5. Bố cục của luận văn
3.2.3. Giọng đa chủ thể
Một đặc điểm của giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư tồn tại xuyên suốt quá trình sáng tạo của nhà văn này là cách tác giả sử dụng lợi thế của tương tác thể loại để tăng cấp sức nặng cho truyện ngắn của mình bằng việc mượn chất giọng đa thanh phức điệu của tiểu thuyết - mang nhiều gam giọng khác nhau. Nói cách khác, những biến thể trong giọng điệu truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư mang hình thái của giọng đa chủ thể.
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, không khó để bắt gặp những đoạn văn mà lời người kể chuyện và lời của nhân vật nhập làm một, không thể phân định rõ ràng: “Lần đầu tiên ông được đóng vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của người đàn bà suốt đời ông yêu thương, ông gọi “Má ơi!” và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à. Ừ chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn…” (Cuối mùa nhan sắc) [50, tr.97], “Anh ngần ngừ sau chữ “tôi” hơi lâu, làm chị Hảo chờ muốn nín thở. Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi. Chi vậy Hết ơi?”
(Hiu hiu gió bấc) [50, tr.35], “Mắc mớ gì mà phải bồi thường, Giang cười, rồi giật mình, con Thủy năm nay mười tám tuổi, nó lớn thiệt, lớn mau quá.” (Nhớ sông) [50, tr.118], “Chồng không giật giọng hỏi đi đâu, quanh cái võng anh nằm đang bay lượn những ngờ ngợ. Cô ta mà lại dám bỏ anh làm mồi cho bọn muỗi lá ngoài kia. Cô ta dám?” (Sổ lồng) [52, tr.57]…
Trong những ví dụ trên, có thể thấy rõ rằng, giọng của người kể chuyện rất nhiều khi trùng khít với giọng của nhân vật, mà đó có thể là giọng đối thoại của nhân vật, cũng có thể là giọng độc thoại của nhân vật. “Chỉ vậy thôi à. Ừ chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn…” là giọng đối thoại. “Ơn nghĩa gì một chai dầu gió, nó chỉ làm anh hết đau ngoài da thịt, mà trong lòng thì còn mãi. Chi vậy Hết ơi?” là giọng độc thoại. “Mắc mớ gì mà phải bồi thường” là giọng đối thoại, còn “…con Thủy năm nay mười tám tuổi, nó lớn thiệt, lớn mau quá.” lại là giọng độc thoại… Trong hầu hết truyện của Nguyễn Ngọc Tư, loại giọng đa chủ thể này được sử dụng với tần số rất lớn.
Trong truyện ngắn Huệ lấy chồng, ta thấy có sự luân phiên thay đổi từ độc thoại sang đối thoại, đồng thời có sự pha trộn lời tác giả, lời người trần thuật, lời nhân vật, đôi lúc khó có thể tách bạch giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ở đoạn kết, là sự đan xen giữa lời người kể chuyện và lời độc thoại của nhân vật:
“Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh Cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt. Nhưng nói để làm gì, ta?” [50, tr.47].
Không chỉ dừng ở việc hợp nhất giọng của người kể chuyện với giọng của một nhân vật, trong một số truyện, Nguyễn Ngọc Tư còn phối hợp giọng của người kể chuyện với nhiều nhân vật. Điều này đòi hỏi một kiểu nhân vật trung gian, mà Nguyễn Ngọc Tư vẫn chuộng một nhân vật rất đặc biệt: con vịt. Chẳng hạn như con vịt Xiêm tên Cộc trong truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải: “Chị xúc chén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như không: “Cộc, mưa lạnh hôn con?”. Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình.” [50, tr.58] hay “Con Cộc è ạch đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông. Khuôn mặt ông mờ mờ sau làn khói. Khói mắc dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông. Chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. Ông rót li rượu uống mà buồn.” [50, tr.60]. Chi tiết “ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình” và “Khói mắc dịch, làm cay con mắt muốn chết.” bên ngoài là lời trần thuật của người kể chuyện, bên trong là lời của con Cộc, nhưng thực chất là lời của hai nhân vật ông Hai và cô Út. Họ nghĩ mà không dám nói ra, cả người kể chuyện cũng không muốn giải thích, nên con Cộc tồn tại như nhân vật trung gian, có nghĩa vụ phát ngôn thay cho nhân vật và giải thích thay cho người kể chuyện. Đó là một cách thức độc đáo mà Nguyễn Ngọc Tư sử dụng để tăng số lượng chủ thể cho lời văn, chèn vào đó cả những gam giọng với những cảm xúc khác nhau, đẩy hiệu quả của giọng đa chủ thể đến mức độ tối đa.
