5. Bố cục của luận văn
2.1.3. …phận người mặc định trong khát vọng tinh thần tuyệt đỉnh
Hình tượng con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không chỉ được khai thác dưới góc nhìn tội lỗi hay bản thể cô đơn mà quan trọng, đậm tính nhân sinh, nhà văn trao cho cuộc đời họ quyền được tiếp tục tồn tại trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Dẫu cô đơn đến đâu, dẫu đã phạm phải bao nhiêu lỗi lầm, trong họ vẫn không bao giờ từ bỏ khát vọng hạnh phúc, dù là hạnh phúc chỉ thuộc về một phút giây ngắn ngủi hay hạnh phúc mờ mịt ở tương lai xa ngái.
Hạnh phúc của các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không phải là một mẫu số chung cho tất cả mọi người, cũng không phải là những ước muốn viển vông, xa vời. Điều họ theo đuổi luôn đơn giản đến mức nhỏ bé, đôi khi vụn vặt. Đó là
khát vọng tìm được con của ông Năm Nhỏ (Cải ơi!) hay cô Năm Nguyệt (Coi tay vào sáng mưa), là mong ước con cái mình có cuộc sống yên ổn trên bờ của ông Chín (Nhớ sông), là nguyện vọng được chụp chung một bức ảnh gia đình (Chụp ảnh gia đình) hay chỉ là một trông mong nhỏ nhoi sẽ được chồng nhìn ngắm một lần của Nhàn, của “em” (Tro tàn rực rỡ)… Nguyễn Ngọc Tư kí gửi vào Lý (Sổ lồng) khát vọng được thành thực, được làm chính mình dù chỉ trong những cơn mộng du, mê sảng. Nhà văn còn tạo ra một Ngà (Đánh mất cô dâu), một “ngoại” (Đi bụi) với khát vọng tự do, một “tôi” (Vị của lời câm), một Điền, một Nương (Cánh đồng bất tận) với khát vọng được giao tiếp, giãi bày, được nói thứ tiếng của những người xung quanh.
Trong truyện ngắn Ngổn ngang, Nguyễn Ngọc Tư khép lại trang chữ bằng ước mơ rất đỗi đời thường của nhân vật: “Tự dưng tôi thèm được yêu thương ai đó để chia sẻ dìu dắt nhau đi trên con đường đời ngổn ngang mà vì một nỗi đam mê nào đó tôi đã đánh mất rất nhiều.” [57, tr.69]. Hay trong truyện ngắn Làm má đâu có dễ, chị Diệu ở cái tuổi bốn mươi, sau một đời nhiều vinh quang và gian khổ, đã dừng chân lại ở một mong muốn giản đơn mà đời chị chưa bao giờ làm được: “Chị nói chắc chị thôi nghề hát, về nhà làm con của má, làm má của con. Mặc dầu làm má khó hơn làm nữ vương, nữ tướng nhiều.” [53, tr.97]. Đọc Đời Như Ý, cái đọng lại ở tầng sâu xúc cảm là những giây phút vui vẻ trong ngần của người đàn ông mù phải nuôi sống người vợ “nửa điên nửa tỉnh” [53, tr.63] cùng hai đứa con thơ bằng nghề hát rong và bán vé số: “Theo chú nói thì chú sung sướng thật. Vợ chú đẹp, vui vẻ (vì cười hoài), có đi nhậu vợ cũng không chù ụ như vợ người ta. Không ngã lòng trước sự hào nhoáng xa hoa, chồng người ta sao mà đẹp trai, sao mà giàu hơn chồng mình. Chỉ cần mỗi buổi sáng, chú mua cho vợ hai ngàn đồng cà phê sữa là vợ mừng rưng rưng nước mắt. Chú sung sướng vì còn có hai chị em con Như con Ý, nhỏ xíu mà giỏi, dễ dạy, đẹp đẽ. Nghĩ vậy nên chú Đời phải vui, vui vì vừa lòng với những gì mình đang có.” [53, tr.65]. Hạnh phúc mà họ khao khát tột cùng không hề xa xỉ. Đó là hạnh phúc của riêng họ, hạnh phúc cho cuộc đời họ.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, có khi người đọc không hề bắt gặp một cái kết có hậu, một thân phận đã tìm thấy bến đỗ. Nhưng con người không vì bất cứ một lí do nào, bất cứ một khó khăn nào mà từ bỏ khát vọng hạnh phúc. Đi tìm hạnh phúc là giá trị tồn tại của họ trong cuộc đời này. Và cái cách họ theo đuổi hạnh phúc cũng giản đơn mà mãnh liệt như chính khát vọng của họ vậy.
