5. Bố cục của luận văn
2.1.1. Từ con người tội lỗi
Hình tượng con người phạm phải sai lầm và phải trả giá cho những lỗi lầm của mình không còn là một phát hiện mới trong văn học. Từ những tác phẩm văn học sơ khai đã có thể dễ dàng tìm thấy kiểu con người này. Theo dòng chảy lịch sử văn học, khuôn mẫu con người tội lỗi xuất hiện ngày một dày đặc hơn. Và xuyên thấm trong lối khắc họa kiểu nhân vật này, phần nhiều các nhà văn hướng đến khung giá trị với những biện giải trước một hiện tượng xã hội trong cảm hứng phê phán.
Không theo lối mòn, phạm trù tội lỗi mà Nguyễn Ngọc Tư tri nhận ở con người là cái lẽ tất yếu tồn sinh tự nhiên trong hữu thể người. Đã sinh ra và tồn tại trong cuộc đời này, dù khách quan hay chủ quan, cố ý hay vô tình, con người cũng sẽ mang trong mình đầy đủ mọi dự phần tốt - xấu. Tính chất vô thường trong mỗi kiếp nhân sinh như mặc định trong giao diện của sự sống. Nhận diện bản chất cốt lõi trong hạt nhân cấu trúc nhân vị, Nguyễn Ngọc Tư không hướng ngòi bút đến hóa giải lỗi lầm trượt trên
phương ngã bế tắc từ những hậu quả hữu nhiệm tự nhiên của nó mà tập trung khai thác mặc cảm tội lỗi trong con người, cách họ chịu đựng/chuộc tội/trả giá. Hơn nữa, vượt lên, nhà văn của những kiếp đa đoan đã tiếp cận con người trong chiều sâu bản thể, với niềm tin xác quyết nơi thương chấn đa ngã để nhìn thấy bản chất người trong hành trình vượt thoát quá khứ/vượt lên hữu phần lấm ướt bụi trần mà ngưỡng vọng yêu tin/thương cảm hơn là trách móc trong vô vọng.
Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, trở đi trở lại hình tượng những con người vô tội mà mang tội. Họ đeo nặng trên mình những mặc cảm tội lỗi không phải do chính mình gây nên, nhưng không ai có thể truy ra một thủ phạm khác ngoài bản thân họ. Nhân vật ông Năm Nhỏ trong Cải ơi! mang tiếng cha dượng hà khắc, thậm chí còn bị đồn thổi là một kẻ giết người chỉ bởi đứa con gái riêng của vợ trốn nhà ra đi vì lỡ làm mất cặp trâu. Bác sĩ Văn trong Thương quá rau răm chỉ tạm thời tìm đến cù lao Mút Cà Tha để chữa lành những vết thương lòng; nhưng đứng trước tình cảm nồng hậu của con người nơi đó và tình yêu trong sáng của Nga mà anh vốn không thể đáp lại, Văn phải chạy trốn không khác gì một kẻ phụ bạc. Éo le hơn, Phi trong
Biển người mênh mông từ lúc sinh ra đã là một đứa trẻ mang tội bởi anh là minh chứng cho sự lạc lòng của mẹ và là nỗi sỉ nhục của cha. Còn nhân vật “má” trong Dòng nhớ
cả một đời dằn vặt vì nghĩ rằng hạnh phúc của mình khiến một người đàn bà khác phải bất hạnh.
Càng viết, Nguyễn Ngọc Tư càng tìm thấy ở bản thể nhân loại những tội lỗi lạ kì và phi lí, nhưng không có cách nào trốn thoát được. Truyện ngắn Mộ gió dẫn dắt người đọc vào một sự mất tích không thể lí giải nổi của Võ, thằng bé không trở về nhà sau một chuyến mua gạo. Còn người chị đã nhường cho đòi hỏi ra tiệm bán gạo của em trai, nghiễm nhiên, trở thành nạn nhân đau đớn nhất của trò đời cay nghiệt: “nếu mỗi lần đau là một giọt nước, một hạt cát thì chị thành sông, thành đồi cát năm ba mươi tuổi” [55, tr.58]. Người con gái ấy từ ngày thơ bé đã chôn vùi đời người vào đau khổ như một căn mộ gió, người không nằm đó mà khác nào đã chết đi? “Chị sống một mình. Mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng má thảng thốt kêu Võ, Võ ơi. Mỗi khi định sống cho ra con người thì nhớ ba lúc lâm chung vuốt mãi mắt mới chịu nhắm.” [55, tr.58]. Để rồi đến cái tuổi phải mượn trẻ con hàng xóm nhổ tóc cho, chị “lưng khum khum như một ngôi mộ” [55, tr.59] trước bàn thờ ba má, bên cạnh đứa em trai vừa mới trở về, không hỏi han, chất vấn hay trách mắng điều gì. Vì “Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vạ vật ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà.” [55, tr.59]. Có phải tội lỗi nào đã bắt đầu từ thời khắc chị phôi thai thành kiếp đàn bà chăng?
