Khôn g thời gian trôi trong “vòng xoay con tạo”

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 60 - 64)

5. Bố cục của luận văn

2.2.3. Khôn g thời gian trôi trong “vòng xoay con tạo”

Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả khi định nghĩa hai khái niệm không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật đều khẳng định rằng, đó là “hình thức bên trong/nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [59, tr.160, 322]. Vì thế, tư duy nghệ thuật của nhà văn không bao giờ có thể sáng tạo hình tượng không gian và hình tượng thời gian trong mối quan hệ hoàn toàn độc lập. Nói cách khác, trong bất kì tác phẩm văn học nào, không gian và thời gian là hai mặt không thể tách rời mà phải cùng nhau tồn tại trong một mối quan hệ chặt chẽ để đảm bảo hình tượng nghệ thuật nói riêng, tác phẩm văn học nói chung là một chỉnh thể. Khi hình

tượng không gian và hình tượng thời gian cùng nhau tồn tại và tương tác, đồng hóa lẫn nhau, sẽ tạo ra hình tượng không - thời gian, một hình tượng nghệ thuật mang tính chỉnh thể.

Từ hình tượng không gian và hình tượng thời gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, có thể nhìn thấy được hình tượng không - thời gian mà tư duy nghệ thuật của nhà văn này hướng tới. Đó là một hình tượng không - thời gian xoay vòng. Trong các tác phẩm, thời gian hiện tại rất ngắn luôn gắn với không gian nhỏ bé, tạo nên không - thời gian hẹp. Ngược lại, thời gian quá khứ và tương lai rất dài lại thường đi đôi với không gian rộng lớn, tạo nên chiều kích không - thời gian giãn nở.

Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn đặt trong khoảng không - thời gian rộng mở đến không - thời gian hẹp, ép mỏng ở khoảnh khắc ngắn ngủi do tốc độ kể chuyện rồi nhanh chóng quay trở lại với giao diện không - thời gian rộng lớn. Ông Năm Nhỏ (Cải ơi!), ông Sáu Đèo (Biển người mênh mông), gia đình Út Vũ (Cánh đồng bất tận), “quà” (Đảo), Diệu (Lưu lạc)… đều đến từ những cuộc hành trình dài miên man qua những con đường, những vùng đất, kinh rạch vô bờ bến, dừng lại một vài tháng, một vài ngày hay chỉ một vài tiếng đồng hồ trong một xóm trọ, một cánh đồng, một đảo hoang, một mái nhà… để gặp một vài người, kể lại hay có khi chỉ nhớ lại một chút về chuyện đời mình, rồi lại tiếp tục lên đường, trở lại với những chuyến viễn du bất tận.

Hình tượng không - thời gian luôn xoay vòng theo đúng một lộ trình như vậy, để vẽ lên trước mắt bạn đọc một cuộc đời rất rộng (về không gian) và rất dài (về thời gian), một cuộc đời miên viễn, vô định và bất biến mà ở trên đó, trong đó, kiếp người nhỏ bé và ngắn ngủi vô cùng, đôi lúc tù đọng và khi nào cũng cô đơn. Hình tượng không - thời gian mang tính chất xoay vòng cũng gợi liên tưởng về vòng quay luân hồi của cuộc đời, đến từ đâu sẽ quay trở lại đó, thực tại luôn ngắn ngủi, chỉ có những cái đã qua và chưa tới mới là vô tận. Và như thế, hình tượng không - thời gian này sẽ biến cuộc đời thành một hành trình không bến đỗ và con người cứ mê mải trong hành trình của chính mình. Chắc chắn rằng, đối với mỗi đối tượng tiếp nhận, hình tượng không - thời gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn mở ra nhiều tầng bậc ý nghĩa hơn thế nữa.

Không dừng lại ở việc kết hợp hình tượng không gian và hình tượng thời gian để tạo nên hình tượng không - thời gian, Nguyễn Ngọc Tư còn tạo nên hình tượng không - thời gian bằng lối tư duy không gian hóa thời gian, thời gian hóa không gian. Điều này tạo nên những chi tiết nghệ thuật mà bản thân nó vừa là không gian, vừa là thời gian. Với phong cách đậm chất Nam Bộ, nhà văn này kí thác cả không gian lẫn thời gian vào mỗi một chi tiết miêu tả thiên nhiên của miền đất này.

Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, không khó để phát hiện ra rằng nhà văn hiếm khi đếm thời gian bằng tháng, bằng ngày hay bằng số tuổi của các nhân vật mà thời gian vẫn thường được đo bằng mùa nắng, mùa mưa, mùa gió, mùa hạn, mùa khô, mùa nước cạn hay nước nổi. Những chi tiết này trở đi trở lại, không chỉ gợi về một thời điểm nào đó đã trở nên quen thuộc trong tâm thức văn hóa của người dân miền sông nước mà còn gợi lên không gian của những cánh đồng, những con sông, những kênh rạch chằng chịt hay một làng quê gần sông, gần biển. Có thể nói rằng, tất cả các chi tiết miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Ngọc Tư đều chứa đựng trong đó cả không gian lẫn thời gian, chúng đồng hóa lẫn nhau, mặc định trong nhau như những gì vốn có trong sinh tồn, tạo thành thế giới linh hồn xuyên suốt mạch truyện kể.

