…tạo sinh “các lớp sóng ngôn từ”

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 74 - 78)

5. Bố cục của luận văn

3.1.3. …tạo sinh “các lớp sóng ngôn từ”

Thế giới ngôn từ trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, như ta đã tìm hiểu, được tạo nên bởi rất nhiều lớp từ ngữ khác nhau. Các lớp từ này kết hợp với nhau, hòa quyện vào nhau, tạo nên phong cách ngôn ngữ dân dã, mộc mạc mà vẫn đầy tính nghệ thuật của nhà văn. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi muốn đi sâu vào những tầng bậc ý nghĩa của ngôn ngữ truyện Nguyễn Ngọc Tư hơn là đặc điểm ngôn ngữ của chúng.

Ngôn từ không chỉ mang ngữ nghĩa. Khi đặt trong nhiều mối quan hệ, trong các khu vực tiếp xúc khác nhau để tạo ra những khoảng trống cho văn bản, ngôn ngữ kiến tạo nên “các lớp sóng ngôn từ”. “Các lớp sóng ngôn từ” nên được hiểu là cách Nguyễn Ngọc Tư vừa đem lại cho ngôn ngữ truyện của mình nhiều lớp ý nghĩa, có tính năng như các lớp kí mã vừa mở ra nhiều tầng bậc giá trị biểu hiện ngay trên bề mặt câu chữ; vừa tạo ra lớp ý nghĩa lắng sâu, trầm tích bên trong mà chỉ khi đọc hết cả tác phẩm, thấu suốt toàn bộ nhân vật, hiểu được những đặc điểm văn hóa vùng miền, người đọc mới có thể lấp đầy những khoảng trống mà nhà văn đã tạo ra cho ngôn ngữ truyện. Ngôn ngữ vẫy gọi người đọc, khiến người đọc thích thú khi được trượt trên “các lớp sóng ngôn từ” ấy: khi thì được ưu tư trong một không gian giữa cánh đồng mênh mông, khi thì trăn trở trước phần người đang nhìn vào mặt cắt của đời sống…

Ở những tập truyện đầu tay, mạch ngầm ngôn ngữ còn khá đơn sơ. Người đọc chỉ cần nắm chắc cốt truyện rồi dùng một vài suy luận đơn giản là có thể “đọc” được những điều nhà văn không viết tỏ tường. Chẳng hạn như trong Cuối mùa nhan sắc có đoạn: “Trách thì oan lắm, lắm khi ông cũng đâu hiểu được bà. Hồng vẫn thường soi cái gương cũ viền đồng có cán để cầm, mặt gương đã ố lấm tấm. Ông Chín thấy

thương lắm, ông lén mua về tráo gương mới vào chỗ bệ cửa sổ rồi lấy cái cũ cất đi. Bà biết ngay là ông, bà giận lắm, mặt lạnh tanh, “Anh tài khôn làm gì, tui đâu có cần gương mới”. Ông cố cãi, “Nhưng cái cũ nó mờ lắm…”. “Mờ mờ tui mới thích”, bà nạt ngang. Không biết tại sao bà lại có ý thích kì cục như vậy.” [50, tr.93]. Dù chính người kể chuyện đã nói “không biết tại sao bà lại có ý thích kì cục như vậy”, nhưng cả bà Hồng, ông Chín lẫn người đọc đều hiểu rõ, bà lưu luyến cái gương cũ vì đó là vật của ông Thường Khanh để lại, còn ông Chín lén đổi cái gương là bởi không muốn bà mãi vấn vương quá khứ.

Trong Nhà cổ cũng vậy. Suốt cả câu chuyện, Út Nhỏ chưa một lần bộc lộ tình cảm dành cho Tứ Phương: “Đương nhiên là không rồi, tình nhân gì hai đứa tôi, tình nhân gì như tôi…” [50, tr.68], nhưng tất cả các nhân vật khác và hẳn là cả bạn đọc nữa, đều nhìn thấy mối tình câm lặng đầy đau khổ của cô. Hay như trong Cái nhìn khắc khoải, đằng sau câu nói nhẹ tênh “Tao đốn tràm, sửa lại cái nhà, ở luôn nghen.”

[50, tr.61] của ông Hai là cả một khát khao cuộc sống bình yên, quyết tâm vượt qua mọi mặc cảm, đắn đo để theo đuổi hạnh phúc của người đàn ông này. Còn câu kết

“Biển người thì mênh mông vậy…” [50, tr.111] trong Biển người mênh mông lại chất chứa toàn bộ băn khoăn, trăn trở của Phi về ông Sáu Đèo, về con người giữa cuộc đời này trong mối quan hệ mỏng manh, trong sự cô lẻ, lưu lạc, dù “biển người thì mênh mông vậy…”.