Hình tượng những con người vô tội mà mang tội trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư còn khiến người đọc phải day dứt, ám ảnh bởi nhiều lúc, tội lỗi trớ trêu ấy gắn liền với nỗi ám ảnh hằn sâu trong kí ức của giống nòi: chiến tranh. Nguyễn Ngọc Tư không lấy bối cảnh thời chiến cho các tác phẩm của mình. Chị tập trung ngòi bút vào mảng màu của hòa bình, của một đời sống không đặt trong hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc hay thời đại. Thế nhưng, trong những cơm, áo, gạo, tiền của vòng xoay bình yên ấy, vết lằn cứa sâu vào da thịt của chiến tranh vẫn hiện tồn rõ rệt trên những trang viết của chị. Truyện ngắn Chuyện vui điện ảnh khắc họa dấu tích không thể xóa nhòa của chiến tranh trong ấn tượng của những người dân ở hẻm Cựa Gà. Nỗi sợ hãi và căm ghét kẻ thù của những con người vốn hiền hậu ấy đã khiến chú Sa phải gánh lấy tội lỗi tày trời khi hóa thân vào vai thằng đại úy Cón ác ôn trong phim đạt quá, giống quá. Bà con lối xóm ngày xưa chan hòa, gần gũi nay lại xa lánh, hắt hủi một người vô tội, để rồi chú Sa ngày càng xa rời hạnh phúc lứa đôi, gia đình mà mình đeo đuổi. Câu chuyện cứ văng vẳng những suy tư, thắc thỏm, hối hận, thất vọng mà không biết trách ai: “Chú Sa thấy đây đúng là một tai nạn, có điều nó hành hạ chú lâu quá, không biết tới chừng nào mới thôi.” [53, tr.37]. Bởi: “Chung quy căn nguồn cũng tại chiến tranh hết, dù chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm rồi.” [53, tr.38].
Cũng trên bức phông nền hòa bình vằn vện những dấu tích chiến tranh, truyện ngắn Vết chim trời găm vào lòng người đọc nỗi đau đớn của nhân vật “cha”, tấn bi kịch được thành hình chỉ từ một câu nói không thể biết được là hiểu lầm hay già lẫn của má ông: “Bây bắn Út Hơn của má chết rồi, con ơi.” [54, tr.7]. Nỗi mất mát hòn máu đỏ ruột thịt đã chỉ dẫn người mẹ già trút tất thảy mọi đau thương lên đứa con còn sống sót. Tội lỗi không cơn cớ khiến một người vô tội như cha phải dùng cả cuộc đời còn lại để hoang mang tự hỏi: “có thật mình đã bắn đứa em ruột thịt của mình?” [54, tr.17] và tự dặn lòng: “đôi khi ta phải trả giá lớn dù chỉ mang một lỗi lầm nhỏ” [54, tr.16], dù lỗi lầm ấy, oái oăm thay, chỉ bởi vì hai anh em ông “đứng ở hai bờ chiến sự” [54, tr.17]. Tội lỗi vô lí ấy đâu chỉ khiến những con người bước qua cuộc chiến quay quắt trong thời bình mà còn xéo nát cả tuổi thơ trong trẻo của những đứa trẻ hồn nhiên, khiến Vĩnh nghiến răng “anh em gì mà bắn chết nhau” [54, tr.16] trước câu dỗ dành “tụi mình là anh em mà” [54, tr.16] của người anh họ đã bên nhau từ tấm bé. Để rồi một đứa bé ở tuổi ăn tuổi chơi phải giật mình nhận ra: “người ta vẫn có thể bị trừng phạt dù không phạm lỗi lầm nào, ví dụ như tôi bị thằng Vĩnh day ngang, không đếm xỉa gì nữa vì một cuộc chiến tranh không mắc mớ tới tôi, tới nó” [54, tr.16]. Nguyễn Ngọc Tư nhìn thấy ở đời người những tội lỗi oái oăm, ngang trái: mình không làm gì, nhưng không trách mình thì trách ai.
Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ phải gánh lấy những tội lỗi “tai bay vạ gió”, mà lắm lúc vì hi sinh cho người mình thương nên phải khoác lên bộ mặt của kẻ ác, rồi nhận đủ miệng đời. Nhân vật chị trong Ngổn ngang phải làm nghề “bán thân nuôi miệng” đã thốt lên rằng: “Đi, đi cho biết nhà tao, cho biết hai đứa con tao, coi tao sống làm sao mà phải làm nghề ngóc đầu không nổi này.” [57, tr.67]. Anh Hết trong Hiu hiu gió bấc vì trả món “nợ sữa” cho má của Hoài mà đâm ra mê mẩn cờ tướng, trở thành kẻ “hết thuốc chữa” trong miệng xóm giềng, bạc bẽo với Hoài đến mức Hoài bỏ đi lấy chồng. Ông Mười trong Mối tình năm cũ thương người vợ (dì Thấm) cứ mãi đau lòng vì chồng trước (Nguyễn Thọ) nên đốt hết tất cả thư từ còn lại của người anh hùng Nguyễn Thọ, khiến thằng Thảo (con dì Thấm và Nguyễn Thọ) bỏ nhà về ngoại ở. Đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc vì nghèo mà phải gởi con cho người ta nuôi, để rồi luôn sống trong nỗi nhớ con và sự tự trách, trong cả những lời ra tiếng vào. Ở Nhớ sông, ông Chín ép gả Giang lên bờ đặng mong con gái có một cuộc sống ổn định, không phải nổi trôi; nhưng nhìn Giang quay quắt vì nhớ sông, nhớ nhà mà bỏ mặc chồng con, cửa nhà vắng lạnh, ông cứ dằn vặt mình: “Tui tính lầm một lần này rồi” [50, tr.119]. Có thể thấy, Nguyễn Ngọc Tư nhận ra ở những ngã rẽ khuất lấp trong hình bóng những con người mang trên lưng gánh nặng tội lỗi này cả những bất đắc dĩ, những xót xa, tủi cực của lòng thương, của tình người.
Tuy nhiên, khám phá hiện thực như vậy không có nghĩa là Nguyễn Ngọc Tư chỉ viết về những con người lí tưởng chưa bao giờ phạm lỗi, xa lạ với thực tại. Nhà văn vẫn tái hiện lên trang viết những vệt đen lầm lỡ không thể xóa mờ của đời người. Đó có thể là sai lầm diễn ra trong lúc con người chìm vào men say như cách ông Sáu Đèo (Biển người mênh mông) nặng lời với vợ khiến vợ bỏ đi, anh Hai Sáng (Bâng quơ khói nắng) lỡ lời với tía khi ông già đang hấp hối hay nặng nề hơn là hành động cưỡng hiếp của nhân vật “gã” trong Củi mục trôi về… . Đó cũng có thể là muôn vàn những lí do khác nhau đẩy con người vào lỗi lầm: “ba” trong Dòng nhớ vì không chịu đựng được nỗi đau mất con mà bỏ lại người vợ trên lênh đênh sóng nước để trở về bờ gầy dựng một gia đình mới, Nhâm trong Một trái tim khô… vì cần tiền cứu sống con mà nhận lời giết thuê, Mỹ Xuyên trong Mùa mặt rụng vì cha ngoại tình mà bỏ nhà đi làm tiếp viên quán nhậu, cô Năm Nguyệt trong Coi tay vào sáng mưa vì mê coi bói mà lạc mất con ở chợ, “cha” và “con” trong Chụp ảnh gia đình vì mải đuổi theo những chuyến đi của đời người mà quên mất gia đình mình, Tam trong Tro tàn rực rỡ vì “hay lên cơn tủi thân” mà năm lần bảy lượt đốt nhà, Út Vũ trong Cánh đồng bất tận lại vì trả thù người vợ phản bội mà lạnh bạc với con cái và làm tổn thương bao nhiêu người đàn bà… Ở truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, đằng sau một “tội nhân” là một câu chuyện, một
nỗi đau, một sự lầm lạc… Nhà văn không viết về những tội lỗi như một minh chứng cho tội ác, cho cái xấu hay sự tha hóa, mà viết cho một lẽ rất đời, rất người: trong suốt hành trình trên cõi sinh phần của đời mình, con người sao có thể tránh khỏi những sai lầm, thậm chí cả những sai lầm nối dài không thể cứu vãn trong ân hận và tiếc nuối.
