5. Bố cục của luận văn
2.2.2. Thời gian đứt nối giữa hai miền ý thức
Hình tượng thời gian được tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư tạo dựng bằng thủ pháp đồng hiện đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Cũng giống như mọi tác phẩm tự sự hiện đại khác, thời gian trong truyện ngắn của chị không phải là thời gian tuyến tính truyền thống. Nguyễn Ngọc Tư cắt thời gian thành từng mảnh nhỏ, sử dụng đồng hiện như một cơ chế để sắp đặt các khoảng thời gian trong một mối tương quan vừa chặt chẽ vừa rời rạc giữa quá khứ và hiện tại. Từ đó, nhà văn không chỉ khắc họa bối cảnh hành động cho các nhân vật của mình mà còn truyền tải những ý nghĩa của bản thân hình tượng.
Một đặc điểm cần làm rõ ở hình tượng thời gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là việc nhà văn mờ hóa thời gian. Trong các truyện ngắn của chị, rất khó để xác định rõ sự việc xảy ra vào tháng mấy, năm nào, trong vòng bao lâu. Nhà văn cũng rất ít khi nói rõ khoảng cách giữa hiện tại với quá khứ đang được hồi cố. Không dừng ở đó, các mốc thời gian tách rời khỏi thời gian lịch sử mà gắn chặt với thời gian vũ trụ. Điều này khiến cho hình tượng thời gian trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhiều lúc trở nên rất gần với thời gian huyền thoại, hay nói cách khác là đã bị huyền thoại hóa một phần nào. Việc mờ hóa thời gian và huyền thoại hóa thời gian khiến cho câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư đứng ngoài dòng chảy của bất cứ một thời đại nào, trở thành một câu chuyện có thể đã xảy ra trong quá khứ, có thể đang xảy ra trong hiện tại và hoàn toàn có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Nó không khiến câu chuyện trở nên nhập nhằng, khó hiểu mà kết nối các sự kiện một cách tự nhiên, khiến ta quên mất bối cảnh
xã hội thực tế của câu chuyện để đi vào khai phá các chiều sâu về mọi kiếp nhân sinh giữa cuộc đời này.
Thời gian hiện tại chính là thời gian người kể chuyện đang đứng để trần thuật lại câu chuyện. Kiểu thời gian này đôi khi được Nguyễn Ngọc Tư đong đếm rất cụ thể như 27 tiếng đồng hồ “quà” đến với Sáng (Đảo); nhưng cũng có lúc chỉ mang tính tương đối như một đêm trở về sáng (Huệ lấy chồng), trước lúc đám cưới bắt đầu (Đánh mất cô dâu), một buổi sáng (Coi tay vào sáng mưa), một chuyến đi về Xẻo Đắng (Đường về Xẻo Đắng)… Trong phần lớn các truyện ngắn, thời gian hiện tại mở rộng khỏi giới hạn cụ thể, biến thành một vài ngày, một vài tháng, thậm chí một vài năm. Điểm chung ở đây là thời gian hiện tại luôn ngắn và đứt đoạn. Dẫu cho có là vài tháng, vài năm đi chăng nữa thì thời gian trần thuật thực chất chỉ là một vài thời điểm trong suốt vài tháng, vài năm đó.
Thời gian hiện tại ngắn và đứt đoạn đã tạo ra những khoảng trống để Nguyễn Ngọc Tư xen vào đó thời gian quá khứ. Vì thế nên, thời gian quá khứ xuất hiện trong các tác phẩm chắc chắn vẫn mang tính chất đứt đoạn, nhưng nó không ngắn mà rất dài, dài trong mối tương quan với thời gian hiện tại. Thời gian quá khứ luôn được tính bằng năm, rất nhiều năm, thậm chí là cả một đời người. Trong Biển người mênh mông, quá khứ bắt đầu ngay cả trước lúc Phi được sinh ra. Hay như trong Cải ơi!, quá khứ không chỉ được kể lại từ khi con Cải bỏ nhà đi mà xen cả những kỉ niệm khi con Cải còn bé. Còn trong Cánh đồng bất tận, quá khứ xa nhất được trần thuật lại là những ngày Nương và Điền vẫn còn ở với má. So với thời gian hiện tại, thời gian quá khứ xuất hiện nhiều hơn, lâu hơn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Tưởng như thời gian thực tại chỉ là một cái cớ, một hoàn cảnh cụ thể để người kể chuyện bắt đầu một câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu trước đó.
