Vọng và Hắn nhiều hơn là khai thác phần bản năng giống Tính, Hiền, … Tuy nhiên, ở một số thời điểm đặc biệt, diện mạo nhân vật vẫn có sự thay đổi nhất định. Vang và Vọng khi chứng kiến cảnh ba mình bị giết hại đã không giữ được sự bình tĩnh trên gương mặt: “Khuôn mặt con chị tựa hồ một nắm giấy ố vàng bị vo chặt trong bàn tay hộ pháp và tàn nhẫn.” [39, tr.14]. Khác với chị của mình, bề ngoài của Vọng mới thực sự chạm đến sự biến dạng: “Đôi mắt thằng em, trong cơn hoảng loạn nhắm tịt lại, thỉnh thoảng có hé nhìn một tí rồi lại sập nhanh xuống” và “trong đôi mắt non dại ấy, thấp thoáng một hình gì màu lạnh” [39, tr.14]. Cũng giống như những nhân vật mang dáng vẻ tiền sử, đôi mắt

của Vọng “hao hao đầu của một con dã thú nào đó. Con dã thú vừa quen vừa lạ.” [39, tr.14]. Không dừng lại ở đó, hình dạng Vọng một hồi sau “giống người chết như đúc” [39, tr.14]. Tuy nhiên từ sau khoảnh khắc đó trở đi, tác giả rất hiếm khi đề cập đến sự thay đổi trong nhân dạng của hai chị em Vang và Vọng.

Một nhân vật khác trong Vào cõi hiện lên với hình ảnh quái dị là nhân vật mụ Đông điên: “chân trái thọt, tóc xơ cứng vàng như râu ngô. Mắt phải bị lép, lõng bõng mủ. Ngón tay mụ cáu bẩn, quanh năm không bao giờ được cọ rửa. Bàn tay như chùm rễ tre ngâm nước ao” [39, tr.20] và “trong giọng nói Đông điên có tiếng gió núi Rùng” [39, tr.23]. Motif nhân vật biến dạng ở hai tiểu thuyết này chủ yếu là dạng thức quay trở về với thân xác biểu hiện rõ những xung năng nguyên thuỷ nhất của con người. Nguyễn Bình Phương từng viết: “Con người ta tiến gần với động vật chỉ ở trong hai trường hợp, quá béo và mất quá nhiều bộ phận trên thân thể”. Nếu như ở Thoạt kỳ thuỷ, sự biến dạng của nhân vật nhìn được qua vẻ bề ngoài thì ở Vào cõi, đôi mắt như cửa sổ mở ra bóng dáng loài vật bên trong con

người. Có thể nói, ngòi bút của Nguyễn Bình Phương tỏ rõ sự sắc sảo trong việc miêu tả đôi mắt. Đôi mắt của nhân vật Hắn được miêu tả là “Đôi mắt dài với hàng mi cụt lủn và lòng trắng bên mắt trái có một vết bầm bằng đầu đũa” [39, tr.32] và trông “dại đi, một cục đỏ đọng lại giữa lòng trắng trứng phía bên trái” và “mi mắt cụp xuống như con đò đen” [39, tr.83]. Nhân vật Tính trong Thoạt kỳ thuỷ cũng được chú ý đến đôi mắt khi mà ông Điện nhìn vào hắn và nhận ra: “Mắt Tính càng lớn càng vằn lên” [39, tr.23]. Bóng dáng đôi mắt con chó vàng như trăng cũng ám vào cõi vô thức của hắn. Như vậy, nhân vật biến dạng ở hai tiểu thuyết này được mã hoá thành hai lớp, hai giai đoạn. Đầu tiên, tác giả chú ý đến xoá bỏ nhân dạng con người bình thường qua những dòng giới thiệu đầu tiên về nhân vật. Sau đó, quá trình nhân vật trở về với hình dạng nguyên thuỷ với những bản năng, hành động đặc thù được biểu hiện qua sự thay đổi trong ánh mắt. Mã thẩm này xuất hiện khi nhà văn muốn loại bỏ toàn bộ những áp chế xã hội, những chiếc áo đạo đức chuẩn mực được khoác lên con người. Thay vào đó, vấn đề bản chất bên trong con người được bộc lộ thông qua những suy nghĩ, hành động trần trụi, nguyên bản nhất.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)