“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?” (Gia 4:1). Sự tranh chiến trong lòng người là nguyên nhân khởi phát những tranh cạnh trong Hội Thánh! “Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng chân lý... Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác” (Gia 3:14,16).
Bản chất của tội lỗi chính là lòng vị kỷ. Ê-va bất tuân Đức Chúa Trời vì muốn ăn trái cây trong vườn để trở nên khôn ngoan bằng Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham nói dối về vợ mình vì lòng ích kỷ muốn bảo toàn mạng sống (Sa 12:10-20). A-can gây nên sự chiến bại cho dân Y- sơ-ra-ên vì tham lam muốn giữ những vật đáng diệt ở thành Giê-ri-cô (Gios 7:1-26) “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy” (Es 53:6a).
Chúng ta thường rơi vào tình trạng tranh cãi nhau về niềm tin ở dưới sự trá hình ‘thuộc linh”. Chúng ta giống như Mi-ri-am và A-rôn phàn nàn Môi-se về vợ người, nhưng thật ra có ý ghen tị với quyền hạn của Môi-se (Dan 12:1-16). Chúng ta cũng bắt chước Gia-cơ và Giăng xin được ngồi “bên hữu”, “bên tả” Chúa trong Nước Trời, nhưng thật sự muốn được người ta tôn trọng mình (Mac 10:35-45). Hai điển hình trên là kết quả của lòng ham muốn vị kỷ gây sự chia rẽ và sa ngã trong vòng con cái Đức Chúa Trời. Tội lỗi của Mi-ri-am đã chặn đứng bước tiến của dân Y-sơ-ra-ên trọn một tuần lễ!
Lòng ham muốn vị kỷ là điều tai hại. Nó dẫn đến những hành động sai lầm (“Anh em giết người và ghen ghét, ... anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu” Gia 4:2), thậm chí là lời cầu nguyện không phải lẽ (“Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” – Gia 4:3). Khi cầu nguyện trái lẽ, đời sống chúng ta cũng lầm lạc. Có người nói rằng: mục đích của sự cầu nguyện không phải để ý muốn con người được thực hiện trên trời, nhưng để ý muốn Đức Chúa Trời được làm trọn dưới đất.
“Ngươi chớ tham...” là điều răn sau cùng trong 10 điều răn của Đức Chúa Trời nhưng nếu vi phạm điều răn ấy, bạn có khả năng phạm 9 điều răn còn lại! Sự tham lam khiến con người sát nhân, nói dối, bất hiếu với cha mẹ, tà dâm, và không chóng thì chầy sẽ vi phạm cả luật pháp trọn lành của Đức Chúa Trời. Cách sống vị kỷ và sự cầu nguyện vì tư lợi luôn dẫn đến sự tranh cạnh. Nếu có sự tranh cạnh bên trong, tất yếu sẽ khởi phát sự tranh cạnh ở bên ngoài.
Người tranh chiến với bản thân do những ham muốn vị kỷ thường là người sống bất hạnh! Họ chẳng bao giờ sống một cách vui mừng. Thay vì tạ ơn Chúa về những ơn phước đã nhận được, họ lại than vãn về những điều đó. Họ không thể hoà hợp với người khác vì luôn đố kỵ về những điều người khác đón nhận và hành động. Họ cứ tìm kiếm “điều kỳ diệu” để thay đổi đời sống mình, nhưng nan đề chính đang tồn tại ở trong con người họ!
Đôi lúc, chúng ta dùng sự cầu nguyện như một chiếc áo khoác che đậy những ham muốn thật của mình. Một trong những cái cớ Cơ Đốc nhân thường đưa ra viện dẫn là “nhưng tôi đã cầu nguyện về điều đó rồi”. Thay vì tìm biết ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta lại cho Ngài biết những gì Ngài phải làm! Chúng ta giận dữ khi Ngài không “làm theo” ước muốn của chúng ta. Cơn giận này chiếm ngự trong lòng và bộc phát ra ngoài khiến chúng ta cũng “nổi cáu” với con cái Đức Chúa Trời. Những chia rẽ trong Hội Thánh đều do các tín đồ gây ra khi họ muốn trút cơn “bất mãn” với Đức Chúa Trời xuống những con cái Ngài. Nan đề của Hội Thánh hoặc gia đình sẽ được giải toả nếu con cái Chúa xét lại lòng mình để có thể nhìn thấy những trận chiến đang “hoành hành” trong đó.
Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta là một thể hiệp nhất: tư duy, cảm xúc và ý chí luôn hành động với nhau. Gia-cơ nêu nguyên nhân chúng ta tranh chiến với người khác và bản thân mình thông qua cuộc chiến thứ 3.