Thời gian đứt nối mơ hồ này đã bước vào trang văn Nguyễn Ngọc Tư từ tập truyện đầu tay của chị. Ở tập truyện Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Ngọc Tư đã viết trong truyện ngắn Nỗi buồn rất lạ: “Bao nhiêu năm? Bao nhiêu mùa? Mười, hai mươi, ba mươi… cái đầm Bà Tường đằng trước Xóm Xẻo quê mình hồi xưa sâu biết bao nhiêu giờ đã cạn, xuồng lớn men theo lạch mới chạy được. Mớ đước già nua ven Đầm đã không còn nữa dù chỉ một bóng cây, chói chang là nắng. Ngay như má vậy, ngày xưa xinh đẹp bao nhiêu giờ già cỗi cằn. Trời đất thay đổi, huống chi là con người.”
[57, tr.32].
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư gần như không khai thác thời gian tương lai. Thế nhưng, tất cả các truyện ngắn của chị đều gợi mở về tương lai. Thời gian quá khứ và thời gian hiện tại đan xen lẫn nhau, tạo ra những đường dẫn để người đọc dễ dàng
liên tưởng đến những chuyện sẽ xảy ra dù chưa từng được kể. Điều này khiến dòng thời gian trong tác phẩm không bị đứng lại mà vẫn tiếp tục diễn tiến ở một nghĩa nào đó, và cuộc đời của các nhân vật vẫn tiếp tục được kể lại cả khi câu chuyện đã kết thúc rồi. Có những lúc, nhân vật trực tiếp nói về tương lai của họ: “Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời (…)” (Cánh đồng bất tận) [50, tr.213], “Ngoại bảo chưa biết nữa, đi bụi mà, tới đâu hay tới đó. Nhưng chắc chắn có ghé biển.” (Đi bụi) [52, tr.124], “…vì cái buồn thế tục đó, thầy nghĩ chắc mình phải đi tu chùa xa” (Củi mục trôi về…) [52, tr.134]… Có lúc tương lai mở ra ngay trong một nhận thức về thực tại của nhân vật: “Nhưng mà chờ tới chừng nào lận? Ai mà biết.” (Hiu hiu gió bấc) [50, tr.36], “Biển người thì mênh mông vậy…”
(Biển người mênh mông) [50, tr.111], “Níu được nhau lúc nào hay lúc đó, đời đầy những rủi ro…” (Chụp ảnh gia đình) [52, tr.101]. Quý và Đậm trong Giao thừa cũng khấp khởi mong chờ vào hạnh phúc ở tương lai: “Quý im lặng, dừng xe hẳn. Anh thấy cần nắm lấy bàn tay lạnh giá của Đậm, rất cần. Khi ấy giao thừa đã đi qua…” [53, tr.80]. Những cái kết vẫn còn bỏ ngỏ của Nguyễn Ngọc Tư luôn khiến người đọc day dứt, trăn trở mãi vì một tương lai vô hình sẽ tiếp diễn như thế.
Cùng với hình tượng không gian song hành, hình tượng thời gian đứt nối giữa các chiều thời gian quá khứ - hiện tại để mở ra một tương lai vô hình trong truyện ngắn của của Nguyễn Ngọc Tư cũng cho thấy rõ một tư duy hình tượng rất mới, rất lạ. Tận dụng những ưu thế của tương tác thể loại văn học - điện ảnh, Nguyễn Ngọc Tư đã nhìn nhận và khắc tạo một hình tượng thời gian đứng ngoài những khuôn khổ truyền thống, có sức giãn nở và cô đặc linh động nhờ những cắt ghép, xếp đặt tinh tế. Nhờ đó, hình tượng thời gian trong truyện ngắn của nhà văn này vừa là phối cảnh cho các nhân vật bộc lộ số phận, tính cách, vừa là một hình tượng nghệ thuật mang sức nặng của những quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư về thời gian cuộc đời.