4. Bố cục đề tài
2.5.1. Nghiên cứu hiện trạng bảo tồn và các mối đe dọa
Để đánh giá hiện trạng bảo tồn quần thể và các mối đe dọa, tác giả đã sử dụng tổng hợp 3 phương pháp như sau;
(1) Phương pháp phỏng vấn
Áp dụng phương pháp xây dựng bảng câu hỏi của Paterson (2000) [93] và hướng dẫn khảo sát linh trưởng ở Việt Nam của Lê Vũ Khôi (2005) [23] để lập bảng câu hỏi phỏng vấn. Mục tiêu phỏng vấn là để thu thập được những thông tin về các vị trí xuất hiện, các mối đe dọa, và tình trạng suy giảm quần thể theo thời gian. Nội dung bảng hỏi có 13 câu (Phụ lục 3). Có 50 người được phỏng vấn bao gồm kiểm lâm ở địa bàn, cán bộ quản lý lĩnh vực nông - lâm
nghiệp của xã TMT, xã Tam Thạnh, xã Tam Trà, và người dân địa phương có nhiều hiểu biết về các loài động vật trong khu vực nghiên cứu (Phụ lục 2).
(2) Phương pháp khảo sát phân bố quần thể
Áp dụng phương pháp khảo sát hiện trạng quần thể linh trưởng của Brockelman và Ali (1987) [35] có điều chỉnh để phù hợp với kiểu quần thể bị phân tán và sinh cảnh sống hạn hẹp ở TMT. Người dân địa phương đã từng gặp CVCX trong các khu vực khảo sát mục tiêu được mời tham gia khảo sát. Tại mỗi khu vực cần khảo sát, người quan sát chọn điểm đứng từ xa để có thể nhìn bao quát và có thể phát hiện được động vật. Ống nhòm Nikon Monarch 5 được sử dụng để tìm động vật. Máy quay phim Nikon Coolpix P1000 dùng để quay phim và xem lại giới tính của các cá thể. Khoảng cách (L) từ người quan sát đến động vật đo bằng máy đo khoảng cách Nikon Ranger-Finder. Máy định vị Garmin 64S dùng để đo góc phương vị (α) và vị trí người quan sát. Từ dữ liệu L, góc α và tọa độ GPS sẽ xác định được vị trí của động vật trên bản đồ phân bố. Các khu vực khảo sát nhỏ thì có 1 nhóm đi khảo sát. Khu vực có diện tích lớn thì có 2-3 nhóm đi khảo sát cùng lúc để tránh trường hợp đếm lặp lại trên cùng 1 đàn (minh họa trong hình 2.3).
Hình 2.3. Minh họa phương pháp khảo sát phân bố quần thể
Phiếu ghi chép thông tin về các đàn CVCX được sử dụng để ghi thông tin các đàn CVCX đã phát hiện. Thông tin trên phiếu bao gồm: ngày khảo sát,
người tham gia khảo sát, tên khu rừng/ngọn núi/ khe núi theo tên địa phương, thời gian đến điểm quan sát, thời gian rời điểm quan sát, mô tả sơ bộ sinh cảnh sống, giờ phát hiện, số lượng cá thể, tọa độ và độ cao điểm đứng quan sát, khoảng cách L và góc phương vị α, số ảnh đã chụp, và mã số video đã quay.
(3) Phương pháp xác định cấu trúc đàn và kích thước quần thể
Áp dụng phương pháp xác định cấu trúc đàn được mô tả trong các nghiên cứu trước đây của Hà Thăng Long [52] [51] và phương pháp đếm tổng thể của Barnett (1995) để xác định kích thước quần thể [29]. Theo đó, số lượng con đực và cái trưởng thành, con nhỡ, con non trong mỗi đàn (cấu trúc đàn) là cơ sở để xác định kiểu cấu trúc đàn và để phân biệt các đàn với nhau. Các đặc điểm để nhận dạng và phân biệt giữa các nhóm độ tuổi và giới tính của loài CVCX được mô tả trong nghiên cứu trước đây của Hà Thăng Long năm 2009 (xem chi tiết trong bảng 2.1).
Bảng 2.1. Mô tả các đặc điểm phân biệt độ tuổi và giới tính của CVCX.
Phân Nhóm Mô tả các đặc điểm nhận dạng
Đực trưởng thành (ĐTT)
Kích thước cơ thể to hơn tất cả các nhóm độ tuổi khác trong đàn. Tiếng kêu to. Cơ ở cánh tay và bắp chân hiện rõ và nhìn thấy. Dương vật màu đỏ và tinh hoàn to rất đễ phân biệt khi ngồi dãn chân. Mảng lông giữa 2 bắp đùi có màu đỏ. Mảng lông trắng hình tam giác ở gốc đuôi có 2 túm lông trắng dựng lên khi ngồi hoặc bò 4 chân.
Cái trưởng thành (CTT)
Kích thước nhỏ hơn con ĐTT và tương đương với con đực BTT. Con CTT trong thời gian chăm con non thì ngực to và dễ nhìn thấy. Trong chu kỳ rụng trứng và mang thai, 2 bên bẹn có màu đỏ. Có 2 túm lông trắng ở phần lông hình tam giác ở gốc đuôi nhưng không dài như con ĐTT và ĐBTT.
Đực bán trưởng thành (ĐBTT)
Kích thước cơ thể gần như con cái trưởng thành nhưng nhỏ hơn so với con đực trưởng thành. Da mặt có màu vàng nhưng không rõ như con ĐTT. Có thể nhìn thấy rõ cơ ở bắp chân và cánh tay. Bộ phận sinh dục nhỏ hơn con ĐTT và dương vật chưa chuyển sang màu đỏ. Mảng lông màu trắng hình tam giác ở gốc đuôi nổi rõ lên 2 chỏm lông ở 2 góc như con ĐTT. Tiếng kêu nhỏ hơn con ĐTT.
Cái bán trưởng thành (CBTT)
Lông ở bụng không dài và dày như con CTT. Ngực chưa phát triển to. Rất khó phân biệt với con CTT khi đàn di chuyển nhanh.
Nhỡ Kích thước nhỏ hơn nhóm tuổi trưởng thành và bán trưởng thành nhưng lớn hơn con non. Da mặt vẫn còn màu đen nhưng sáng hơn con non. Có thể di chuyển độc lập hoặc bám bụng mẹ. Màu lông trên cơ thể giống như các bán trưởng thành và trưởng thành nhưng lông đuôi vẫn còn màu xám.
Non Kích thước cơ thể nhỏ nhất so với các cá thể khác trong đàn. Màu lông khi mới sinh chủ yếu là màu vàng, sau chuyển dần sang màu xám nhưng vẫn còn ở dọc lưng và chân. Da mặt màu đen. Luôn đi cùng với mẹ và ôm bụng mẹ khi di chuyển. Rất khó để phân biệt giới tính
Nguồn: Hà Thăng Long (2009)