5. Bố cục của luận văn
2.2.1. Không gian song hành trong kiếp “vong thân”
Hình tượng không gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư luôn được tư duy theo lối song hành. Mỗi truyện ngắn đều được tạo dựng bởi một không gian rộng và một không gian hẹp tồn tại song song với nhau, thậm chí còn đan xen vào nhau. Mỗi loại không gian có một hệ thống hình ảnh phái sinh khác biệt, đồng thời biểu tượng cho những tầng giá trị riêng.
Hình tượng không gian rộng lớn xuất hiện trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư dưới hai kiểu không gian cụ thể. Điển hình nhất là không gian sông nước, kinh rạch đặc trưng của Nam Bộ. Kiểu không gian này trở thành bối cảnh rộng lớn cho cuộc sống mưu sinh hằng ngày của những con người bình thường như trong Thương quá rau răm, Cái nhìn khắc khoải, Nhớ sông, Dòng nhớ, Duyên phận so le, Cánh đồng bất tận, Đảo, Sổ lồng, Đường về Xẻo Đắng, Đi bụi. Ở Đảo và Đi bụi, kiểu không gian này còn được nới ra vô tận thành không gian của biển khơi. Bên cạnh kiểu không gian sông nước là không gian của những con đường, những chuyến lưu lạc; như ông Năm Nhỏ “đã đi qua chợ qua đồng, tới rất nhiều quê xứ” [22, tr.8], như ông già Chín “trên những dặm đường phiêu bạt” [22, tr.85] hay như ông Sáu Đèo đã “lội gần rã cặp giò”, “ngõ nào cũng đi hẻm nào cũng tới” [22, tr.109]. Đôi lúc, không gian sông nước kết hợp với những ngõ xóm như trong Lý con sáo sang sông: “Trăm ngã sông, ngàn lối xóm, Phi rành rẽ đất này như một ông thổ địa.” [57, tr.70]. Hình tượng không gian rộng lớn là biểu tượng cho không gian của cuộc đời, miên viễn vô tận, không có bến bờ. Không gian này vừa là bối cảnh tô đậm sự nhỏ bé, nổi trôi vô định của con người giữa dòng đời, vừa tượng trưng cho khát vọng được tự do, được giải thoát của họ.
Song hành với hình tượng không gian rộng lớn là không gian nhỏ bé. Không gian nhỏ bé trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường xuất hiện dưới dạng mái nhà. Đó có thể là một ngôi nhà thực sự như nhà cổ Nhân Phủ (Nhà cổ), nhà “Buổi chiều” (Cuối mùa nhan sắc) và nhà của rất nhiều nhân vật khác. Không gian này có thể mở rộng ra thành không gian xóm trọ, xóm lao động nghèo, xóm nhậu như ngã ba Sương (Cải ơi!), xóm Giồng Mới (Hiu hiu gió bấc), xóm Rạch Chùa (Biển người mênh mông), khu du lịch văn hóa So Le (Duyên phận so le), xóm Lung (Xác bụi), xóm Bưng (Đánh mất cô dâu), xóm Thổ Sầu (Củi mục trôi về…), xóm Thơm Rơm (Tro tàn rực rỡ)… Không gian này cũng có thể thu hẹp lại thành một cái lều vịt (Cái nhìn khắc khoải), chòi canh (Cánh đồng bất tận), buồng ngủ (Huệ lấy chồng) hay nhiều nhất là phòng trọ (Một trái tim khô…, Áo đỏ bắt đèn…). Không gian này còn có những biến thể như một nhà sách (Biến mất ở Thư Viên) hay một ngôi chùa (Củi mục trôi về…). Nhưng dù xuất hiện cụ thể dưới dạng nào đi chăng nữa thì hình tượng không gian nhỏ bé trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đều là không gian của sinh hoạt đời thường, gần gũi và chân thực nhất. Ý nghĩa của không gian này phân chia thành những đối cực. Không gian nhỏ bé là biểu tượng của hơi ấm con người, nơi con người tồn tại với nhau có sự tương tác trong những mối quan hệ (nhà cổ Nhân Phủ, nhà “Buổi chiều”, nhà trong Mưa qua trảng gió, Chụp ảnh gia đình). Mặt khác, phần lớn, không gian này tồn tại như một biểu tượng cho những tù túng, giam hãm của cô đơn, của kiếp người lang bạt một mình giữa cuộc đời. Ta sẽ bắt gặp điều đó qua không gian chiếc giường sát trần tàu trong Ấu thơ tươi đẹp: “Em nằm sát trần tàu, ở cái giường mà nhiều người bất đắc dĩ mới chịu lấy vé chui lên. Họ thấy ngộp trong cái khoảng không gian quá hẹp, rủi mũi ai cao, đụng trần là cái chắc. Nhưng em quen rồi, em thích giường này, thích cái chỗ không ai nhìn thấy mình, còn em thì nép ở trên cao, vô tư nhìn thiên hạ.” [54, tr.57, 58].
Có thể nói rằng, hình tượng không gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư có thể chia thành không gian rộng lớn và không gian nhỏ bé. Hai loại không gian này tồn tại song hành nhưng không hoàn toàn độc lập, bởi giữa chúng có một kiểu không gian giao thoa: không gian thuyền. Miêu tả kiểu không gian này, Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết trong tập Cánh đồng bất tận: “Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa để xoay lưng, để nằm co, để cúi người… mà cũng dài cũng rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh.” [50, tr.112]. Không gian của những chiếc thuyền, ghe hay xuồng máy là biểu tượng cho mối tương quan giữa rộng và hẹp, một mối quan hệ biện chứng. Con người luôn sống
trong ốc đảo chật chội, nhỏ bé của chính mình nhưng đồng thời, họ là một phần tất yếu của cuộc sống ngoài kia, hòa hợp ngay chính trong sự cô lẻ. Ngược lại, dẫu có thể đi đến mọi ngõ ngách, “lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh”, họ vẫn không thể thoát khỏi lồng sắt của cô đơn như những kẻ độc hành giữa cuộc đời.
Như vậy, có thể thấy rõ một điều rằng, tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư hướng đến việc sáng tạo một hình tượng không gian song hành. Đó vừa là những loại không gian song song, giao thoa giữa rộng và hẹp; vừa là những loại không gian mà tự thân nó đã mang hai ý nghĩa, hoặc đối cực hoặc biện chứng. Tất cả phối hợp, tạo thành một hình tượng không gian đa trị, không chỉ dựng nên những những bức phông nền hoàn hảo cho nhân vật “biểu diễn” mà còn tự mình chuyển tải những thông điệp về con người, cuộc đời của nhà văn. Trong kiến giải tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư, hình tượng không gian là hình ảnh mang tính thẩm mỹ của kiếp người, mà không gian song hành chính là kiếp số “vong thân” của nhân loại.