Sử dụng các kiểu tiêu đề và bố cục văn bản ································

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ của báo hoa học trò (Trang 65 - 73)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu····························································

2.2.2. Sử dụng các kiểu tiêu đề và bố cục văn bản ································

a. Đặc điểm sử dụng các kiểu tiêu đề

Tiêu đề là tên gọi của mỗi tin/ bài trong các thể loại trên báo chí, nó còn có nhiều cách gọi khác như: tít (title), đầu đề, nhan đề, tựa đề,... Xét từ góc độ maket báo thì có nhiều loại tiêu đề: tiêu đề tin/ bài, tiêu đề lớn/ nhỏ, phụ trên/ dưới, tiêu đề dẫn, v.v... Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ tập trung khảo sát tiêu đề lớn của tin/ bài, tức là tên của các tin/ bài viết.

Chúng tôi đồng ý với ý kiến của tác giả Nguyễn Đức Dân [8, tr.80]: “Trước khi nhờ nội dung gây được sự hứng thú thực sự ở người đọc thì cần nhờ hình thức để kích thích sự chú ý bước đầu của họ. Hình thức ở đây trước hết là tiêu đề của bài viết. Tiêu đề làm nên thành công bước đầu của bài báo, không ít bạn đọc có thói quen đọc lướt một lượt các tiêu đề của một tờ báo, một tạp chí rồi mới quyết định có mua hay không. Tiêu đề một bài báo có tầm quan trọng đặc biệt vì nó mang tính áp phích để thu hút người đọc”. Điều đó cho thấy việc đặt tiêu đề là không đơn giản, vì vừa cần nói được nội dung vừa cần phải hấp dẫn. Ngôn từ tiêu đề được cô đúc nhưng vẫn khái quát được những nội dung cụ thể và quan trọng nhất của bài viết.

Số lượng tiêu đề của các tin/ bài trên HHT là rất lớn; Luận văn chỉ tập hợp và phân chia các kiểu tiêu đề có tần số xuất hiện nhiều. Qua khảo sát nguồn cứ liệu, chúng tôi nhận thấy các tiêu đề thường đặt theo những cách thức sau:

* Tiêu đề là một câu:

Kiểu tiêu đề này cung cấp khái quát thông tin chính của tin/ bài, do vậy chỉ cần đọc lướt qua, độc giả cũng có thể có được ý niệm tổng quát về nội dung thông tin mà bài viết phản ánh.

Ví dụ:

- Casino nào phải thiên đường giải trí (trang 8 HHT số 946). - Cô bé trên chiếc xe đạp nhỏ (trang 20 HHT số 991).

- “Đáp đền tiếp nối” tại một quán café (trang 39 HHT số 945). - Quốc Thiên: đã đi qua những ngày mưa (trang 60 HHT số 955). - Chàng thủ khoa “giấy khen nhiều hơn quần áo” (trang 14 HHT số 971).

Đáng lưu ý là các tiêu đề dạng câu hỏi được sử dụng khá phổ biến. Chúng vừa gợi sự phán đoán của độc giả về một vấn đề cần được quan tâm, vừa hứa hẹn câu trả lời thoả đáng ở phần nội dung. Chính vì lý do đó mà tiêu đề câu hỏi thường thu hút được sự chú ý không nhỏ của độc giả. Đây là một thủ pháp nhằm gây sự chú ý, kích thích độc giả, nếu họ muốn biết thông tin thì phải đọc toàn bộ bài báo.

Ví dụ:

- Bằng Raffles còn giá trị không? (trang 11 HHT số 945).

- Vì sao các nhóm đua nhau tăng thành viên? (trang 56 HHT số 955). - Các trung tâm trang điểm đang lừa teen thế nào? (trang 27 HHT 960). - “Chân dài” mất gì trong những giao dịch nghìn đô? (trang 8 HHT số 964). - Trái tim có lớn hơn khi bạn có nhiều tiền? (trang 22 HHT số 946).

Tiêu đề dạng này chứa một vài yếu tố liên quan đến chủ đề của bài báo, mục đích chính là làm cho độc giả tò mò, muốn đọc ngay nội dung bên dưới.

Ví dụ: - Định vị chính mình (trang 10 HHT số 991) - Thềm nhà có bồ công anh (trang 36 HHT số 989) - Chơi xả láng sáng về sớm (trang 8 HHT số 969)

- Gõ cửa nền giáo dục đỉnh nhất thế giới (trang 12 HHT số 949). - Từ chối bạo lực (trang 8 HHT 972).

Trong kiểu tiêu đề này, xuất hiện nhiều là thể loại tiêu đề có dấu chấm lửng. Thông thường đối với ngôn ngữ báo chí, dấu chấm lửng thường được dùng để biểu thị ý người viết không thể diễn đạt hay kể ra hết được, hoặc cấu trúc được dùng do cố ý, thể hiện một sự châm biếm, hài hước, nhằm thu hút sự chú ý của độc giả.