Giọng đa chủ thể mượn từ giọng đa thanh phức điệu của tiểu thuyết nên có khả năng diễn tả được độ phức tạp, giằng xé trong những cuộc đấu tranh nội tâm của kiểu “nhân vật nếm trải”. Nó còn có thể mở rộng thế giới nội tâm của nhân vật ra đến vô tận. Giọng đa chủ thể khiến cho những điều được trần thuật vừa chân thực, khách quan (vì là lời của người kể chuyện) lại vừa sinh động, chủ quan (vì là lời của nhân vật). Đồng thời, giọng điệu này xóa bỏ khoảng cách giữa người đọc với người kể chuyện, người kể chuyện với nhân vật và người đọc với nhân vật. Vì khi người kể chuyện và nhân vật gần như hòa làm một, người đọc có cơ hội tiếp xúc gần hơn cả với truyện kể. Giọng đa chủ thể còn khiến cho ngôn ngữ truyện ngắn tăng thêm sức chứa, tăng thêm khoảng trống, tăng thêm mạch ngầm vì nó chèn vào đó nhiều gam giọng, nhiều sắc thái cảm xúc khác nhau mà cứ mỗi một sự kết hợp lại có thể đưa người đọc đến với một tầng ý nghĩa mới.
Như vậy, có thể thấy rằng, giọng đa chủ thể mà Nguyễn Ngọc Tư sử dụng như một công cụ đắc lực để trần thuật ngay từ những truyện ngắn đầu tiên đã thể hiện rõ nét một lối tư duy nghệ thuật về giọng điệu theo hướng tích hợp, tận dụng được tối đa những ưu thế của tương tác thể loại để mở rộng sức chứa của truyện ngắn ngay từ trong giọng điệu. Nhờ đó, truyện ngắn của chị, dù ngắn đến đâu, vẫn thể hiện được trọn vẹn một thế giới tinh thần đang biến đổi trong sự đấu tranh và thức nhận.
Trở lên, tư duy nghệ thuật về giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư vừa có sự thống nhất, xuyên suốt trong cả quá trình sáng tác ở việc sử dụng giọng đa chủ thể, vừa có sự biến đổi, trưởng thành ở việc chuyển dịch từ giọng xúc cảm sang giọng vô âm sắc. Theo đó, các truyện ngắn của chị đều thể hiện một lối tư duy về giọng điệu rất mới mẻ, hiện đại, đa trị để ngày càng tăng thêm sức truyền tải cảm xúc của tác giả qua giọng điệu và đồng thời, mở rộng những khả năng tiếp nhận cho người đọc.
Tiểu kết:
Tựu trung, tư duy nghệ thuật về ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là một lối tư duy đa bội, tập trung toàn bộ vào việc lũy thừa khả năng biểu đạt của ngôn ngữ lẫn giọng điệu. Ngôn ngữ dù mộc mạc, tự nhiên nhưng chứa đựng tầng bậc ý nghĩa. Giọng điệu dù phô bày hay ẩn giấu cảm xúc cũng cốt để nén vào nó thật nhiều tình cảm, để người đọc phải càng đọc càng đồng cảm, càng đọc càng ám ảnh. Có thể kết luận rằng, tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư đã khiến cho ngôn ngữ và giọng điệu của chị vừa là một hình thức biểu đạt xuất sắc cho tất cả các hình tượng, vừa mang những giá trị nghệ thuật tự thân to lớn.
KẾT LUẬN
Trong bài viết Không gian… của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng tâm sự: “Nguyễn Ngọc Tư nào có muốn nói về một Cà Mau, một miền đất. Chẳng qua cô gửi vào cái khung cảnh ấy, trên đất đai ấy, mà cô quen cô thuộc hơn bất cứ nơi nào trên thế gian này, một kiếp người, những kiếp người, hạnh phúc nhọc nhằn và đau khổ muôn đời của con người, cái chất thiên thần và quỷ sứ trộn lẫn bất trị, không gì không bao giờ chữa nổi trong con người.” [25].
Có thể thấy rằng, điều Nguyễn Ngọc Tư để lại trên văn đàn không phải là những trang khảo cứu phong tục, nghiên cứu văn hóa mà là những trang đời, trang người. Nhưng viết về đời, về người cũng không phải chỉ mỗi Nguyễn Ngọc Tư. Vậy nên, nhà văn này, bằng một lối tư duy nghệ thuật đặc sắc và mới mẻ, đã biến tác phẩm của mình thành những cuộc hành trình đầy mời gọi đối với mỗi chúng ta khi muốn tìm về bản thể. Đến với truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không phải để bắt lấy những biểu hiện bề mặt, mà là để khai phá những giá trị tầng sâu.
