…đến con người cô đơn

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 47 - 51)

5. Bố cục của luận văn

2.1.2. …đến con người cô đơn

“Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kìa, đồng loại mình kìa, sao mình lại cô đơn đến rã rời…” (Nguyễn Ngọc Tư) [50, tr.98]. Cũng giống như hình tượng con người tội lỗi, hình tượng con người cô đơn xuất hiện xuyên suốt hệ thống nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư. Và góc khuất không khỏi day dứt trong tư duy nghệ thuật của nhà văn còn trải hiện trong lập trình về nỗi cô đơn của con người thông qua cái nhìn cô độc. Cô độc trong bản thể, trong đối diện, trong ồn ã/vội vã/sa ngã/xa lạ và cả trong cái tĩnh lặng đến rợn ngợp… Với kiếp người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, mọi sự tồn tại như một quy luật tất yếu. Đã sống trên đời, ai lại chẳng có lúc cảm thấy cô đơn. Bởi mỗi con người là một thế giới, một câu chuyện, một cuộc đời. Và trong thế giới mênh mông ấy, con người quá bé nhỏ để có thể hiểu hết được. Cho dù có hiểu một phần nào đó cũng không thể bão hòa cho nhiều khoảng lặng trong suốt hành trình của cuộc đời. Có chăng tận cùng trong nỗi cháy bỏng cô độc ấy, chút

đọng lại phơi hiện cho nỗi khát khao xóa nhòa đi khoảng cách cô đơn để con người được gần nhau hơn/đời hơn/người hơn.

Góc nhìn này cho thấy nếu xây dựng hình tượng con người tội lỗi là cách Nguyễn Ngọc Tư khám phá cái Thiện và khát khao một vùng nhỏ bé an nhiên tồn tại thường trực trong con người thì xây dựng hình tượng con người cô đơn lại là cách Nguyễn Ngọc Tư thể hiện nhận thức về quy luật tồn hữu trong sinh thể của mỗi con người. Nguyễn Ngọc Tư không viết về nỗi cô đơn như một tấn bi kịch của đời người. Các nhân vật của chị sống trong hoang lạnh, khóc trong cô đơn, gào thét trong cô độc không phải vì họ muốn thoát khỏi nó, mà vì họ nhìn thấy và chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên. Họ có thể bị người khác bỏ rơi, từ chối, có thể là kẻ bỏ đi, lưu lạc trong những hành trình miên viễn. Cũng có lúc họ vẫn đứng đó, cùng mọi người, giữa mọi người, không thiếu vắng ai, nhưng vẫn thấy rõ rằng chẳng có ai ngoài chính họ. Càng hiểu rõ về cuộc đời này, hiểu rõ về những người xung quanh mình, họ càng thấy mình cô đơn. Càng hiểu rõ về mình, hiểu rõ những khát vọng của chính mình, họ càng thấy mình cô đơn. Và họ còn cô độc hơn khi nhận ra rằng, có thể, ngay cả mình cũng không hiểu nổi mình, hiểu sai mình. Họ lạc lõng giữa cuộc đời, giữa người và giữa bản thể của họ. Vậy nên, con người không vùng vẫy để vượt thoát, vì càng sống, họ càng ý thức đó như định mệnh để con người nhận thức rõ hơn về bản ngã và bản chất của đời sống. Theo đó, cô đơn trở thành thước đo cho sự nhận thức bản thể của họ, để biết mình là ai giữa cuộc đời này.

Có thể nói rằng, hành trình truyện ngắn là một hành trình tự nhận thức bản thân bằng sự cô đơn của chính Nguyễn Ngọc Tư. Càng viết, các nhân vật của chị càng cô đơn. Nếu các nhân vật trong những tập truyện đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư cô đơn với đời, với người trong những cuộc trốn chạy, những chuyến đi dài, lang thang không nơi chốn thì các nhân vật ở những tập truyện sau vẫn ở đó, nơi mà họ vẫn sống, để nhấm nuốt nỗi lạc lõng với một “tôi” xa lạ bên trong họ, một “tôi” mà người ta vẫn nghĩ là họ nhưng không phải họ hay một “tôi” mà họ vẫn nghĩ là họ nhưng cũng không phải là họ. Ông Năm Nhỏ (Cải ơi!), ông Sáu Đèo (Biển người mênh mông) không chịu nổi cô đơn giữa đời mà dấn bước vào hành trình kiếm tìm người thân. Ông Hai (Cái nhìn khắc khoải) và ba con Út Vũ (Cánh đồng bất tận) lại gửi ngày tháng theo những chuyến vịt đồng cho quên đi rằng trên đời này chỉ còn lại một mình. Nhưng rồi trên những con đường đó, họ càng nhận ra mình cô độc, vĩnh viễn cô độc.

Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, không khó để bắt gặp những nhân vật không có tên: “anh” trong Mùa mặt rụng, “quà” trong Đảo, “chị” trong Đường về Xẻo Đắng, “ngoại” trong Đi bụi, “chồng” và “em” trong Tro tàn rực rỡ. Trong Chụp ảnh

gia đình, Vị của lời câm, Củi mục trôi về… lại càng không hề xuất hiện một tên người nào. “Quà” trong Đảo tồn tại trong cả truyện ngắn như một hư ảnh, không có ngoại hình, không có tên, không có cả cuộc đời. Dù “quà” đã kể cho Sáng nghe nhiều cuộc đời của nhiều cô gái đều có tên, nhưng “quà” vẫn biến mất khi người ta chưa kịp biết cô là ai trong số họ, hay chăng nếu không phải là bất cứ người nào trong số đó thì là ai trong cuộc đời này. Ngà trong Đánh mất cô dâu còn biến mất li kì hơn khi ngay cả tác giả cũng không biết nhân vật của mình đã đi đâu. Con người không biết mình là ai, ở đâu giữa cuộc đời này, như một hòn đảo vô danh giữa biển lớn, vẫn luôn tồn tại mà chẳng ai hay. Cô đơn mà Nguyễn Ngọc Tư nhìn thấy ở con người chính là nỗi cô đơn đã ăn sâu vào bản thể như thế.

Nếu truyện ngắn Đời Như Ý nằm trong tập truyện Giao thừa chính là thế giới cô đơn giữa biển người mà Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn ám ảnh trong những năm đầu cầm bút: “Cũng giống như những người hát rong khác, nhà chú có cả thảy bốn người nhưng trên con đường tấp nập, trông họ nhỏ nhoi, cô độc làm sao.” [53, tr.64] thì

Thềm nắng sau lưng trong Khói trời lộng lẫy lại dẫn dắt người đọc đến những miền tâm thức trống vắng, trơ trọi tận thẳm sâu mỗi con người: “Khi nhớ về người cha trôi giạt, Bằng luôn trong vai một người đứng bên lề, nghiêng ngó. Dù khi ông rượt theo con tu hú, cậu cũng ở đó, nhưng lại thấy mình rời ra. Chỉ mình người cha với cuộc chơi tùy hứng và bất tận của ông. Bằng nhận ra điều đó khi thả chiếc xuồng chở đầy nước mưa trôi theo tiếng kêu buồn trĩu của con bìm bịp, trong Bằng không còn thời gian, bờ bến, thế giới không còn người, đến chính Bằng cũng không còn. Sau đó má Bằng xuất hiện, cái nón lá chấp chới trong tay, đứng réo Bằng ơi Bằng, mới xua tan được khoảng sương mù mịt.” [55, tr.72, 73].

Khi viết về con người cô đơn, Nguyễn Ngọc Tư luôn dành những dòng cô đơn ám ảnh nhất, tội nghiệp nhất, trơ trọi nhất cho những đứa trẻ. Bởi so với người lớn, cô đơn đối với trẻ con đáng sợ hơn rất nhiều. Thế mà, nỗi cô đơn lại như một vị khách đuổi hoài không đi, dần dà trở thành người quen, rồi người thân của những đứa trẻ có thể còn cha, còn mẹ, nhưng chắc chắn không có được cái gọi là gia đình. Trong Ấu thơ tươi đẹp, ta bắt gặp trên chiếc giường sát trần tàu một đứa trẻ rong ruổi giữa nhà của cha và nhà của mẹ: “Em sợ khi mở mắt thức dậy đã nhìn thấy mẹ em, mặc cái áo mẹ mua trong lúc vắng em, ra mở cửa. Vào nhà, em thấy một đôi giày đàn ông xa lạ. Và cái đèn ngủ màu đỏ của em mẹ đã thay bằng thứ ánh sáng xanh tái. Có cái tủ mới trong bếp. Một vài đĩa CD mà em yêu thích thì mất. Em lạc giữa nhà mình và mất một nửa thời gian bên mẹ để làm quen lại. Mùa hè ở nhà cha thì ngắn hơn, và hầu như em chưa kịp quen gì thì cha đã gọi điện đặt vé tàu tiễn em đi.” [54, tr.62].

Đọc Chỉ gió trả lời câu hỏi, ta lại nhìn thấy những hồi ức tuổi thơ của chàng thanh niên lầm lỗi: “Cảm giác giống hệt như khi Tây nhìn người ta khép chặt mẹ trong bốn tấm ván, đem vùi xuống đất. Lúc đó Tây mười bốn tuổi, cảm thấy không ổn chút nào, những lần vô thức hỏi mẹ ơi đồng phục con đâu, mà không tiếng ai vọng lại. Không ổn khi cúng mở cửa mả, mặt mũi cha Tây tươi rói, ôm ghì điện thoại. Giỗ đầu mẹ Tây xong, cha nó treo bảng bán nhà, dọn về sống chung với một người đàn bà xưng “má” với anh em Tây, mà tướng mạo không chút gì giống với người mẹ bắt đầu bị mối mọt liếm láp.” [56, tr.46]. Nếu cô đơn là cánh cổng soát vé trưởng thành thì những đứa trẻ không may mắn có được một gia đình trọn vẹn, trong mắt Nguyễn Ngọc Tư, luôn là những kiếp người bước qua cánh cổng kia sớm hơn tất thảy đồng loại của mình.

