So với các ngành khác, ngành Công nghiệp điện tử của nước ta mặc dù hình thành muộn nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế. Thống kê cho thấy, năm 2017, Việt Nam hiện đứng thứ 12 thế giới về kết quả xuất khẩu mặt hàng điện tử, với hàng chục tỷ USD/năm. Kết quả này cho thấy, sự đóng góp ngày càng lớn của ngành công nghiệp điện tử vào nền kinh tế nước ta.
Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), quá trình hình thành và phát triển ngành công nghiệp điện tử trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1975-1990:
Xây dựng và phát triển trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam tiếp quản một số xí nghiệp điện tử ở phía Nam, phần lớn là xí nghiệp sản xuất hàng điện tử dân dụng, liên doanh với các công ty Nhật Bản như: Sony, National, Sanyo…và một vài xí nghiệp sửa chữa nhỏ. Các xí nghiệp này cùng với một số xí nghiệp ở miền Bắc đã hình thành nền công nghiệp điện tử non trẻ của Việt Nam vào thời kỳ này. Sau thống nhất đất nước, ngày 3/10/1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316-TTg về việc thành lập Tiểu ban phát triển Công nghiệp điện tử trực thuộc Chính phủ và hoàn tất Phương hướng phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam vào năm 1976.
Vào cuối thập kỷ 80, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã được hình thành với nòng cốt là Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử Việt Nam, với nhiệm vụ sản xuất một số phụ tùng linh kiện cơ bản và lắp ráp sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Giai đoạn 1990 – 2010: Ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam đã bắt đầu
phục hồi và phát triển mạnh kể từ sau năm 1994, với sự tham gia của các doanh nghiệp quốc doanh, các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều công ty điện tử nổi tiếng của các nước đã đầu tư vào Việt Nam
liên doanh với các doanh nghiệp trong nước hoặc đầu tư 100% vốn xây dựng cơ sở sản xuất.
Tốc độ tăng trưởng cả giai đoạn 1990-2010 trung bình hàng năm đạt từ 20- 30%. Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử dân dụng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1991-1995 (35%); Nhóm sản phẩm phụ tùng linh kiện tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 1995- 2000 (30-45%); Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2000-2009 (30-50%)… Tổng sản lượng Công nghiệp điện tử trong nước giai đoạn này cũng tăng trưởng liên tục.
Giai đoạn 2010 – nay: Từ năm 2010 đến nay, ngành Công nghiệp điện tử Việt
Nam đã hòa mình với ngành điện tử khu vực và thế giới. Các sản phẩm điện tử trên thế giới đã tràn vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau: nhập khẩu chính thức linh kiện và bộ linh kiện, nhập khẩu chính thức các sản phẩm nguyên chiếc và các sản phẩm do các liên doanh nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Cùng với quá trình hoàn thiện thể chế kinh doanh, khung pháp lý và một số chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp điện tử, ngành điện tử Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt; số lượng doanh nghiệp đầu tư mới, giá trị sản xuất công nghiệp, chủng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2012-2016, chỉ số tiêu thụ sản phẩm luôn đạt mức cao; đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2013 và đạt mức tăng tương đối ổn định trong giai đoạn 2014-2015, cao hơn nhiều so với chỉ số tiêu thụ sản phẩm chung của toàn ngành công nghiệp chế tạo.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Điện tử Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực điện tử ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn. Bình quân trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,94%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất 35,2%.