Từ Ngọn đèn không tắt đến Cố định một đám mây, Nguyễn Ngọc Tư thể hiện một tư duy nghệ thuật hiện đại và tiến bộ, dù là tư duy thể loại, tư duy hình tượng hay tư duy về ngôn ngữ và giọng điệu.
Tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư soi chiếu thể loại truyện ngắn dưới sự trợ giúp đắc lực của tương tác thể loại. Bằng việc tận dụng tối đa ưu thế của tương tác thể loại truyện ngắn - thơ, truyện ngắn - kịch và truyện ngắn - tiểu thuyết, Nguyễn Ngọc Tư đã biến những truyện ngắn của mình, từ truyện ngắn rất ngắn đến truyện ngắn rất dài, thành những quyển tiểu thuyết mini giàu kịch tính và bàng bạc chất thơ, vừa sâu sắc trong hiện thực, vừa phồn tạp trong nội tâm, vừa trữ tình trong xúc cảm. Những truyện ngắn của chị, nhờ thế, đã dung chứa được tất thảy những mảnh đời trên nhân thế và dồn nén được tất thảy những trăn trở, tâm huyết của người cầm bút tận tụy với đời, với nghề.
Tư duy hình tượng về con người của nhà văn xoáy sâu vào những phương diện của bản chất người, giúp ta nhìn thấy những khuôn mặt thật của nhân loại: khuôn mặt tội lỗi, khuôn mặt cô đơn, khuôn mặt khát khao hạnh phúc. Tất cả đều khắc họa được chân thực và ấn tượng nhất cái Chân - Thiện - Mĩ của con người. Bản thể người đó lại được nhà văn đặt vào các chiều không gian, thời gian song hành, đứt nối như “vòng xoay con tạo”. Tư duy hình tượng về không - thời gian đã tạo nên một thế giới nhân vị hỗn tạp, lắm đa đoan như bể khổ để làm nổi bật lên cái ngã của con người.
Cùng với hình tượng, tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư kiếm tìm thứ ngôn ngữ đa trị nhiều tầng bậc ý nghĩa, một thứ ngôn ngữ nghệ thuật mang vẻ ngoài chân mộc của văn hóa vùng miền nhưng lại chứa đựng nhiều mạch ngầm và khoảng trống. Giọng điệu đa chủ thể của nhà văn đi từ giọng xúc cảm đến giọng vô âm sắc như một sự bùng nổ trong thinh lặng. Tương tác thể loại trở thành một công cụ đắc lực hơn cả để nhà văn biến truyện ngắn của mình thành những trang đời sống động.
Tựu trung, với một lối tư duy nghệ thuật đi sâu vào bản chất của con người, cuộc đời và sáng tạo không ngừng nghỉ ở mọi phương diện của truyện ngắn như thể loại, hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định được sự trưởng thành và ý thức không ngừng tự hoàn thiện mình trong sáng tạo nghệ thuật. Điều đó có nghĩa, tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư đã góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên phong cách nghệ thuật đặc sắc cho người nghệ sĩ, khiến người đọc không còn “đóng khung” cây bút này vào lối viết cũ, mà nhìn thấy một nhà văn “đang ra khỏi hiện thực của những cánh đồng để tìm đến vùng hỗn mang tâm trí con người” (Lời NXB Trẻ, bìa sau tập truyện Đảo).
Trong quá trình hoàn thiện đề tài luận văn, người nghiên cứu nhận thấy bên cạnh thể loại truyện ngắn, vẫn còn rất nhiều vấn đề thú vị trong các sáng tác thuộc các thể loại khác của Nguyễn Ngọc Tư chưa được khám phá, nghiên cứu dưới lý thuyết của tư duy nghệ thuật như tản văn, thơ và tiểu thuyết. Đây sẽ là những vùng đất màu mỡ cho việc tìm một lối đọc “khác” đối với tác phẩm của nhà văn tài hoa này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Nhiều tác giả, Tạ Duy Anh biên soạn (2000), Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký,
Nxb Thanh niên.
[2].Thái Phan Vàng Anh (2010), Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội.
[3].Nguyễn Trọng Bình, Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ phương diện quan niệm nghệ thuật về con người, nguồn http://www.webook.vn/0F024F/phong-cach-truyen-ngan-nguyen-ngoc-tu- nhin-tu-phuong-dien-quan-niem-nghe-thuat-ve-con-nguoi.aspx, truy cập ngày 09/9/2020.
