Giọng vô âm sắc

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 80 - 83)

5. Bố cục của luận văn

3.2.2. Giọng vô âm sắc

Dựa trên thuật ngữ lối viết trắng của Roland Barthes, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến khái niệm giọng điệu vô âm sắc như một đặc trưng của lối viết trắng: không ngữ điệu, không biểu cảm. Giọng điệu này gắn liền với “trần thuật theo con mắt máy ảnh”, mang tính chất trung tính, thái độ dửng dưng. Như một đối cực của giọng xúc cảm, càng trong những sáng tác về sau, giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư càng có xu hướng chuyển dịch thành giọng vô âm sắc, nên hiểu là giọng điệu che giấu cảm xúc đến mức độ lạnh lùng, ráo hoảnh. Bắt đầu nhen nhóm ở truyện ngắn Cánh đồng bất tận, giọng điệu này xâm lấn dần những trang truyện của nhà văn.

Mở đầu truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư viết: “Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên

đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn. Cha tôi tháo cái khung tre chắn dưới sàn ghe, bầy vịt lúc nhúc chen ra, cuống quýt, nháo nhào quẫy ngụp xuống mặt nước váng phèn. Một lớp phèn mới, vàng sẫm quánh lại trên bộ lông của những con vịt đói, nhớp nháp bám lên vai Điền khi nó trầm mình bơi đi cặm cọc, giăng lưới rào bầy vịt lại. Tôi bưng cái cà ràng lên bờ, nhóm củi.” [50, tr.155]. Không còn cái chất quê mùa, thô dã bồng bột, xởi lởi của những người nông thôn ít học, thay vào đó là sự lạnh nhạt, trầm tĩnh đáng kinh ngạc khó mà bắt gặp được ở giọng điệu trước đó của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng đây chỉ có thể xem là sự nhen nhóm, là một tín hiệu đầu tiên khi giọng điệu này xuất hiện trong văn chị. Nhìn chung, giọng điệu của tập Cánh đồng bất tận vẫn là giọng xúc cảm đượm buồn.

Ở những tập truyện sau, loại giọng điệu vô âm sắc này mới len lỏi vào khắp mọi ngõ ngách trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Con người tả gì, nói gì, nghĩ gì cũng thờ ơ đến độ “tỉnh queo” như cách mà tác giả vẫn dùng từ. Dù đó là khi con người nghĩ về giây phút đoàn tụ với gia đình, mà là một gia đình bình thường, hạnh phúc chứ không hề bất hạnh hay đổ vỡ gì, họ cũng vẫn điềm nhiên: “Cuối cùng màn trập máy ảnh vẫn mở và đóng xạch, lưu giữ mãi khoảnh khắc cả nhà ở bên nhau. Rốt cuộc cũng có bằng chứng thuyết phục họ là một gia đình. Rốt cuộc cũng có tấm ảnh treo lên che bớt khoảng loang ố và tróc lở, vá cái hoang vu.” (Chụp ảnh gia đình) [52, tr.101]. Hay khi con người ta tê tái nhận ra mình đã đánh mất mình, đánh mất những giới hạn, đánh mất cả hạnh phúc, họ cũng không rên rỉ hay khóc lóc: “Gương mặt anh đã bị rơi trong căn phòng này vào cái đêm Giáng sinh đó. Thỉnh thoảng, anh lại nhìn thấy nó nằm chỏng chơ trên đất, nhưng chạm tay vào chỉ là những vụn bụi.” (Mùa mặt rụng) [52, tr.29]. Nguyễn Ngọc Tư dùng một lối văn tỉnh lược các tình thái từ, thán từ, nhiều lúc là cả tính từ, chỉ để lại sự kiện và chỉ mình sự kiện mà thôi. Điều này gần như rút cạn mọi cảm xúc trên bề mặt câu chữ, làm giọng điệu trở nên tĩnh lặng đến lạnh giá.

