4. Bố cục đề tài
1.3.7. Thông tin về loài chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây
Năm 2004, chương trình điều tra khảo sát Linh trưởng ở Quảng Nam do tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) thực hiện có ghi nhận 1 quần thể Chà vá (Pygathrix sp.) gần 50 cá thể tại xã Tam Mỹ1 (tọa độ UTM 0239604/1703132, cao độ 324m so với mực nước biển) [72]. Tại vị trí tọa độ này hiện giờ là rẫy trồng cây keo của người dân ở xã TMT. Vị trí này cách Hòn Dồ khoảng 500m trên bản đồ. Năm 2018-2019, Bùi Văn Tuấn và cộng sự (2019) đã xác định ở Hòn Dương Bông, Hòn Dồ, Hòn Ông, và Dương Bản Lầu có khoảng 50 - 68 cá thể CVCX. Một số điểm có thể có CVCX sinh sống trong địa bàn xã TMT chưa được khảo sát [36].
1 Tam Mỹ là tên gọi cũ trước năm 2008, sau đó xã Tam Mỹ được chia tách ra thành 2 xã gồm Tam Mỹ Tây và Tam Mỹ Đông.
Bước đầu nghiên cứu về thức ăn của CVCX ở núi Hòn Dồ đã ghi nhận được 9 loài thực vật thân gỗ là thức ăn của chúng [12].
Để bảo tồn nguyên vị quần thể CVCX tại xã TMT, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và tổ chức nhiều hội thảo khoa học để xây dựng kế hoạch bảo tồn lâu dài. Xã TMT đã ban hành quyết định số 18 để thành lập tổ tuần tra thôn bản (TTTB) nhằm mục đích tuần tra bảo vệ CVCX. Thành viên của tổ TTTB hiện nay gồm 10 người dân địa phương và thực hiện tuần tra bảo vệ CVCX khoảng 10 ngày/tháng [19]. Đề án bảo tồn quần thể CVCX đã được hoàn thiện với sự tự vấn của các tổ chức, chuyên gia bảo tồn trong nước và quốc tế. Trong đó, giải pháp tạo hành lang kết nối các vùng sống bị cách ly của CVCX đã xác định bằng cách trồng rừng và phục hồi rừng là giải pháp đang được ưu tiên [18]. Tuy nhiên, cần có thêm dữ liệu khoa học về đặc điểm sinh thái của loài trong điều kiện môi trường sống ở đây để làm cơ sở triển khai các hoạt động bảo tồn.