Mạch nước cung cấp cho con người dòng nước mát để duy trì sự sống. Ở các quốc gia Đông phương, sự hiện diện của mạch nước trong là một ơn phước lớn cho cả làng. Con người cần nước không chỉ để uống mà còn để giặt giũ, nấu ăn, làm vườn và những công việc cần thiết khác: “Lời nói của miệng loài người giống như nước sâu. Nguồn sự khôn ngoan khác nào cái khe nước chảy” (Ch 18:4) “Miệng người công bình là một nguồn sự sống” (Ch 10:11) “Sự dạy dỗ của người khôn ngoan vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết” (Ch 13:14) Những câu Kinh Thánh trên có cùng ý nghĩa với những điều Gia-cơ viết và nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói.
Nước là nguồn sự sống, và lời nói chúng ta có thể ban sự sống. Dầu vậy, nếu nước không được quản lý tốt sẽ đem đến sự chết và huỷ diệt. Cơn lũ lụt ở thành phố Johnstown bang Pennsylvania vào năm 1889 đã cướp đi 2.200 mạng người và gây tổn thất tài sản trị giá 10 triệu Mỹ kim. “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Ch 18:21).
Tuy nhiên khi chúng ta cúi xuống một nguồn nước để tìm kiếm dòng nước mát, ít khi chúng ta nghĩ đến những cơn lụt. Chúng ta chỉ nghĩ đến sự cung cấp quý báu của dòng nước mát ngọt ngào. Chúng ta không thể sống khoẻ mạnh nếu thiếu nước: “Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm: nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay” (Ch 12:18) Khi đến với các tín đồ ở thành Rô-ma, lời cầu nguyện của Phao-lô đã làm “tươi mới” họ (Ro 15:32-33). Ông cũng thường kể tên những tín đồ đã làm ông vui mừng (ICo 16:18 Phil 1:7,20).
Nước còn có tính chất làm sạch. Trong đền thờ thời Cựu Ước có chuẩn bị sẵn thùng nước để các thầy tế lễ rửa sạch tay chân trước khi hầu việc Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời chính là nguồn nước thuộc linh khiến chúng ta được tinh sạch (Gi 15:3 Eph 5:26-27). Lời nói của chúng ta dành cho người khác cũng có thể làm họ được tinh sạch và thánh hoá. Lời nói chúng ta phải giống như dòng sông được mô tả trong sách Exe 47:1-23 đem đến sự sống cho mọi vật xung quanh.
Cái lưỡi cũng là một quan thể đem đến sự vui mừng, vì nó giống như một cây. Ở những vùng đất được nói đến trong Kinh Thánh, cây có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế: làm cho đất tốt, tạo vẻ mỹ quan, toả bóng mát và ra quả. Lời nói chúng ta có thể là nơi nương náu và yên ủi kẻ lữ hành mệt mỏi, làm no lòng những linh hồn đói khát. “Môi miệng người công bình nuôi dạy nhiều người” (Ch 10:21). Chúa Giê-xu Christ phán “Những lời ta phán
cùng ngươi đều là thần linh và sự sống” (Gi 6:63b). Khi chia sẻ lời Chúa cho kẻ khác, là chúng ta đã dạy dỗ và khích lệ họ bằng lời Ngài.
Phần quan trọng nhất trong cây là phần rễ. Nếu các nhánh rễ của nó bám sâu, cây sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chúng ta đâm rễ trong mọi điều Chúa dạy, lời nói chúng ta sẽ là “trái” của mối tương giao với Chúa. Chúng ta sẽ như “người công bình” trong Thi 1:1-6 và kết quả đúng mùa. Lý do Chúa chúng ta có thể nói những lời “phải lẽ phải lúc”, vì Ngài luôn giữ mối giao thông với Cha trên trời và lắng nghe lời Cha mỗi ngày. Bạn hãy nghe Ngài làm chứng: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy” (Es 50:4). “Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó” (Mac 1:35).
Nếu bạn và tôi muốn có cái lưỡi nói ra những sự vui mừng, chúng ta phải gặp Chúa mỗi ngày để học hỏi nơi Ngài. Chúng ta phải đâm rễ thuộc linh thật sâu trong Lời Ngài, cầu nguyện, suy ngẫm, để Thánh Linh Đức Chúa Trời đầy dẫy trong lòng chúng ta tình yêu và chân lý của Ngài.
Gia-cơ cũng đưa ra một lời khuyên: một mạch nước không thể cùng lúc lại cho ra hai loại nước và cây cũng không thể sanh hai loại quả. Chúng ta đều biết rằng mạch nước ngọt luôn chảy ra nước ngọt, cây vả cho trái vả, cây ô-li-ve cho trái ô-li-ve. Bản chất nào tái sản sinh ra loại nấy.
Nếu cái lưỡi luôn nói ra lời mâu thuẫn, vậy do tấm lòng đã có điều gì đó bất ổn. Tôi nghe nói có một tín đồ nổi cáu về việc làm của mình và buông ra những lời chửi rủa. Sau đó anh ngượng ngùng nói với đối tác của mình: “Tôi không biết tại sao tôi nói vậy. Thật sự tôi không nghĩ vậy”. Nhưng đối tác của anh khôn khéo đáp: “Anh đã nghĩ như vậy, nếu không miệng anh chẳng thể nào thốt ra như vậy được”. Khi Phi-e-rơ phá vỡ mối liên hệ với Chúa, ông cũng thốt ra những lời rủa sả thề thốt, nhưng sau đó ông ra ngoài khóc lóc đắng cay và xưng ra tội lỗi mình.
