2.2.1.1. Tác động tới tổng vốn đầu tư trong ngành công nghiệp chế tác
Vốn đầu tư trong công nghiệp có nguồn gốc từ trong nước hoặc ngoài nước. Mỗi quốc gia có nguồn vốn trong nước khác nhau, có quốc gia thì thừa vốn, có quốc gia thì thiếu vốn. Có quốc gia thì thừa vốn ngành này nhưng lại hạn chế ngành khác. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, thực sự là thiếu vốn trầm trọng, chỉ bằng nguồn vốn trong nước không thể phát triển được ngành công nghiệp, vì vậy FDI đã đóng góp một phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho ngành công nghiệp. Ở các nước đang phát triển, các ngành công nghiệp chế tác được coi là mũi nhọn, ưu tiên thường thiếu vốn đầu tư trầm trọng. Do đó, nguồn vốn FDI là một sự bổ sung vốn quan trọng nhất trong các ngành này. Các nước đang phát triển
thường hạn chế nguồn vốn FDI vào các ngành công nghiệp chế tác trình độ kém, sử dụng lao động giản đơn, lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, nguồn vốn đổ vào các ngành này vẫn gia tăng, nguyên nhân là các chủ đầu tư nước ngoài, các công ty xuyên quốc gia muốn tận dụng triệt để nguồn tài nguyên dồi dào và nguồn lao động rẻ mạt ở các quốc gia đang phát triển. Do đó mặc dù mức độ tác động FDI tới các ngành công nghiệp vẫn còn đang được nghiên cứu thì vẫn chắc chắn một điều rằng nguồn vốn FDI có tác động làm tăng tổng vốn và một nguồn lực quan trọng của ngành công nghiệp chế tác.
2.2.1.2. Tác động tới tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế tác
Nguồn vốn FDI là một trong các nguồn lực đầu vào. Vì là nguồn lực đầu vào nên nguồn vốn FDI tăng thì sản lượng tăng. Sản lượng tăng là biểu hiện tăng trưởng về mặt lượng, trong ngắn hạn giúp hình thành nền tảng của ngành công nghiệp, tạo công ăn việc làm, khẳng định vai trò của ngành công nghiệp là có phát triển mạnh công nghiệp thì mới phát triển được nền kinh tế. Nguồn vốn FDI đổ vào các ngành trọng tâm, các ngành công nghiệp chế tác mũi nhọn đang thiếu vốn thì góp phần nhanh chóng làm gia tăng năng suất và sản lượng của ngành công nghiệp chế tác một cách bền vững, dài hạn. Ngược lại, nếu nguồn vốn FDI đổ vào các ngành không cần thiết, không trong chiến lược phát triển của ngành công nghiệp chế tác thì ít có khả năng tạo ra một sự thay đổi đáng kể tới năng suất và sản lượng, không tạo ra được sự phát triển dài hạn mặc dù có một số kết quả trong ngắn hạn. Do đó, cần lưu ý rằng, tăng trưởng sản lượng chỉ là tăng trưởng về mặt lượng nên chúng ta không thu hút FDI một cách ồ ạt để tăng sản lượng, trong nhiều trường hợp phải hạn chế để duy trì tăng trưởng mặt chất, phát triển bền vững của nền kinh tế.
2.2.1.3. Tác động tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành công nghiệp chế tác
Đây là tăng trưởng về mặt chất, liên quan tới cơ cấu vốn, sử dụng vốn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là thay đổi cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với môi trường và mục tiêu phát triển kinh tế. Đối với ngành công
nghiệp, đó là sự chuyển dịch cơ cấu các ngành trong nền công nghiệp. Nguồn vốn FDI vào ngành công nghiệp từ các quốc gia khác, các công ty đa quốc gia, các lĩnh vực khác nhau, do đó tác động làm thay đổi cơ cấu tổng nguồn vốn trong từng ngành công nghiệp từ đó làm thay đổi cơ cấu các ngành trong nền công nghiệp. Do đó nếu nguồn vốn FDI được kết hợp môi trường đầu tư tốt, các chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả sẽ tạo ra các bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, hợp lý. Ngược lại, nguồn vốn FDI sẽ làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế bất hợp lý, tạo ra một ngành công nghiệp chế tác rời rạc, không có sự phát triển đồng bộ và gắn kết.
Hơn nữa, nguồn vốn FDI sẽđóng góp một phần rất quan trọng vào việc hình thành nền móng, cơ cấu và định hướng phát triển nền công nghiệp các quốc gia đang phát triển. Bởi vì các nước đang phát triển có nền công nghiệp non trẻ, nguồn vốn cho phát triển công nghiệp còn thiếu cả về lượng lẫn về chất, cơ cấu ngành công nghiệp còn chưa rõ nét.
