Kí hiệu và biểu tượng nghệ thuật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 27 - 31)

7. Bố cục của khóa luận

1.1.3. Kí hiệu và biểu tượng nghệ thuật

Biểu tượng (symbol) có xuất phát điểm gần với nội dung của kí hiệu, biểu hiện, biểu trưng. C.S. Pierce khi tiếp cận với kí hiệu đã chia kí hiệu thành 3 loại: chỉ hiệu (indexes); hình hiệu (icons) và tượng hiệu/biểu tượng (symbols). Ông cũng đề xuất vấn đề tương tác biểu tượng (symbolic interactionism). Các nhà ngôn ngữ học đều đồng ý quan điểm biểu tượng là một dạng thức kí hiệu cao cấp. Nó không chỉ mang tính quy ước giữa một số người mà còn mang tính cộng đồng, thuộc về từng nền văn hoá riêng. Yuri Lotman nhận xét: “Biểu tượng (symbol) là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về kí hiệu” [29]. Chính nhận định này cho thấy nội hàm tương đối phức tạp của thuật ngữ này. Theo Từ điển tiếng Việt, biểu tượng được hiểu là “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt” hay “kí hiệu bằng hình đồ họa trên màn hình máy tính,

tượng trưng cho một chương trình, một file dữ liệu, người sử dụng có thể kích chuột vào đấy để chọn một thao tác hoặc ứng dụng phần mềm nào đó” [37, tr.83].

Tuy nhiên, Nguyễn Thiện Giáp trong Từ điển khái niệm ngôn ngữ học lại gọi thuật ngữ symbol là biểu hiệu còn biểu tượng là representation. Theo đó, biểu hiệu là “những tín hiệu mà quan hệ giữa cái biểu đạt có tính chất quy ước” và ở khía cạnh thứ hai của nó là “sinh vật hoặc đồ vật tượng trưng cho cái gì trừu tượng” [17, tr.64] thường được dùng chung với biểu tượng. Tác giả viết về biểu tượng (representation) như là “hình thức của nhận thức khái quát hơn cảm giác và tri giác, được hình thành trên cơ sở của cảm giác và tri giác đã xảy ra trước đó, được lưu giữ lại trong ý thức.” [17, tr.67].

Trong Kí hiệu học và triết học về ngôn ngữ, U. Eco cũng quan tâm đến vấn đề biểu tượng trên cơ sở phân tích sự tác động qua lại giữa các yếu tố kí hiệu học như Kí hiệu (sign); Ẩn dụ (metaphor); Mã (code), Tính đồng vị (Isotopy) và Sự phản ánh (mirror). U. Eco cho rằng bản chất của biểu tượng “chính xác là sự mơ hồ của chúng, độ mở, tính vô hiệu quả hoàn hảo của chúng nhằm biểu đạt ý nghĩa “cuối cùng”. Kết quả là với những biểu tượng và bằng các biểu tượng người ta miêu tả cái luôn ở bên ngoài sự tìm kiếm của ai đó”. Toàn bộ những khảo sát của Eco về mã biểu tượng đều xoay quanh tính tượng trưng của loại kí hiệu này. Đối với Jung, những nội dung về vô thức tập thể với nguyên mẫu, các mẫu hình cổ xưa, những hình tượng chung, những đại diện chung, … là những biểu tượng chân thực “bởi chúng mang ý nghĩa mơ hồ, đầy tính thoảng qua và vô tận như là phương sách cuối cùng”. Cả hai đều nhận định biểu tượng xuất hiện khi có sự mơ hồ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Ở khía cạnh quan điểm của Jung, biểu tượng không chỉ được quy định bởi vô thức cá nhân (tri nhận đơn lập) mà còn phụ thuộc vào vô thức cộng đồng. Điều này càng làm cho biểu tượng trở thành một kí mã đặc biệt.

Trong Từ điển thuật ngữ văn học, biểu tượng được xem như là “thuật ngữ của mỹ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học còn được gọi là tượng trưng, nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp.” [18, tr.24]. Chính vì văn học phản ánh hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật nên toàn bộ thế giới đều mang tính biểu tượng. Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh bằng hình tượng của văn học. Ngoài ra biểu tượng còn là một phương thức

chuyển nghĩa lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt nếu hiểu theo nghĩa hẹp hơn.

Trong công trình Từ kí hiệu đến biểu tượng, Trịnh Bá Đĩnh cho rằng: “Biểu tượng cũng là hình tượng nghệ thuật, là một dạng đặc biệt của nó. Khác với những hình tượng nghệ thuật thông thường, biểu tượng có sự độc lập tương đối với hệ thống kí hiệu của văn bản, vì thế nó có sự “du hành” từ văn bản này sang văn bản khác, từ hệ thống kí hiệu này sang hệ thống kí hiệu khác trong một nền văn hóa. Biểu tượng là một hiện tượng nghệ thuật, cũng là một hiện tượng văn hóa, nghiên cứu biểu tượng nghệ thuật là nghiên cứu văn học, nghệ thuật về phương diện văn hóa”.