[4].Nguyễn Trọng Bình, Đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nguồn http://www.webook.vn/2B1047/dac-trung-ngon-ngu-truyen-ngan-nguyen- ngoc-tu.aspx, truy cập ngày 09/9/2020.
[5].Katharina Borchardt (2018), Diễn từ tại lễ trao giải thưởng LiBeraturpreis 2018, nguồn https://nguoidothi.net.vn/nha-phe-binh-katharina-borchardt-nguyen- ngoc-tu-da-lam-chan-dong-trai-tim-nguoi-doc-16007.html, truy cập ngày 09/9/2020.
[6].Nguyễn Mạnh Cương (2004), Về bản chất của tư duy, nguồn http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Dao-duc-hoc-My- hoc/Ve-ban-chat-cua-tu-duy-40.html, truy cập ngày 09/9/2020.
[7].Trần Phỏng Diều (2006), Thị hiếu thẩm mỹ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nguồn https://vnexpress.net/thi-hieu-tham-my-trong-truyen-ngan-nguyen- ngoc-tu-1974135.html, truy cập ngày 09/9/2020.
[8].Nguyễn Duy, Đò Lèn, nguồn https://www.thivien.net/Nguyễn-Duy/Đò-Lèn/poem- xX1Ca7qyZZZucU_NacqiTA, truy cập ngày 09/9/2020.
[9].Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb Văn học.
[10].Hà Minh Đức (chủ biên) (2006), Lý Luận văn học, Nxb Giáo dục.
[11].Giáo trình tâm lý học đại cương, (2012), Đại học Luật Tp.HCM, Nxb Hồng Đức. [12].La Khắc Hòa (2006), Những dấu hiệu của Chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, nguồn https://phebinhvanhoc.com.vn/nhung-dau-hieu-cua-chu-nghia-hau-hien-dai- trong-van-hoc-viet-nam-qua-sang-tac-cua-nguyen-huy-thiep-va-pham-thi- hoai/, truy cập ngày 09/9/2020.
[13].Mai Hồng (2007), Thời gian huyền thoại qua “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, nguồn http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10456&rb=06, truy cập ngày 09/9/2020.
[14].Thụy Khuê (2006), Không gian sông nước trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, nguồn http://thuykhue.free.fr/stt/n/NguyenNgocTu.html, truy cập ngày 09/9/2020.
[15].Nguyễn Thị Ngọc Lan (2013), Thế giới biểu tượng trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Đà Nẵng.
[16].Lê Thị Loan (2012), Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[17].Phương Lựu (chủ biên) (2013), Lí luận văn học tập 3 (in lần thứ 6), Nxb Đại học Sư phạm.
[18].Phương Lựu (chủ biên) (2014), Lí luận văn học tập 1 (in lần thứ 7), Nxb Đại học Sư phạm.
[19].Phương Lựu, Thiền ngộ với tư duy nghệ thuật, nguồn http://khoavanhoc- ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ly-luan-va-phe-binh-van-hoc/4826-thin-ng-vi-t- duy-ngh-thut.html, truy cập ngày 09/9/2020.
[20].Nhiều tác giả (2006), Lý luận phê bình văn học đổi mới và phát triển, Nxb Khoa học Xã hội.
[21].Giang Nam, Quê hương, nguồn https://www.thivien.net/Giang-Nam/Quê- hương/poem-UcCQV8gquK9ckYXFPnWuVQ, truy cập ngày 09/9/2020. [22].Hoàng Thiên Nga (2005), “Đọc Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận”, báo
Văn nghệ, (39).
[23].Nguyễn Thị Nga (2012), Thơ Viễn Phương nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[24].Nguyên Ngọc (2005), “Còn có rất nhiều người cầm bút có tư cách”, trích chuyên đề Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?, nguồn http://vietnamnet.vn/nhandinh/2005/11/506921/, truy cập ngày 09/9/2020. [25].Nguyên Ngọc (2007), Không gian… của Nguyễn Ngọc Tư, nguồn
http://www.webook.vn/0B024E/khong-gian-cua-nguyen-ngoc-tu.aspx, truy cập ngày 09/9/2020.
[26].Nguyên Ngọc (1992), “Truyện ngắn hiện nay, sức mạnh và hạn chế”, Tạp chí
Tác phẩm mới.
[27].Vương Trí Nhàn (1983), “Sự sáng tạo trong truyện ngắn”, tạp chí Văn nghệ quân đội, (10).
[28].Phạm Thị Hồng Nhung (2013), “Một số giọng điệu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, (12).
[29].Lê Lưu Oanh (2011), Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm. [30].Huỳnh Như Phương (2014), Lý luận văn học (Nhập môn), Nxb Đại học Quốc gia