Tác động gián tiếp của vốn FDI tới ngành công nghiệp chế tác

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới các ngành công nghiệp chế tác ở Việt Nam (Trang 47 - 52)

Trong tác động gián tiếp này, vốn FDI tác động tới ngành công nghiệp không phải là trực tiếp mà thông qua các kênh sau:

2.2.2.1.Kênh cạnh tranh bằng việc tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế tác

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có thể được hiểu là khả năng tồn tại và vươn lên của doanh nghiệp về một loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Nguồn vốn FDI vào trong ngành công nghiệp sẽ tạo nên các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp này sẽ cạnh tranh với các doanh nghiệp địa phương. Sự cạnh tranh này diễn ra trong

tất cả quá trình từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường vốn, thị trường lao động. Điều này tác động tới các doanh nghiệp trong nước cả theo hướng tích cực và tiêu cực.

Theo hướng tích cực, các doanh nghiệp FDI với lợi thế về công nghệ, tài chính, kinh nghiệm quản lý, thương hiệu, quảng cáo và truyền thông đã tạo một sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp địa phương. Dưới sức ép cạnh tranh này buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý các nguồn lực hiện có đồng thời phải có kế hoạch cải tiến công nghệ, tìm kiếm công nghệ mới, các cách thức quảng bá và truyền thông mới. Các doanh nghiệp FDI với ưu thế của mình đã làm tăng môi trường cạnh tranh của nước chủ nhà, ngành công nghiệp ở các nước đang phát triển với một lực lượng các doanh nghiệp trong nước kém hiệu quả, trình độ công nghệ thấp dưới áp lực cạnh tranh buộc phải sản xuất hiệu quả hơn từđó nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ ngành công nghiệp. Việc xuất hiện các doanh nghiệp FDI có thể kích thích nỗ lực của các doanh nghiệp địa phương trong việc cải tiến công nghệ, tạo ra các sáng kiến mới, tăng cường bổ sung nguồn vốn vào việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ mới, chuyển đổi sang các công nghệ tiên tiến hơn và từđó làm tăng năng suất của các doanh nghiệp trong nước.

Theo hướng tiêu cực, các doanh nghiệp FDI với lợi thế vượt trội đã chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp nội địa và làm cho các doanh nghiệp địa phương phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động sản xuất ở mức quy mô không phải tối ưu và hệ quả là giảm năng suất của doanh nghiệp. Khi sức ép cạnh tranh quá lớn, các doanh nghiệp trong nước không thể trụ vững trong lĩnh vực đang tham gia thì họ phải chuyển đổi chiến lược, hình thức kinh doanh và thậm chí phải chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Nguồn lực để sản xuất là khan hiếm, khi xuất hiện các doanh nghiệp FDI thì số lượng các doanh nghiệp tăng lên và nguồn lực đã khan hiếm lại trở nên khan hiếm hơn, quá trình sản xuất kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI với ưu thế về công nghệ nên họ thích ứng tốt hơn và thậm chí phát huy ưu thế của mình khi sản

xuất trong điều kiện khan hiếm. Điều này sẽđánh bật các doanh nghiệp địa phương ra khỏi lĩnh vực sản xuất kinh doanh sở trường của họ.

Tóm lại, nguồn vốn FDI vào trong ngành công nghiệp đã tạo ra sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Dù tác động này là tích cực hay tiêu cực thì cũng cần phải khẳng định đây là tác động gián tiếp có ảnh hưởng rất lớn tới năng suất các doanh nghiệp trong công nghiệp và từ đó ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của toàn bộ ngành công nghiệp.

2.2.2.2.Chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai

Để có thể kiếm lợi nhuận, các quốc gia phát triển và các công ty đa quốc gia sẽ tiến hành đầu tư vào các nước đang phát triển. Do các nước phát triển và các công ty đa quốc gia thường sở hữu các công nghệ cao, tiên tiến nên các quốc gia đang phát triển sẽ có cơ hội nhận được các công nghệ này. Mặt khác, các quốc gia đang phát triển muốn phát triển mạnh nền công nghiệp cần phải có sự hỗ trợ từ bên ngoài, từ các quốc gia phát triển và các công ty đa quốc gia. Như vây, có thể nói rằng việc chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển là tất yếu. Nhưng một điều cần lưu ý là, chính dòng vốn FDI vận động trên khắp thế giới là nhân tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và làm cho hoạt động này trở nên sôi động.

Hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua FDI là cách thức mà sau quá trình chuyển giao công nghệ cả bên chuyển và bên nhận đều tham gia sử dụng và quản lý công nghệ. Có 3 hình thức chuyển giao công nghệ phổ biến là: Cách thứ nhất là chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ và công ty con ở nước ngoài; cách thứ hai là chuyển giao công nghệ giữa công ty con của các công ty đa quốc gia với các doanh nghiệp nước sở tại trong cùng một ngành; hình thức thứ ba là chuyển giao giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp địa phương là những nhà cung cấp hoặc người mua các sản phẩm trung gian của các doanh nghiệp FDI này.

Khi dòng vốn FDI vận động càng mạnh, hoạt động chuyển gia công nghệ qua ba hình thức trên càng diễn ra sôi động. Để sử dụng các công nghệ chuyển giao một

cách hiệu quả, cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp địa phương phải nghiên cứu triển khai công nghệ, cải biến công nghệ phù hợp với môi trường địa phương. Việc nghiên cứu có thể diễn ra ở nước ngoài hoặc ở địa phương, nhưng đều có mục đích phục vụ cho sản xuất ở địa phương nước tiếp nhận công nghệ. Nói tóm lại, nguồn vốn FDI đã góp phần quan trọng vào nâng cao trình độ công nghệ ngành công nghiệp thông qua kênh chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai.

2.2.2.3.Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và di chuyển lao động

Các doanh nghiệp FDI góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp địa phương. Ban đầu, nguồn nhân lực được các doanh nghiệp FDI đào tạo trở thành nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao. Sau đó, một bộ phận nguồn nhân lực này sẽ chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp địa phương và như vậy họ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp địa phương. Nếu không có doanh nghiệp FDI thì rất khó để cho các doanh nghiệp địa phương có được nguồn nhân lực như vậy. Tuy nhiên, sự di chuyển lao động không phải là một chiều từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp địa phương mà còn có chiều ngược lại là một bộ phận nguồn nhân lực sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm khi làm việc cho các doanh nghiệp địa phương chuyển sang các doanh nghiệp FDI. Đây còn được gọi là hiện tượng chảy máu chất xám của các doanh nghiệp địa phương.

2.2.3.4. Liên kết giữa các doanh nghiệp

Liên kết ngang: Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa trong cùng một ngành. Sự liên kết này có thểđem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp FDI có thể được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển mua các đầu vào trung gian do không phải nhập khẩu từ nước ngoài và mua được các đầu vào trung gian với giá rẻ. Đối với các doanh nghiệp địa phương, họ có thể tăng thị phần, học tập các kinh nghiệm sản xuất và mở rộng các mối hợp tác kinh doanh.

Liên kết dọc: Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước không cùng trong một ngành

Liên kết xuôi là một hình thức biểu hiện của liên kết dọc khi mà các doanh nghiệp FDI là nhà cung cấp ở phía thượng nguồn cho các doanh nghiệp trong nước. Do các doanh nghiệp FDI có ưu thế về công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm nên các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp nhận được các công nghệ mới cùng với đó là giảm chi phí mua đầu vào trung gian do không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Doanh nghiệp FDI cung cấp các sản phẩm trung gian chất lượng cao, được sản xuất theo quy trình hiện đại, điều này sẽ gây sức ép đến các doanh nghiệp địa phương buộc phải cải tiến quy trình và nâng cao tiêu chuẩn đầu ra để thích ứng với đầu vào chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, khi mua đầu vào chất lượng cao thì các doanh nghiệp địa phương có thể phải chịu mức chi phí cao hơn, nếu như doanh nghiệp địa phương không tận dụng được các ưu điểm về sản phẩm của các doanh nghiệp FDI thì năng suất và lợi nhuận của họ sẽ giảm đáng kểđồng thời không duy trì được mối làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp FDI.

Liên kết ngược là một hình thức biểu hiện của liên kết dọc khi mà các doanh nghiệp FDI là người mua ở phía hạ nguồn của các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI thường yêu cầu đầu vào cao tạo áp lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn giao hàng đối với các nhà cung cấp địa phương. Để làm được điều này các nhà cung cấp địa phương phải không ngừng cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu bán hàng. Để có thể có được đầu vào trung gian đáp yêu cầu của mình, các doanh nghiệp FDI có thể hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và nhân lực cho các nhà cung cấp địa phương, giúp cho các nhà cung cấp địa phương hoàn thiện hơn. Các doanh nghiệp FDI cũng có thể được lợi khi mà họ giảm chí phí mua đầu vào trung gian do không phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc được hỗ trợ bởi nhân công giá rẻ từ các nhà cung cấp địa phương. Các doanh nghiệp địa phương còn có thể hưởng lợi từ việc nhu cầu về sản phẩm của họ được tăng cao, thị trường tiêu thu được mở rộng và từđó họ sẽ tăng quy mô sản xuất và đạt được hiệu quả theo quy mô.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới các ngành công nghiệp chế tác ở Việt Nam (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)