1.2.2.1. Bối cảnh
Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn về mọi mặt do sự thiếu hụt nước gây ra và là quốc gia có lượng mưa phân bố không đều theo mùa và theo khu vực. Tổng lượng nước mặt trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 tỷ m3, tập trung ở 11 lưu vực sông lớn bao gồm: sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Hồng - Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Sê San, sông Srepok và sông Cửu Long [5], [21], [20].
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển KTXH đã nảy sinh một số tranh chấp, mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên nước của một số hệ thống sông trong lãnh thổ Việt Nam. Cùng với đó, áp lực về tình trạng thiếu nước đã và đang xuất hiện, sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, cần phải có phương pháp tiếp cận phân bổ nguồn nước.
1.2.2.2. Nghiên cứu về phân bổ nguồn nước
Từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập (từ năm 2002 đến nay), các văn bản pháp quy, quy định, định mức và hướng dẫn kỹ thuật được ban hành và đã có một số nhiệm vụ được triển khai liên quan đến lập quy
hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông. Phân bổ nguồn nước được xem là một quy hoạch thành phần và là cơ sở quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông, đã được quy định tại các văn bản như Nghị định 120/2008/NĐ-CP; Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Ở Việt Nam, đã có một số nghiên cứu về phân bổ nguồn nước. Các nghiên cứu sử dụng công cụ mô hình GAMS để phân tích các phương án phân bổ nước cho lưu vực sông Đồng Nai của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (2009) và cho lưu vực sông Hồng của Tô Trung Nghĩa và nnk (2006), Tô
Trung Nghĩa và Lê Mạnh Hùng (2008), Ringler & Huy (2004) đã phát triển một khung ứng dụng mô hình phân bổ nguồn nước và được thiết lập để xem xét các đối tượng sử dụng nước như nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, sinh hoạt và môi trường theo vị trí của khu dùng nước trong lưu vực. Các nghiên cứu về khôi phục và phát triển nguồn nước lưu vực sông của Nguyễn Văn
Thắng (2010), Ngô Đình Tuấn (2010), Nguyễn Mậu Văn (2000) [17], [18], [8], [31], [39], [41], [75].
Hiện đã có một số nghiên cứu liên quan đến phân bổ nguồn nước ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Các nghiên cứu này sử dụng mô hình NAM kết hợp với Mike Basin để phân tích tính toán cân bằng nước như Viện Quy hoạch Thủy lợi (2002, 2008, 2009, 2010); Lê Thế Trung và nnk (2016); Cục Quản lý tài nguyên nước (2019); Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (2014, 2015); ADB, Monre và EVN (2008), Thân Văn Đón (2020), đồng thời, xem xét các đối tượng sử dụng nước: nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện, sinh hoạt và môi trường (dòng chảy tối thiểu) theo từng vị trí của khu dùng nước trên lưu vực và cân bằng nước theo nhu cầu sử dụng, chưa xem xét đến khả năng của nguồn nước. Lượng nước có thể phân bổ, quản lý vẫn mang tính cung cấp nước và quản lý sử dụng nước vẫn riêng rẽ theo ngành [4], [34], [42], [23], [26], [19], [13], [35], [36], [21].
Vũ Thanh Tâm (2013) đã ứng dụng mô hình phân tích hệ thống nhằm phân bổ hợp lý nguồn nước trong quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Ba, đã xác lập cách thức phân bổ cho các ngành khai thác, sử dụng nước theo địa giới hành chính cấp huyện với thứ tự ưu tiên cấp nước: 1) Cấp nước cho sinh hoạt; 2) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp; 3) Cấp nước cho các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, đặc biệt các cây lương thực (cà phê, điều, chè, thuốc lá, mía, mè); 4) Cấp nước cho nuôi trồng thủy sản; 5) Cấp nước cho sản xuất điện, cải tạo môi trường [28].
