Giọng xúc cảm

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 78 - 80)

5. Bố cục của luận văn

3.2.1. Giọng xúc cảm

Trong những sáng tác đầu tay của Nguyễn Ngọc Tư, nhất là phần lớn tác phẩm trong tập Cánh đồng bất tận, nhà văn đều chuộng sử dụng loại giọng điệu mang đậm các sắc thái biểu cảm. Các sắc điệu tình cảm trong truyện của chị có yêu thương, trìu mến, có vui vẻ, trong sáng hồn nhiên, nhưng phần nhiều là u buồn, sầu đau, day dứt khôn nguôi. Có thể nói rằng, sắc điệu tình cảm chính trong giọng điệu của nhà văn này là buồn.

Loại giọng điệu này nhiều khi phô bày trực tiếp trên câu chữ. Nguyễn Ngọc Tư gọi rõ tình cảm của giọng: “…sao tự nhiên tôi buồn, buồn quá. Nỗi buồn này nặng hơn, trong suốt và nhiều gai nhọn hơn nỗi buồn của ba tôi. […] Thôi, buồn quá. Tôi thấy mình thà chết còn sướng hơn, chứ còn trẻ trai mà sống làm chi dửng dưng, tạnh quẽ với cuộc đời như thế này.” (Nỗi buồn rất lạ) [57, tr.39, 40], “…má à, có những nỗi buồn không ai trị được đâu. Nó day dứt tháng năm, nó dài dăng dẳng. Người yêu đi lấy chồng mà, biết nhiêu người tự tử.” (Lý con sáo sang sông) [57, tr.70, 71], “Ngó

sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều…” (Thương quá rau răm) [50, tr.18], “…nó không ăn, cả đêm kêu thê thiết, những tiếng bịp bịp nhỏ xuống cái xóm Rạch Chùa từng giọt như giọt máu.” (Biển người mênh mông) [50, tr.110],

“Xuyến ngồi ở đó, ngó nắng, bỗng thèm có con Bi ở cạnh, để khóc với nó chơi, để đi qua niềm đau đang như bão bời bời. Để thấy đời có buồn thêm chút đỉnh, cũng không sao. (…) Bữa kia mới buồn ác, thấy Bi lon ton chơi một mình ngoài sân, bỗng không kìm được, Xuyến xốc Bi lên chạy một đoạn rồi thất thần dừng sững lại, kêu lên hai tiếng trời ơi, mình làm khổ nó rồi, mình nghèo như vầy…” (Duyện phận So Le) [50, tr.143]…

Cùng với việc xác lập nên khuôn diện hình thái cảm xúc cụ thể để tăng sắc thái cho giọng điệu, Nguyễn Ngọc Tư khéo léo trong xử lí kĩ thuật lồng cảm xúc vào những đoạn văn tưởng như chỉ có kể và tả: “Mà, sao bữa nay gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu.” (Huệ lấy chồng) [50, tr.39], “Rồi một bữa, ông bày ra bữa rượu để từ giã Phi, ông bảo đã ở đây một năm hai tháng mười chín ngày rồi, ngõ nào cũng đi hẻm nào cũng tới mà người thương đâu chưa thấy.” (Biển người mênh mông) [50, tr.109], “Sau này, khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín trôi dạt hết dòng sông nầy đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó, còn là nơi gởi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số - má Giang.” (Nhớ sông) [50, tr.115], “Tiếng thở thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt.” (Cánh đồng bất tận) [50, tr.171], “…nó có đôi mắt buồn quá, tưởng như té vô đó thì không mong lội lên.” (Ấu thơ tươi đẹp) [54, tr.58]…

Xen lẫn giọng điệu chất chồng nỗi buồn, vẫn thấp thoáng điệu hồn sâu lắng, nhẹ nhàng, an nhiên: “Những chiều, lùa bầy vịt no căng lườn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô cơm, ngồi ngoài gốc cây vú sữa già đã cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm.” (Cái nhìn khắc khoải) [50, tr.57], “Mỗi chiều về, thấy mẹ con Hậu ngồi trước cửa nhổ tóc sâu, Nhâm thấy lòng êm đềm như cỏ. Cứ muốn ngồi gần đấy cho đủ một chòm hạnh phúc, để bình yên nhả khói thuốc lên trời.” (Một trái tim khô) [50, tr,151]…

Biệt tài của Nguyễn Ngọc Tư trong việc lựa chọn và sử dụng loại giọng điệu giàu xúc cảm này chính là ở chỗ dù trực tiếp hay gián tiếp bộc lộ cảm xúc, nhà văn luôn ý thức điều phối nốt trầm thao thiết hòa lắng trong cái cảm giác mênh mang vô định.

Cường độ cảm xúc không quá mạnh, mật độ cảm xúc không quá dày, luôn man mác, giăng mắc, dàn trải khắp tâm trạng con người. Các nhân vật vui buồn, sướng khổ trong một trạng thái gần như đã mặc định, chấp nhận, thỏa hiệp với thứ cảm xúc đó, không kêu gào, khóc lóc hay than trời trách đất. Nhà văn không dùng giọng điệu để đẩy cảm xúc lên cao trào, nhưng cũng đủ sâu, đủ đau để người đọc cảm được những tình tự của lòng người.

Giọng xúc cảm trong văn Nguyễn Ngọc Tư luôn đi kèm với tính chất dân dã, mộc mạc, với chất giọng xởi lởi, hào phóng của những con người bình dân, những con người sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Vì thế, trong nhiều trang viết, ta sẽ bắt gặp một loạt các tín hiệu ngôn ngữ bộc lộ cảm xúc qua dấu chỉ của hàng loạt từ tình thái, cảm thán, tính từ miêu tả để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của con người: “Trời ơi, cảnh nầy xúc động lắm, chân thực lắm, mấy nhỏ diễn viên chuyên nghiệp nhìn đây mà học. Trong một tích tắc, thằng Thảo lặng đi, nó nhìn không ra, không hiểu được người mẹ hồn hậu mủ mỉ hay cười của nó mới đây bỗng biến mất đâu rồi chỉ còn lại một người đang quay quắt đau thương, vắt kiệt mình như cọng rạ cuối nắng.”

(Mối tình năm cũ) [50, tr.82]…

Có thể thấy rằng, việc lựa chọn và sử dụng giọng xúc cảm trong truyện ngắn giúp cho tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư dễ dàng đánh động/chạm vào cảm xúc, cảm giác của người đọc, khiến người đọc cuốn theo những điệu tình hấp dẫn, lôi cuốn của mạch truyện và đắm chìm trong thế giới cảm xúc của nhân vật. Con đường của cảm xúc là con đường nhanh nhất, mạnh mẽ nhất để một tác phẩm văn học lưu dấu lại trong lòng người đọc. Tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư có lẽ đã bắt được ưu điểm này của giọng xúc cảm để biến nó thành ưu thế của mình.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 78 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)