8. Bố cục của luận văn
1.2.4. Giáo viên, giáo viên mầm non, đội ngũ giáo viên mầm non
1.2.4.1. Giáo viên
Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (khoản 1, Điều 66): “Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng
dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên” [27].
Như vậy, giáo viên là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của cấp học. Theo cách gọi thông thường, giáo viên là người làm nghề dạy học.
Trong giáo dục, giáo viên là người hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện phát triển nhân cách, chủ yếu là ở trong nhà trường, ngoài ra cũng có thể là ở gia đình hay trong hệ thống giáo dục cộng đồng. Giáo viên là người có trình độ chuyên môn sâu nhất định để có thể tham gia hướng dẫn và giúp đỡ người học trong quá trình dạy học. Nhưng đồng thời giáo viên cũng tự học tập, rèn luyện bản thân mình trong hoạt động lao động.
Giáo viên là nhà chuyên nghiệp trong dạy học và giáo dục, nghĩa là người đó có khả năng áp dụng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và kinh nghiệm thực tế phong phú để có thể đưa ra những cách thức xử lý tin cậy và phù hợp với những tình huống cụ thể khác nhau (về người học, về bối cảnh/hoàn cảnh) vì lợi ích của người học và đạo đức nghề nghiệp. Nghề giáo viên là một lĩnh vực hoạt động lao động trong hệ thống giáo dục quốc dân. Sau khi được đào tạo ở các trường, khoa sư phạm về giáo dục, sinh viên có được những phẩm chất và năng lực (bao gồm kiến thức và kỹ năng nghề) nhất định để có thể trở thành giáo viên và có thể tham gia vào giáo dục thế hệ trẻ đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.
1.2.4.2. Giáo viên mầm non
Giáo viên mầm non (hay còn gọi là nghề nuôi dạy trẻ) một trong những ngành nghề được nhà nước rất chú trọng đầu tư để có nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao hiệu quả giáo dục đào tạo con người.
Giáo viên mầm non là một nghề cao quý. Những giáo viên mầm non vừa là người nuôi dạy trẻ vừa giúp trẻ làm quen với kiến thức bên ngoài. Họ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, thế giới quan và niềm yêu thích học hành của trẻ nhỏ.
Điều đặc biệt của nghề này là dù là nhà giáo nhưng họ còn là một bảo mẫu, không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”. Và hơn hết, những người theo đuổi nghề này cần phải có một tình yêu lớn lao với trẻ nhỏ.
Nghề giáo viên mầm non là một lĩnh vực hoạt động lao động giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi. Nhờ được đào tạo, giáo viên Mầm non có được những tri thức về sự phát triển thể chất, tâm sinh lý trẻ em; về phương pháp nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục trẻ em; về những kỹ năng nhất định để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, đáp ứng nhu cầu xã hội về phát triển con người mới trong xu hướng hội
nhập và toàn cầu hóa.
Nghề giáo viên mầm non là một nghề khó, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong quá trình lao động.
1.2.4.3. Đội ngũ giáo viên mầm non
Khi đề cập đến khái niệm đội ngũ giáo viên, một số tác giả đã nêu lên quan niệm “Đội ngũ giáo viên là những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục họ nắm vững tri thức và hiểu biết về dạy học như thế nào và có khả năng cống hiến toàn bộ sức lực và tài năng của họ đối với giáo dục.
Có thể hiểu, đội ngũ giáo viên mầm non được cấu thành từ các thành tố, như: một tập thể giáo viên, hoạt động cùng một mục đích, cùng chung một chức năng, nhiệm vụ là chăm sóc giáo dục trẻ, gắn bó với nhau về chuyên môn, nghĩa vụ và quyền lợi của một tập thể sư phạm.
Theo đó có thể quan niệm: Đội ngũ giáo viên mầm non là một tập hợp những người cùng làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trên địa bàn huyện Đầm Dơi.