Một số nét cơ bản về sản xuất chè trên địa bàn xã Phúc Xuân

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển đổi sản xuất chè theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã phúc xuân, thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên (Trang 41 - 42)

Trong những năm qua, nhờ các biện pháp đồng bộ, xã Phúc Xuân, Thành phố Thái Nguyên đã từng bước xây dựng chè thương hiệu Phúc Xuân vững chắc, đồng thời đẩy mạnh phát triển chè hữu cơ, an toàn và chất lượng cao, giúp nâng cao giá trị và thu nhập của người trồng chè trên địa phương. Qua đó khẳng định, cây chè sẽ tiếp tục là cây trồng chủ lực ở đây với những định hướng ưu tiên khơi dậy, tiềm năng lợi thế.

UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi diện tích trồng chè cũ sang giống mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến chè, đẩy mạnh hoạt động của các làng nghề chè. Xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố tập huấn cho trên 2.300 lượt người dân, chủ yếu về kỹ thuật sản xuất, chế biến chè hữu cơ, chè an toàn, 30% số hộ trồng chè đã chủ động mua các giàn lưới tiết kiệm.

Xã Phúc Xuân có 7 làng nghề truyền thống, một hợp tác xã sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ ( diện tích 25 ha ), sản phẩm đã có mặt trên thị trường quốc tế; một tổ hợp tác trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap

( diện tích 10 ha ), tiến tới, xã sẽ hướng các hộ dân trồng chè trên địa bàn đều theo hướng hữu cơ bền vững.

Hiện nay, tổng diện tích chè của xã là 330 ha được trồng chủ yếu bằng các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao như: LPD1, TRI777,…Tổng sản lượng chè bình quân hàng năm đạt 5.000 tấn/năm, doanh thu ước đạt 94 tỷ đồng/năm. Việc phát triển các mô hình trồng và chế biến chè hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã tiếp tục tập trung phát triển cây chè theo hướng hữu cơ. Theo đó xã đề ra các giải pháp xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết hộ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại góp phần nâng cao giá trị, chất lượng cây chè, phấn đấu giá trị cây chè 1 ha đạt 400 triệu đồng trở lên, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/ năm.

Một phần của tài liệu Giải pháp chuyển đổi sản xuất chè theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã phúc xuân, thành phố thái nguyên, tỉnh thái nguyên (Trang 41 - 42)