Dẫu còn khá đơn giản và dễ dàng xâu chuỗi, nắm bắt, nhưng mạch ngầm ngôn ngữ vẫn xuất hiện ở hầu hết các truyện ngắn trong các tập truyện Ngọn đèn không tắt,

Giao thừaCánh đồng bất tận, khiến mỗi câu chuyện đều có chiều sâu nhất định, có những ngập ngừng chưa tỏ của ngôn từ để mời gọi người đọc suy ngẫm, chiêm nghiệm mỗi một chi tiết, sự kiện và rộng hơn nữa là ý nghĩa đằng sau một tác phẩm.

So với những truyện ngắn trước, các truyện ngắn sau này của Nguyễn Ngọc Tư khó đọc, khó hiểu hơn, chính bởi ở đó chứ đựng rất nhiều mạch ngầm ngôn ngữ. Có lẽ vì thế mà phần nhiều các truyện ngắn sau này của chị chỉ bằng một nửa truyện ngắn trước đó, đã chạm rất gần đến thể loại truyện rất ngắn (truyện ngắn mini). Những câu chuyện, trên bề mặt của nó, tưởng như lộn xộn, chồng chéo nhưng ở tầng sâu lại chứa đựng một câu chuyện khác, rõ ràng đến mức ám ảnh.

Cả Biến mất ở Thư ViênXác bụi đều kể về cuộc hành trình kiếm tìm những người đàn ông đã bỏ đi của hai người đàn bà, Hảo đi tìm Sinh trong những quyển sách, Dịu đi tìm nơi Nhu vĩnh viễn nằm lại. Nhưng thực ra, câu chuyện mà Nguyễn Ngọc Tư muốn kể ở đây là cuộc đời của những con người sống mãi với quá khứ mà bỏ lỡ mất những hạnh phúc của hiện tại như tình yêu, gia đình, để rồi ngơ ngác

trước một tương lai mờ mịt: “Giây phút đó, em tự hỏi mình đã làm chi cuộc đời mình?” [52, tr.20].

Cũng kể về một cuộc tìm kiếm, nhưng những nhân vật trong Đánh mất cô dâu

tìm kiếm Ngà chỉ để về làm đám cưới, bởi tiền cưới đã tiêu hết, bởi khách khứa đã đến đông, bởi nếu mà cô dâu bỏ trốn thì chú rể thật mất mặt. Không ai quan tâm Ngà tại sao lại biến mất, biến mất như thế nào, có bị làm sao không… Đằng sau cái cảnh nhốn nháo trước lúc đám cưới bắt đầu là câu chuyện về cuộc đời của những cô gái miền Tây, sẵn sàng bán hạnh phúc của mình cho gia đình thêm được chút tiền trang trải, nhưng rồi ai cũng xem điều đó như nghĩa vụ, như một điều hiển nhiên mà quên rằng họ cũng mất mát, tủi buồn biết chừng nào. Điều đó vẫn còn trăn trở mãi trong đoạn kết truyện của nhà văn: “Cái truyện (dự tính là) có hậu rốt cuộc bỏ lửng, mình không biết có hậu là đưa Ngà trở về như cổ tích thường viết “họ cưới nhau và sống hạnh phúc đến suốt đời” hay cứ để Ngà đi vào miền tăm tích.” [52, tr.78].

Con người biến mất lặp đi lặp lại ở rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư như Điền trong Cánh đồng bất tận, Sói trong Ấu thơ tươi đẹp, “chồng” trong Những biển… Có thể thấy rằng, sự biến mất của một con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đều là nguyên nhân và dự báo có tính tất yếu của một sự đổ vỡ đằng sau nó và ngay sau đó. Nhà phê bình người Đức Katharina Borchardt, thành viên ban giám khảo giải thưởng LiBeraturpreis 2018, đã viết trong diễn từ về Nguyễn Ngọc Tư: “Ở tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng có những con người biến đi một cách vô tăm tích, bỏ lại phía sau những người thân của họ trong đổ vỡ. Các quan hệ xã hội quan trọng chừng nào thì chúng cũng dễ tổn thương và đổ vỡ chừng đó.” [5].

Nguyễn Ngọc Tư dùng “các lớp sóng ngôn từ” như một lưỡi dao sắc bén đi sâu vào những gì đang diễn ra với những con người rất đời thường, những con người lao động tưởng rằng họ sẽ có đời sống bình yên trôi đi như cuộc đời của những người nông dân nhưng không hề như vậy. Nguyễn Ngọc Tư đâu chỉ nói về người nông dân nữa mà đang nói đến sự ảnh hưởng của đời sống hiện đại. Dường như hơi nóng của thị thành đã va đập xuống nông thôn. Xã hội hiện đại đã bao trùm lên mọi ngõ ngách của đời sống: “Cha ở với đám chuồn chuồn cào cào ong mật suốt cả cơn nắng tắt, nghĩ mông lung, tụi chuồn chuồn đã chơi với mình suốt một tuổi thơ sao không đẻ cho mình thấy, hay là mình đã từng thấy nhưng cuộc sống thành thị khiến mình quên đi, tại sao không quên chuyện gì khác mà quên chuyện chuồn chuồn đạp nước? Có quá nhiều chuyện nhân tình thế thái mà cha không quên, có nhiều thằng cha xỏ lá cà khịa đâm sau lưng cha, đáng lẽ nên quên đi cười trọn nụ, để đời nhẹ nhõm mà cha không quên, thì sao lại quên vụ này? Cha thẫn thờ trở vô nhà đúng lúc chú Út cà xình cà xang từ