Cái lưỡi nào vừa nói ra lời lành từ Đức Chúa Trời lại có thể rủa sả con người là vật thọ tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời, vậy cái lưỡi đó rất cần được điều trị bằng phương thuốc thuộc linh! Con người rất dễ dàng có thể hát thánh ca tôn vinh Chúa suốt buổi thờ phượng lại có thể trở về nhà cãi vã với gia đình. Chúng ta không nên hành động như vậy.
Dĩ nhiên, vấn đề không ở tại cái lưỡi, nhưng ở tại tấm lòng. Con người rất dễ chất chứa “sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình (Gia 3:14) “Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người” (Mat 15:18). “Khá giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Ch 4:23). Khi lòng chúng ta đầy dẫy lời Đức Chúa Trời và chúng ta đầu phục Thánh Linh Ngài, Ngài sẽ dùng chúng ta để đem đến sự vui mừng cho kẻ khác. Lúc ấy, chúng ta sẽ như những mạch nước mát ngọt ngào và cây ra quả xum xuê.
Để kết thúc chương này, tôi xin đề nghị các bạn hãy bắt đầu sử dụng những câu nói sau đây để giúp đời sống bạn được đổi mới. Nếu bạn dùng những câu này và nói ra từ chính tấm lòng thành thật của mình, bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời sử dụng bạn để làm nguồn phước an ủi khích lệ nhiều người. Chỉ có vài câu nói nhưng sẽ đem đến cho đời sống bạn kết quả.
- “Xin mời” và “Cảm ơn (bạn)”: Bạn dùng những lời này khi cư xử với người khác để bày tỏ sự tôn trọng của mình.
- “Tôi xin lỗi”: Là phương cách để bạn phá bỏ những bức tường ngăn cách chia rẽ và xây lên những chiếc cầu nối.
- ”Tôi mến bạn”: Bạn cần yêu mến anh em mình và yêu cả kẻ thù nữa. Câu nói này truyền tải một sức mạnh kỳ diệu!
- “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn”: Bạn phải chắc chắn mình sẽ làm được. Nếu bạn có thể nói với Đức Chúa Trời về kẻ khác, vậy cũng có thể nói với kẻ khác về Đức Chúa Trời. Lời cầu thay của chúng ta dành cho người khác sẽ giúp chúng ta giữ mối liên hệ với họ. Đừng bao giờ nói câu “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn” bằng thái độ kiêu ngạo như thể mình “thuộc linh” hơn kẻ khác. Chúng ta cần nói lời ấy bằng thái độ khích lệ để người khác biết rằng họ được chúng ta quan tâm và họ có thể gặp chúng ta tại ngôi ơn phước.
Thật vậy, “kẻ gây rối” bé nhất nhưng ảnh hưởng rộng nhất trên đời chính là cái lưỡi. Nhưng nó không nên là kẻ gây rối! Đức Chúa Trời có thể dùng cái lưỡi chúng ta để đưa dắt kẻ khác vào con đường sự sống và giúp họ vui mừng trong những thử thách của cuộc đời. Cái lưỡi là quan thể bé nhỏ nhưng có sức mạnh tuyệt vời!
Bạn hãy dâng cho Đức Chúa Trời cái lưỡi và tấm lòng bạn mỗi ngày cũng như cầu xin Ngài sử dụng bạn làm nguồn phước cho tha nhân.
8. NGUỒN CỦA SỰ KHÔN NGOAN (Gia 3:13-18)
Sự khôn ngoan là điều dân Do Thái rất cần. Họ ý thức rằng có tri thức vẫn chưa đủ, bạn cần phải có khôn ngoan để có thể sử dụng tri thức ấy một cách đúng đắn. Chúng ta đều biết con người vốn rất thông minh, thậm chí có người là thiên tài, thế nhưng dường như họ không thể thực hiện được những việc đơn giản nhất trong cuộc sống. Con người có thể vận hành những chiếc máy vi tính nhưng không thể điều khiển được đời sống bản thân mình! “Sự khôn ngoan là điều cần nhất, vậy khá cầu lấy sự khôn ngoan” (Ch 4:7).
Gia-cơ tiếp tục khuyên nhủ những tín hữu muốn làm thầy dạy đạo trong Hội Thánh (Gia 3:1). Đứng trước mọi người để dạy dỗ họ, thật chẳng đơn giản chút nào. Bạn phải biết mình sẽ nói gì. Đây là lúc cần có sự khôn ngoan. Tri thức giúp chúng ta phân tích mọi sự, nhưng sự khôn ngoan giúp chúng ta biết kết hợp mọi sự lại và liên hệ chân lý của Đức Chúa Trời vào đời sống hằng ngày. Chúng ta đều biết có những người giảng đạo và dạy kẻ khác nhiều điều tốt lành nhưng lại bỏ qua phần trọng tâm của sứ điệp Đức Chúa Trời và chẳng ứng dụng chân lý vào đời sống hằng ngày. Gia-cơ muốn đề cập đến “tri thức” không có sự khôn ngoan. Ông đang tương phản sự khôn ngoan thật với sự khôn ngoan giả ở 3 phương diện: