4. Bố cục đề tài
3.3.6. Tập tính uống nước của quần thể Chà vá chân xá mở Hòn Dồ, xã
xã Tam Mỹ Tây.
Trong nghiên cứu này, có 43 ghi nhận hành vi uống nước trực tiếp của CVCX. Trong đó, có 3 quan sát trực tiếp CVCX uống nước ở hai suối bên ngoài Hòn Dồ trong tháng 6 và tháng 7 năm 2020. Có 40 ghi nhận bởi bẫy ảnh ở hố nước ĐN2 ở bên trong Hòn Dồ trong 4 ngày liên tục trong tháng 8 năm 2020. Không có cá thể CVCX nào uống nước ở hố nước ĐN1 và ĐN3.
Mô tả hành vi uống nước của CVCX như sau: CVCX di chuyển từ trên cây xuống đất, rồi di chuyển bằng 4 chi đến điểm có nước và ngồi xuống, dùng 2 chi trước chống xuống đất/nền đá và cúi miệng vào hố nước để uống/ hoặc liếm nước trên nền đá" (Hình 3.13).
Hình 3.13. Đàn CVCX 7 cá thể xuống uống nước ở hốc nước ĐN2 ngày 08/05/2020 lúc 11:31:51 với nhiệt độ ngoài trời là 35 0C.
Hai điểm uống nước của CVCX ở hai suối nhỏ bên ngoài Hòn Dồ được đặt tên là ĐN4 và ĐN5. Điểm ĐN4 (tọa độ N15.39121° E108.57021°, 200 m) là một hố nước nhỏ thuộc Suối cây Khế (theo tên gọi địa phương). Đường kính hố ĐN4 khoảng 1m và độ sâu khoảng 20cm, và cách rừng Hòn Dồ khoảng 200m. Suối này chỉ có nước chảy trong mùa mưa nhưng hố ĐN4 có nước đọng quanh năm. Điểm uống nước ĐN5 (tọa độ N15.39428° E108.57596°, 130 m) nằm trên dòng chảy của suối Dương Bông (tên gọi địa phương). Suối Dương Bông chảy từ Hòn Dương Bông về hướng Hòn Dồ. Suối này nhỏ nhưng có nước chảy quanh năm. Khoảng cách từ điểm CVCX xuống nước ở suối Dương Bông đến rừng Hòn Dồ khoảng 200m.
Kết quả phân tích từ 40 video ghi lại từ Bẫy ảnh tại điểm ĐN2 bên trong Hòn Dồ cho thấy CVCX uống nước vào nhiều giờ khác nhau trong ngày. Số lượng các cá thể CVCX cùng uống nước ở điểm ĐN2 dao động từ 1-8 cá thể. Chỉ có các cá thể ở độ tuổi trưởng thành, bán trưởng thành, nhỡ uống nước.
Không thấy hành vi uống nước của con non. Đặc biệt, ngày 5 tháng 8 năm 2020 CVCX xuống uống nước 24 thời điểm khác nhau từ 11:00 đến 15:00. Thời gian ở dưới đất của CVCX ngắn nhất là 2 phút và thời gian kéo dài nhất tối đa là 16 phút (xem chi tiết dữ liệu trong phụ lục 6).
Số lượt uống nước và thời gian mỗi lượt xuống uống nước trong ngày của các đàn CVCX ở Hòn Dồ có thể liên quan đến sự tăng lên về nhiệt độ không khí. Trong 3 ngày (2, 3, và 4/8/2020), có tổng 16 lượt các cá thể CVCX xuống nước ở điểm nước ĐN2 và nhiệt độ ngoài trời do bẫy ảnh đo được trong các thời điểm này dao động từ 32,7 – 33,7 0C. Số lượt các cá thể CVCX xuống uống nước là 24 lượt trong ngày 5 tháng 8 năm 2020 và nhiệt độ trung bình ở các thời điểm này là 37,7 0C (Bảng 3.10). Thời gian các cá thể CVCX uống nước ở ĐN2 dài nhất trùng với mốc nhiệt độ ngoài trời là 41 0C. Ngược lại, bẫy ảnh đặt trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020 ở ĐN1 không thấy cá thể CVCX nào xuống uống nước. Dữ liệu thời tiết cho thấy, tháng 3 và tháng 4 năm 2020 có nhiều mưa và nhiệt độ trung bình trong tháng thấp hơn tháng 6, 7, và tháng 8 năm 2020.