Ví dụ:

- Mốt chơi... sẹo (trang 38 HHT số 961).

- May đồ mới bằng vải... bành (trang 17 HHT số 960). - Sống và chơi... đúng luật (trang 12 HHT số 992).

* Tiêu đề dùng con số:

Những tiêu đề sử dụng con số thường nhằm mục đích nhấn mạnh, gây ấn tượng cho độc giả. Các con số được nêu ra ở tiêu đề diễn đạt một sự kỳ lạ hoặc biểu hiện một tỉ lệ đáng chú ý cho độc giả.

Ví dụ:

- Chàng trai “4.000 fan Facebook” (trang 9 HHT số 991) - Chạy 180m trong một thế giới 220m (trang 39 HHT số 991)

- 8x và thương hiệu hơn 45 tỷ đồng (trang 34 HHT số 945).

- Đà Nẵng: Luyện thi trọn gói... 20 triệu đồng (trang 13 HHT số 955).

Cách sử dụng con số chỉ các số liệu thống kê ngay trong phần tiêu đề đã tạo nên điểm nhấn đáng quan tâm cho thông tin bài viết, giúp thông tin trở nên chân thật, lôi cuốn đối với bạn đọc và độ tin cậy của bài viết cũng được nâng cao hơn.

Tiêu đề là bộ mặt của các tin/ bài trên báo, vì vậy đặt tiêu đề là cả một nghệ thuật. Tiêu đề có thể kích thích trí tò mò, hấp dẫn người đọc nhưng không có nghĩa là giật gân, kích động sự tò mò rẻ tiền, coi thường bạn đọc. Tuy nhiên, HHT là tờ báo dành cho đối tượng bạn đọc trẻ, nên tiêu đề cũng không thể được đặt một cách chân phương, đơn giản, gây ảnh hưởng đến số lượng bạn đọc xem và mua báo, số lượng phát hành thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế kém. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các tin/ bài của HHT đều khai thác được các phương thức đặt tiêu đề phong phú, đa dạng; nhiều loại tiêu đề đã thực hiện rõ chức năng thông tin và tạo được sức hấp dẫn thu hút đối tượng tiếp nhận là lứa tuổi học trò.

b. Đặc điểm bố cục văn bản

Nói đến bố cục văn bản là đề cập đến sự liên kết của văn bản ở cả hai phương diện nội dung và hình thức. “Tính liên kết chính là nhân tố quan trọng nhất có tác dụng biến một chuỗi câu trở thành văn bản” [39, tr.19]. Sự liên kết văn bản được thể hiện ở chỗ: hình thức và nội dung của tất cả các câu trong văn bản đều phối hợp với nhau một cách hài hòa, bổ sung cho nhau để làm nổi bật chủ đề của nội dung chính.

Tìm hiểu đặc điểm bố cục văn bản của các tác phẩm báo chí trên HHT, chúng tôi tiến hành khảo sát các tin/ bài để làm rõ tính liên kết giữa các câu trong cùng văn bản, giữa các văn bản trong cùng một số báo.

* Tính liên kết trong một văn bản:

Qua khảo sát các phương thức liên kết nội tại trong văn bản các tin/ bài của HHT trong năm 2012, chúng tôi nhận thấy các tin/ bài thường sử dụng một số liên kết thông dụng như: phép lặp từ vựng, sử dụng từ thay thế đồng nghĩa, thay thế đại từ, trật tự tuyến tính, v.v... Cụ thể:

+ Phép lặp từ vựng: Nhằm mục đích nhấn mạnh và nhắc lại vấn đề được nêu ra xuyên suốt trong toàn bộ văn bản, phép liên kết này được sử dụng hầu như trong tất cả các tin/ bài trên HHT.

Ví dụ: ĐTH Hà Nội đang tuyển người chơi cho gameshow mới toanh:

“Ai trúng số độc đắc”. Được mua bản quyền từ Anh Quốc, “Ai trúng số độc đắc” (có tên gốc là Have you got the balls?) là một trò chơi trí tuệ với giải thưởng “khủng” lên đến 100 triệu đồng... Gameshow “Ai trúng số độc đắc” chính thức phát sóng vào lúc 19h50 ngày 4/1/2013 trên HTV1. (...) (Tin: Thêm một gameshow thú vị, trang 19 HHT số 991).

+ Sử dụng từ thay thế đồng nghĩa: Cách này thường được sử dụng để thay thế cho từ/ cụm từ có ý nghĩa liên quan nhằm tạo sự sinh động cho thông tin, tránh việc nhắc đi nhắc lại các thông tin được đề cập trong văn bản.