Kết thúc truyện ngắn Cố định một đám mây là những suy nghĩ của nhân vật Biền:

“Giờ Biền biết ra bến đò ngồi còn ý nghĩa gì, bởi sự thật, chỉ người chết mới chịu ở lại bìa cát mặn này. Biền giơ bàn tay đói ra, săm soi từng vết chai, bắt đầu nghĩ về chuyện đó, hết sức nghiêm túc.” [51, tr.59]. Sau khi tất cả những nỗ lực để giữ Ái ở lại không thành, cảm xúc lúc này trong Điền là tận cùng của nỗi tuyệt vọng, đau đớn. Và khi nghĩ về những người chết dưới lòng đất nơi mình đang sống, lại nhìn đôi bàn tay trắng của cái nghèo, liệu chăng trong đầu Biền đang nung nấu những ý định kinh hoàng và ghê sợ nào để giữ một người sống ở lại? Vậy mà, Nguyễn Ngọc Tư lại dùng giọng kể trầm tĩnh, lạnh nhạt đến mức ráo hoảnh trước nỗi đau và tội ác như thể điều

đó không đáng kể gì. Hay chăng cái nghèo đói, heo hút của đất đã ăn mòn cả vui buồn, thiện ác trong con người?

Nhiều lúc, giọng vô âm sắc được Nguyễn Ngọc Tư sử dụng nhuần nhuyễn đến mức, ngay cả khi chị xen vào đó những từ ngữ bộc lộ trực tiếp cảm xúc, thì giọng điệu vẫn cứ vô cảm đến trần trụi, tưởng như con người ta đã chết lặng, không còn khả năng đau đớn nữa.

“Em cố giấu nỗi tiếc nuối với cái ý nghĩ, từ giờ mình chẳng còn vụ nhà cháy để kể. Điều đó có nghĩa chồng không về nữa, biết đâu. Ngồi kì cọ bàn tay đầy sẹo, trong nỗi đau đớn và nhẹ nhõm, trong cái trưa Thơm Rơm thẳng căng vắng rợn, trong tiếng đập cánh của những con ong vàng sà xuống hút mật chuối đang tươm ra, với cảm giác cắt nhát kéo vào sợi dây diều, em nói với người đàn ông cuộn trong kén chi tiết cuối cùng.” (Tro tàn rực rỡ) [52, tr.144]

“Chạy, phải đau. Đau, nghĩa là sống. Người chết không đau đớn. Thầm nghĩ vậy, mỗi khi ngã vật bên đường chạy, nghe từng bó cơ nát ra. Những đốt xương có một linh hồn riêng, không đứa nào chịu đứa nào. Đến ý nghĩ cũng vữa vụn, Thầm thấy cuộc đánh đổi này xứng đáng, chịu đau đớn xác thân để nhận lấy trạng thái trống rỗng hoàn toàn, không thương không hận.” (Thầm) [56, tr.59, 60]

Từ giọng xúc cảm đến giọng vô âm sắc, phải chăng Nguyễn Ngọc Tư đã giã từ với lối văn mượn giọng điệu để đi sâu vào thế giới cảm xúc của bạn đọc? Thực ra, nên nhìn nhận sự thay đổi này như một sự trưởng thành trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, có lẽ cả trong tâm hồn con người nhà văn nữa. Nguyễn Ngọc Tư đã biết dùng cái giọng điệu lạnh nhạt, ráo hoảnh để lột tả những day dứt, dằn vặt, cả những nỗi đau xé ruột đứt gan thay vì cứ bộc lộ nỗi buồn trong từng câu chữ như thể không cách nào kìm giữ được. Nếu giọng xúc cảm buộc người đọc phải ngay lập tức đón lấy cảm xúc ấy, chạy theo nó vào thế giới của truyện kể thì giọng điệu vô âm sắc đẩy người đọc ra một khoảng cách vừa phải, đủ để nhìn thấy toàn bộ câu chuyện và con người, để phá mã nghệ thuật, đọc ý nghĩa của các mạch ngầm ngôn ngữ, lấp đầy những khoảng trống rồi mới thực sự thấu hiểu câu chuyện đang được kể. Đến lúc đó rồi, không ai còn nghi ngờ cái giọng thờ ơ đến bạc bẽo của người kể chuyện nữa, bởi ai cũng có thể thấy đằng sau giọng điệu lạnh lùng ấy là những nỗi đau không nói thành lời, những day dứt, dằn vặt, hối hận không thể thốt nên tiếng.

Có thể thấy rằng, giọng điệu vô âm sắc là một bước tiến trong tư duy nghệ thuật về giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư. Loại giọng điệu này như một thứ “vô thanh thắng hữu thanh”, không tấn công mạnh mẽ vào lưới xúc cảm của con người

mà buộc họ phải nghi ngờ, phải khám phá, phải thấu hiểu rồi ắt hẳn sẽ xúc cảm dữ dội hơn, ám ảnh hơn.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 80 - 83)