Hai đứa trẻ trong Cánh đồng bất tận cũng là những phận người cô độc giữa sông nước mênh mông và biển người hoang hoải. Trên chiếc thuyền rách nát, cuộc sống ba người không góp nổi một gia đình khiến Điền và Nương trở nên xa lạ với tiếng nói của giống loài mình: “Vừa may, một bữa nắng rập rờn trên nách rạ, chúng tôi cảm nhận được những tiếng nói lao xao. Thằng Điền thảng thốt, “Tụi mình ba trợn thiệt sao, Hai?” khi nhận ra đó là tiếng của… vịt. Tôi cười, hớn hở. Thế giới của vịt mở ra. Không ghen tuông, hờn giận, chắc tại cái đầu vịt nhỏ quá nên chỉ đủ cho yêu thương.”

[50, tr.195]. Chúng cô đơn đến mức phải kiếm tìm sự sẻ chia ở thế giới không thuộc về “cõi - người”: “Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi - người). Chị em tôi học cách yêu thương đàn vịt (hy vọng sẽ không bị đau như khi yêu thương một con người nào đó). Nhưng nhiều khi nhìn thằng Điền dỏng tai coi mấy con vịt nói cái gì, tôi giật mình, nuốt một họng đắng, tự hỏi đã đến nỗi nầy sao, đến nỗi chơi với người thấy buồn, nên chuyển qua chơi cùng vịt. […] Bầy vịt nhạy cảm khủng khiếp, sau nầy, tôi cố sửa lại những chỗ hụt hơi ấy, chúng nhận ra ngay, và nhìn tôi với vẻ ngờ vực, “Ủa, phải con - người hôm trước không ta?”. Một con vịt đui khịt mũi, cười, “Nó chớ ai, giọng có khác, nhưng rõ ràng là tiếng trái tim nó. Quen lắm. Chập chờn, thút thít, đòng đưa như sắp rụng…”. “Có nổ hôn đó, cha nội?”. “Sao không, mấy người thử đui đi rồi biết”. Bất giác, tôi nhắm mắt để nghe lại tiếng tim mình.” [50, tr.195, 196]. Chính vì vậy mà khi bầy vịt chết, Điền bỏ đi, Nương cảm thấy dường như trơ trọi một mình giữa dòng đời, mặc cho trên thuyền vẫn còn một người cha tồn tại: “Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng - loại (và tôi là đồng - loại còn lại), nhớ một cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe được tiếng tim mình (điều nầy thì

con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi), và nhớ một người che chở (công việc nầy, đáng lẽ là của cha, má tôi).” [50, tr.205].

Không tìm thấy một bầy vịt để lắng nghe hay giãi bày, Thầm trong truyện ngắn cùng tên cột chặt đời mình với đường chạy. Vì chỉ trên những cung đường ướt đẫm mồ hôi ấy, Thầm mới được kề cận bên cái bóng của chính mình: “Thầm hơi buồn khi chạy vào những ngày mưa, hay chạy ngoài bãi biển. Bóng biệt tăm, nếu có thì cũng tẻ nhạt, lầm lì. Nó chỉ đầy biến ảo khi chạy trên đường núi, trên những con đường đông người. Nhịu vào bóng của người hát rong, ngã dài trên hàng rào của người Mèo phơi váy áo sặc sỡ, đắm mình vào dòng suối ven đường, hoặc mơn lên những vạt trạng nguyên đỏ buốt cả trong mơ. Chạy đêm dưới bóng đèn đường cũng không tệ, ở khoảng giữa hai cột đèn, bóng sau lưng còn dùng dằng chưa rời khỏi, bóng trước mặt đã đứng chờ.”

[56, tr.58]. Con người ấy cô đơn đến nỗi sợ hãi phải nằm xuống trên đường chạy, vì khi đó, bóng không còn đồng hành cho vơi bớt nỗi vắng lạnh của kiếp người: “Chỉ thấy hơi vắng vì bóng lặng câm, ẩn nhẫn dưới lưng Thầm. Đâu rồi cái bóng luôn sảng khoái chạy cạnh mình, sải những bước thẳng, dài, vừa mới tựa đầu bên gốc xà cừ, rồi thoắt cái, ngã dài vào bãi cỏ. Cái bóng lúc nào cũng ghé tai vào đời sống, kể Thầm nghe bên kia rào một người đàn ông đang khóc, nước dưới chân cầu Tình tối qua nuốt trộng một thân xác của kẻ gieo mình.” [56, tr.60].

Có thể hiểu rằng, trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư, khuôn diện con người cô đơn không phải là bi kịch lớn nhất của đời người, càng không phải là nguyên nhân để con người bi quan, tuyệt vọng. Cô đơn giống như một con đường ai cũng phải đi để mà trưởng thành, càng lớn càng cô đơn, càng sống càng cô đơn. Hình tượng con người cô đơn trong truyện ngắn của nhà văn này là một cái nhìn khác về bản thể người: con người nhận ra sự tồn tại của mình giữa thế giới vĩnh hằng trong sự nối dài của các yếu tố cái khác trong nhiều biến thể hình tuyến cô đơn.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)