Từ ngôn ngữ sinh hoạt đời thường

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 64 - 68)

5. Bố cục của luận văn

3.1.1. Từ ngôn ngữ sinh hoạt đời thường

Ngôn ngữ sinh hoạt đời thường luôn là gốc rễ của ngôn ngữ văn học. Tuy nhiên, bước vào địa hạt của văn học, ngôn ngữ đời thường đã được các nhà văn “gia công” kĩ lưỡng, trở nên đẹp hơn, tinh tế hơn. Tư duy nghệ thuật về ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng người ta nhớ đến văn chị không phải bởi thứ ngôn ngữ điêu luyện, chọn lọc mà bởi vì ngay cả sau khi đã được “mài giũa” kĩ lưỡng rồi, ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư vẫn giữ được cái mộc mạc, tự nhiên của ngôn ngữ sinh hoạt đời thường, như chính giá trị thuần khiết vẫn hằng tại trong mọi âm vực lời ăn tiếng nói của những con người ngoài đời thực. Đặc biệt hơn, cái chất “đời thường” xuyên suốt trong mạch truyện của Nguyễn Ngọc Tư được bộc lộ song hành với chất Nam Bộ, chất sông nước miệt vườn của vùng đất Cà Mau.

Cái âm hưởng “đời thường” không trộn lẫn mà đặc quánh chất Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư được khởi lên từ lớp từ ngữ tên riêng. Hầu hết các nhân vật trong sáng tác của chị đều có tên mang số thứ tự, một cách gọi tên quen thuộc ở nông thôn Việt Nam: ông Hai (Cái nhìn khắc khoải), ông Mười (Mối tình năm ), ông Chín (Nhớ sông)… Số thứ tự trong nhà còn thường được đặt trước tên thật, tạo thành một cái tên kép, vừa chứa đựng nhiều thông tin, vừa có cái chất quê mùa dân dã: Năm Nhỏ (Cải ơi!), Tư Mốt (Thương quá rau răm), Út Nhỏ (Nhà cổ), Chín Vũ, Tư Bụng (Cuối mùa nhan sắc), Sáu Đèo (Biển người mênh mông), Hai Giang (Dòng nhớ), Út Vũ (Cánh đồng bất tận), Hai Sáng, Ba Hạnh, Tư Thạnh, Năm Vui (Bâng quơ khói nắng), Năm Nguyệt (Coi tay vào sáng mưa)…

Không chỉ tên người mà tên đất trong truyện Nguyễn Ngọc Tư cũng rất Nam Bộ, rất Cà Mau. Một số truyện ngắn, các địa danh xuất hiện dày đặc, liên tục, không chỉ tạo nên chất “đời thường” cho ngôn ngữ và còn góp phần khắc họa một không gian sống chân thực, tỏ tường: “Mà, từ Đất Cháy qua nhà Thuấn có bao xa, chạy xuồng băng tắt qua Đầm, rẽ theo kinh Thợ Rèn chừng mười lăm phút là tới. (…) Lối nầy đổ ra con đường chạy dài tới Vịnh Dừa. Đi chút nữa là tới đám trâm bầu, chỗ con đập vào xóm Kinh Cụt…” (Huệ lấy chồng) [50, tr.40, 41]. Lớp từ ngữ tên riêng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã phần nào tạo nên một thế giới chân thực, sống động và gần gũi, bình dị với những con người, vùng đất đậm chất nông thôn vùng sông nước.

Không dừng lại ở những hình thái tên gọi, ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn giống như một thứ đặc sản của vùng miền đã sinh ra và nuôi họ lớn khôn. Từ cách sử dụng từ ngữ đến cách họ xưng hô, ví von, cảm thán… đều mang đậm phong vị của những cái thường nhật, mà còn là cái thường nhật của con người phương Nam đất Mũi. Có lẽ đến với bất kì truyện ngắn nào, người đọc đều dễ dàng nhận thấy điều này. Trong Cải ơi! chẳng hạn: “Con thương ông già con quá, tía ơi” [50, tr.8], “Tía kiếm có con cải rồi, dễ ợt hà mầy ơi” [50, tr.10], “Con nhỏ giỡn có duyên hết hồn”, “Mai mốt con dẫn nhỏ Diễm Thương về lạy ông già con à, tía Năm. Tính thương chơi thôi nhưng bây giờ thành thiệt rồi” [50, tr.11], “Mình thèm lên ti vi muốn chết giấc mà không được, còn mấy ông cán bộ ngồi chình ình trong đó hoài, thấy mắc ngán (…) nói sao tao muốn làm bí thơ tỉnh quá” [50, tr.14]… Ngôn ngữ nhân vật có thể xem là linh hồn của chất “đời thường” trong ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.

Không chỉ ngôn ngữ của các nhân vật mà ngay cả ngôn ngữ của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư cũng không nằm ngoài tính chất này. Người kể

chuyện của chị luôn kể một câu chuyện đời thường, với những ngôn từ của đời thường, nhẹ nhàng, chân mộc, dễ hiểu như cách người ta vẫn hằng trò chuyện với nhau mỗi ngày: “Trời vẫn mưa rúc rắc, gió xé qua song cửa làm trứng mọt bay vào mắt khách. Chìa chén đũa cho người đàn ông lạ, Ái nói khỏi lo đi, mưa tạnh rồi tính, gặp bữa ăn cơm. Một lớp nước mắm phủ lên mặt nồi kho, bên dưới là mớ cá lìm kìm, lần đầu tiên khách biết kiểu kho đắp mền. Ái hơi ngại vì bữa cơm chỏng chơ mỗi món, tắc lưỡi nói phải không mưa bẻ rau muống bóp giấm ăn kèm. Một nắm mưa đậu lại trên tóc Ái, từng hạt tròn trong veo.” (Mưa qua trảng gió) [52, tr.88]… Ngôn ngữ trần thuật của Nguyễn Ngọc Tư in đậm bóng dáng của ngôn ngữ nhân vật, luôn gián tiếp trộn lẫn với ngôn ngữ nhân vật nên nó không chỉ thêm phần thể hiện chất đời thường trong lời ăn tiếng nói của các nhân vật, mà còn tạo nên bầu không khí chung cho ngôn ngữ của cả truyện kể: bầu không khí của cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Như đã nói ở trên, ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mang đậm chất sinh hoạt đời thường một phần lớn là bởi chúng gắn liền với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân vùng sông nước. Việc sử dụng từ địa phương thường xuyên trong các truyện ngắn khiến ngôn ngữ truyện của Nguyễn Ngọc Tư thêm phần nghệ thuật, in đậm cá tính sáng tạo của nhà văn. Nguyễn Ngọc Tư sử dụng từ địa phương gần như mọi lúc, mọi nơi, từ cách gọi tên con người, con vật, sự vật, địa danh cho tới những cách tỏ bày cảm xúc: “Có lần định đem con bìm bịp cho người ta. Cậu đó cũng tử tế lắm, bữa đó nhậu cườm cườm, qua với nó mới bàn về rượu. Qua nói chuối hột mà ngâm rượu uống say lúc nào không biết, nó cãi, bìm bịp ngâm rượi mới thiệt là ngon. Qua thôi. Sau nầy có ông cán bộ giàu lắm, mua vé số của qua hoài, nghe kể có con bìm bịp, ổng xin, qua đem lại, nhưng cả tuần nó không kêu tiếng nào, thấy qua lại thăm, nó nhìn đứt ruột lắm. Qua xin lại, đem về, những thứ quê mùa như nó, ở nhà lầu thì không cất tiếng được.” (Biển người mênh mông) [50, tr.107]… Có thể thấy, sử dụng từ địa phương là cách khiến cho nhân vật vừa cá thể hóa vừa khái quát hóa để trở nên điển hình, đồng thời tạo một sắc màu riêng biệt cho truyện kể.

Không chỉ sử dụng từ địa phương, Nguyễn Ngọc Tư còn tăng tính đời thường cho ngôn ngữ truyện bằng lớp từ nghề nghiệp, mà xuất hiện chủ yếu trong truyện ngắn của chị là các từ ngữ về nghề ca cải lương và nghề nuôi vịt chạy đồng. Cuối mùa nhan sắc là một truyện ngắn nhắc nhiều đến nghề ca cải lương, thậm chí có một số đoạn văn mô tả lại môn nghệ thuật này: “Dàn đờn gồm cây ghi ta thùng, cây nhị cũ mèm. Không micro, nghệ sĩ ca bằng giọng của trời cho, nghiệp đãi. Đào Phỉ tám mươi chín tuổi, đứng không nổi, diễn vai gì cũng ngồi trên ghế, ngồi trên ghế mà lẫy roi sãy ngựa coi lạ hết biết.” [50, tr.88] hay “Bà hát cho Thái hậu Dương Vân Nga trước ngổn ngang

nợ nước tình nhà, hát cho nàng Quỳnh Nga bên cầu dệt lụa, cho nàng Thoại Khanh hiếu thảo róc thịt nuôi mẹ chồng, cho nàng Châu Long tảo tần nuôi Dương Lễ, Lưu Bình ăn học và cho Tô Thị trông chồng hóa đá vọng phu…” [50, tr.95]. Đọc Làm má đâu có dễ, người đọc bắt gặp tên của những vở cải lương nổi tiếng như San Hậu, Tiếng trống Mê Linh, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài hay Cơn mê [53, tr.90].