Ví dụ: Ca sĩ Noo Phước Thịnh: “Chàng trai tháng 12” có thể xem là

“đầu đuôi đều Rồng” nên thừa hưởng đặc điểm của tuổi Thìn mạnh mẽ... Noo thành công có lẽ nhờ vào “khả năng thích ứng hoàn cảnh mới” cực tốt của chàng trai tuổi Thìn. (...) (Bài: “Những con Rồng” của showbiz Việt, trang

11 HHT số 940).

+ Trật tự tuyến tính: HHT chủ yếu sử dụng dạng trật tự tuyến tính theo thời gian. Cách sử dụng này nhằm mô tả sự việc với kết cấu nội dung theo một thời gian xuyên suốt hoặc các thông tin mang tính mô tả, thống kê một hoạt động, sự việc cụ thể nào đó.

Ví dụ: 70 cơ sở giáo dục Canada sẽ tham gia Tuần lễ Giáo dục

Canada 2012 tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội từ 7-13/10... Ghi vào sổ nhé: TP.Hồ Chí Minh: 9h - 16h ngày 7/10, tại khách sạn Intercontinental, ngã tư Hai Bà Trưng - Lê Duẩn; Đà Nẵng: 13h - 17h ngày 10/10 tại Đại học Đà Nẵng, 41 Lê Duẩn; Hà Nội: 9h - 16h ngày 13/10 tại Khách sạn Melia, 44B Lý Thường Kiệt. Vào cửa tự do. (...) (Tin: Cơ hội săn học bổng Canada,

trang 24 HHT số 980).

Hoặc là những cảm xúc trôi theo trình tự thời gian qua lời kể của nhân

vật: (...) Ngày đầu tiên bước chân vào trại, tôi cảm thấy lạ lẫm, hụt hẫng vô

cùng!... Buổi sáng chúng tôi phải dậy sớm để tập thể dục... Buổi chiều chúng tôi lại tiếp tục làm việc... Buổi tối vừa ăn cơm xong lại phải làm việc tiếp chứ không như trước tha hồ lướt web, lên Facebook hay đọc truyện... Một ngày, hai ngày rồi một tuần, dần dần tôi cũng quen với cuộc sống trong đây... Hôm nay đã là ngày thứ 21 từ khi tôi vào trại... Tối ngày thứ 30, tôi nằm mãi mà không thể nào ngủ được... Sáng ngày ra trại, tôi chào mọi người rồi lững thững đi ra... (...) (Bài: Câu chuyện thật của tôi: Một tháng trong trại cải tạo,

trang 22 HHT số 974).

+ Thế đại từ: Cách này được sử dụng nhằm vừa rút gọn nội dung thông tin vừa đảm bảo sự liên kết trong văn bản.

Ví dụ: (…) Đến khu đầm diều Quận 7 vào buổi chiều thứ Bảy và Chủ

Nhật hằng tuần, bạn sẽ bắt gặp cô bạn Phạm Ánh Ngọc (lớp 9/2, Trường Quốc tế Á Châu, TP.HCM) phiêu với dù lượn - bộ môn thể thao mạo hiểm thường mặc định chỉ dành cho con trai... Hè năm lớp 8, cô bạn đã mạo hiểm bay dù lượn đôi với bố ở núi Phan Thiết dù chưa được trải qua khoá huấn luyện nào... Hè năm nay, bạn ấy đang hạ quyết tâm sẽ chinh phục bầu trời ở

những độ cao khác nhau bằng dù lượn. (...) (Bài: Nàng “phi công” bản lĩnh,

trang 66 HHT số 956+957).

Ở ví dụ trên, đại từ được thay cho danh từ riêng giúp nội dung bài viết vừa trở nên cô đọng, ngắn gọn, vừa tạo cảm xúc gần gũi cho bạn đọc khi tiếp cận thông tin.

Hoặc: Hiện nay, các loại sách tự tổng hợp đề thi tốt nghiệp, tuyển

sinh ĐH-CĐ các môn + đáp án, do một nhóm anh chị sinh viên thực hiện, đang được chào mời “chui” tại các trường THPT trên địa bàn thành phố... Cảnh báo: Độ chính xác về nội dung của những tài liệu này chưa được kiểm chứng nên teen hãy nhờ thầy cô tư vấn ngay kẻo tiền mất tật mang đấy! (Tin: Cảnh giác với tài liệu ôn thi rởm!, trang 9 HHT số 983).

Trường hợp này, việc sử dụng kết hợp phép thế đồng nghĩa (những tài

liệu) và phép thế đại từ (này) đã có chức năng rút gọn văn bản và liên kết câu

khá chặt chẽ. Cách sử dụng này xuất hiện nhiều trong các tin/ bài của HHT, tạo sự ngắn gọn cần thiết của thông tin; tránh sự lặp lại cụm từ nhiều lần mà vẫn đảm bảo nội dung cần chuyển tải một cách đầy đủ và chính xác.