Dương Văn Khánh (2011) đã nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định tiêu chí xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, đồng thời ứng dụng các tiêu chí và chỉ tiêu để kiểm chứng cho lưu vực sông Ba, gồm có: tiêu chí sử dụng nước cho đô thị (sinh hoạt, công nghiệp) và nông thôn (sinh hoạt, nông nghiệp) cho giao thông thuỷ, thuỷ điện, du lịch, dịch vụ...; các tiêu chí cần thiết của hệ thống cung cấp nước đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng tới dòng chảy môi trường; các tiêu chí sử dụng nước hợp lý, hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa các ngành dùng nước, giữa thượng và hạ lưu [10].
Nguyễn Chí Công (2014) đã nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xác định mức độ ưu tiên, cơ chế và tỷ lệ chia sẻ nguồn nước trong tình huống thiếu nước; áp dụng thí điểm cho LVS sông Đồng Nai. Kết quả đã xác định được nguyên tắc ưu tiên cấp nước, phương pháp phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước trên LVS Đồng Nai và cân bằng cung cầu trên phần mềm Excel; xác định được tỷ lệ, lượng nước phân bổ cho các tiểu vùng, đối tượng dùng nước ứng với tần suất nước đến là 75% và 85% [1].
Nguyễn Ngọc Hà (2016) đã nghiên cứu phương pháp ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước trong quy hoạch tài nguyên nước, áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Vệ. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xác định giá trị kinh tế sử dụng nước để tìm ra giá trị kinh tế nước, so sánh tương quan lượng nước thiếu các ngành và thiệt hại kinh tế các ngành, từ đó đưa ra phương án phân bổ bằng mô
hình WEAP và WRAM (tối ưu phân bổ nguồn nước cho nông nghiệp). Sử dụng phần mềm LINGO tối ưu hóa các tiêu chí bằng ma trận để tìm ra lợi ích kinh tế cao nhất của các ngành và phân bổ nguồn nước dừa trên giá trị kinh tế nước các ngành thuộc lưu vực sông Vệ [6].
Trần Thị Diễn (2020) đã nghiên cứu, đề xuất cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước liên tỉnh đối với các hồ chứa thủy điện lớn; áp dụng thử nghiệm đối với hồ chứa thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Nghiên cứu cho thấy, cần phải hình thành thể chế cấp lưu vực để làm nền tảng cơ sở cho hoạt động phối hợp, chia sẻ các lợi ích của tài nguyên nước, cụ thể là việc thành lập UBLVS [3].
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (2015) nghiên cứu, xác định khả năng chịu tải và dòng chảy tối thiểu của sông Vu Gia - Thu Bồn. Kết quả đã đánh giá tác động của công trình thủy điện đến dòng chảy, nhu cầu nước hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn; đánh giá cân bằng nước hệ thống và đánh giá khả năng chịu tải của sông [33].
Huỳnh Thị Lan Hương (2009) đã nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước lưu vực sông. Nghiên cứu đã xác định được mâu thuẫn trong sử dụng tài nguyên nước, xây dựng một phần mềm hỗ trợ giải quyết các loại mâu thuẫn này. Từ đó, có thể giảm lượng nước thiếu hụt bằng cách giảm nhu cầu sử dụng và xây dựng các phương án phân bổ nguồn nước, xác định phương án có lợi nhất, phù hợp với quy hoạch chia sẻ phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông [9].
Có thể thấy rằng, tiếp cận quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông ở nước ta mới chỉ được thực hiện trong thập kỷ vừa qua (từ năm 2008 đến nay) dưới dạng nhiệm vụ do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước đặt hàng như Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, liên tục có sự điều chỉnh về hình thức và vị
trí của nội dung phân bổ nguồn nước thuộc quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông. Do đó, vẫn còn khá nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện, đặc biệt là xác định thứ tự ưu tiên, tỷ lệ phân bổ và lựa chọn phương án phân bổ. Đến nay, do nhiều nguyên nhân, kết quả của các nhiệm vụ này vẫn chưa được pháp quy và chưa được ứng dụng trong thực tế.