Còn nghề nuôi vịt chạy đồng lại xuất hiện chủ yếu trong Cái nhìn khắc khoải

Cánh đồng bất tận: “Buổi sáng, ông lùa bầy vịt đồng, tay cầm cây trúc không róc đọt, bù xù. Bầy vịt ngoi quẫy, vẫy vùng, rúc đầu vào những nùi rạ mới, líu ríu nhặt lúa từ bùn.” [50, tr.50], “Thì cho vịt ăn hết đồng nầy phải lùa đi chỗ khác chớ cô. Vịt đang để rất quạo, nhốt một hai ngày là mất sức.” [50, tr.58], “Để bầy vịt khỏi bị chôn sống (điều đó đồng nghĩa với việc đứt vốn cho mùa sau), bọn tôi quyết định vẫn cầm chúng ở đây. Chúng được nuôi trong sự mỏi mòn. Ngày ngày, tôi lùa vịt đi ăn mót những bông lúa khô quắt queo trên đồng, không có nước chúng bì bạch, chậm rì và chẳng thể đi xa. Trứng thưa thớt, những quả trứng chúng đẻ ra cũng chai ngắt, dài nhằng, nhẹ tênh, vỏ dày sần sượng. Đòi hỏi gì nữa ở những con vịt đã già, đã đẻ quần quật suốt ba mùa trước, đã vô vọng vì ngày càng khó tìm lúa và cám trong máng thức ăn. Ngay cả nước để chúng tắm táp cũng chua lét vì phèn.” [50, tr.164].

Ở truyện ngắn Tro tàn rực rỡ, ta còn bắt gặp nghề làm chuối ép của đồng bằng sông Cửu Long: “Em ấn mạnh thớt gỗ trên vào trái chuối, hai bả vai ê ẩm. Hôm nay chắc lại mưa nhiều, mớ chuối ép phơi khô không đặng nắng, thâm xịt lại dưới bóng mây cụm ba cụm bảy. Mùi mật chuối đặc sệt trong sân, đầu mũi em như ướt đẫm đường.” [52, tr.137], “…khi hai bả vai đau nhừ lại gồng lên lần nữa. Trái chuối bẹt ra như một bàn tay xòe.” [52, tr.138].

Bằng lớp từ nghề nghiệp, Nguyễn Ngọc Tư đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thực, cụ thể về những con người Nam Bộ gắn bó sâu sắc với nghề. Những từ nghề nghiệp được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ giúp cho chân dung con người lao động gắn liền với nghề hiện lên một cách đầy đủ và chân xác, thể hiện sắc nét sự cá tính hoá nhân vật. Lớp từ nghề nghiệp, xét cho cùng, càng tô đậm thêm cái chất địa phương đậm đặc trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Bởi những nghề trở đi trở lại trong truyện của chị là những nghiệp đời, nghiệp người đã gắn bó nhiều thế hệ với vùng đất này.

Dù được mượn từ chất liệu đời sống nhưng đặt trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, ngôn ngữ đời thường đã trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Tính nghệ thuật của ngôn ngữ ở đây chính nhằm tạo ra chất hiện thực đặc sánh, tạo nên tính khách quan và tự nhiên cho mạch trần thuật. Đọc truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, ta tưởng như người kể chuyện đã đứng ngoài câu chuyện, không tham gia vào truyện kể mà để nhân vật tự

phát ngôn cho cuộc đời mình. Chất riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường của tác giả này không chỉ dừng lại ở tính khách quan, tự nhiên ấy mà còn khiến truyện kể và nhân vật vừa cá thể hóa vừa mềm hóa, vừa độc đáo vừa không gượng ép. Từ đó, người đọc được kéo đến gần hơn, đến mức không còn khoảng cách với thế giới nghệ thuật, thậm chí tham gia trực tiếp vào mạch kể của nhà văn. Ngôn ngữ đời thường không còn chỉ là một thành phần được xen vào để “trang trí” mà đã dẫn dắt người đọc suy ngẫm nhiều hơn về số phận của những con người thật trong cuộc đời thật. Đó chính là cách Nguyễn Ngọc Tư khai thác hiệu quả, tận dụng tối đa ưu thế của ngôn ngữ đời thường, đưa con người về với đời sống bình thường nhất, với những giá trị bản thể nguyên thủy nhất.

Ngôn ngữ sinh hoạt đời thường chính là vỏ bọc ngôn ngữ của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Nói cách khác, ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn này luôn khoác lên mình chiếc áo bà ba dân dã của con người Nam Bộ. Từ lớp từ tên riêng, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ trần thuật đến lớp từ địa phương, lớp từ nghề nghiệp, Nguyễn Ngọc Tư đều thả vào đó hồn cốt của đời sống sinh hoạt bình thường, khiến ngôn ngữ trở thành một tín hiệu của văn hóa xứ sở, một tín hiệu của tâm hồn con người xứ sở mình.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)