Các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường chờ đợi để được hạnh phúc như cái cách Hảo chờ Hết quên Hoài (Hiu hiu gió bấc), ông Hai chờ cô Út quên người chồng cũ bội bạc (Cái nhìn khắc khoải), Út Nhỏ chờ Tứ Phương quên Thể (Nhà
cổ), ông Mười chờ dì Thấm quên Nguyễn Thọ (Mối tình năm cũ), ông già Chín chờ cô đào Hồng quên kép Thường Khanh (Cuối mùa nhan sắc), “má” chờ “ba” quên dì Hai Giang (Dòng nhớ), Sương chờ Út Vũ quên được nỗi đau và nỗi hận bị phản bội (Cánh đồng bất tận)… Nguyễn Ngọc Tư thường để nhân vật của mình chờ đợi một sự quên: quên đi những điều làm con người ta đau khổ, như cách cô Thư khuyên chú Sa trong
Chuyện vui điện ảnh: “Cô đã từng kêu chú ráng chờ cho bộ phim đó nguôi đi, phai đi, chắc bà con cũng quên mất đất chớ nhớ làm gì.” [53, tr.38]. Với nhà văn này, quên lãng không phải là một kiểu trốn chạy, mà là một cách để hi vọng vào điều tốt đẹp rồi sẽ ở tương lai, như suy nghĩ của “bà ngoại” trong Rượu trắng: “Và vẫn còn đó hi vọng, lại gặp ai đó để yêu.” [55, tr.81]. Họ chờ đợi lặng thầm trong sự thấu hiểu và vị tha, không đòi đáp lại, nhiều khi còn giấu chặt trong lòng.
Cũng có lúc, con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không từ bỏ hạnh phúc của mình bằng cách đuổi theo một người đã ra đi, như ông Năm Nhỏ đi tìm con Cải (Cải ơi!), ông Sáu Đèo đi tìm vợ (Biển người mênh mông), ông già Chín đi tìm cô đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc) hay Điền đi tìm Sương (Cánh đồng bất tận)… Trong
Thềm nắng sau lưng, Bằng tưởng như sẽ vùi cả đời mình vào ánh nhìn ngóng trông theo bóng người cha có máu giang hồ nay đây mai đó lại bất ngờ nhảy lên chiếc tàu vô tình ghé lại để đuổi theo một tình yêu mơ hồ, phấp phỏng mà chính Bằng cũng không hề hay biết: “Lúc thu tiền, ông chủ tàu đò hỏi Bằng đi đâu, cậu cười, tàu chú đi tới đâu tôi theo tới đó. Ông chưng hửng, trời, vậy nhà cửa chú mầy chỗ nào mới được chớ. Cậu lại cười, lòng nghĩ, nơi nào có người tôi thương nhớ, thì nhà tôi ở đó. Nhưng giờ thì tôi chưa biết nhà cô ấy ở đâu.” [55, tr.75]. Họ cứ đi tìm dẫu biết có thể vĩnh viễn không tìm được, nhưng dấu chỉ nhạt nhòa của hình bóng “diêu bông” vẫn luôn thôi thúc mãnh liệt trong tinh thần, chỉ bởi họ không thể bỏ lỡ hạnh phúc của mình.