Trong truyện ngắn Lý con sáo sang sông, Nguyễn Ngọc Tư đã mở đầu bằng một không - thời gian như thế: “Bấc về. Như thể trong đời này chỉ còn gió. Gió lạnh căm căm mà khô nẻ môi người ta. Da tôi mốc cời. Tàu chạy lừ lừ dọc theo dòng sông, những quãng không có nhà, sậy mọc thành. Những bông sậy chín mềm, trắng phau phau. Đã nhiều bông lìa cành, trùng trình bay. Nước mặn rin rít da. Nghe gió này là mùa cưới đến.” [57, tr.70]. Không - thời gian trong truyện Nguyễn Ngọc Tư cứ phải đan cài vào nhau cho trọn cái hồn riêng của nó, để gắn bó với những con người đã quen nhìn gió mây, sông nước đếm ngày giờ, năm tháng như cách San trông gió chướng chờ chị Diệu về trong Làm má đâu có dễ: “Chưa khi nào gió chướng mang cái ngọn ráo khô bay qua rạch Bàu Mốp mà chị về nhà.” [53, tr.90]

Như vậy, hình tượng không - thời gian trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được tư duy bằng sự kết hợp lẫn đồng hóa hình tượng không gian và hình tượng thời gian. Điều này giúp cho hai hình tượng không gian và thời gian tồn tại trong mối quan hệ vừa có sự độc lập một cách tương đối, vừa có sự tương tác như một chỉnh thể. Hình tượng không - thời gian như vậy mới chính là bối cảnh bao quát cho một tác phẩm, tạo nên thế giới hoàn chỉnh để nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư tồn tại và hoạt động. Đồng thời, hình tượng không - thời gian còn là biểu tượng cho sự chảy trôi của “vòng xoay con tạo”, cho những quy luật bất biến của cuộc đời. Đó mới chính là cái đích cuối cùng mà Nguyễn Ngọc Tư thực sự hướng đến.

Góc nhìn tư duy nghệ thuật cho ta thấy truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đã tập trung sáng tạo nên các hình tượng không gian, thời gian và không - thời gian diễn tiến song hành hai lớp giá trị: vừa phối hợp lẫn nhau tạo nên bối cảnh tồn tại của con người, vừa mang những giá trị tự thân của một hình tượng nghệ thuật. Tận dụng tối đa ưu thế của tương tác thể loại, Nguyễn Ngọc Tư đã biến hình tượng không gian, thời gian và không - thời gian thành chất liệu tốt nhất để truyền tải những quan niệm về

cuộc đời và mối tương quan của con người khi đặt giữa cuộc đời rộng lớn đó. Và trong dòng chảy tư duy đó, hình tượng con người vốn được xem là hình tượng trung tâm của tác phẩm đã được cộng hưởng, vang ngân trong nhiều giao diện hình tượng không - thời gian. Điều này chứng tỏ tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư xoáy sâu vào bản chất trong sự tồn tại của chúng. Nhà văn không đặt nặng tâm tư ở những dấu hiệu bề mặt mà hướng ngòi bút vào khai thác những giá trị biểu hiện khái quát nhất ở tầng sâu của hình tượng. Muốn “đọc” được một hình tượng trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là phải đọc ở cái tầng sâu mang tính bản chất ấy, “đi sâu vào khám phá những lớp nghĩa, những tầng vỉa sâu xa bên trong các hình tượng nghệ thuật” [58], chỉ có như vậy mới thực sự chạm đến được tư duy nghệ thuật của nhà văn này.

Tiểu kết:

Có thể khẳng định rằng, tư duy hình tượng đã thể hiện sắc nét những vận động, đổi mới trong lối tư duy nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư. Từ hình tượng con người đến hình tượng không - thời gian, lối tư duy nghệ thuật của nhà văn này vẫn thao thiết dòng chảy cơi nới đường biên thể loại để khắc họa tận độ mọi góc cạnh của đời sống. Từ đó, hình tượng nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư không còn đóng khung trong cũi lồng hạn hẹp của một phương thức, phương tiện nghệ thuật nhằm dẫn lối những mạch tư tưởng mà đã đi sâu vào bản chất hiện tồn của cuộc đời, mang những giá trị tự thân, đưa cả thế giới sống muôn hình vạn trạng tràn lấp mỗi trang văn, chữ văn. Lối tư duy hình tượng đó đã đắp nặn nên phong cách độc đáo của nhà văn cũng như góp mình vào vòng xoáy không ngừng vận động và phát triển của tư duy truyện ngắn.

CHƯƠNG 3

TƯ DUY NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU

Tư duy nghệ thuật, về cơ bản, là tư duy hình tượng. Hình tượng là yếu tố quan trọng nhất chứa đựng giá trị của toàn bộ tác phẩm văn học. Tuy nhiên, để làm nên một tác phẩm, nhà văn không thể chỉ sáng tạo mỗi mình hình tượng. Thêm vào đó, hình tượng cũng cần hình thức nghệ thuật biểu hiện cho nó. Vì thế, cùng với hình tượng, tư duy nghệ thuật của nhà văn còn dành một phần lớn vào việc sử dụng ngôn ngữ và lựa chọn giọng điệu trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu Tư duy nghệ thuật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)