Dựa trên các nhận định trên, chúng tôi đồng ý với cách hiểu rằng biểu tượng là một hình ảnh cụ thể (cái biểu đạt) dùng để kí mã cho một nội dung trừu tượng (cái được biểu đạt) có sự tồn tại tương đối đập lập so với hình ảnh đó. Các nhà văn thực hiện việc mã hóa ngôn từ với mục đích tạo ra một thế giới hình tượng mang đậm cảm quan cá nhân. Trong phạm vi tác phẩm, biểu tượng là hình tượng được hiểu ở bình diện kí hiệu và mang tính đa nghĩa. Về bản chất, biểu tượng nghệ thuật là một khía cạnh của hình tượng nghệ thuật mà ý nghĩa của biểu tượng ẩn sâu bên trong, đòi hỏi trí não của con người một nguồn năng lực lớn lao để tìm tòi và khám phá. Theo cách chia cấp độ kí hiệu của Lê Huy Bắc thì biểu tượng (symbol) là cấp độ cao hơn của hình tượng (image). Nghĩa là khi hình tượng được xây dựng mang tính điển hình, tiêu biểu; đại diện cho những nội dung mang tính bao quát hơn thì có khả năng trở thành biểu tượng. Biểu tượng thường phát huy vai trò ở phạm vi ngôn ngữ tự nhiên không diễn đạt hết. Các biểu tượng (symbol) xuất hiện khi cái được biểu đạt mơ hồ, chưa xác định và thực hiện tốt chức năng thẩm mỹ. Chính vì vậy, biểu tượng trong văn học là các kí hiệu nghệ thuật được mã hoá bằng tín hiệu ngôn ngữ thông qua cơ chế liên tưởng. Có thể nói, biểu tượng là loại hình mã thẩm mĩ thuộc hình thức cao của diễn giải và tri nhận văn học.

Điểm phát triển cơ bản giữa kí hiệu và biểu tượng nghệ thuật chính là khả năng mã hoá mang tính thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Biểu tượng nghệ thuật không chỉ mang tính đại diện nghĩa như các mô hình kí hiệu khác mà còn chứa đựng trầm tích văn hoá của cộng đồng dân tộc. Nếu như kí hiệu có thể tồn tại theo hình thức đơn lập thì biểu tượng là sự xảy

lặp liên tục mô hình gán nghĩa đó. Nói cách khác, biểu tượng có sự thống nhất trong chỉnh thể văn bản. Chính vì vậy, biểu tượng nghệ thuật được xem là phương thức tư duy nghệ thuật của nhà văn. Vì biểu tượng nghệ thuật gắn với quy ước văn hoá cộng đồng nên được xem là kí hiệu thẩm mĩ đa nghĩa, tuỳ thuộc vào quá trình mã hoá của nhà văn cũng như giải mã của bạn đọc. Tham gia vào cấu trúc văn bản, biểu tượng trở thành một dạng mã hóa các tư tưởng chủ đề mang tính chủ quan của nhà văn về đời sống. Do vậy xét trong cấu trúc văn bản, nó cũng là một thứ ngôn ngữ, vì biểu tượng luôn luôn gắn với một thông điệp nào đó.

Mã biểu tượng trong văn học mang một số đặc điểm như tính tượng trưng, tính thống nhất và tính tiếp biến. Như đã phân tích ở trên, tính tượng trưng của biểu tượng nằm ở quá trình chuyển nghĩa giữa cái được biểu đạt và cái biểu đạt. Cơ bản, biểu tượng luôn phải gắn với tri thức cộng đồng, là quy ước của tập thể, được tập thể công nhận và có cách giải mã tương đối giống nhau. Chẳng hạn như hình ảnh con rồng trong tâm thức người dân Á Đông đại diện cho sự cao sang, quyền quý, đặc biệt là dấu ấn của vua chúa. Trong các tác phẩm văn học Trung Quốc, rồng trở thành là biểu tượng cho thiên tử, người ứng với mệnh trời và tất cả những yếu tố khác gắn với vua đều có “long” đi kèm. Chim Phụng cũng có ý nghĩa biểu trưng tương tự, nhưng phần nhiều dành cho người phụ nữ. Tuy nhiên trong quan niệm phương Tây, Phượng hoàng (đặc biệt là Phượng hoàng lửa) lại là đại diện cho sự hồi phục, tái sinh. Vậy nên có khi cùng một hình ảnh biểu tượng nhưng cơ chế tạo mã và giải mã lại khác nhau tuỳ thuộc vào phông nền văn hoá. Thứ hai, tính thống nhất của biểu tượng nằm ở yếu tố đại diện tiêu biểu. Nó đặt ra yêu cầu tần suất xảy lặp của hình tượng ở mức độ cao; trở thành vấn đề liên kết trực tiếp với các hình tượng khác trong chỉnh thể văn bản. Chẳng hạn như trong văn học trung đại; các quy ước như quân tử luôn được gắn tùng, bách; gái thuyền quyên luôn đi kèm với trúc, mai, liễu, đào, … Như vậy, tính thống nhất cho phép tác giả và bạn đọc tìm được mẫu số chung trong nghĩa của biểu tượng. Cuối cùng là tính tiếp biến. Mặc dù biểu tượng nào cũng mang hạt nhân nghĩa tương đối cố định nhưng với đặc thù của văn chương nghệ thuật, không phải biểu tượng nào cũng giữ nguyên một nghĩa xuyên suốt quá trình phát triển của văn học. Ngoài việc gắn với tri thức cộng đồng,

biểu tượng tồn tại với tư cách là một mã thẩm mĩ, một phương thức tư duy nên sẽ gắn với cảm quan nghệ thuật của mỗi nhà văn.

Chính vì thế, giải mã biểu tượng nghệ thuật là quá trình không đơn giản của tiếp nhận văn học. Nó phải xuất phát từ sự phân tích nghĩa biểu trưng mà nhà văn có ý thức đưa vào hình ảnh, hình tượng dựa trên cơ sở tổng hợp tri nhận văn hoá cộng đồng. Đôi khi, các mã biểu tượng tạo thành những motif hình tượng mang đặc điểm phong cách sáng tạo của mỗi cá nhân người nghệ sĩ.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết nguyễn bình phương từ góc nhìn kí hiệu học văn học (khảo sát qua vào cõi và thoạt kỳ thuỷ) (Trang 27 - 31)