Con người ở đó còn biết từ bỏ để được hạnh phúc. Gia đình ông Chín từ bỏ dòng sông gắn bó cả đời để lên bờ, không sống cho mình nữa để sống cho những thế hệ mai sau (Nhớ sông). Xuyến lại từ bỏ tình yêu của Khởi, của anh Năm để được ở bên con (Duyên phận so le). Hậu cũng từ bỏ quá khứ, từ bỏ cả công bằng cho bản thân để sống thanh thản, yên bình (Một trái tim khô…). Họ từ bỏ đâu chỉ vì mình mà còn vì những người họ yêu thương, như cách anh Phi nói với Thà: “Em lấy chồng đi.” [57, tr.79] trong Lý con sáo sang sông, bởi từ bỏ tình yêu của mình chính là cách Phi đẩy Thà về phía hạnh phúc. Những cái kết truyện vẫn còn bỏ ngỏ không chỉ khiến người đọc trăn trở, nghiệm suy về những vỉa tầng ý nghĩa Nguyễn Ngọc Tư chưa nói hết mà còn khiến con người ta phải nhìn lại mình trong những khát vọng hạnh phúc của con người.
Đâu chỉ đấu tranh để kiếm tìm hạnh phúc, con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư còn trở nên chênh vênh giữa cuộc đời. Hạnh phúc của họ đã chết ngày hôm qua và họ không còn nhìn thấy nó ở ngày mai nữa. Trong Xác bụi, Dịu đi tìm hài cốt của Nhu suốt bao nhiêu năm với hi vọng mong manh về một gia đình yên ổn: “Em nghĩ tìm thấy Nhu đã, đưa anh về đất quê nhà, rồi không còn ngoái lại tình cũ nữa, nhà cửa chắc ấm lên.” [52, tr.17]; nhưng đến lúc tìm thấy Nhu rồi, cô mới nhận ra dường như hạnh phúc không còn ở đó nữa: “Giây phút đó, em tự hỏi mình đã làm chi cuộc đời mình?” [52, tr.18]. Điều đó cũng giống như Sáng và “quà” vĩnh viễn sẽ chìm khuất giữa cuộc đời như cát bụi (Đảo), Phước chỉ có thể hoài niệm về một gia đình đủ đầy trong những giấc chiêm bao (Áo đỏ bắt đèn), cô Năm Nguyệt đón đứa con trai thất lạc từ tấm bé về nhà chỉ bằng một bàn tay cụt đến nửa ống (Coi tay vào sáng mưa), “tôi” sống cả đời trong sự câm lặng (Vị của lời câm)…
Hạnh phúc một khi đã tuột khỏi tầm tay thì dường như vĩnh viễn không còn cơ hội để nắm chặt lại giữa năm ngón khát khao, run rẩy. Đọc Tình lơ…, người đọc sao có thể không thôi day dứt, trằn trọc trong nỗi xót xa của dượng Bảy, người đàn ông vì một nhầm lẫn của chính mình mà trút lên người vợ biết bao nhiêu câu “cô không phải người tôi thương” trong suốt hơn ba mươi năm chung sống; để rồi khi “chân yếu, miệng méo, xãi lai nằm một chỗ” [55, tr.42] mới hay mình vĩnh viễn không còn cách nào nói lời yêu thương chân thành với người phụ nữ trong lòng.
Tím trong Nút áo lại hết lần này đến lần khác từ chối cơ hội được hạnh phúc vì không thể nguôi quên bất hạnh của quá khứ: “Tôi mà đi theo anh rồi thì thằng vô lương sẽ thảnh thơi đã đời, vậy đâu được.” [56, tr.29]. Thế là suy nghĩ “cái sự vắng mặt của Tím sẽ làm hắn thoát nơm nớp ám ảnh, vậy thì ông trời làm gì có mắt” [56, tr.29] đã khiến “Sáu Tím chọn làm gai xóc vào mắt vào tim kẻ còn núp trong bóng tối, không làm đàn bà nữa.” [56, tr.29].
Còn kết thúc của Nhiên và Sói trong Ấu thơ tươi đẹp sẽ vĩnh viễn ám ảnh những tâm hồn đã từng đi qua trang văn: “Thằng nhỏ Sói sẽ tan biến như chưa từng có trong đời.” [54, tr.68] và “Em thì mãi mãi ở lại con tàu này bằng một vốc thuốc ngủ vun vén ở mỗi tiệm thuốc tây một chút.” [54, tr.68].