2.2.1.4. Tác động tới thúc đẩy xuất khẩu trong ngành công nghiệp chế tác Tăng trưởng sản lượng không chỉđáp ứng nhu cầu trong nước mà còn thúc đẩy xuất khẩu, đây là bước phát triển tiếp theo khi ngành công nghiệp đáp ứng đủ trong nước hoặc tận dụng lợi thế so sánh để thu nhiều lợi nhuận. Khi thị trường trong nước nhỏ hẹp việc tận dụng công suất tối đa sẽ dẫn đến dư thừa hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn và giảm áp lực từ thị trường nhỏ hẹp trong nước. Nguồn vốn FDI gồm công nghệ hiện đại vào ngành công nghiệp không những làm gia tăng sản lượng của ngành công nghiệp mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất. Điều này làm cho ngành công nghiệp tăng thêm sức mạnh cạnh tranh cả về khối lượng sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Khối lượng sản xuất tăng thêm đáp ứng vượt nhu cầu trong nước, phần dư thừa còn lại để dành cho xuất khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI với nhiều mối quan hệ với các bạn hàng thị trường quốc tế, cùng với uy tín về thương hiệu sẽ là kênh quan trọng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dư thừa. Tóm lại, nguồn vốn FDI có tác động tới nhiều mặt cả về số lượng đến chất lượng sản phẩm từđó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của ngành công nghiệp.
2.2.1.5. Tác động tới việc đóng góp vào nộp ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho nền kinh tế của ngành công nghiệp chế tác
Một quốc gia thu hút nguồn vốn FDI nhằm phát triển kinh tế của quốc gia đó. Từ việc phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện nâng cao sức mạnh của một quốc gia đó. Sức mạnh của một quốc gia được biểu thị bằng sự giàu có, tiềm lực tài chính dồi dào và khả năng tạo công ăn việc làm cho người dân của quốc gia đó. Dòng di chuyển vốn FDI từ các quốc gia có nền kinh tế có nền công nghiệp phát triển sang các quốc gia có nền kinh tếđang phát triển thường đổ vào các ngành công nghiệp của các quốc gia đang phát triển. Các ngành công nghiệp khi tiếp nhận nguồn vốn FDI đã không ngừng tăng quy mô sản sản xuất, tuyển dụng lao động từđó tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn và tạo thêm việc làm cho nền kinh tế, giúp cho nền kinh tế tăng nguồn thu vào ngân sách nhà nước và giảm áp lực về tăng số việc làm trong nền kinh tế.
2.2.1.6. Tác động tới việc hình thành những ngành công nghiệp mới trong ngành công nghiệp chế tác
Nền công nghiệp của các nước phát triển đi trước các nước đang phát triển nửa thế kỷ, thậm chí cả thế kỷ. Trong khi các nước đang phát triển đang ở trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì các nước phát triển đã có một nền công nghiệp phát triển mạnh với đầy đủ các ngành công nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, phát triển các ngành công nghiệp hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ tối tân và các nguồn năng lượng mới. Nền công nghiệp tại các nước đang phát triển là nền công nghiệp non trẻ, nhiều ngành công nghiệp chưa có hoặc mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Để phát triển ngành công nghiệp, các nước đang phát triển rất cần có sự trợ giúp, hợp tác từ các nước phát triển. Dòng vốn FDI di chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển có đặc điểm là thường đi cùng với công nghệ, bí quyết công nghệ, đội ngũ nhân lực trình độ cao hơn hẳn nước đang phát triển. Có thể nói rằng, dòng vốn FDI từ các nước phát triển vào các nước đang phát triển là cơ hội to lớn để các nước đang phát triển có khả năng tạo dựng và phát triển ngành công nghiệp bền vững. Nguồn vốn FDI đã giúp các nước đang phát triển hình thành những ngành công nghiệp mới đồng thời phát triển những ngành công nghiệp còn
rời rạc, thiếu gắn kết và manh nha ở các nước đang phát triển. Quốc gia đang phát triển nào mà tận dụng tốt nguồn vốn FDI thì quốc gia đó nhanh chóng hoàn thành giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
2.2.1.7. Tác động tới hình thành và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ
cho ngành công nghiệp chế tác
Một ngành công nghiệp bao giờ cũng có nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ xung quanh. Nền công nghiệp của một quốc gia không thể phát triển bền vững hoặc được coi là nền công nghiệp đúng nghĩa nếu không có sự phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp phụ trợ. Dòng vốn FDI từ các nước phát triển, các công ty đa quốc gia vào các nước phát triển với mục tiêu là tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận. Họ chỉ có thể kiếm được lợi nhuận bền vững khi mà nền công nghiệp ở các nước đang phát triển đạt tới một ngưỡng nào đó, có khả năng sản xuất, hợp tác sản xuất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Như vậy, dòng vốn FDI không những hướng vào các ngành công nghiệp sản xuất chính của họ mà dòng vốn FDI còn đổ vào các ngành phụ trợ cho các ngành công nghiệp này. Điều này, sẽ giúp các quốc gia đang phát triển có cơ hội lớn để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu nguồn vốn FDI không đổ vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, nền công nghiệp của các quốc gia đang phát triển sẽ phát triển thiếu bền vững, manh mún, rời rạc và quốc gia này rất khó hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa và hiện đại hóa.