Các mối đe dọa và tình trạng bảo tồn loài

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh thái của loài chà vá chân xám (pygathrix cinerea nadler, 1997) tại xã tam mỹ tây, huyện núi thành, tỉnh quảng nam (Trang 27 - 29)

4. Bố cục đề tài

1.3.6. Các mối đe dọa và tình trạng bảo tồn loài

a) Các mối đe dọa

Mất sinh cảnh sống do phá rừng, săn bắt, và buôn bán trái phép là nguyên nhân chính làm suy giảm trữ lượng quần thể của loài CVCX [80] [84] [32] [55]. Người dân tộc thiểu số Ba Na sống xung quanh vùng đệm của VQG KKK và KBTTN Kon Cha Răng xác nhận có thể bắn được khoảng 20 con CVCX trong mỗi mùa săn bắt ở KBTTN Kon Chư Răng và 5 cá thể ở VQG KKK. Sản phẩm sau khi săn bắt được bán cho các cửa hàng nhỏ trong làng [50]. Ở huyện Kon

Rẫy, tỉnh Kon Tum, người dân tộc thiểu số Xê Đăng săn bắt CVCX làm "thú nhồi bông" để bán làm đồ trưng bày trong nhà (Hình 1.3).

Hình 1.3. Chà vá chân xám làm thú nhồi bông ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum chụp ngày 10/8/2013.

Hiện nay, tình trạng săn bắt CVCX bằng súng săn tự chế vẫn còn diễn ra trong các khu vực có loài phân bố như Kon Tum [24], Gia Lai [17], Quảng Ngãi [6]. Ngày 16/3/2021, kiểm lâm huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi phát hiện 1 người địa phương bắn chết 1 cá thể CVCX bằng súng săn tự chế [6]. Theo số liệu thống kê của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) từ năm 2008 đến năm 2013, đã tịch thu được 28 cá thể CVCX trong 21 vụ vi phạm [32].

Chuyển đổi rừng tự nhiên sang đất trồng cây lâm nghiệp, đất công nghiệp, đất xây dựng,… là những nguyên nhân làm mất đi môi trường sống của loài CVCX và tạo nên sự phân tán quần thể lớn thành các quần thể nhỏ bị cách ly với nhau [80].

b) Tình trạng bảo tồn loài

Loài CVCX được bảo vệ ở Việt Nam thông qua các văn bản pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã như điều 234, 244 trong Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017, Luật lâm nghiệp sửa đổi năm 2017, Nghị định 06/2019, và Nghị định 64/2019. Sách đỏ Việt Nam (2007) [2] và IUCN (2020) [55] đều xếp hạng tình trạng bảo tồn loài CVCX ở mức Cực kỳ nguy cấp (CR). Theo quy định tại điều 234 và 244 trong Bộ luật hình sự sửa đổi và bổ sung năm 2017, các hành vi vi phạm đối với loài CVCX có thể bị phạt tiền cao nhất là 15 tỉ đồng và phạt tù tối đa lên đến 15 năm [9].

Các dự án bảo tồn loài CVCX ở Việt Nam nhìn chung là còn ít. Hội động vật học Frankfurt, Đức (FZS-Vietnam program) có chương trình bảo tồn quần thể CVCX ở VQG KKK từ năm 2006 cho đến nay [83]. Trung tâm EPRC đã cứu hộ rất nhiều cá thể CVCX và đã thành công trong việc cho sinh sản trong điều kiện chuồng nuôi [83]. Tại Kon Plong, tỉnh Kon Tum, chương trình bảo tồn quần thể CVCX mới bắt đầu từ năm 2016 [60].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh thái của loài chà vá chân xám (pygathrix cinerea nadler, 1997) tại xã tam mỹ tây, huyện núi thành, tỉnh quảng nam (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)