Kết quả khảo sát những đặc điểm cơ bản về liên kết nội tại trong các tin/ bài trên HHT cho thấy: nhìn chung các PV, BTV, CTV đã sử dụng hiệu quả các phép liên kết trong tác phẩm của mình, đáp ứng yêu cầu chuyển tải thông tin đến cho bạn đọc một cách ngắn gọn, chính xác và dễ tiếp nhận. Việc sử dụng phép liên kết theo trật tự tuyến tính hay quan hệ từ đã liên kết các câu với nhau, giúp cho nội dung thông tin được trình bày theo một trình tự lôgic nhất định, giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận diễn biến của thông tin.

* Tính liên kết các tác phẩm trong cùng một số báo:

Ở mỗi số báo, một yêu cầu được đặt ra là phải luôn đảm bảo cân đối về cơ cấu tin/ bài các chuyên mục, đồng thời sự sắp xếp các tin/ bài phải thống

nhất với maket chung của tờ báo. Nhìn chung, hệ thống các chuyên trang, chuyên mục của HHT được bố trí phù hợp và có tính gắn kết chặt chẽ giữa các vấn đề học tập và giải trí, giữa những tuyến bài mang tính thời sự với những truyện ngắn, thư giãn. Trong đó, thứ tự các tin/ bài của từng thể loại

được ưu tiên sắp xếp: Các chuyên mục chính như: Trò chuyện đầu tuần,

Phóng sự, Bản tin HHT Express,... luôn được xếp ở các trang đầu. Kế tiếp là

các bài viết mang tính tư vấn tình cảm, tâm sinh lý bạn trẻ như: Khám phá

bản thân, Cẩm nang Teen, Cuộc sống là một món quà, Truyện ngắn,...

Các tin/ bài có nội dung giải trí, thư giãn: Tử vi các cung hoàng đạo

Horoscope, Truyện cười bằng tranh, Tiêu điểm showbiz, Anh Chánh Văn,...

thường được đặt ở những trang sau.

Các tin/ bài trong mỗi số báo HHT được xây dựng ổn định, lôgic, trở thành một khuôn mẫu chung, có tính định hình về kết cấu trong việc sắp xếp thứ tự các chuyên mục, bài vở. Chính việc tổ chức trình bày như vậy tạo ra được tính mạch lạc thống nhất cho toàn bộ nội dung của một số báo.

Khảo sát nguồn cứ liệu, có thể nhận ra tính liên kết giữa các tin/ bài trong cùng một số báo theo bố cục chủ đề - đề tài:

Ví dụ: Số báo HHT 986 phát hành ngày 19/11/2012 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vì vậy các tin/ bài trong số này đều có nội

dung về chủ đề thầy cô như: Nghịch cảnh cũng là thầy dạy ta, Ai cũng là thầy

và ai cũng là trò, Nghe thầy cô kể chuyện... gà bông, Những cặp “thầy trò” đáng yêu, v.v...

Tính liên kết trong bố cục các văn bản không chỉ thể hiện rõ qua các bài viết có cùng nội dung về chủ đề - đề tài, mà còn ở cách biểu hiện: trong nội dung của bài viết này có nhắc đến một bài viết khác cùng một số báo.

Ví dụ: Trong bài viết “Dám quăng chiếc mũ mới qua hàng rào” của chuyên mục Trò chuyện đầu tuần trang 7 HHT số 977 có nội dung bàn về tính can đảm của các bạn trẻ, trong đó có đoạn: (...) Chỉ khi đặt mình vào thế

không thể lùi, mới có thể đi vòng quanh thế giới như cô bạn Huyền Chíp đang xuất hiện trên HHT vài số gần đây. (...), thì ở trang 26 cùng số báo này là bài

viết của tác giả Huyền Chíp kể về chuyến đi 1.000 ngày “phượt” khắp thế giới

của mình với tiêu đề: “Phiêu lưu trên những chuyến xe nhờ”. Điều này cho

thấy bố cục các văn bản có sự gắn kết với tính thống nhất cao.

Thống kê cho thấy: các tin/ bài trên HHT đều có chung nội dung đề cập đến các vấn đề về trường lớp, gia đình, thầy cô, bạn bè, suy nghĩ, tình cảm,... của lứa tuổi học trò. Đây chính là sợi dây ý tưởng xuyên suốt, tạo nên sự liên kết thống nhất, ổn định cho toàn bộ nội dung các số báo HHT, đồng thời đây cũng là yếu tố tạo thói quen tiếp nhận cho đối tượng phục vụ đặc thù, là những bạn đọc thường xuyên gắn bó với tờ báo.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ngôn ngữ của báo hoa học trò (Trang 65 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)