Thực chất của việc xây dựng phương pháp phân bổ nguồn nước là xác định mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, điều hành và hành vi ứng xử cho nội dung phân bổ nguồn nước mặt ở một lưu vực sông.
Thể chế là hệ thống pháp chế gồm: Hiến pháp, các bộ luật, các quy định, các quy tắc, chế định nhằm hài hòa các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, mọi tổ chức trong một trật tự xã hội, hướng tới sự tổng hòa các lợi ích của cộng đồng.
Thể chế có vai trò đặc biệt trong đời sống KTXH. Nó phản ánh bản chất, chức năng của Nhà nước đương quyền, đồng thời tác động trực tiếp hay gián tiến đến mọi hoạt động xã hội. Có thể nói, thể chế giữ vai trò “chủ đạo” trong mối quan hệ hữu cơ với cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và hành vi ứng xử của mọi công dân.
Để nhận dạng về thuật ngữ “cơ chế”, cũng cần làm rõ khái niệm về nó. Cơ chế có thể hiểu một cách khái quát, đó là một cấu trúc KTXH hoặc cơ cấu tổ chức KTXH như: Quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng; cấu trúc bộ máy nhà nước…, được xác lập bởi một phương thức sản xuất tương ứng (lực lượng sản xuất + quan hệ sản xuất (quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối, quan hệ quản lý) thuộc Nhà nước đương quyền. Do vậy, cơ chế chịu sự tác động trực tiếp bởi thể chế vì thể chế là sản phẩm chính trị “chủ đạo” của Nhà nước, được thể qua hệ thống pháp trị thuộc kiến trúc thượng tầng.
Thể chế là căn cứ về nguyên tắc để hình thành chính sách và chính sách giữ vai trò tác động trực tiếp đến sự vận hành của cơ chế. Như vậy, cơ chế và chính sách có quan hệ tương hỗ. Vậy có thể hiểu như thế nào về chính sách.
Đó là những chủ trương thích ứng với các đặc điểm và điều kiện KTXH của từng giai đoạn phát triển và nhằm vào việc bảo đảm cho sự vận hành đúng hướng và tích cực của cơ chế kinh tế.
Sơ đồ mối quan hệ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và thực hiện ứng xử thể hiện trong hình 2.1.
Hình 2.1: Sơ đồ quan hệ giữa thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế điều hành và thực hiện ứng xử
Phân bổ nguồn nước ở một lưu vực sông cũng nằm trong mối quan hệ hữu cơ có tính ràng buộc như trên [25].
Phân bổ nguồn nước đối với các nước có chủ quyền, thường được thực hiện trong khuôn khổ văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Các văn bản quy phạm này thường được thể hiện qua thể chế, luật pháp có tính riêng ở mỗi quốc gia. Đối với nước ta, nội dung phân bổ nguồn nước đã được Quốc hội ban hành tại Luật Tài nguyên nước năm 1998 và được bổ sung năm 2012. Tiếp sau là nhiều Nghị định, Chiến lược quốc gia và các Thông tư của các Bộ có liên quan đến nội dung quan trọng này.