đằng xóm về, chú say. Cha đã viết cả một tiểu thuyết dài về đứa em này, một điển hình của sự thoái hóa của nông thôn. Những sòng nhậu đông đúc buổi sớm mai, những người nông dân bị mất cảm giác về đất, những bạo hành trong cơn say. Cuốn sách đó cha có đem về nhưng chú không đọc, mà nếu đọc thì chú cũng chẳng hiểu cha đang viết cái gì.” (Chuồn chuồn đạp nước) [54, tr.24, 25]. Tác giả thực ra đang muốn nói về những vấn đề mâu thuẫn trong đời sống. Nhờ “các lớp sóng ngôn từ”, Nguyễn Ngọc Tư thể hiện sự trăn trở, nghiệm suy, đối thoại. “Các lớp sóng ngôn từ” đã trao quyền năng cho ngôn từ, tạo ra các cấu trúc diễn ngôn, những khu vực tiếp xúc, những khoảng trống vẫy gọi người đọc tham gia vào thế giới do nhà văn sáng tạo ra.

Một trong những truyện chứa đựng nhiều khoảng trống cần lấp đầy hơn cả trong tập truyện này chính là truyện ngắn Đảo. Câu chuyện trong tác phẩm trở nên lộn xộn, rời rạc, không biết đâu là thật, là giả bởi những cuộc đời, những cái tên cứ liên tục được “quà” kể lại, cô gái sau ra đời lại phủ nhận sự tồn tại của cô gái trước đó. Sáng chỉ có một cuộc đời “kể không tới ba câu”, còn “quà” có rất nhiều cuộc đời nhưng có thể chẳng cái nào trong số đó là thực. Họ đến với nhau, sống như vợ chồng 27 tiếng rồi biến mất, biệt tăm khỏi đời nhau. Câu chuyện chỉ chừng đó, gây nhiều thắc mắc, băn khoăn trong lòng người đọc về điều mà nhà văn thực sự muốn kể. Có thể, câu chuyện thật của Đảo là cuộc đời của những con người sống như đảo, cùng tồn tại trên cuộc đời này mà sao sợi dây giữa họ mỏng manh quá, dù có thân cận bao nhiêu cũng không đủ để lưu giữ được một cái tên, một chuyện đời, huống gì là ở bên nhau cho quên đi nỗi cô độc của kiếp người, để xoa dịu những nỗi đau trong quá khứ. Cũng có thể, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Như thế, mạch ngầm ngôn ngữ trong những truyện ngắn về sau của Nguyễn Ngọc Tư không còn dừng lại ở việc giải mã một chi tiết, một sự kiện trong tác phẩm mà đã bao quát toàn bộ ý nghĩa của tác phẩm, kéo tác phẩm ra khỏi ý nghĩa đơn lẻ, cá biệt trong một trường hợp để đẩy lên đến mức độ khái quát cao hơn. Nói cách khác, mạch ngầm ngôn ngữ ở đây là một công cụ tích cực để nhà văn truyền tải giá trị thực của một tác phẩm, một truyện ngắn.

Như vậy, việc tổ chức ngôn ngữ truyện thành “các lớp sóng ngôn từ” đã tăng thêm nhiều tầng bậc ý nghĩa cho ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Từ

Ngọn đèn không tắt đến Cố định một đám mây là một sự “gia cố” chặt chẽ thêm, đồng thời mở rộng hơn các khoảng trống ngôn ngữ, xác lập thêm nhiều giao diện diễn ngôn để truyện ngắn có thể đạt đến độ tinh luyện về dung lượng câu từ. Càng ngắn, ngôn ngữ truyện Nguyễn Ngọc Tư càng súc tích, cô đọng, càng nhiều vệt trắng, tầng bậc

mời gọi người đọc phải tư duy, sáng tạo cùng nhà văn trong khám phá tinh thần ngôn ngữ truyện.

Có thể nói, tư duy nghệ thuật về ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn là một lối tư duy toàn diện cả về đặc điểm của ngôn ngữ lẫn ý nghĩa của chúng. Không chỉ kết hợp các lớp ngôn từ để “gọt giũa” ngôn ngữ truyện của mình thành hình dáng tự nhiên nhất, đời thường nhất, Nam Bộ nhất nhưng vẫn đầy tính nghệ thuật, tính thi ca mà chủ thể sáng tạo còn tạo sinh “các lớp sóng ngôn từ” để bồi đắp, lũy thừa các tầng ý nghĩa chứa đựng trong ngôn ngữ; biến bản thân ngôn ngữ thành một “kết cấu vẫy gọi”. Và hơn hết, lối tư duy nghệ thuật về ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư chính là một phương diện quan trọng góp phần làm nên tư duy nghệ thuật trong hành trình sáng tạo của nhà văn này.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 74 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)