Bảng 3.10. Số lượt CVCX uống nước trong ngày tại hốc nước ĐN2
Ngày Nhiệt độ trung bình Số lượt uống nước trong ngày
8/2/2020 33,0 3
8/3/2020 32,5 10
8/4/2020 33,7 3
8/5/2020 37,7 24
Ngoài ra, bẫy ảnh ghi lại rất nhiều hình ảnh và video loài Khỉ đuôi lợn bắc bắc (Macaca leonia) đến uống nước ở ĐN1, ĐN2 và ĐN3. Trong 40 video từ Bẫy ảnh ghi lại ở ĐN2 thì không thấy có sự xuất hiện cùng lúc của 2 loài.
* Thảo luận
Chưa có nghiên cứu nào trước đây ghi nhận hành vi uống nước trực tiếp của loài CVCX ngoài tự nhiên nên có thể xem đây là phát hiện mới trong nghiên cứu này. Các nghiên cứu về sinh thái dinh dưỡng của 3 loài Chà vá ngoài tự nhiên hầu như không ghi nhận tập tính uống nước dưới đất. Ngoại trừ một số quan sát trực tiếp loài P. nigripes uống nước trong các hốc đá của Nadler ở Hòn Hèo [109] và hành vi uống nước trong bể ở trung tâm cứu hộ EPRC [88]. Điều này được lý giải là lượng nước có trong thức ăn đủ cung cấp cho nhu cầu của chúng hằng ngày [68] [88], hoặc có thể bổ sung nước trực tiếp bằng cách liếm nước trên lá cây [58]. Phân tích dinh dưỡng trong lá cây là thức ăn của loài T.
germaini ở Núi đá vôi Chùa Hang, Kiên Giang cho thấy hàm lượng nước trong
lá chiếm 74,3% và không thấy loài này uống nước [63].
Nghiên cứu về nhu cầu uống nước của CVCX và loài Voọc Cát Bà trong chuồng nuôi tại EPRC cho thấy, nước trong lá cây tươi cung cấp 60% và 40% đến từ việc uống trực tiếp trong các bể nước. Kullik (2010) chỉ ra rằng, lượng nước tiêu thụ của loài CVCX tương quan thuận với nhiệt độ. Cụ thể, ở mức nhiệt ngoài trời là 24 0C, CVCX đực trưởng thành uống bổ sung 1.200 ml nước/ngày và tăng lên 1.920ml/ngày ở mức nhiệt độ 32 0C.
Có nhiều loài Khỉ ăn lá khác cũng có hành vi uống nước trực tiếp được ghi nhận như loài Trachypithecus phayrei ở khu bảo tồn động vật hoang dã Phu Khieo, Thái Lan [107]; loài Procolobus kirkii tại khu bảo tồn rừng ngập mặn Zanzibar, Tanzania [92]; loài Nasalis larvatus ở Sabah, Malaysia [70], và loài
Presbytis rubicunda ở Indonesia [105].
Một nghiên cứu khác trên 2 quần thể bị cô lập trong 2 khu rừng nhỏ (106,6 ha và 51,3 ha) của loài Piliocolobus badius temminckii cũng cho kết quả tương tự như loài CVCX ở Hòn Dồ. Bằng cách tạo ra 2 bể nước nhân tạo (2m x 3m, độ sâu nước từ 1-20cm) ở 2 khu vực nghiên cứu và lắp dặt bẫy ảnh trong
4 ngày liên tục để theo dõi. Kết quả ghi nhận 8 lượt uống nước trong bể của loài Piliocolobus badius temminckii. Hillyer và Korstjens (2015) cho rằng, loài
P. badius temminckii sẽ uống nước ở trong bể khi có sẵn nước và chúng cảm
thấy an toàn [57].
Tóm lại, bước đầu đã xác định được quần thể CVCX ở Hòn Dồ cần uống nước trong các tháng khô hạn. Lý do của việc uống nước có thể liên quan đến sự tăng nhiệt độ trong các tháng khô hạn và sự sụt giảm lượng lá non trong vùng sống. Khi lá non là bộ phận thức ăn có nhiều nước bị sụt giảm và quả cây chiếm ưu thế trong thành phần thức ăn, dẫn đến nhu cầu nước của CVCX tăng lên. Không có sự xuất hiện cùng lúc 2 loài CVCX và Khỉ đuôi lợn tại điểm uống nước cho thấy có thể liên quan đến sự giảm xung đột về nhu cầu của 2 loài. Tuy nhiên, cần phải đặt thêm nhiều bẫy ảnh ở nhiều vị trí và thời gian đặt bẫy ảnh kéo dài liên tục trong năm để có hiểu rõ hơn về vai trò của nguồn nước đối với quần thể CVCX ở đây.