Vốn vay phải đảm bảo được sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng cho vay
Khi khách hàng đến xin vay vốn, Chi nhánh yêu cầu khách hàng phải ghi rõ mục đích khoản vay trên giấy đề nghị xin vay vốn, kèm theo phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả hoặc phương án tiêu dùng phục vụ đời sống khả thi. Việc vốn vay sử dụng sai mục đích sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của nguồn vốn vay, Chi nhánh gặp khó khăn trong việc quản lý nguồn vốn, ảnh hưởng đến vấn đề trả nợ vay đúng hạn cả gốc và lãi của khách hàng, dẫn đến rủi ro trong hoạt động cho vay.
Tiền vay phải hoàn trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng cho vay
Nguồn vốn cho vay của ngân hàng chủ yếu là có nguồn gốc từ các khoản tiền gửi của khách hàng và các khoản mà ngân hàng đi vay. Nếu các khoản vay này không được hoàn trả đúng hạn thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cũng như uy tín của ngân hàng. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, ngân hàng phải xác định thời hạn cho vay, các ký hạn nợ vay, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc khách hàng trong việc trả nợ. Hết ngày cuối cùng của kì hạn nợ mà khách hàng không trả được nợ thì khoản nợ đó phải chuyển sang nợ quá hạn và tính lãi suất phạt nợ quá hạn.
Trong quá trình cho vay nếu ngân hàng phát hiện được vi phạm của khách hàng thì tùy theo từng trường hợp cụ thể mà ngân hàng áp dụng các chế tài tín dụng thích hợp như thu nợ trước hạn, phát mại tài sản thế chấp, khởi kiện,… để thu hồi vốn.
Đối với các khách hàng được ngân hàng áp dụng hình thức đảm bảo tiền vay là tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng thì ngân hàng và khách hàng kí hợp đồng thế chấp tài sản, khi chưa trả hết nợ và lãi vay thì khách hàng không được nhượng bán khi chưa có ý kiến của ngân hàng.