Thế nhưng, giữa bức phông nền u ám về sự mất đi vĩnh viễn của hạnh phúc, Nguyễn Ngọc Tư vẫn khiến người ta cảm thấy ấm lòng vì đã chen vào đây đó một cái kết rất đẹp, rất hậu cho những phận người không bao giờ từ bỏ hạnh phúc. Đó là cuộc sống bên nhau đơn giản, ấm áp đến khi về đất của những con người ngẫu ngộ giữa dòng đời (Mưa qua trảng gió), là tình yêu nảy mầm từ những tội lỗi của quá khứ khi con người biết vượt qua mặc cảm và đau đớn (Củi mục trôi về…), là tâm nguyện được
thực hiện thay cả cho người đã khuất (Đi bụi) hay chỉ là một bức ảnh gia đình đầy đủ cha, má, con và chú chó già (Chụp ảnh gia đình). Đó là sự tha thứ trong cảm xúc rất đỗi hồn nhiên của cô con gái ở Chuyện của Điệp: “Điệp tự dưng nhớ má, thương má. Hằn học với má là khi bắt đầu nghĩ tới má.” [57, tr.56]. Và đó còn là niềm vui đã quay trở lại với chú Sa trong Chuyện vui điện ảnh khi vẫn tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia nơi tình làng nghĩa xóm: “Cũng may mà còn giọt nước mắt buồn tủi của cô Thư vì bộ phim mắc dịch đó ngăn trở, còn cái bóng cô ngồi cửa trước để nhớ nhau. Còn cặp mắt bần thần của ông Tư Cự khi chú Sa một mình qua ngõ, còn những ký ức ngọt ngào về tình cảm của chú với bà con… Chú Sa đã bắt đầu thấy niềm vui cháy le lói trở lại.”
[53, tr.38].
Hành trình truyện ngắn cũng là hành trình trưởng thành của Nguyễn Ngọc Tư trong tư duy về hình tượng con người ở khía cạnh khát vọng tồn tại. Nếu ban đầu là những nhân vật cố chấp với hạnh phúc của mình đến tận giây phút cuối cùng thì về sau lại là những nhân vật khi đứng trước hạnh phúc dường như hụt hẫng nhiều hơn, cũng bình thản nhiều hơn. Nếu ban đầu chỉ là những hành trình theo đuổi hạnh phúc chưa bao giờ chạm đích thì sau đó lại cho ta thấy một lẽ đời rất đỗi quen thuộc: hạnh phúc như một món quà, có thể vĩnh viễn không có được, có thể tự nhiên xuất hiện không báo trước. Nhưng quan trọng hơn cả, điểm chung giữa họ là luôn khát khao hạnh phúc từ trong bản chất, cố chấp bởi vì khát khao, đau khổ cũng chỉ vì quá khát khao. Tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư đã mặc định con người vào trong khát vọng tột đỉnh ấy. Chính nhờ vậy, nhà văn đã nhìn thấy con người ở mặt ích kỉ và cao thượng nhất, nhân bản và nhân văn nhất.
Đã có rất nhiều những công trình khác nhau nghiên cứu về hình tượng con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Trong những công trình đó, ắt hẳn sẽ ít nhiều đề cập đến con người tội lỗi, con người cô đơn hay con người khát khao hạnh phúc. Nhưng khi đặt hình tượng con người của Nguyễn Ngọc Tư dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật, chúng tôi muốn khẳng định rằng nhà văn đã nhìn nhận, tiếp cận và khắc họa con người với một lối tư duy rất mới, một lối tư duy đã chạm vào được đến những cái cốt lõi nằm sâu bên trong con người. Hình tượng con người của Nguyễn Ngọc Tư là những con người lương thiện hơn qua mỗi lỗi lầm, nhận thức bản thể nhiều hơn trong nỗi cô đơn và không bao giờ quay lưng với khát vọng hạnh phúc của chính mình. Theo dòng chảy sáng tạo, tư duy nghệ thuật về hình tượng con người của Nguyễn Ngọc Tư đã chín hơn, mùi hơn, kết tinh được những phát hiện sâu sắc về cái đẹp trong tinh thần con người. Để từ đó, nhà văn truyền cho người đọc sự thấu hiểu, cảm thông và tấm
lòng nâng niu, trân trọng mọi con người trong cuộc đời, những con người bình thường nhất giữa cuộc đời này.