Như đã nói ở trên, Nguyễn Ngọc Tư không hướng ngòi bút vào quá trình lầm lỗi của con người và hậu quả của nó. Nhà văn tập trung khắc họa quá trình con người chịu đựng sự dày vò của mặc cảm tội lỗi và cuộc hành trình chuộc tội của họ. Truyện Cải ơi! xoay quanh cuộc hành trình đi tìm con của ông Năm Nhỏ, để dắt nó về nhà, để thanh minh với mọi người tội danh mình chưa bao giờ mắc phải là hắt hủi con riêng của vợ khiến nó phải bỏ nhà đi: “Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm, đã đi qua chợ qua đồng, tới rất nhiều quê xứ.” [50, tr.8]. Suốt chừng ấy năm, ông đi đến những nơi đông người, mượn micro nhắn tìm con, thậm chí còn đi ăn trộm để được lên truyền hình, đặng mong con nhìn thấy mình. Còn ông Sáu Đèo trong Biển người mênh mông
đã tìm vợ “gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò rồi mà chưa thấy” [50, tr.109]. Mục đích của cuộc kiếm tìm đằng đẵng ấy chỉ là: “Kiếm để làm gì hả? Để xin lỗi chớ làm gì bây giờ.” [50, tr.109]. Cô Năm Nguyệt trong Coi tay vào sáng mưa sống cả đời trong nỗi hối hận vì đã lạc mất con ở chợ Sương:
“không chịu được cái ý nghĩ mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình, bà bỏ nghề” [52, tr.69]. Nhân vật của Củi mục trôi về… lại đối mặt với tội lỗi của mình bằng cách bắt bản thân trở về quê cũ, đứng trước sự chỉ trích, soi mói của người quen, rồi “Gã lao vào học Phật”, “Gã còn đòi xuống tóc” [52, tr.132] để rồi cuối cùng, “gã” dùng cả đời để chuộc lỗi bằng cách đem lại hạnh phúc cho người con gái đã từng bị mình cưỡng hại.
Không phải lúc nào, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư cũng còn một con đường để chuộc tội, dù cho con đường đó bế tắc hay mịt mù. Rất nhiều trường hợp, con người phải trả một cái giá đắt, trả ngay nhỡn tiền vì không còn cơ hội để sám hối. Nhâm trong Một trái tim khô… vĩnh viễn không thể đến được với Hậu vì một lần duy nhất anh cầm dao đâm người kia, nạn nhân lại chính là người phụ nữ anh yêu. “Anh” trong
Mùa mặt rụng cũng sẽ mãi mãi mất đi đứa con gái vẫn quấn quýt, tin tưởng mình sau khi con bé phát hiện anh ngoại tình. Hai Sáng trong Bâng quơ khói nắng trả cho một lời giỡn hớt lúc say sưa bằng lời trăn trối như án tử của tía: “mày không phải con tao” [52, tr.50] để rồi từ đó sống trong sự nghi ngờ, chối bỏ của tất cả mọi người. Nhân vật Út Vũ trong Cánh đồng bất tận lại trả cho những tháng ngày trút hận thù lên cuộc đời bằng sự mất mát của những người thân yêu nhất: con trai bỏ đi, con gái bị cưỡng hiếp ngay trước mắt. Bản chất của vấn đề không đơn giản đọng lại ở
hiện tượng. Điều đáng nói là dư âm chát chúa của nó sẽ là bản án đóng dấu trong sự đớn đau. Bởi lẽ, dù bất cứ lí do nào, cố ý hay không, khi con người rơi vào vòng xoáy tội lỗi, tất yếu rơi vào trạng thái chấn thương. Khi đó, mọi ám ảnh trùm phủ trong đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác; thậm chí con người phải đánh đổi cả cuộc đời cho những lỗi lầm không thể vượt qua.
Như vậy, mọi sự kiến giải trong tư duy của chủ thể sáng tạo đã xác lập hình thái cho cái thuộc về bản ngã trong con người tội lỗi. Tính hai mặt của vấn đề chính là cái nhìn xa hơn trong giao diện bóng ảnh của tội lỗi, không dừng lại ở khía cạnh biểu hiện cho sự mất đi của nhân tính mà chính là minh chứng cho sự tồn tại của tinh thần nhân tính. Sự lí giải này cũng trả lời cho thắc mắc của người đọc, tại sao trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lại để cho nhân vật phạm lỗi. Có lẽ, khi bước vào thẳm sâu thế giới hữu thể người, nhà văn còn muốn chỉ dẫn thêm cái gọi là bản thể. Và như vậy, khởi nguyên của kiếp người đều có mẫu số chung, chỉ khác là trong ngã rẽ của những công viên giả, những lỗi lầm họ gây ra không hẳn do họ xấu xa, tàn nhẫn hay độc ác, mà chỉ bởi cuộc đời lắm trái ngang này sao có thể để họ sống trong sạch không một lần va vấp. Và cũng còn bởi Nguyễn Ngọc Tư quý cái đau đớn, dằn vặt trong mặc cảm của họ, trọng cái khát vọng được giải thoát, tha thứ của họ hơn tất thảy. Nhân vật của